header image
Like us on Facebook Follow us on Twitter RSS feeds

Annie Besant

MINH TRIẾT CỔ TRUYỀN

(THE ANCIENT WISDOM)

Tô Hiệp và nhóm dịch thuật Krotona

2010


 



 


LỜI MỞ ĐẦU

Quyển sách này với mục đích cống hiến đến toàn thể độc giả một tóm lược đơn giản, rõ ràng về những giáo huấn Thần Triết. Đồng thời đối với sinh viên huyền môn, nó là nền tảng thích hợp cho những kiến thức sâu xa hơn. Mong sao quyển sách này có thể hữu dụng, như là lời giới thiệu những công trình thâm sâu hơn của bà H. P. Blavatsky, và là nền tảng thích hợp cho sự nghiên cứu của sinh viên.

Những người có nghiên cứu chút ít về Minh Triết Cổ Truyền, đều nhận thấy rằng trí tuệ của họ được soi sáng, bình an, vui tươi và vững mạnh, nhờ những bài học đem đến cho đời sống của họ.

Mong sao có được một số người nghiền ngẫm và nhận được chân giá trị của những giáo lý trong quyển sách này. Đây là lời cầu nguyện, xin gởi khắp thế gian.

Tháng Tám, 1897.

Annie Besant


DẪN KHỞI

NGUYÊN LÝ DUY NHẤT, CĂN BẢN CỦA TẤT CẢ CÁC TÔN GIÁO

Muốn cho hành động được chân chánh ta cần phải có tư tưởng chân chánh, muốn cuộc sống được chân chánh ta cần phải có sự hiểu biết chân chánh, và Minh Triết Thiêng Liêng. Theo danh từ Bắc Phạn cổ truyền, Minh Triết Thiêng Liêng được gọi là Brahma Vidya, theo tiếng Hy Lạp hiện nay là Theosophia. Minh Triết Thiêng Liêng hay Thông Thiên Học xuất hiện trên thế gian như là một triết thuyết thỏa đáng, bao gồm tất cả những nền luân lý và tôn giáo. Có người sùng tín đã cho rằng các thánh kinh Thiên Chúa Giáo bao hàm những chỗ cạn mà một đứa trẻ có thể đi băng qua, và những chỗ sâu mà một người lớn phải bơi qua. Một phát biểu tương tự như thế có thể dành cho Thông Thiên Học, vì một số giáo lý của nó đơn giản và thực tế đến nỗi bất cứ một người trung bình nào cũng có thể hiểu và thực hành được; còn một số giáo lý khác rất cao siêu và thâm thúy đến nỗi những người thông minh nhất cũng phải căng thẳng và nỗ lực hết sức mới thâu nhập được.

Trong quyển sách này, Thông Thiên Học cố gắng trình bày các nguyên lý và chân lý tổng quát một cách đơn giản, rõ ràng và mạch lạc về vũ trụ. Tác phẩm này cũng trình bày những chi tiết cần thiết về sự liên quan giữa các nguyên lý và chân lý này. Một quyển sách giáo khoa sơ cấp, không thể trình bày hết những kiến thức như tác phẩm cao thâm, nhưng nó phải đem lại cho học giả những ý tưởng cơ bản rõ ràng. Thật ra, còn nhiều điều cần bổ túc khi học giả nghiên cứu thêm trong tương lai. Học giả có thể khảo cứu thêm chi tiết về những điều mà quyển sách chỉ trình bày một cách khái lược.

Qua sự khảo sát về những tôn giáo lớn trên thế giới, người ta đều công nhận rằng có nhiều điểm tương đồng giữa các tôn giáo, về phương diện đạo đức và triết học. Tuy sự kiện này được mọi người công nhận, nhưng việc giải thích nó lại là một vấn đề còn đang được tranh luận. Một số người cho rằng các tôn giáo đã phát triển trên sự ngu dốt của con người và do trí tưởng tượng, chúng được trau chuốt dần dần từ các dạng thô sơ của thuyết duy linh và bái vật giáo. Người ta cho rằng có sự giống nhau giữa các tôn giáo là do con người quan sát một cách bất toàn các hiện tượng phổ quát trong thiên nhiên, và giải thích chúng theo óc tưởng tưọng. Sự kính ngưỡng mặt trời và các vì tinh tú được học phái này đưa ra để biện minh cho lập luận của họ, còn việc sùng bái ngẫu tượng dương vật được học phái khác dùng để giải thích cho lập trường của họ. Sự sợ hãi, lòng ham muốn, sự vô minh và sự hoang mang khiến cho người dã man nhân cách hóa các năng lực thiên nhiên. Các giáo sĩ đã lợi dụng sự sợ hãi, niềm hy vọng, những điều hoang tưởng mù mờ và những nan đề không thể giải thích được của họ. Chuyện thần thoại trở thành thánh kinh, biểu tượng trở thành sự kiện, và vì căn bản của chúng vốn phổ quát, nên những tin tưởng chung trong dân gian không tránh được có sự giống nhau. Các vị bác học về “thần học đối chiếu” nói như thế, và người bình thường đành im lặng, nhưng trong thâm tâm, những lý luận đó cũng không thuyết phục được họ. Họ không thể chối bỏ sự giống nhau, nhưng họ cảm thấy lờ mờ rằng, mọi hy vọng thân thương nhất và mọi điều tưởng tượng cao quí nhất, chẳng lẽ chỉ là những điều suy tư ngu dốt. Không lẽ các vị đại lãnh tụ của nhân loại, các vị thánh tử đạo và các bậc anh hùng đã sống, làm việc, đau khổ và chết trong sự lầm lạc, chỉ vì sự nhân cách hóa những dữ kiện thiên văn học, và những điều khiếm nhã được che đậy của người kém văn minh hay sao?

Lời giải thích thứ nhì về sự tương đồng giữa các tôn giáo trên thế giới khẳng định rằng có một giáo lý nguyên thủy được gìn giữ bởi những bậc Đại Đạo Sư tinh thần. Các Ngài vốn là kết quả của các chu kỳ tiến hóa đã qua, các Ngài đóng vai trò giáo huấn và dẫn dắt nhân loại còn ấu trĩ trên địa cầu, và lần lượt ban cho các giống dân của những quốc gia khác nhau, những chân lý cơ bản về tôn giáo bằng hình thức thích hợp nhất với các đặc tính riêng biệt của từng giống dân. Theo quan điểm này, những Vị sáng lập ra các tôn giáo lớn đều là thành viên của một Nhóm Huynh Đệ duy nhất; sứ mệnh của các Ngài được sự trợ giúp của nhiều thành viên cấp dưới, gồm các vị đã được điểm đạo và đủ mọi cấp đệ tử đã phát triển về tâm linh, về tri thức triết học, cũng như trình độ minh triết, và đã được thanh lọc về mặt luân lý đạo đức. Các Ngài hướng dẫn các quốc gia non trẻ trong việc chọn lựa chính thể, ban hành luật lệ, cai quản dân chúng trên cương vị những quốc vương, giáo huấn nhân loại trên cương vị những triết gia, dìu dắt quần chúng trên cương vị những giáo sĩ. Mọi quốc gia thời xưa đều hoài niệm những vị thần nhân cao cả, và anh hùng; các Ngài còn lưu lại di tích trong văn chương, kiến trúc và việc lập pháp.

Trên phương diện truyền thống phổ quát, thật khó mà chối bỏ được sự hiện diện của các nhân vật như thế. Tuy một phần lớn đã bị hủy hoại, song vẫn còn những kinh sách và di tích thời tiền sử mà không ai bác bỏ được. Các thánh kinh Đông Phương là bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy sự cao cả của các Ngài. Những giai đoạn về sau và trong thời hiện đại, chỉ một số ít người có thể tiếp cận được mức độ tâm linh cao cả trong tư tưởng tôn giáo, trong triết lý siêu việt, và trong sự tinh khiết về mặt luân lý đạo đức của các Ngài. Khi ta thấy những kinh sách này chứa đựng các giáo lý về Thượng Đế, về con người và vũ trụ, tất cả đều đồng nhất trên phương diện bản chất, mặc dù biểu lộ ra bằng nhiều hình thức khác nhau, thì không có gì phi lý khi ta quy chúng về một hệ thống giáo lý nguyên thủy trung tâm. Ta gọi hệ thống đó là Minh Triết Thiêng Liêng, danh từ Hy Lạp là Theosophy.

Trên cương vị là nguồn cội và nền tảng của tất cả tôn giáo, nó không thể đối nghịch với bất cứ tôn giáo nào, mà nó là sự thanh lọc của các tôn giáo. Minh Triết Thiêng Liêng nói lên ý nghĩa thực sự giá trị tiềm ẩn bên trong nhiều sự việc, mà người thường cho là vô lý, vì vô minh và mê tín dị đoan. Nó nhận ra và biện giải minh triết ẩn tàng trong mỗi tôn giáo. Khi trở thành người Thông Thiên Học, chúng ta vẫn giữ tín ngưỡng riêng, như một tín đồ Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo. Chỉ có điều là chúng ta trực nhận sâu sắc hơn về đức tin của chính mình, nắm vững hơn về các chân lý tâm linh, cũng như hiểu biết sâu xa hơn về các giáo lý linh thiêng của nó. Thông Thiên Học thời xưa đã khai sinh ra các tôn giáo, Thông Thiên Học thời nay biện minh và bảo vệ các tôn giáo. Thông Thiên Học là tảng đá mà mọi tôn giáo đều được đẽo gọt ra từ đó, là đáy của một cái hố mà mọi tôn giáo đều được đào bới lên. Đối với những sự chỉ trích, nó biện minh cho những ao ước và xúc cảm sâu kín nhất trong tâm hồn nhân loại; nó kiểm chứng những niềm hy vọng của con người, và cho chúng ta niềm tin cao quý về Thượng Đế.

Những phát biểu này ngày càng hiển nhiên và đúng đắn khi ta nghiên cứu nhiều loại thánh kinh trên thế giới. Chỉ cần tuyển chọn một số ít tài tiệu sẵn có cũng đủ xác nhận sự kiện này, từ đó hướng dẫn học giả tìm tòi thêm những bằng chứng khác. Những chân lý tâm linh chính yếu của tôn giáo có thể được tóm lược như sau:

I.                   Có một Bản Thể chân thật vĩnh cửu, vô giới hạn, không thể nhận biết được.

II.                Từ đó Thượng Đế được biểu lộ, triển khai từ nhất nguyên sang nhị nguyên, rồi tam nguyên.

III.             Từ tam nguyên biểu lộ thành nhiều Đấng Thông Tuệ tâm linh, hướng dẫn trật tự vũ trụ.

IV.            Con người là một phản ảnh của Thượng Đế, do đó cơ bản là một tam nguyên. Chân ngã nội giới của con người vốn vĩnh cửu và đồng nhất thể với Đại Ngã của vũ trụ.

V.               Con người tiến hóa bằng cách luân hồi, do sự thu hút của dục vọng, và sẽ được giải thoát nhờ vào minh triết và sự hy sinh. Về mặt hiện thực, con người sẽ trở nên thiêng liêng, vì tiềm năng của con người là thiêng liêng.

Theo sự khảo cứu về nền văn minh xưa đã bị hóa thạch, Trung Quốc là nơi cư ngụ của người Turan, phân chủng thứ 4 của giống dân chánh thứ 4, giống dân này cư trú nơi lục địa đã bị mất tích (Châu Atlantis), hậu duệ của giống dân này rải rác trên khắp thế giới. Người Mông Cổ, phân chủng cuối cùng của giống dân chánh thứ 4, về sau củng cố dân số của mình; vì thế chúng ta thấy ở Trung Quốc có các truyền thống từ thời xa xưa, trước khi giống dân thứ 5 (giống dân Aryan) định cư ở Ấn Độ. Trong Thanh Tịnh Cổ Kinh (Classic of Purity), trích đoạn của một thánh kinh cổ tuyệt vời, cho thấy tinh thần ung dung và bình an, vốn là đặc trưng cho “giáo lý nguyên sơ”. Trong phần giới thiệu cho bản dịch của mình[1], ông Legge nói rằng quyển kinh này được cho là của Ko yuan (hoặc Hsuan), một đạo gia đời Wu (222-227 sau công nguyên), tác giả đã trở thành huyền thoại, người đời cho rằng ông đã đạt được trạng thái bất tử và được gọi là đấng bất tử. Ông thường làm những phép lạ, có một lối sống không tiết độ, và có cung cách kỳ dị. Một lần kia, có chiếc tàu bị đắm, ông ngoi lên từ dưới nước mà quần áo vẫn khô ráo, và thong thả bước đi trên mặt nước. Cuối cùng ông bay lên trời giữa thanh thiên bạch nhật. Những câu chuyện này chắc hẳn sẽ bị người đời sau cho là chuyện tưởng tượng.

Những câu chuyện như thế được lặp đi lặp lại khi nói về các vị đã điểm đạo đủ các đẳng cấp khác nhau, và tất nhiên không phải là chuyện tưởng tượng, nhưng nơi đây chúng ta chỉ chú trọng đến lời giảng giải của chính Ko yuan trong tác phẩm này.

Tôi đã tụng kinh này 10.000 lần trước khi tôi đạt được chân đạo. Những giáo lý này được các Đấng Thánh Linh trên trời thực hành mà chưa truyền đạt cho các học giả nơi hạ giới. Tôi học được kinh này từ Ngài Đông Hoa Đế Quân (Divine Ruler of the Eastern Hwa). Khởi thủy do Tây Vương Thánh Mẫu (Royal-mother of the West) truyền lại cho Kim Môn Thánh Vương (Divine Ruler of the Golden Gate), rồi Kim Môn Thánh Vương truyền lại cho Ngài.

Kim Môn Thánh Vương là tước vị của bậc đã được điểm đạo, trị vì đế quốc Toltec ở châu Atlantis; tước vị này gợi ý rằng Thanh Tịnh Cổ Kinh được mang từ châu Atlantis đến Trung Quốc khi người Turan ly khai với người Toltec. Ý tưởng này được nhấn mạnh thêm qua nội dung của bài khảo luận ngắn bàn về Đạo (Tao), có nghĩa là “Con Đường”; đó là tên chỉ cho Thực Tại Duy Nhất trong tôn giáo cổ truyền của người Turan và Mông Cổ. Bài khảo luận viết rằng:

“Đại Đạo (Great Tao) không có hình tướng, nhưng Nó tạo ra và nuôi dưỡng trời đất. Đại Đạo không có tham dục, nhưng Nó tạo nên sự tuần hoàn của mặt trời và mặt trăng. Đại Đạo không có tên gọi, nhưng nhờ ảnh hưởng của nó mà vạn vật tăng trưởng và được duy trì.” (i, 1).

Đây là sự biểu lộ của Thượng Đế nhất nguyên, và tiếp theo là nhị nguyên:

“Như thế thì Đạo lại biểu hiện thành 2 dạng, thanh và trược, và có 2 trạng thái động và tịnh. Trời thanh, Đất trược, Trời động, Đất tịnh. Dương thanh, âm trược; dương động, âm tịnh. Bản chất trong sạch giáng xuống, sự trọng trược tuôn ra ngoài, cứ như thế vạn vật được tạo ra” (i, 2).

Sự lý thú đặc biệt của đoạn văn này là nó ám chỉ những khía cạnh tác động và tiếp nhận của thiên nhiên, sự phân biệt giữa tinh thần (đấng sinh thành) và vật chất (đấng bảo dưỡng), ý niệm này rất quen thuộc trong các tác phẩm sau này.

Trong Đạo Đức Kinh, giáo lý về đấng không biểu lộ và đấng biểu lộ được trình bày rõ rệt:

“Đạo mà ta có thể bước đi trên đó không phải Đạo bền vững và bất biến. Danh mà ta có thể đặt cho nó một cái tên không phải là Danh bền vững và bất biến. Khi không tên, nó là Đấng sinh hóa ra trời đất; khi có tên, nó là Mẹ của vạn vật… Ẩn dưới hai khía cạnh này thì nó thực sự là như nhau, nhưng khi biểu lộ nó nhận được những tên gọi khác nhau. Chúng ta gọi chung là Huyền Nhiệm” (i, 1, 2, 4).

Một trong các thánh danh mà những học giả Kabalah nhắc đến là “Điều Huyền Nhiệm Ẩn khuất”:

“Như thế, có một điều gì không thể miêu tả được, nhưng hoàn chỉnh, hiện tồn trước khi khai thiên lập địa. Nó rất yên lặng, không hình thể, hiện tồn một mình, bất di bất dịch, hiện hữu khắp nơi và không bao giờ mất. Nó có thể được xem là Mẫu Nghi của vạn vật. Nó không có tên, nhưng tôi miễn cưỡng gọi nó là Đạo (Tao) hay Đại (Great). Nó lưu chuyển không ngừng, khi qua đi, nó trở nên xa xôi, khi ở nơi xa xôi, nó trở lại” (xxv, 1-3).

Thật lý thú khi chúng ta thấy ở đây ý tưởng ra đi và trở lại của Sự Sống Duy Nhất, mà chúng ta rất quen thuộc trong những kinh sách Ấn Độ. Dường như câu thơ sau đây cũng rất quen thuộc:

“Vạn vật dưới bầu trời phát sinh từ Nó với tư cách là sự hiện tồn (và có tên); từ sự hiện tồn đó phát sinh ra điều không hiện tồn (và không có tên)” (XL, 2).

Đó là cách mà một vũ trụ có thể trở thành, Đấng không biểu lộ sinh ra Đấng Duy Nhất, là cội nguồn của nhị nguyên và tam nguyên:

“Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh ra vạn vật. Vạn vật để lại phía sau cái Bóng Tối (từ đó chúng phát sinh) và tiến tới ôm trọn Sự Sáng (trong đó chúng đã xuất lộ), trong khi chúng được điều hòa bởi “Thần Khí Hư Không” (Breath of Vacancy) (xlii,1).

“Thần Khí Không Gian” (Breath of Space) có thể là một từ dịch thuật thích hợp hơn, vì tất cả đều được tạo ra từ Nó, và Nó tồn tại trong tất cả:

“Đại Đạo thấm nhuần vạn vật, nó có thể ở bên trái và bên phải. Nó phủ lên vạn vật một tấm áo choàng, và không tỏ vẻ là chúa tể của chúng; Nó hiện diện nơi các sự vật nhỏ nhất, cũng như lớn nhất. Vạn vật đều trở về nguồn cội của mình rồi tan biến, và không ý thức rằng chính Đại Đạo chủ trì mọi việc” (xxxiv, 1, 2).

Trang Tử (thế kỷ thứ 4 trước công nguyên), khi trình bày về các giáo lý cổ truyền, có đề cập đến các Đấng Thông Tuệ tâm linh xuất phát từ Đạo:

“Nó có nguồn gốc và nền tảng hiện tồn nơi chính Nó. Từ xa xưa, trước khi khai thiên lập địa, Nó đã tồn tại an toàn. Từ Nó phát sinh ra sự hiện tồn huyền nhiệm của linh hồn, và sự hiện tồn huyền nhiệm của Thượng Đế”

(quyển vi, phần i, tiết vi, 7).

Tiếp theo đó là một số hồng danh của các Đấng Thông Tuệ, sự kiện này rất phổ cập và đóng vai trò quan trọng trong nền tôn giáo Trung Quốc, thiết tưởng chúng ta cũng không cần đưa ra thêm các trích dẫn khác.

Theo ông Legge, Đạo giáo cho rằng con người là một tam nguyên, có tinh thần, tâm trí và xác thân. Sự phân chia này được thấy rõ trong “Thanh Tịnh Cổ Kinh”, dạy rằng con người phải từ bỏ dục vọng để đạt tới mức hợp nhất với Đấng Duy Nhất. Tinh thần con người thích sự thanh tịnh, nhưng cái trí làm cho nó bị khuấy động. Tâm trí con người thích sự tĩnh lặng, nhưng các ham muốn của họ lôi kéo nó đi. Nếu con người luôn luôn có thể xua đuổi hết các ham muốn của mình, thì tâm trí của họ sẽ trở nên tĩnh lặng. Con người hãy làm cho tâm trí trở nên trong sáng, và tinh thần trở nên thanh tịnh. Sở dĩ con người không thể đạt được điều này, vì tâm trí chưa được tẩy sạch, và dục vọng chưa được xua đuổi hết. Nếu người ta có thể xua đuổi hết các ham muốn, khi ấy họ nhìn vào tâm trí của chính họ, nó không còn là của họ nữa, khi họ nhìn ra cơ thể của họ, nó cũng không còn là của họ nữa, và khi họ nhìn ra xa, nhắm vào các sự vật bên ngoài, thì họ chẳng còn bị vướng mắc nữa” (i, 3, 4).

Sau khi trình bày các giai đoạn rút về “tình trạng tĩnh lặng hoàn toàn,” quyển sách tiếp theo:

“Trong tình trạng yên nghỉ không tùy thuộc vào nơi chốn, làm thế nào dục vọng có thể nảy sinh ra được? Và khi không còn sự ham muốn nào nảy sinh nữa thì có sự tĩnh lặng và yên nghỉ chân thực. Sự tĩnh lặng chân thực đó trở thành đặc tính thường hằng, và đáp ứng với các sự việc bên ngoài (mà không sai lầm); thật vậy, đặc tính chân thực và thường hằng đó chính là bản chất tự nhiên. Trong sự đáp ứng tĩnh lặng thường hằng như thế sẽ có sự thanh tịnh và yên nghỉ thường hằng. Người nào có được sự thanh tịnh tuyệt đối này sẽ dần dần nhập vào (nguồn cảm hứng của) Chân Đạo” (i, 5).

Từ ngữ « nguồn cảm hứng » được dùng tạm, không diễn đạt rõ ràng ý nghĩa, vì sự nhập vào Đạo vốn phù hợp với toàn thể ý tưởng này, cũng như với các thánh kinh khác.

Đạo giáo cũng chú trọng tới việc diệt dục; một nhà bình luận về Thanh Tịnh Cổ Kinh nhận xét rằng, việc hiểu Đạo tùy thuộc vào sự thanh tịnh tuyệt đối, và việc đạt được sự thanh tịnh tuyệt đối này hoàn toàn tùy thuộc vào vấn đề diệt dục, đó là bài học thực tế cấp bách của bộ khảo luận này.

Đạo Đức Kinh nói:

“Chúng ta phải luôn luôn vô dục,

Nếu muốn tìm sự bí nhiệm thâm sâu của nó;

Nhưng nếu dục vọng vẫn còn hiện diện bên trong,

Chúng ta chỉ thấy được phần bên ngoài của nó” (i, 3).

Sự luân hồi dường như không được dạy rõ rệt như người ta mong đợi. Mặc dù có những đoạn văn ám chỉ ý tưởng chính về sự luân hồi, và thực thể được coi như sinh ra trong loài thú, cũng như trong loài người. Trang Tử kể một câu chuyện kỳ dị nhưng minh triết, về một người sắp chết, có một người bạn nói với người ấy:

“Đấng Tạo Hóa quả thật là vĩ đại! Ngài sẽ làm cho bạn trở thành gì? Ngài sẽ đưa bạn đến đâu? Liệu Ngài sẽ biến bạn thành gan con chuột hay tay chân con côn trùng?” Szelai trả lời: “Bậc cha mẹ bảo đứa con đi bất cứ nơi đâu, đông, tây, nam, bắc, nó phải tuân lệnh. Thế mà đây là thợ đúc vĩ đại, đúc kim loại của ông ta. Nếu kim loại nhảy dựng lên (trong cái bình) và nói rằng: “Tôi phải được làm thành (một cây gươm giống như) Moysh,” thì người thợ đúc vĩ đại ắt hẳn coi nó là quái gở. Như vậy, nếu một hình thể đang được tạo ra trong cái khuôn tử cung, nói rằng: “Tôi phải trở thành con người, tôi phải trở thành con người,” thì Đấng Tạo Hóa ắt hẳn coi nó là quái gở. Khi ta hiểu rằng trời và đất là một lò luyện kim vĩ đại, và Đấng Tạo Hóa là một thợ đúc vĩ đại, thì đi tới đâu cũng tốt cho chúng ta. Sinh ra từ một giấc ngủ yên lặng, chúng ta chết để thức dậy bình an” (quyển vi, phần i, tiết vi).

Xét đến giống dân thứ năm, Aryan, chúng ta cũng thấy giáo lý ấy được thể hiện trong tôn giáo lớn nhất và xưa nhất của người Aryan – Bà La Môn Giáo. Trong kinh “Chhandogyopanishad” có nói sự hiện tồn vĩnh cửu là “Độc nhất vô nhị” và trong đó có viết rằng: “Cái Đó” muốn Tôi sinh sôi nảy nở vì ích lợi của vũ trụ” (vi, ii, 1, 3).

Thượng Đế Tối Cao, Brahman, có 3 Ngôi (Bản Thể, Tâm Thức, Toàn Phúc), và:

“Từ điều này phát sinh ra sự sống, tâm trí và tất cả giác quan, dĩ thái, gió, lửa, nước, đất, để nâng đỡ vạn vật” (Mundakopanishad, ii, 3).

Ngoài các thánh kinh Ấn Độ, chúng ta không thể tìm thấy sự mô tả nào vĩ đại hơn về Thượng Đế, và chúng đang trở nên quen thuộc đến nỗi chỉ cần những đoạn trích dẫn ngắn gọn như sau cũng đủ:

“Biểu hiện gần gũi, chuyển động nơi bí mật, chỗ trú vĩ đại; mọi vật chuyển động, hít thở và nhắm mắt, yên nghỉ nơi đây. Hãy biết Cái Đó phải được tôn thờ, hiện tồn và không hiện tồn, cái tốt nhất, vượt ngoài tầm tri thức của mọi sinh vật. Sáng chói, tinh vi hơn những thứ tinh vi; các thế giới và cư dân của chúng được gắn vào trong đó. Cái Đó là Brahman bất diệt; Cái Đó cũng là sự sống, tiếng nói và tâm trí... Brahman vô nhiễm và bất khả phân ly, ở trong lớp vỏ hoàng kim cao quí nhất, không tì vết; Cái Đó là Ánh Sáng thuần khiết của các ánh sáng, mà chỉ những vị đã đạt được chân ngã mới biết... Brahman bất tử ở phía trước, phía sau, bên phải và bên trái, ở bên dưới, bên trên, và đang thấm nhuần vào tất cả, Brahman này quả thật là tất cả; là điều hoàn hảo nhất” (Mundakopanishad, II, ii, 1, 2, 9, 11).

“Brahman, Đấng Tối Cao, Đấng Vĩ Đại, vượt ngoài vòng vũ trụ, ẩn tàng nơi mọi thực thể tuỳ theo các cơ thể của chúng. Hơi thở duy nhất của trọn cả vũ trụ, Đấng Chúa Tể mà người ta biết rằng Ngài là bất tử. Tôi biết Đấng Chân Linh phi thường đó, như mặt trời sáng chói vượt ra ngoài bóng tối.... Tôi biết Ngài là Đấng Bất Diệt, Đấng Thái Cổ, Linh Hồn của vạn vật, có bản chất hiện diện ở khắp nơi, Đấng mà các học giả Bà La Môn gọi là bất sinh, là vĩnh cửu” (Shvetashvataropanishad, (iii, 7, 8, 21).

“Khi không có bóng tối, không có ngày, cũng không có đêm, không có hiện hữu, cũng không có phi hiện hữu, chỉ có một mình Shiva. Cái Đó là Đấng Bất Diệt, được Savitri tôn thờ, Minh Triết Cổ Truyền phát sinh từ đó. Người ta không thể biết được Ngài ở trên, ở dưới hoặc ở giữa. Cũng không có sự tương tự nào đối với Đấng mà hồng danh của Ngài là sự vinh quang vô hạn. Không thể nhờ vào thị giác để thấy hình tướng của Ngài, và chiêm ngưỡng Ngài, mà chỉ có thể biết Ngài bằng tâm và trí; Ngài vốn ngự nơi tâm, trở nên bất tử” (như trên, iv, 18-20).

Con người, trên phương diện Chân Ngã nội tại, đồng nhất với Chân Ngã của vũ trụ (Tôi là Cái Đó), ý niệm này hoàn toàn thấm nhuần mọi tư tưởng Ấn Độ đến nỗi người ta thường gọi con người là “đô thị thiêng liêng của Brahman” (devine town of Brahman),[2] “đô thị chín cổng” (town of nine gates),[3] Thượng Đế ngự nơi khoảng trống trong tim con người.

“Xét về một phương diện nào đó, Bản Thể vốn không thể chứng minh được, nó bất diệt, vô nhiễm, cao siêu hơn thanh khí, bất sinh, đó là Linh Hồn vĩ đại vĩnh cửu… Đại Hồn bất sinh này đồng một thể với “linh hồn” thông tuệ ngự trong mọi sinh vật; cũng là “thanh khí trong tâm”.[4] Cái Đó ngủ yên nơi con người, là Đấng chế ngự vạn vật, Đấng cai trị vạn vật, Đấng Chúa Tể trị vì muôn loài. Các việc thiện không làm nó tăng lên, các việc ác không làm nó giảm đi. Là Đấng bảo tồn muôn loài, nhịp cầu thông thương, Đấng hộ trì và giữ gìn cho các thế giới này không bị sụp đổ tan tành”

(Brihadaranyakopanishad, IV, iv, 20, 22, bản dịch của tiến sĩ E. Roer).

Khi Thượng Đế khai triển vũ trụ thì tính cách tam phân xuất hiện rất rõ ràng với Shiva, Vishnu, và Brahma, hoặc trên cương vị Vishnu ngủ dưới nước, từ Ngài hoa sen được mọc ra và chứa đựng Brahma. Con người cũng tam phân, trong kinh “Mandukyopanishad” có mô tả chân ngã bị hạn chế bởi thể xác, thể thanh nhẹ và thể trí, để rồi vượt lên trên tất cả và nhập vào Đấng Duy Nhất “Bất Nhị”. Từ Tam Vị Nhất Thể phát sinh ra nhiều Vị Thần Linh, liên quan đến sự cai quản vũ trụ, trong kinh “Brihadaranyakopanishad” có nói về chư Vị Thần Linh như sau:

“Hãy sùng bái Ngài, ngày qua ngày, năm qua năm, hoàn tất theo Ngài, ánh sáng của các ánh sáng, trên cương vị là sự sống bất tử” (IV, iv, 16).

Chúng ta đều biết Bà La Môn Giáo có giảng dạy về sự luân hồi, toàn bộ triết lý sống của nó xoay quanh việc linh hồn hành hương qua nhiều kiếp sinh tử; và quyển sách nào của Bà La Môn cũng cho chân lý này là điều tất nhiên. Do dục vọng, con người bị ràng buộc vào vòng luân hồi vô thường; nhờ vào sự hiểu biết, lòng sùng tín và sự diệt dục, con người tự giải thoát. Khi linh hồn biết Thượng Đế thì nó được giải thoát. Khi trí năng được thanh lọc bằng sự hiểu biết, sẽ nhận ra Ngài. Sự hiểu biết kết hợp với lòng sùng tín tìm thấy chỗ ngự của Brahman.[5] Người nào biết được Brahman, sẽ trở thành Brahman. Khi dục vọng không còn nữa thì người còn trong vòng sinh tử trở thành người bất tử và đạt được Brahman.[6]

Phật Giáo bắc tông, hoàn toàn đồng nhất với các tín ngưỡng xưa hơn, nhưng Phật Giáo nam tông dường như đã bỏ sót ý niệm về Tam Vị Nhất Thể phát sinh từ Bản Thể Duy Nhất. Sự biểu lộ tam nguyên của đức Thượng Đế là:

Thượng Đế Ngôi 1, A Di Đà (Amitabha), Vô Lượng Quang; Thượng Đế Ngôi 2, Quán Thế Âm (Avalokiteshvara), hay Padmapani (Chenresi); Thượng Đế Ngôi 3, Đại Thế Chí (Manjusri), đại diện cho minh triết sáng tạo, tương ứng với Brahma.[7] Phật Giáo Trung Hoa không chứa đựng ý niệm về một bản thể nguyên sơ, ngoài đức Thượng Đế, nhưng Phật Giáo Nepal nêu ra định đề về sự tồn tại của Adi Buddha từ đó phát sinh Amitabha (A Di Đà Phật). Eitel nói rằng Padmapani là đại diện cho lòng từ bi hộ trì của Thượng Đế và tương ứng phần nào với Shiva, như là một phương diện trong Tam vị Phật, gởi xuống các kiếp lâm phàm; đúng hơn là Ngài tiêu biểu cho ý niệm về Vishnu, và có sự liên kết với Vishnu qua việc Ngài cầm hoa sen (lửa và nước, hay tinh thần và vật chất như là các nguyên tố sơ cấp cấu tạo vũ trụ). Ngoại trừ việc lưu ý đến con đường giải thoát, cũng nên nhấn mạnh rằng, luân hồi và nghiệp quả là giáo lý cơ bản của Phật Giáo. Vì đức Phật lấy xác phàm là người Ấn Độ giảng đạo cho những người Ấn Độ, cho nên các giáo lý Bà La Môn thường được Ngài coi là đương nhiên khi Ngài dạy đạo. Ngài thanh lọc hóa và cải cách tôn giáo chớ không phá hủy, Ngài đả phá những điều mà người ta thêm thắt vào do vô minh, chớ không đả phá những chân lý cơ bản thuộc về Minh Triết Cổ Truyền:

“Những người sống theo đường hướng kỷ luật đã được giảng dạy, sẽ đạt tới bờ bên kia của đại dương sinh tử, vốn thật khó vượt qua” (Udanavarga, xxix, 37).

Dục vọng ràng buộc con người, phải được dẹp bỏ:

“Đấng Thánh Linh nói: Người nào bị trói buộc bởi dục vọng, thật khó thoát khỏi chúng. Người kiên cường không màng đến thú vui dục vọng, vứt bỏ chúng, thì sẽ gần kề con đường (tới niết bàn)… Những người có kinh nghiệm thấy rằng, các dục vọng vốn vô thường, không trường cửu; vậy các bạn hãy tự giải thoát mình khỏi điều không thể trường tồn, và đừng ở nơi chốn tạm trú của sự chết” (như trên, ii, 6, 8).

“Người đã tiêu diệt những ham muốn chiếm hữu vật chất, lánh xa tội lỗi, từ bỏ những ràng buộc của thị giác, người đã cắt đứt tận gốc rễ dục vọng, Tôi tuyên bố, đó là một người Bà La Môn” (như trên, xxxiii, 68).

Người Bà La Môn là người “mang xác thân vật chất này lần cuối cùng”[8]và được định nghĩa là:

“Người biết được nơi ở của những kiếp trước, nhận thức được thiên đàng và địa ngục, đấng Muni, người đã tìm ra con đường chấm dứt sinh tử luân hồi” (như trên, xxxiii, 55).

Trong các thánh kinh Do Thái Giáo công truyền, ý niệm về Tam Vị Nhất Thể không được nói đến rõ rệt, tuy nhị nguyên tính được diễn tả rất rõ, và Đấng Thiêng Liêng mà người ta nói tới rõ ràng là chỉ Thượng Đế, chớ không phải là Đấng Duy Nhất, không biểu lộ:

“Ta là Đấng Chúa Tể, ngoài Ta ra không còn điều gì khác. Ta làm ra ánh sáng và tạo ra bóng tối, Ta làm ra bình an và tạo ra điều ác, Ta là Đấng Chúa Tể thực hiện tất cả những điều này” (Isa., xlvii, 7).

Tuy nhiên, Philo diễn tả giáo lý về Thượng Đế rất rõ ràng trong Phúc Âm thứ tư, như sau:

“Khởi thủy là Ngôi Lời (the Word), Thượng Đế (Logos), Ngôi Lời cùng với Thượng Đế, và Ngôi Lời chính là Thượng Đế… Vạn vật đều được Ngài tạo ra, và nếu không có Ngài thì không có bất cứ điều gì được tạo ra” (Thánh John i, 1, 3).

Trong kinh Kabalah, giáo lý về nhất nguyên, tam nguyên, thất nguyên, kế đến thiên hình vạn trạng, được dạy rõ ràng:

“Đấng Thái Cổ trong các vị Thái Cổ, Đấng Không Tên trong các vị Không Tên, có một hình tướng, nhưng cũng không có bất cứ hình tướng nào. Nó có một hình tướng xuyên qua đó vũ trụ được duy trì. Nó cũng không có bất kỳ hình tướng nào, vì người ta không thể hiểu được nó. Trước tiên nó khoác lấy hình tướng [Kether, Vương Miện, Thượng Đế Ngôi 1] và phát ra 9 ánh sáng chói lọi [Minh Triết và Diệu Âm cùng với Kether tạo thành tam nguyên, kế đó là 7 Sephiroth thấp hơn]… Nó là Đấng Thái Cổ trong các Vị Thái Cổ, Đấng Huyền Nhiệm trong các Vị Huyền Nhiệm, Đấng Không Tên trong các Vị Không Tên. Nó có một hình tướng và xuất hiện xuyên qua hình tướng này đến với chúng ta, như là con người xưa hơn tất cả, như là Đấng Thái Cổ trong các Vị Thái Cổ, và là Đấng Không Tên đầu tiên trong các Vị Không Tên. Nó được biết dưới dạng mà Nó biểu hiện ra, nhưng Nó vẫn còn là Đấng Không Tên” (Qabbalah của Issac Myer’s trích từ Zohar, trang 274, 275).

Myer nêu rõ rằng “hình tướng” không phải là Đấng Thái Cổ trong tất cả những Vị Thái Cổ, Ngài chính là Ain Soph.

Lại nữa:

“Ba ánh sáng nơi Đấng Thánh Linh Thượng Đẳng kết hợp làm Một; chúng là căn bản của Thorah, và điều này mở cửa cho tất cả… Hãy đến đây xem, bí nhiệm của lời nói! Những ánh sáng này gồm có 3 bậc, mỗi bậc đều tự thân tồn tại, thế nhưng tất cả đều là Một và được kết nút thành Một, chúng cũng không tách rời khỏi nhau... Ba bắt nguồn từ Một, Một tồn tại nơi Ba, đó là lực giữa Hai, Hai nuôi dưỡng Một, Một nuôi dưỡng nhiều mặt, như thế Tất Cả là Một” (như trên, 373, 375, 376).

Không cần phải nói rằng người Do Thái tin theo giáo lý đa thần – “Hỡi Đấng Chúa Tể, trong số các vị thần linh, ai giống như Ngài?”[9]– và nhiều vị giáo phẩm phụ thuộc các “Con Thượng Đế”, “Thiên thần của Chúa”, “Mười đoàn Thiên thần”.

Kinh Zohar dạy về sự khởi đầu vũ trụ:

“Trước bất cứ sự tồn tại nào, ý chí của Đức Vua khởi đầu hiện hữu. Nó phác họa và chạm khắc các hình tướng của vạn vật, từ tình trạng ẩn khuất, hiện ra trong ánh sáng tối cao và chói lòa của Tứ Linh Diệu” (Quabbalah, của Myer, trang 194, 195).

Không điều gì có thể tồn tại, nếu không có Thượng Đế nội tại trong đó; linh hồn hiện diện trong ý niệm thiêng liêng trước khi xuống thế qua những kiếp luân hồi; nếu linh hồn vẫn duy trì sự tinh khiết hoàn toàn trong khi gặp thử thách, nó sẽ thoát khỏi sự tái sinh, nhưng điều này dường như chỉ là một lý thuyết:

“Mọi linh hồn đều phải chịu sự luân hồi, nhưng con người không biết phương cách của Đấng Thánh Linh; thật tội nghiệp! Họ không biết cách thức nào và vào lúc nào họ bị phán xét, họ cũng không biết điều gì trước khi họ đến với thế giới này và khi họ rời bỏ nó” (như trên, trang 198).

Những dấu vết của niềm tin này hiện diện trong thánh kinh công truyền của cả Do Thái Giáo lẫn Thiên Chúa Giáo, cũng như nơi niềm tin Elija sẽ trở lại, và Ngài đã trở lại nơi Thánh John Baptist.

Thoáng nhìn sang Ai Cập, chúng ta thấy từ thời tối cổ đã nổi tiếng với hình ảnh Tam Vị Nhất Thể: Ra, Osiris-Isis như là Thượng Đế nhị nguyên Ngôi 2, và Horus. Chúng ta thường nghe nhắc đến bản thánh ca vĩ đại, tán tụng Amun-Ra:

“Chư Thần Linh cúi đầu trước Đấng Quân Vương bằng cách ca ngợi các linh hồn của Đấng tạo ra chúng… và nói với Ngài: Nguyện cầu bình an cho mọi thực thể xuất phát từ vị Cha vô thức của các vị Cha hữu thức của chư Thần Linh… Ngài là Đấng tạo ra muôn loài, chúng con tôn sùng các linh hồn xuất phát từ Ngài. Ngài sinh ra chúng con, hỡi Ngài, Đấng Không Tên, chúng con chào mừng Ngài bằng cách tôn thờ mỗi Linh Hồn Thần Linh vốn từ Ngài giáng xuống và sống với chúng con” (trích dẫn trong “Giáo Lý Bí Truyền” iii, 485, Ấn bản 1893; V, 463, Ấn bản Adyar).

Các vị “Cha hữu thức của chư Vị Thần Linh” là chư Thượng Đế, vị « Cha vô thức » là Bản Thể Duy Nhất, vô thức không phải kém hơn, mà là vô cùng, vượt hơn cái gọi là tâm thức, cái có giới hạn.

Trong những trích đoạn của “Tử Thư”, chúng ta có thể nghiên cứu các quan niệm về việc linh hồn người luân hồi, về cuộc hành hương của nó và sau cùng hợp nhất với Thượng Đế. Bản văn viết trên giấy ép từ cây chỉ thảo “Chiến Thắng Trong Hòa Bình” do Ani sao chép. Trong ấy có nhiều chỗ nhấn mạnh nhắc độc giả nhớ đến các thánh kinh thuộc những tín ngưỡng khác; cuộc du hành của ông qua bên kia thế giới, và mong mỏi nhập trở lại vào xác mình (hình thể mà ông khoác lấy khi luân hồi ở Ai cập), cũng như sự kiện ông đồng nhất hóa với Thượng Đế:

“Osiris Ani nói: Ta là Đấng cao cả, con của Đấng cao cả; Ta là lửa, con của lửa…. Ta đã gắn xương mình lại với nhau, Ta đã làm cho bản thân trọn vẹn và có âm thanh; Ta đã trẻ lại; Ta là Osiris, Đấng Chúa Tể của sự Vĩnh cửu” (xliii, 1, 4).

Trong phần kiểm lại của Pierret về “Tử Thư”, chúng ta thấy đoạn văn nổi bật sau đây:

“Ta là thực thể mang nhiều danh xưng huyền nhiệm, vốn tự chuẩn bị nơi cư trú cho hàng triệu năm (trang 22). Tâm mà Ta có được là do mẹ Ta ban cho, Ta cần thiết cho việc Ta tồn tại trên trần thế…. Tâm mà Ta có được là do mẹ Ta ban cho, Ta cần có tâm để chuyển hóa” (trang 113, 1/4).

Trong Hỏa Thần Giáo, chúng ta nhận thấy có quan niệm về Bản Thể Duy Nhất, được hình dung là không gian vô biên, từ đó phát sinh ra Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa Auharmazd:

“Toàn tri và thiện đức tối thượng, huy hoàng không gì có thể so sánh, vùng ánh sáng là nơi chốn của Auharmazd” (Bundahis, Các Thánh Thư Đông Phương, v, 3, 4; v, 2).

Trong nghi thức thờ phụng chính của tín đồ Hỏa Thần Giáo, trước tiên là sự tôn vinh Ngài:

“Tôi thông báo và tôi (sẽ) hoàn thành việc thờ phụng của tôi đối với Ahura Mazda, Đấng Tạo Hóa, Đấng chói sáng và vinh diệu, Đấng vĩ đại và tốt nhất, Đấng đẹp đẽ nhất (?) (theo quan niệm của chúng ta), Đấng vững chắc và minh triết nhất, và là một trong tất cả mọi Đấng có cơ thể hoàn hảo nhất. Ngài đạt tới cứu cánh của mình một cách hiệu quả nhất, do Ngài có một mô thức đúng đắn. Ngài là Đấng chỉnh đốn lại tâm trí chúng ta, ban phát ân huệ và hạnh phúc khắp nơi. Đấng tạo ra và uốn nắn chúng ta, nuôi dưỡng và bảo vệ chúng ta, Ngài là Chân Linh hào phóng nhất.” (Các Thánh Thư Đông Phương, xxxi, trang 195, 196).

Người tôn sùng bày tỏ lòng kính ngưỡng các Ameshaspends và chư Thần Linh khác, nhưng Đấng Tối Cao biểu lộ ở đây không được trình bày như 3 ngôi. Trong tín ngưỡng công truyền của người Do Thái cũng không trình bày chân lý cơ bản này. Mặc dù chân lý cơ bản này không tồn tại trong tín ngưỡng dân gian, nhưng cũng may, chúng ta có thể truy ra từ giáo lý nguyên sơ. Trong “Khảo luận về tín đồ Hỏa Thần Giáo”, (trong bộ sưu tập Đông phương của Trubner quyển 5, do tiến sĩ West dịch), tiến sĩ Haug nêu rõ rằng Ahuramazda – Auharmazd hoặc Hormazd – là Đấng Tối Cao, và từ Ngài tất cả được sinh ra.

“Hai nguyên nhân ban sơ; mặc dù khác nhau nhưng hợp nhất và tạo ra thế giới vật chất cũng như thế giới tinh thần” (trang 303).

Những điều này được gọi là song sinh và hiện diện ở bất cứ nơi đâu, trong Ahuramazda cũng như trong con người. Nguyên nhân này tạo ra thực tại, nguyên nhân kia tạo ra phi thực tại, và trong Hỏa Thần Giáo sau này, chúng trở thành các chân linh đối nghịch, thiện và ác. Trong các giáo lý sơ khai, chúng hiển nhiên hợp thành Thượng Đế Ngôi 2, lưỡng tính là điểm đặc trưng của Ngài.

“Tốt” và “xấu” chỉ là ánh sáng và bóng tối, tinh thần và vật chất, các cặp song đôi cơ bản của vũ trụ, cái Hai bắt nguồn từ cái “Một”.

Khi phê bình ý niệm sau này, tiến sĩ Haug nói:

“Đó là ý niệm của Hỏa Thần Giáo nguyên thủy về 2 chân linh sáng tạo, chỉ là 2 thành phần của Bản Thể Thiêng Liêng. Nhưng theo dòng thời gian, giáo lý của Đấng giáo chủ vĩ đại bị thay đổi và suy đồi, do hậu quả của những sự hiểu lầm và giải thích sai lạc. Spentomainyush (“Chân linh thiện”) được xem là một danh xưng của chính Ahuramazda; và dĩ nhiên Angromainyush (“Chân linh ác”), tách rời khỏi Ahuramazda, và được coi là một đối thủ thường xuyên của Ahuramazda; thế là nẩy sinh ra nhị nguyên tính “Thượng Đế và Ma Quỷ” (trang 205).

Quan điểm của tiến sĩ Haug dường như được hậu thuẫn bởi Gatha Ahunavaiti cùng với các Gathas khác, các « Thượng Đẳng Thiên Xứ » ban cho Zoroaster (tức Zarathustra):

“Thoạt đầu có một cặp sinh đôi, 2 chân linh, mỗi chân linh có một hoạt động đặc thù; như là điều tốt đẹp và điều xấu xa…. Và 2 chân linh này hợp nhất lại tạo thành cái đầu tiên (những vật chất), cái này là thực tại, cái kia là phi thực tại…. Và để trợ giúp cho cuộc đời này (để tăng cường nó), Armaiti giáng lâm mang đến sự thịnh vượng, điều tốt lành và tâm trí chân chính, Bà là Đấng vĩnh cửu, tạo ra thế giới vật chất…. Mọi sự vật toàn hảo được thu thập lại nơi tốt đẹp của tâm trí tốt lành, Đấng minh triết và Đấng công chính, được biết đến như là những thực thể hoàn hảo nhất.” (Yas., xxx, 3, 4, 7, 10; bản dịch của tiến sĩ Haug, trang 149-151).

Đoạn văn trên diễn tả 3 vị Thượng Đế, Ahuramazda, Thượng Đế Ngôi 1, Sự Sống tối cao; ở trong và từ nơi Ngài phát sinh ra “cặp sinh đôi”, Thượng Đế Ngôi 2; kế đến là Armaiti, Tâm Trí, Đấng sáng tạo vũ trụ, Thượng Đế Ngôi 3.[10] Sau này Mithra xuất hiện, và trong tín ngưỡng công truyền, đã mất đi một phần chân lý sơ khai. Người ta nói về Ngài như sau:

“Đấng mà Ahura Mazda đã lập nên để duy trì và giám sát mọi vận hành của thế giới, Ngài chẳng bao giờ ngủ, tỉnh táo canh gác sự sáng tạo của Mazda” (Mihir Yast, xxvii, 103; các Thánh Thư Đông Phương, xviii).

“Ngài là một Thần Linh phụ thuộc, là ánh sáng của thiên đàng, cũng như Varuna là chính thiên đàng, một trong các Đấng Thông Tuệ trị vì cao cả. Đấng cao nhất trong số các Đấng Thông Tuệ trị vì này, trong đó có sáu Ameshaspends, cầm đầu là tư tưởng tốt lành của Ahuramazda, Vohuman - Ngài chịu trách nhiệm về toàn thể sự sáng tạo vật chất.” (Thánh Thư Đông Phương, v, trang 10, chú thích).

Những tác phẩm này – cho đến nay đã được dịch – dường như không dạy về luân hồi, và niềm tin này cũng không thịnh hành trong những tín đồ Hỏa Thần Giáo hiện đại. Nhưng chúng ta thấy ý tưởng về tinh thần nơi con người như là một tia lửa, nó sẽ trở thành một ngọn lửa và được tái kết hợp với Lửa Tối Cao, và điều này có ngụ ý sự phát triển do đó cần có sự tái sinh. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được Hỏa Thần Giáo, nếu chưa phục hồi được “các sấm giảng Chaldea” cùng với các tác phẩm liên hệ, vì trong đó có nguồn gốc chân thực của nó.

Khi du hành về hướng tây đến Hy Lạp, chúng ta gặp hệ thống Orpheus. Hệ thống này được nghiên cứu kỹ lưỡng và được diễn tả trong tác phẩm Orpheus của ông G. R. S. Mead. Bóng Tối không tên ba cấp bậc không thể diễn tả (Ineffable Thrice–unknown Darkness) chính là hồng danh của Bản Thể Duy Nhất.

“Theo thần học Orpheus, vạn vật bắt nguồn từ một nguyên lý bao la. Theo quan niệm thiển cận của con người, nó có một cái tên, mặc dù nguyên lý này hoàn toàn không thể diễn tả. Và trong ngôn ngữ tôn kính của người Ai Cập, đó là một Bóng Tối không tên ba cấp bậc, khi con người chiêm ngưỡng được nó, mọi sự hiểu biết khác đều trở nên không còn giá nữa.” (Thomas Taylor, trích dẫn trong Orpheus, trang 93).

Từ đó phát sinh ra “Tam nguyên ban sơ”, điều thiện đại đồng, linh hồn vũ trụ, tâm trí vũ trụ, chính là Tam Vị Nhất Thể Thượng Đế. Ông Mead viết về điều này như sau:

“Tam nguyên đầu tiên, mà nó có thể biểu lộ ra đối với trí năng, chẳng qua chỉ là một phản ảnh, hoặc thay thế cho Đấng không thể biểu lộ được, và các bản chất của nó là (a) điều thiện, có tính cách cốt yếu siêu việt (b) linh hồn (linh hồn thế giới), là một bản chất tự vận chuyển (c) trí năng (tức tâm trí), là một bản chất không thể phân chia và bất di bất dịch” (như trên, trang 94).

Sau đó, một loạt các tam nguyên hằng giáng hạ, cho thấy những đặc tính của cái đầu tiên dần dần giảm đi sự huy hoàng, đến lúc xuống tới con người.

“Tiềm lực trong con người gồm tổng số của bản chất vũ trụ…. Loài người và chư thần linh là một” (Pindar, đệ tử của phái Pythagoras, trích dẫn bởi Clemens, Strom., v, trang 709)…. Như thế con người được gọi là tiểu thiên địa hay tiểu vũ trụ, để phân biệt với đại thiên địa hay đại vũ trụ” (như trên, trang 271).

Con người có Nous (hay tâm trí thực sự), Logos hay phần thuần lý, Alogos hay phần không thuần lý, cả Logos lẫn Alogos đều lại được tạo lập dưới dạng tam nguyên và đến phiên phân chia kỹ lưỡng hơn thành thất nguyên. Con người cũng được xem như có 3 thể: thể xác, những thể tinh vi và thể quang huy, hay augoeides, đó là:

“Thể nguyên nhân” hay lớp áo mang nghiệp quả của linh hồn, trong đó có tích lũy vận mệnh, hoặc đúng hơn là chứa đựng mọi hạt giống nhân quả quá khứ. Đôi khi nó được gọi là “hồn dây”, cái “thể” trải từ kiếp này sang kiếp khác” (như trên, trang 284).

Đối với vấn đề luân hồi: “Cùng với mọi người có sự hiểu biết những điều bí nhiệm ở khắp nơi, tín đồ Orpheus cũng tin tưởng vào sự luân hồi” (như trên, trang 292).

Ông Mead đưa ra rất nhiều chứng cớ cho thấy rằng Plato, Empedocles, Pythagoras và những triết gia khác đã dạy về sự luân hồi. Con người chỉ có thể thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi nhờ vào đức hạnh.

Những ghi chú trong tuyển tập các tác phẩm của Plotinus, Taylor có trích dẫn Damascius luận giải các giáo lý của Plato bàn về Đấng Duy Nhất, vượt quá Đấng Duy Nhất, Bản Thể không biểu hiện:

“Thật vậy, có lẽ Plato dẫn dắt chúng ta, xuyên qua Đấng Duy Nhất như là một trung gian, tới điều không thể diễn tả được, vượt quá Đấng Duy Nhất, là đề tài bàn luận hiện nay. Lý luận của ông là loại bỏ bớt Đấng Duy Nhất, cùng cách thức như khi dẫn dắt tới Đấng Duy Nhất, ông đã loại bỏ những sự vật khác. Chính là bên ngoài của Đấng Duy Nhất được tôn vinh, trong sự im lặng hoàn hảo nhất…. Đấng Duy Nhất phải hiện tồn đơn độc chính mình, không điều gì khác, nhưng Đấng Không Tên vượt quá Đấng Duy Nhất thì hoàn toàn không thể tả được. Đây là điều mà chúng ta thừa nhận rằng không phải mình biết, cũng không phải mình không biết, mà chính nó tuyệt đối không thể biết được. Vì thế, do thân cận với điều này, bản thân Đấng Duy Nhất bị mờ tối đi; đó là vì khi thân cận nguyên lý bao la này, nếu nó được tạm gọi như vậy, có thể nói rằng nó vẫn còn ở trong vực thẳm của sự tịch lặng thần bí đích thực…. Cái đầu tiên vượt trên Đấng Duy Nhất và vạn vật, vì nó đơn giản hơn tất cả” (trang 341-343).

Các trường phái Pythagoras, Platon và Tân Platon có quá nhiều tiếp điểm với tư tưởng Ấn Độ Giáo và Phật Giáo đến nỗi mà chúng hiển nhiên được xem như phát xuất từ cùng một nguồn cội. Trong tác phẩm “Die Samkhya Philosophie » (iii, từ trang 85 đến trang 105), R. Garbe có trình bày nhiều về những điều này, và phát biểu của ông có thể được tóm tắt như sau:

“Điều nổi bật nhất là sự giống nhau – nói đúng hơn là sự đồng nhất – giữa giáo lý về Đấng Duy Nhất trong Áo Nghĩa Thư (Upanishads) với trường phái Eleatus. Giáo lý của Xenophane về tính đơn nhất của Thượng Đế và vũ trụ, cũng như sự không biến đổi của Đấng Duy Nhất. Hơn thế nữa, giáo lý của Parmenides chủ trương rằng trên thực tế, chỉ có một Đấng Duy Nhất, bất sinh, bất diệt và hiện diện khắp nơi, còn tất cả những gì đa tạp và vô thường chỉ là sắc tướng biểu lộ, hơn nữa, cái hiện hữu và tư duy đều như nhau. Những giáo lý này hoàn toàn đồng nhất với nội dung cốt yếu của Áo Nghĩa Thư và triết thuyết Vedanta (vốn bắt nguồn từ Áo Nghĩa Thư). Nhưng trước đó, còn có quan điểm của Thales – theo đó vạn hữu bắt nguồn từ Nước – giống một cách kỳ lạ với giáo lý Vaidik, theo đó vũ trụ bắt nguồn từ Nước. Sau này, Anaximander giả định cơ bản của vạn vật là một chất vĩnh cửu, vô hạn và vô định, từ đó mọi chất xác định bắt nguồn và lại trở về. Giả định này giống hệt như giả định làm nền tảng cho thuyết Số Luận, toàn bộ khía cạnh vật chất của vũ trụ tiến hóa ra từ Prakriti. Và câu nói nổi tiếng của ông “Panta Rhei” diễn đạt quan điểm đặc trưng của phái Số Luận, theo đó vạn vật luôn luôn thay đổi do sự hoạt động không ngừng của 3 trạng thái (Gunas). Empedocles cũng giảng dạy các thuyết luân hồi và tiến hóa giống như các thuyết của phái Số Luận. Theo ông, không điều gì có thể trở thành hiện hữu mà trước đó không có sự tồn tại, điều này còn giống hơn nữa với học thuyết Số Luận đặc trưng.”

Cả Anaxagoras lẫn Democritus đều trình bày nhiều điểm tương đồng, nhất là quan điểm của Democritus về bản chất và địa vị của chư Thần Linh; Epicurus cũng vậy, nhất là khi nhận xét về chi tiết của một số vấn đề kỳ lạ. Tuy nhiên, trong giáo lý của Pythagoras, chúng ta thấy có những sự gần gũi và thường đồng nhất trên phương diện giáo lý cũng như lý luận. Theo sự xác định của truyền thống, thì sự kiện này được giải thích là do bản thân Pythagoras đã thăm viếng Ấn Độ và đã học được triết lý nơi đó. Trong những thế kỷ sau này, chúng ta thấy một số ý tưởng đặc thù của phái Số Luận và Phật Giáo, đóng một vai trò nổi bật trong tư tưởng phái Trực Quang (Gnostic). Đoạn trích dẫn sau đây của tác giả Lassen mà Garbe nêu ra ở trang 97, cho thấy điều này một cách rất rõ ràng:

“Nói một cách tổng quát, Phật Giáo phân biệt rõ ràng giữa Tinh Thần và Ánh Sáng, và không coi ánh sáng là phi vật chất; nhưng trong những tín đồ Phật Giáo, người ta thấy có một quan niệm về ánh sáng vốn liên quan mật thiết với quan niệm của phái Trực Quang. Theo quan niệm này, ánh sáng là sự biểu lộ của tinh thần trong vật chất; như thế, trí thông tuệ được bọc trong ánh sáng và bước vào liên hệ với vật chất, trong đó ánh sáng có thể bị giảm thiểu và cuối cùng hoàn toàn bị mờ tối, trong trường hợp này, trí thông tuệ rốt cuộc trở nên hoàn toàn vô ý thức. Trên phương diện trí thông tuệ cao siêu nhất, người ta khẳng định rằng nó không phải là ánh sáng, cũng không phải là không ánh sáng, không phải là bóng tối, cũng không phải là không bóng tối, vì mọi cách diễn tả này đều biểu thị các sự liên hệ của trí thông tuệ với ánh sáng. Quả thật là thoạt đầu ánh sáng không có những mối liên hệ này, nhưng về sau nó bao hàm trí thông tuệ và làm trung gian cho mối liên hệ của nó với vật chất. Từ đây suy ra rằng quan điểm của Phật Giáo gán cho Đấng Thông Tuệ siêu việt quyền năng tạo ra ánh sáng từ chính mình, và về vấn đề này, cũng có một sự tương đồng giữa Phật Giáo và phái Trực Quang.”

Xét theo những đặc điểm được ám chỉ, Garbe nêu ra rằng phái Trực Quang có nhiều tương đồng với phái Số Luận hơn là với Phật Giáo. Đó là vì những quan niệm về mối liên hệ giữa ánh sáng và tinh thần thuộc về các giai kỳ sau này của Phật Giáo, mà không phải là cơ bản hoặc đặc trưng cho Phật Giáo. Trong khi phái Số Luận dạy rõ ràng và chính xác rằng Tinh Thần là Ánh Sáng. Về sau này, ảnh hưởng của tư tưởng Số Luận càng thêm hiển nhiên, rõ rệt trong số những tác giả Tân Platon. Trong khi đó, giáo lý về Thượng Đế hay Ngôi Lời, mặc dù không có nguồn gốc từ phái Số Luận, vẫn cho thấy một cách chi tiết rằng nó đã thoát thai từ Ấn Độ, nơi mà quan niệm về Vach, Ngôi Lời Thiêng Liêng đóng một vai trò rất nổi bật trong hệ thống Bà La Môn Giáo.

Xét đến Thiên Chúa Giáo, cùng thời với các hệ thống Trực Quang và Tân Platon, chúng ta sẽ thấy một cách dễ dàng rằng, hầu hết các giáo lý có căn bản như nhau, và sự kiện này hiện nay rất quen thuộc đối với chúng ta. Thượng Đế Ba Ngôi biểu hiện là Tam Vị Nhất Thể: Thượng Đế Ngôi 1, cội nguồn của mọi sự sống, là Ngôi Cha; Thượng Đế Ngôi 2 có bản chất lưỡng tính, Ngôi Con, Thượng Đế – con người; Thượng Đế Ngôi 3, Trí Tuệ sáng tạo, Ngôi Thánh Thần, Ngài suy gẫm trên “nước hỗn mang” (the waters of chaos) sinh ra các thế giới.

Rồi đến “Bảy Chân Linh của Thượng Đế”[11] và một đoàn thể các Đại Thiên Thần và Thiên Thần, nhưng không nghe đề cập nhiều về Bản Thể Duy Nhất, mà tất cả vạn hữu bắt nguồn từ đó và lại trở về đó, cái tự nhiên mà ta không thể nhận thấy bằng cách tìm kiếm. Các vị học giả nổi tiếng của giáo hội Thiên Chúa luôn luôn giả định về sự tồn tại của Thượng Đế không thể đo lường và không thể hiểu được, nó vô hạn, tất yếu, độc nhất và bất khả phân chia. Con người được tạo ra theo “hình ảnh của Thượng Đế”, vì vậy có bản chất tam phân — tinh thần, linh hồn và thể xác — con người là một “nơi trú ngụ của Thượng Đế”,”đền thờ Thượng Đế”, “đền thờ Chúa Thánh thần”,[12] đây là những từ ngữ phản ảnh chính xác giáo lý Ấn Độ.

Giáo lý về luân hồi được coi là đương nhiên trong Tân Ước, thay vì được nói thẳng ra. Khi nói với Thánh John Baptist, Chúa Jesus tuyên bố rằng ông là Elias, «vốn đã giáng lâm,» theo lời của Malachi, “Ta sẽ gửi tới các con nhà tiên tri Elijah”; lại nữa, khi được hỏi về việc Elijah giáng lâm trước Đấng Cứu Thế, thì Ngài trả lời rằng: “Elias đã giáng lâm rồi và họ không biết Ngài.” Chúng ta cũng thấy các vị đệ tử của Chúa coi sự luân hồi là đương nhiên khi họ thắc mắc, liệu tật mù bẩm sinh có phải là một sự trừng phạt đối với tội lỗi của con người hay chăng. Khi trả lời, Chúa Jesus không bác bỏ sự có thể do tội trước khi sinh ra, nhưng Ngài chỉ loại trừ nguyên nhân gây ra mù lòa trong trường hợp đặc biệt.[13]

Từ ngữ đáng chú ý áp dụng cho “Đấng đã khắc phục” trong Khải Huyền iii, 12, và Ngài sẽ là “một cột trụ trong đền thờ Thượng Đế của tôi, và Ngài sẽ không còn đi ra ngoài nữa,” câu này được xem là có ý nghĩa thoát khỏi sự tái sinh. Từ những tác phẩm của một số Cha trong Thiên Chúa Giáo, có thể cho thấy niềm tin đương thời vào sự luân hồi. Một số người lập luận rằng chỉ có sự tồn tại trước của linh hồn được giảng dạy, nhưng đối với tôi quan niệm này dường như không có chứng cớ.

Sự thuần nhất của giáo lý về đạo đức không được rõ ràng bằng sự thuần nhất trong các quan niệm về vũ trụ, và kinh nghiệm của các Đấng đã vượt thoát ra khỏi nhà tù của cơ thể để bước vào trạng thái tự do nơi các cõi cao. Rõ ràng là những giáo lý sơ khai này được bảo quản bởi một số nhân vật đặc biệt, những vị này giảng dạy cho các đệ tử học thuyết của họ. Khi chúng ta nghiên cứu giáo lý về đạo đức, những yêu cầu đối với các môn sinh, các trạng thái trí huệ và tâm linh mà họ được nâng cao, chúng ta thấy sự đồng nhất một cách hiển nhiên của các trường phái này về phương diện giới luật:

“Trong Đạo Đức Kinh có phân chia rành mạch các loại học giả: Khi nghe nói đến Đạo, các học giả bậc cao thành khẩn thực hành; khi nghe nói đến Đạo, các học giả bậc trung lúc thì gìn giữ, lúc không gìn giữ; khi nghe nói đến Đạo, các học giả bậc thấp cười phá lên nhạo báng” (các Thánh Thư Đông Phương, xxxix, sách đã dẫn, xli, 1). Quyển sách này cũng viết:

“Bậc Thánh hiền đặt cá nhân mình sau cùng, thế nhưng người ta lại thấy nó ở chỗ trước tiên; bậc Thánh hiền xem cá nhân mình như một điều gì xa lạ, thế nhưng cá nhân đó vẫn được bảo toàn. Phải chăng vì Ngài không có những mục đích cá nhân riêng tư, cho nên những mục đích này được thực hiện? (vii, 2). Ngài không tự phô trương, vì vậy Ngài chói sáng, Ngài không tự khoe khoang, vì vậy Ngài nổi bật; Ngài không tự khẳng định, vì vậy công đức của Ngài được thừa nhận; Ngài không tự mãn, vì vậy, Ngài trở nên ưu việt. Bởi vì Ngài không tranh đua, cho nên không ai trên thế gian có thể tranh giành với Ngài (xxii, 2). Không có tội lỗi nào lớn hơn việc đồng tình với tham vọng; không có thảm họa nào lớn hơn việc bất mãn với số phận mình; không có lỗi lầm nào lớn hơn việc ham muốn chiếm đoạt. (xlvi, 2). Đối với những người cư xử tốt (với tôi), tôi cư xử tốt, và đối với những người cư xử không tốt (với tôi), tôi cũng cư xử tốt; và thế là tất cả đều tốt. Tôi chân thành với những người chân thành (đối với tôi); tôi cũng chân thành với những người không chân thành (đối với tôi); và thế là tất cả đều chân thành (xli, 1). Người nào biểu hiện nhiều đặc tính của đạo thì giống như một đứa trẻ con. Những côn trùng độc sẽ không chích người ấy; những thú dữ sẽ không vồ người ấy; những chim săn mồi sẽ không tấn công người ấy (lv, 1). Tôi có 3 điều quý báu mà tôi đánh giá cao và giữ kỹ là: sự dịu dàng, sự tiết kiệm, và sự không chiếm đoạt địa vị của người cao hơn…. Sự dịu dàng chắc chắn sẽ chiến thắng, ngay cả khi ta chiến đấu, và kiên cường giữ vững lập trường. Người rất dịu dàng sẽ được Trời cứu rỗi và bảo vệ” (lxvii, 2, 4).

Có những học giả Ấn Giáo chọn lọc được coi là xứng đáng cho việc huấn luyện đặc biệt; họ được Đạo Sư (Guru) truyền thụ các giáo lý bí nhiệm. Trong khi đó, những qui luật tổng quát về cách sống đúng đắn có thể góp nhặt được từ các điều luật của đức Bàn Cổ, Áo Nghĩa Thư, Mahabharata và nhiều bộ khảo luận khác:

“Hãy để con người nói điều chân thật, nói điều êm ái, đừng nói ra sự thật khó chịu, hoặc nói ra điều giả dối dễ chịu; đó là luật vĩnh cửu (Luật Bàn Cổ, iv, 138). Không gây đau khổ cho bất kỳ sinh vật nào, hãy để họ từ từ tích lũy công đức tinh thần. (iv, 238). Đối với người được sinh ra hai lần ấy – họ chẳng gây chút nguy hiểm nào cho các sinh vật – sẽ không có nguy cơ ở bất cứ nơi đâu sau khi họ rời bỏ xác thân (vi, 40). Hãy để họ kiên nhẫn chịu đựng những lời lẽ khắc nghiệt, đừng để họ lăng nhục bất kỳ người nào, hoặc trở thành kẻ thù của bất cứ người nào, vì lợi ích của xác thân (hữu hoại) này. Đừng để họ nổi giận đáp lại một kẻ nóng giận, hãy để họ chúc lành khi bị nguyền rủa (vi, 47, 48). Thoát khỏi đam mê, sợ hãi và giận dữ, hãy suy nghĩ tới Ta, an trụ nơi Ta; nhiều người đã được tinh lọc trong lửa minh triết và nhập vào Bản Thể Ta (Chí Tôn Ca, iv, 10). Niềm hoan lạc tối cao được dành cho vị đạo sĩ Yogi nào có trí huệ bình an, và bản chất đam mê đã yên lặng, vị này đã sạch mọi tội lỗi và có bản chất Brahman (iv, 27). Người nào không có ác ý đối với bất kỳ sinh vật nào, thân thiện và từ bi, không dính mắc và không ích kỷ, giữ quân bình giữa vui thích và đau khổ, biết tha thứ, luôn luôn bằng lòng, hài hòa, kiểm soát được bản ngã, quả quyết, với trí huệ (Manas) và bồ đề tâm (Buddhi) hiến dâng cho Ta, kẻ đó là người sùng kính Ta, là người thân thương của Ta” (xii, 13, 14).

Khi tìm hiểu về đức Phật, chúng ta nhận thấy chư vị La Hán tiếp nhận được các giáo lý mật truyền của Ngài. Trong khi đó chúng ta có giáo lý công truyền như sau:

“Nhờ vào lòng chân thành, đức hạnh và sự thanh tịnh, người minh triết giống như một hòn đảo mà không một trận lụt nào có thể nhận chìm được (Udanavarga, iv, 5). Trong thế giới này, người thông minh giữ vững đức tin và sự minh triết, là các kho báu lớn nhất của họ, và vứt bỏ mọi tài sản khác (x, 9). Người nào có ác ý với những kẻ có ác ý, sẽ không thể nào được thanh tịnh. Người không có ác ý sẽ hòa giải được người cưu mang hận thù. Sự thù ghét mang lại khốn khổ cho nhân loại, cho nên bậc thánh hiền không bao giờ thù ghét (xiii, 12). Hãy khắc phục sự sân hận bằng cách đừng sân hận; khắc phục điều ác bằng điều thiện, khắc phục sự tham lam bằng sự hào phóng; và khắc phục những điều giả dối bằng sự chân thật” (xx, 18).

Tín đồ Hỏa Thần Giáo được dạy ca tụng Ahuramazda, và:

“Điều gì công chính nhất, điều gì trong sạch, điều gì bất tử, điều gì rực rỡ, mọi điều này đều tốt cả. Chúng ta tôn vinh tinh thần tốt lành, cõi giới tốt lành, luật lệ tốt lành và minh triết tốt lành (Yasna, xxxvii). Mong sao nơi này có sự an phận, sự chúc lành, sự chân thật và sự minh triết của kẻ thanh tịnh (Yasna, lix). Sự thanh tịnh là điều tốt lành nhất, hạnh phúc dành cho Ngài, kẻ thanh tịnh nhất (Ashem-vohu). Mọi tư tưởng, lời nói và việc làm tốt đẹp đều do sự hiểu biết. Mọi tư tưởng, lời nói và việc làm xấu xa đều do sự thiếu hiểu biết (Mispa Kumata)”. (Tuyển chọn từ “Avesta” trong “Luân lý cổ truyền của người Cổ Ba Tư và Hỏa Thần Giáo” của Dhunjibhoy Jamsetji Medhora).

Người Do Thái có “các trường đào tạo nhà tiên tri” và kinh Kabbalah. Trong các tác phẩm công truyền, chúng ta thấy có các giáo lý đạo đức được chấp nhận:

“Người nào sẽ thăng lên đồi của Chúa và người nào sẽ ở nơi chốn thánh linh của Ngài? Đó là người có đôi bàn tay trong sạch và một tâm hồn thanh tịnh, người không tự cao tự đại, không hề dối trá (Thánh thi, xxiv, 3, 4). Chúa chỉ yêu cầu ngươi hành động một cách công chính, từ bi bác ái và khiêm tốn bước theo Chúa? (Micah, vi, 8). Lời nói chân thật sẽ được vững bền mãi mãi, còn lời nói dối trá chỉ được nhất thời. (Prov. xii, 19). Chẳng lẽ đây không phải là giới luật mà tôi đã chọn lựa? Tránh xa đám người hung ác, cởi bỏ gánh nặng, và giải phóng kẻ bị áp bức, thế là bạn phá tan mọi ách trói buộc. Chẳng lẽ bạn không chia sẻ bánh mì của mình cho kẻ đói và không mang đến cho kẻ nghèo những đồ vật mà bạn có dư thừa? Khi trông thấy kẻ trần truồng, bạn che phủ cho họ, nhưng không dùng hình thể bên ngoài để che giấu chính con người của bạn.” (Isa. lviii, 6, 7).

Bậc Đạo Sư Ky Tô có các giáo huấn bí mật dành cho các môn đồ của mình[14] và Ngài bảo họ: “Đừng đem những gì thiêng liêng cho những con chó, cũng đừng quăng ngọc trai cho bầy heo” (Matt. vii, 6).

Trên phương diện giáo lý công truyền, chúng ta có thể đề cập đến những niềm chân phúc trong “Bài giảng trên Núi” và những giáo lý như:

“Ta bảo các con hãy yêu thương kẻ thù của các con, hãy chúc lành cho những kẻ nào nguyền rủa các con, hãy tử tế với những kẻ nào thù ghét các con, hãy cầu nguyện cho những kẻ nào sỉ nhục, hành hạ các con. Do đó các con hãy trọn lành cũng giống như Cha các con vốn trọn lành ở trên Trời (Matt. v, 44, 48). Người nào tìm sự sống riêng, sẽ mất nó, kẻ nào hy sinh sự sống riêng vì nhân danh Ta, sẽ được nó. (x, 39). Người nào khiêm tốn như đứa trẻ này, người đó sẽ vĩ đại nhất nơi nước Trời (xviii, 4). Thành quả của tinh thần là tình thương, niềm vui, sự an bình, sự nhẫn nhục, sự dịu dàng, lòng tốt, sự tin tưởng, sự ôn hòa, sự tiết độ; không có luật lệ nào chống lại điều đó (Gal., v, 22, 23). Chúng ta hãy yêu thương lẫn nhau, vì tình thương vốn thuộc về Thượng Đế; và bất cứ kẻ nào biết yêu thương đều sinh ra từ Thượng Đế và biết được Thượng Đế “(I John, iv, 7).

Trường phái Pythagoras và trường phái Tân Platon bảo tồn truyền thống cho Hy Lạp, chúng ta biết rằng Pythagoras học được một số điều hiểu biết ở Ấn Độ, trong khi Platon học tập và được truyền bí pháp từ các trường phái ở Ai Cập. Nhiều hiểu biết chính xác về các trường phái Hy Lạp được tiết lộ nhiều hơn các trường phái khác. Trường phái Pythagoras có các đệ tử tuyên thệ và cũng có giới luật ngoại môn, nhóm nội môn gồm có 3 cấp, trải qua 5 năm dự bị. (Muốn biết chi tiết, xem “Orpheus” của G. R. S. Mead, các trang 263 và tiếp theo). Giới luật ngoại môn như sau:

“Trước hết chúng ta phải hiến dâng trọn vẹn cho Thượng Ðế. Khi cầu nguyện, ta không nên cầu xin bất cứ lợi ích đặc biệt nào, hoàn toàn tin tưởng điều được ban cho là đúng và thích hợp, vì Thượng Ðế luôn luôn minh triết. Không nên cầu xin theo các dục vọng ích kỷ của chúng ta. (Diod. Sic. ix, 41). Chỉ bằng đức hạnh mà con người đạt được chân phúc, và đây là đặc quyền duy nhất của một thực thể thuần lý (Hippodamus, De Felicitate, ii, Orelli, Opusc. Groecor. Sens et Moral., ii, 284). Tự bản thân, do bản chất của chính mình, con người chẳng tốt và cũng chẳng hạnh phúc, nhưng con người có thể trở nên như thế nhờ được dạy về giáo lý chân thực (Hippo, như trên). Bổn phận thiêng liêng nhất, là lòng hiếu thảo. Pampelus nói: Thượng Ðế ban nhiều chân phúc cho kẻ nào tôn vinh và kính trọng bậc thức giả đương thời (De Parentibus, Orelli, sách đã dẫn, ii, 345). « Sự vô ơn với cha mẹ là tội ác xấu xa nhất” Perictione viết (như trên, trang 350): Sự tinh khiết và tế nhị của những tác phẩm thuộc trường phái Pythagoras thật nổi bật (Oelian Hist. Var. xiv, 19). Nguyên tắc về sự trinh khiết và hôn nhân rất được chú trọng; ở bất cứ nơi đâu, bậc đại sư đều khuyên người ta phải trinh khiết và tiết độ. Nhưng đồng thời Ngài hướng dẫn rằng kẻ đã kết hôn trước hết phải làm tròn bổn phận của bậc cha mẹ trước khi sống cuộc đời hoàn toàn độc thân, để cho con cái có thể được sinh ra trong hoàn cảnh thuận lợi, ngõ hầu tiếp tục cuộc sống thánh thiện và nối tiếp Khoa Học Linh Thiêng (Iamblichus, Vit. Pythag., và Hierocl., ap. Stob. Serm. xlv, 14). Điều này rất thú vị, vì nó chính là quy tắc được ấn định trong “Manva Dharma Shastra”, bộ luật vĩ đại của Ấn Độ. Sự ngoại tình bị lên án nghiêm khắc (Iamb., như trên). Hơn nữa, người ta bắt buộc người chồng đối xử dịu dàng nhất đối với vợ, bởi vì chẳng lẽ người chồng không coi vợ mình là bạn đồng hành “khi đứng trước chư Thần Linh”? (Xem Lascaulx. Zur Geschichte der Ehe bei den Griechen trong “Kỷ yếu của viện hàn lâm Bavière”, vii, 107, sq.).

Hôn nhân không phải là một sự kết hợp do thú tính, mà là một sự ràng buộc tinh thần. Vì vậy, đến lượt người vợ phải yêu thương chồng mình ngay cả hơn chính bản thân mình, tận tụy và phục tùng trong mọi vấn đề. Thật là thú vị mà nhận thấy rằng trường phái Pythagoras đã đào tạo ra những người phụ nữ cổ Hy Lạp có tính tình thanh tú nhất, và điều này cũng đúng đối với đàn ông. Các tác giả thời xưa đồng ý rằng giới luật này đã tạo ra được những gương mẫu điển hình nhất, chẳng những về tình cảm và sự trinh khiết trong sạch, mà còn về phong cách đơn giản, tế nhị; và cũng khiến cho con người gìn giữ một cách nghiêm chỉnh giới luật ấy. Ngay cả các tác giả Thiên Chúa Giáo cũng thừa nhận điều này (xem Justin, xx, 4).... Trong số các thành viên của trường phái này, ý tưởng về sự công bằng chỉ đạo mọi hành vi của họ, còn trong các quan hệ hỗ tương thì họ tuân theo một cách nghiêm nhặt lòng từ bi và sự khoan dung. Vì sự công bằng là nguyên lý của mọi đức tính, như lời dạy của Polus (ap. Stob, Serm., viii, ed. Schow, trang 232): Sự công bằng có thể duy trì sự bình yên và quân bình của linh hồn; đó là mẹ của trật tự trong mọi cộng đồng, khiến cho vợ chồng hòa hợp nhau, chủ tớ yêu thương nhau.

Khi một người thuộc trường phái Pythagoras nói ra, họ ràng buộc vào lời nói. Và sau cùng một người phải sống như thế nào để bao giờ cũng sẵn sàng cho sự chết” (Hippolytus, Philos, vi), (như trên, trang 263-267).

Trong các trường phái Tân Platon, sự luận giải về các đức hạnh thật là thú vị, người ta phân biệt rõ ràng giữa đạo đức và sự phát triển tâm linh, hoặc theo như Plotinus diễn tả “Nỗ lực không phải để trở thành không tội lỗi, mà để trở thành một vị Thần Minh.”[15] Giai đoạn thấp nhất là trở nên không tội lỗi bằng cách thủ đắc các “đức tính chính trị” làm cho một người có hạnh kiểm hoàn toàn (các đức tính thể chất và luân lý thấp kém hơn các đức tính này), lý trí kiểm soát và tô điểm cho bản chất phi lý. Vượt trên các đức tính này là các đức tính tẩy trược, chỉ thuộc về lý trí mà thôi, chúng giải thoát linh hồn ra khỏi những sự ràng buộc của cuộc đời; trên lý thuyết, nâng cao linh hồn lên tiếp xúc với các bản chất cao hơn chính mình; và trên tiêu chuẩn, khiến cho linh hồn hiểu biết được bản thể chân thực: “Vì thế cho nên, kẻ nào được thúc đẩy theo các đức tính thực hành là người có giá trị, nhưng kẻ nào được thúc đẩy bởi các đức tính tẩy trược là một thần nhân, hoặc là một vị thần tốt lành.[16] Người nào chỉ được thúc đẩy theo các đức tính trí tuệ, là một thần linh. Song người nào được thúc đẩy theo các đức hạnh tiêu chuẩn, chính là Cha của chư thần linh” (Chú thích về sự Thận trọng trí tuệ, trang 325-332.)

Người ta dạy môn đồ nhiều phương pháp thực hành khác nhau để thoát ra khỏi thể xác và thăng lên các cõi giới cao hơn. Như cỏ được nẩy ra từ một lớp vỏ, con người nội giới phải được thoát ra khỏi cái khung cơ thể mình.17 “Thể ánh sáng tức thể quang huy” của người Ấn Độ chính là thể “quang hình” của môn đồ Tân Platon, và trong thể này, con ngưòi thăng lên tìm thấy chân ngã: “Người không bị chi phối bởi mắt thấy, tai nghe hoặc các giác quan khác, cũng không bị sự khổ hạnh hoặc các nghi thức tôn giáo trói buộc; người chỉ bị kiểm soát bởi minh triết trong sáng và bản chất cốt yếu thuần túy, người ấy sẽ thấy được Đấng Duy Nhất bất khả phân ly trong khi tham thiền. Bằng trí tuệ người ta nhận ra Chân Ngã tinh vi này, mà trong đó 5 tầng lớp của sự sống đang ngủ yên. Tâm trí của mọi sinh vật là bản năng đối với các sự sống (này).

Nơi tâm trí đã được tẩy trược này, Chân Ngã được biểu lộ” (Mundakopanishad, III, ii, 8, 9).

Thế rồi chỉ con người mới có thể nhập vào cõi giới không có sự phân chia, nơi mà “các cõi giới đã không còn nữa.” Trong phần giới thiệu tác phẩm “Plotinus” của Taylor, ông G. R. S. Mead trích dẫn từ Plotinus, mô tả một cõi giới đúng là Turiya của người Ấn Độ:

“Họ cũng thấy tất cả mọi sự vật, không phải là những sự vật có đặc tính sinh sôi nảy nở, mà là những sự vật nguyên thể. Và họ nhận thức được chính mình nơi những người khác. Vì mọi sự vật đều trong mờ; không một sự vật nào đen tối và cản quang. Mọi sự vật đều hiện rõ cả bên trong lẫn bên ngoài. Khắp mọi nơi, ánh sáng cũng đều hội ngộ với ánh sáng; vì mỗi sự vật chứa đựng tất cả những sự vật khác, và cũng thấy tất cả sự vật trong một sự vật khác. Vì thế, vạn vật ở khắp nơi và tất cả đều là tất cả. Mỗi sự vật cũng là tất cả mọi sự vật. Nơi đó sự rực rỡ thật là vô hạn, vì tất cả sự vật đều lớn lao, ngay cả sự vật nhỏ bé cũng thật là lớn lao. Mặt trời ở đó cũng là tất cả các ngôi sao, và mỗi ngôi sao cũng đều là mặt trời và tất cả các ngôi sao. Tuy nhiên, nơi mỗi sự vật có một tính chất khác biệt nổi bật, nhưng đồng thời tất cả mọi sự vật có thể được thấy nơi mỗi sự vật. Chuyển động ở đó cũng thuần túy; vì chuyển động

27 Kathopanishad, vi, 17.

không bị lẫn lộn với một chủ thể vận chuyển, vốn riêng biệt với nó” (trang lxxiii).

Khi mô tả thì không thể đúng, vì vùng này là một cõi giới mà ngôn ngữ thế gian không thể mô tả được, nhưng sự mô tả chỉ có thể ghi nhận được bởi người đã “sáng mắt”.

Người ta có thể ghi chép trọn cả một quyển sách bàn về những điều tương tự giữa các tôn giáo trên thế giới, nhưng những trình bày sơ lược nêu trên cũng đủ làm tiền đề cho việc học hỏi Minh Triết Thiêng Liêng. Minh Triết Thiêng Liêng (hay Thông Thiên Học) trình bày những chân lý xưa một cách mới mẻ và trọn vẹn hơn đến thế gian.

Tất cả những sự giống nhau này cho thấy có một nguồn cội duy nhất, đó là Quần Tiên Hội, hay Thiên Đoàn, gồm những vị Chân Sư trông nom và dìu dắt sự tiến hóa của nhân loại, các Ngài đã bảo tồn cho các chân lý này không bị hủy hoại. Đôi khi cần thiết, các Ngài lên tiếng tái khẳng định những chân lý này cho loài người.

Từ những thế giới khác, từ những nhân loại trước kia, các Ngài đến giúp đỡ bầu hành tinh chúng ta. Các Ngài đã tiến hóa theo một tiến trình tương tự với tiến trình của chúng ta hiện nay. Chúng ta sẽ hiểu nhiều hơn về sự tiến hóa này, sau khi đã hoàn tất công cuộc học hỏi hiện nay. Sự trợ giúp của các Ngài được củng cố thêm bởi những thành phần ưu tú của nhân loại, từ thời xa xưa nhất cho đến ngày nay. Các Ngài vẫn còn dạy dỗ các môn đồ nhiệt thành, chỉ dẫn từng bước tiến của các đệ tử. Tất cả những ai tìm kiếm vẫn có thể đạt tới các Ngài, miễn là họ luôn luôn mang theo tâm nguyện hy sinh, tình thương, lòng sùng tín, lòng ao ước hiểu biết để phụng sự bất vị kỷ. Các Ngài vẫn thực hành giới luật cổ, vẫn tiết lộ các bí pháp cổ. Hai cột trụ của cổng dẫn vào Thiên Đoàn chính là bác ái và minh triết, chỉ những kẻ nào đã vứt bỏ được lòng ham muốn và sự ích kỷ, mới có thể đi qua cánh cửa hẹp ấy.

Trước mặt chúng ta là một nhiệm vụ nặng nề, bắt đầu từ cõi trần, chúng ta sẽ leo lên từ từ, nhưng một cái nhìn tổng quát về tầm mức rộng lớn của cuộc tiến hóa và mục đích của nó có thể giúp ích chúng ta, trước khi bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ về thế giới chung quanh.

Trước khi thái dương hệ bắt đầu biểu lộ, thì Thượng Đế đã có sẵn trong trí Ngài một ý tưởng tổng quát; mọi thần lực, mọi hình tướng, mọi sự vật theo diễn tiến sẽ xuất lộ thành cuộc sống ngoại giới.

Ngài vạch ra vòng biểu lộ, bên trong giới hạn này, Ngài muốn cung cấp năng lượng và tự hạn chế mình với sự sống vũ trụ của Ngài. Khi quan sát, chúng ta thấy xuất hiện những tầng lớp có mật độ liên tiếp, cho đến khi hiện rõ 7 vùng rộng lớn. Nơi các trung tâm năng lượng này, xuất hiện các vòng xoáy ốc của chất liệu tách rời nhau cho đến khi các diễn trình phân ly và ngưng tụ kết thúc, theo mức độ có liên quan đến chúng ta, chúng ta thấy một mặt trời trung ương, biểu tượng phần vật chất của Thượng Đế, và 7 dãy hành tinh lớn, mỗi dãy có 7 bầu hành tinh. Thu hẹp tầm nhìn xuống tận dãy hành tinh mà bầu hành tinh của chúng ta trực thuộc, chúng ta thấy các làn sóng sinh hoạt trải ra chung quanh nó, tạo thành các loài trong thiên nhiên, 3 loài tinh hoa chất, loài khoáng thạch, loài thực vật, loài động vật và loài người. Thu hẹp tầm nhìn thêm nữa xuống tận bầu hành tinh của chúng ta và môi trường chung quanh, để quan sát cuộc tiến hóa của nhân loại, chúng ta thấy con người phát triển tâm thức cá nhân, trải qua một loạt nhiều chu kỳ sống. Khi tập trung sự quan sát vào một con người, chúng ta truy nguyên sự tăng trưởng của người ấy và thấy rằng mỗi chu kỳ sống được chia làm 3 phần; mỗi phần có liên hệ với mọi chu kỳ sống đi trước nó, gặt hái các kết quả của chúng, và gieo trồng các vụ gặt cho các chu kỳ sống theo sau nó, bởi một định luật không thể phá vỡ được. Như thế, chúng ta thấy rằng con người có thể leo lên cao trong mỗi chu kỳ sống do thêm vào kinh nghiệm riêng. Mỗi chu kỳ sống, con người được nâng lên cao hơn trên phương diện thanh tịnh, trí năng, sự sùng tín và năng lực hữu dụng; cho đến cuối cùng, con người đạt đến địa vị của các Đấng mà hiện nay là các vị Đạo Sư, và sẵn sàng trao lại cho đàn em món quà mà người ấy đã nhận lãnh từ các Đấng này.

CHƯƠNG I CÕI TRẦN (The Physical Plane)

Chúng ta được biết, nguồn gốc của sự thành lập vũ trụ từ một Đấng Thiêng Liêng biểu lộ. Theo hình thức hiện đại của Minh Triết Cổ Truyền, thì Ngài được gọi là đức Thượng Đế, hay Ngôi Lời (Logos, or Word). Danh từ này có xuất xứ từ triết lý Hy Lạp, nó diễn tả chính xác ý niệm xưa, Lời Nói phát sinh từ sự yên lặng, và Âm Thanh tạo thành vũ trụ.

Trước hết, chúng ta theo dõi sự tiến hóa của “vật chất- tinh thần” (spiritmatter) để hiểu rõ hơn về bản tính của những vật thể mà chúng ta gặp ở cõi trần hay còn gọi là thế giới vật chất. Vì khả năng tính của sự tiến hóa ẩn tàng trong những tiềm thể đã bị phủ kín trong vật chất-tinh thần của cõi trần. Toàn thể tiến trình của cuộc tiến hóa là sự tự phát triển từ bên trong và được trợ giúp từ bên ngoài do các vị thần minh. Các vị thần minh này có thể thúc giục hay trì hoãn sự tiến hóa, nhưng các Ngài không thể vượt qua khả năng tự nhiên của vật chất. Chúng ta cần có vài ý niệm về những giai đoạn đầu tiên của sự thành lập thế giới. Nhưng nếu trình bày quá nhiều chi tiết tỉ mỉ, chúng ta sẽ vượt quá giới hạn của quyển sách yếu lược này; vì vậy nơi đây chỉ phác họa một cách đại cương.

Ra khỏi chốn thâm u của Sự Sống Duy Nhất, từ cái “Một” ngoài tầm hiểu biết của tư tưởng, ngoài tầm diễn tả của ngôn ngữ, một Đấng Thượng Đế tự thành lập cho mình một ranh giới, Ngài tự giới hạn trong một khoảng không gian, để chính Ngài hiện hữu và trở thành vị Thượng Đế biểu lộ. Khi Ngài vẽ ranh giới cho phạm vi hoạt động của Ngài, đồng thời Ngài cũng giới hạn cho khu vực vũ trụ của Ngài. Chính trong phạm vi này mà vũ trụ được thành lập, tiến hóa và tan rã. Nó sống, vận chuyển và hiện hữu trong lòng Ngài. Vật chất của vũ trụ là hơi bốc lên của đức Thượng Đế. Sức mạnh và năng lực của vũ trụ là những triều lưu dòng sống của Ngài. Ngài hiện hữu bên trong các nguyên tử; Ngài thấu nhập, nâng đỡ và làm phát triển mọi sự vật. Ngài là nguồn gốc của thế giới, cũng là chung cuộc; là nguyên nhân và đối tượng, là trung tâm và chu vi. Ngài là nền tảng vững chắc, mà tất cả được xây dựng nên. Ngài là khoảng không gian mà trong đó vạn vật đều hô hấp. Ngài ở trong mọi vật và mọi vật ở trong Ngài. Đó là những điều mà các Đấng thông đạt về Minh Triết Cổ Truyền đã dạy chúng ta về sự khởi đầu của những vũ trụ biểu lộ.

Cũng từ căn nguyên đó, chúng ta biết rằng đức Thượng Đế tự phát triển thành hình thức tam phân:

1)– Đức Thượng Đế thứ nhất (the First Logos), là nguồn cội sinh ra muôn loài vạn vật.

2) – Đức Thượng Đế thứ nhì, từ đức Thượng Đế thứ nhất mà có. Ngài biểu lộ ra hai trạng thái: sự sống và hình thể, là khởi thủy của nhị nguyên. Nhị nguyên ấy là hai cực của tạo hóa, giữa hai cực ấy vũ trụ được tạo ra. Những nhị nguyên là: sự sống-hình thể (Life-Form), vật chất-tinh thần (Spirit-Matter), tích cực-tiêu cực (Positive-Negative), hoạt động-thụ động (Active-Receptive), chamẹ của thế giới (Father-Mother of the worlds).

3)– Kế đến là đức Thượng Đế thứ ba, trí tuệ vũ trụ, khuôn mẫu của vạn vật. Ngài là nguồn cội của mọi sự hiện tồn, là mạch nước của năng lực sáng tạo, là kho tàng tích trữ tất cả hình thể kiểu mẫu. Những hình thể này sắp được biểu lộ và sẽ được hoàn chỉnh trong vật chất ở những cõi thấp trong thời gian tiến hóa của vũ trụ. Những hình kiểu mẫu này là kết quả từ những vũ trụ quá khứ, lưu truyền lại để làm mầm giống cho vũ trụ hiện tại.

Hiện tượng tinh thần và vật chất của bất cứ vũ trụ nào, theo chiều rộng của nó cũng đều hữu hạn, theo thời gian thì tạm thời. Nhưng nguồn gốc của tinh thần và vật chất đều vĩnh cửu. Một tác giả uyên bác nói: “Nguồn gốc của vật chất (Mulaprakriti), được đức Thượng Đế xem như là chiếc màn the che phủ sự sống duy nhất, tức đấng Thượng Đế tối cao (Parabrahman), danh từ được dùng theo thời xưa.”

Chính chiếc màn the đó mà Thượng Đế dùng để biểu lộ. Ngài dùng nó tự làm ranh giới, để có thể thực hiện những hoạt động. Chính trong ranh giới đó, Ngài sắp xếp, tạo ra vật chất trong vũ trụ của Ngài. Chính Ngài làm ra, hướng dẫn và kiểm soát sự sống.[17]

Chúng ta chỉ có khái niệm lờ mờ về hai cõi cao nhất của vũ trụ là cõi thứ bảy và cõi thứ sáu. Thần lực của đức Thượng Đế, xoay vần mau lẹ không thể tưởng tượng nổi, “đào thủng những lỗ trống trong không gian,” trong vật chất nguyên thủy. Luồng xoáy của sự sống đó được bao bọc trong một lớp màn của vật chất nguyên thủy và tạo thành hạt nguyên tử đầu tiên. Những hạt nguyên tử đầu tiên, và những nhóm của chúng trải ra khắp cùng vũ trụ. Chúng phân chia thành những phần nhỏ của vật chất-tinh thần, choán cõi thứ bảy là cõi cao nhất.

Cõi thứ sáu được thành lập do một phần của vô số nguyên tử đầu tiên. Những nguyên tử này chuyển động xoáy và kết tập nhau lại một cách thô kệch nơi cõi của chúng. Những nguyên tử thô kệch này được bao bọc bởi những dây xoắn ốc, bện vào nhau. Sự kết hợp của những nguyên tử thô kệch nhất của cõi thứ bảy, trở thành nguyên tố thanh nhuyễn nhất của vật chất-tinh thần, hay nguyên tử của cõi thứ sáu. Những nguyên tử của cõi thứ sáu này kết hợp lại theo vô số cách thức khác nhau, tạo thành nhiều tiểu phần của vật chất-tinh thần của cõi thứ sáu. Kế tiếp, nguyên tử của cõi thứ sáu xoay vần, kết tập một cách thô kệch lại ở cõi của nó. Và những nguyên tử tập hợp thô kệch nhất này, với vách bao bọc ngoài, trở thành những nguyên tố tinh vi nhất của vật chất- tinh thần, hay nguyên tử của cõi thứ năm. Những nguyên tử của cõi thứ năm và những kết hợp của nó, tạo thành những tiểu phần vật chất-tinh thần của cõi thứ năm. Tiến trình này, cứ lặp đi lặp lại để liên tục tạo thành những tiểu phần vật chất-tinh thần cho cõi thứ tư, thứ ba, thứ nhì và thứ nhất. Đó là bảy vùng lớn của vũ trụ. Nhờ sự tương tự đó mà chúng ta có thể có được một ý niệm rõ rệt hơn, khi chúng ta tìm hiểu những sự thay đổi của vật chất-tinh thần tại cõi trần của chúng ta.[18]

Người ta cố ý dùng danh từ “vật chất-tinh thần” để ám chỉ rằng, không có vật chất “chết”. Tất cả vật chất đều sống; dù phần tử nhỏ nhất cũng sống. Khoa học nói đúng, khi quả quyết rằng: “Không có năng lực nào mà không có vật chất, và không có vật chất nào mà không chứa đựng năng lực.” Năng lực và vật chất kết hợp với nhau bởi sợi dây liên kết đời đời, xuyên qua nhiều thời đại của một vũ trụ và không ai có thể tách rời được. Vật chất tức là hình thể, và không có một hình thể nào mà không diễn tả sự sống. Tinh thần là sự sống, và không có một sự sống nào mà không bị hạn chế bởi một hình thể. Cho chí đức Thượng Đế, là Đấng Tối Cao, cũng lấy vũ trụ trong thời kỳ biểu lộ làm hình thể; xuống đến hạt nguyên tử cũng thế.

Sự sống của đức Thượng Đế bị cuốn hút vào trong mỗi phần tử nhỏ của vật chất như là một mãnh lực kích động. Và sự phát triển liên tiếp của nó được bao phủ trong vật chất-tinh thần xuyên qua các cõi. Như thế, ngoài năng lực riêng của mình, chất liệu của mỗi cõi chứa đựng tất cả những hình thể và năng lực ẩn tàng của những cõi ở trên nó. Hai sự kiện trên xác định sự tiến hóa, và đem đến cho phần tử nhỏ nhất những tiềm năng. Tiềm năng này từ từ trở thành khả năng tích cực có thể nhập vào hình thể của những sự biểu lộ cao cả nhất. Thật vậy, sự tiến hóa có thể được tóm tắt như sau: “Đó là khả năng tiềm ẩn, trở thành khả năng hoạt động.”

Làn sóng tiến hóa vĩ đại thứ nhì làm phát triển hình thể. Làn sóng tiến hóa vĩ đại thứ ba làm phát triển tâm thức của bản ngã (self-consciouness). Chúng ta sẽ xét vấn đề này về sau. Sự tác động của ba làn sóng tiến hóa trên đây có liên hệ đến con người ở quả đất, được so sánh tương tự như sau: Làm ra vật liệu, xây cất nhà cửa, sự phát triển của kẻ trú ngụ trong nhà. Hoặc nói như trên, là: Sự tiến hóa của “vật chất-tinh thần”, sự tiến hóa của hình thể, sự tiến hóa của tâm thức bản ngã. Nếu độc giả có thể hiểu thấu và ghi nhớ ý niệm này, thì sẽ tìm thấy được đầu mối hữu ích, từ đó sẽ thông suốt những sự kiện phức tạp.

Bây giờ, chúng ta có thể trở lại quan sát chi tiết về cõi trần, là nơi thế giới của chúng ta hiện tồn, và là nơi cư trú của xác thân chúng ta.

Khi chúng ta quan sát những chất liệu nơi cõi trần, điều làm cho chúng ta ngạc nhiên là có quá nhiều loại khác nhau. Không thể kể hết được sự khác biệt về cấu trúc của những vật thể chung quanh chúng ta; kim thạch, thảo mộc, thú cầm, tất cả đều khác nhau về sự cấu tạo. Có chất cứng hay mềm, trong hay đục, bở dòn hay mềm dẻo; vị thì có đắng hay ngọt, dễ ưa thích hay làm buồn nôn; màu sắc thì có đủ loại màu, hay không màu sắc. Trong sự hỗn tạp này, người ta phân loại ra 3 trạng thái căn bản của vật chất: đặc, lỏng và hơi. Nếu quan sát sâu xa hơn, chúng ta thấy những chất đặc, lỏng và hơi này đều do sự kết hợp từ các vật thể rất đơn giản mà nhà hóa học gọi là “nguyên tố”, và chính những nguyên tố này có thể tồn tại trong trạng thái đặc, lỏng và hơi mà không thay đổi tính chất. Như cách thức nguyên tố hóa học dưỡng khí (oxygen) dự vào sự cấu tạo của cây, khi kết hợp với những nguyên tố khác, nó làm ra những sớ gỗ, là chất đặc. Nó cũng có trong mủ cây, bằng cách kết hợp với những nguyên tố khác làm ra hợp chất lỏng, và chính nó cũng là chất hơi. Trong 3 trường hợp đó, nó vẫn là dưỡng khí (oxygen). Hơn nữa, dưỡng khí nguyên chất có thể từ thể hơi biến thành thể lỏng, và từ thể lỏng thành thể đặc, mà nó vẫn luôn luôn là dưỡng khí nguyên chất; các nguyên tố khác cũng giống như thế.

Chúng ta vừa mới xét qua 3 thành phần hay là ba trạng thái của vật chất cõi trần: chất đặc, lỏng, hơi. Xa hơn nữa, chúng ta sẽ biết được có một trạng thái thứ tư, đó là chất dĩ thái (ether). Phân tích kỹ hơn, chúng ta biết, chất dĩ thái này tồn tại dưới bốn trạng thái, cũng rõ rệt như là sự phân biệt giữa ba trạng thái, đặc, lỏng, hơi. Hãy lấy dưỡng khí làm thí dụ một lần nữa. Dưỡng khí có thể từ trạng thái hơi hóa ra trạng thái lỏng và từ trạng thái lỏng hóa ra trạng thái đặc; như thế, nó cũng có thể từ trạng thái hơi chuyển qua bốn trạng thái của dĩ thái, mà trạng thái cuối cùng bao gồm hạt nguyên tử căn bản cõi trần (ultimate physical atom).[19] Khi hạt nguyên tử căn bản cõi trần bị tan rã, thì toàn chất của nó tách ra khỏi cõi trần và sang ngay qua cõi cao kế đó…. Do sự khảo sát, chúng ta thấy sự cấu tạo hạt nguyên tử căn bản cõi trần của tất cả mọi loài đều giống nhau; sở dĩ có nhiều loại “nguyên tố khoa học” khác nhau là do cách thức kết hợp khác nhau của những hạt nguyên tử căn bản cõi trần. Như thế, chi phần thứ bảy của vật chất-tinh thần cõi trần được tạo nên do những hạt nguyên tử giống như nhau. Chi phần thứ sáu được tạo thành là nhờ những tập hợp của các nguyên tử với nhau một cách khá đơn giản, mỗi một tập hợp tự tác động như là một đơn vị. Chi phần thứ năm và thứ tư được tạo nên là do những kết hợp càng lúc càng phức tạp hơn. Trong tất cả các trường hợp, những sự kết hợp luôn luôn tác động như là những đơn vị. Chi phần thứ ba được tạo thành do những sự kết hợp phức tạp hơn nữa; trong hóa học gọi chúng là các nguyên tử thể hơi hay những “nguyên tố”. Ở chi phần thứ 3 này, có một số lớn tập hợp được lấy tên đặc biệt là: dưỡng khí (oxygen), khinh khí (hydrogen), đạm khí (nitrogen), diệp lục khí (chlorine), v. v…, và mỗi tập hợp mới được khoa học khám phá ra cũng đều được đặt tên. Chi phần thứ nhì được tạo thành là nhờ những kết hợp ở trong trạng thái lỏng; có loại được xem là nguyên tố như bromine, còn loại khác là hợp chất, như nước hay rượu. Sau cùng chi phần thứ nhất được cấu tạo do tất cả chất đặc, hoặc dưới dạng nguyên tố như iodine, vàng (gold), chì (lead), v. v…, hay là dưới dạng hợp chất phức tạp như gỗ, đá, phấn viết, v. v…

Có thể dùng cõi trần làm kiểu mẫu, do sự giống nhau mà học giả có thể có một ý niệm về sự phân chia những chi phần của vật chất-tinh thần ở các cõi khác. Khi học giả Thông Thiên Học nói về một cõi nào, họ muốn nói đến một vùng hoàn toàn có sự hiện tồn của vật chất-tinh thần, và những chất hóa hợp đều được cấu tạo từ một nhóm những nguyên tử đặc biệt. Những nguyên tử này là những đơn vị có cách cấu tạo tương tự nhau, sự sống của chúng là sự sống của đức Thượng Đế bị che phủ bởi nhiều hay ít lớp, tùy theo cõi, cấu trúc của chúng gồm chất đặc, hay chất liệu của phân cảnh thấp nhất của cõi trên kế đó. Như thế, một cõi không những là sự phân chia trong thiên nhiên, mà còn cho thấy ý niệm siêu hình nữa.

Chúng ta vừa học qua những kết quả của sự tiến hóa về “vật chất-tinh thần” trong chính cõi trần của chúng ta; đó là cõi thứ nhất, hay cõi thấp nhất của thái dương hệ. Trải qua vô số thời đại, dòng tiến hóa của vật chất-tinh thần đã trau giồi chất liệu vũ trụ, cho ra kết quả như chúng ta thấy hiện nay. Nhưng khi chúng ta bắt đầu nghiên cứu về những thực thể tại cõi trần, chúng ta phải đề cập đến sự tiến hóa của hình thể, và sự tạo dựng nên những cơ quan từ chất liệu vật chất.

Khi những chất liệu vật chất đã phát triển đúng mức, thì luồng sóng sinh hoạt thứ nhì của đức Thượng Đế bắt đầu thúc đẩy sự tiến hóa của hình thể. Ngài trở thành động lực tổ chức[20] của vũ trụ, nhờ có vô số thực thể, gọi là những vị Kiến Thiết[21] tạo lập hình thể do sự kết hợp của chất liệu tinh thần. Sự Sống của đức Thượng Đế ngự ở trung tâm của mỗi hình thể là năng lực tác động và điều khiển.

Nơi đây, chúng ta không thể học từ chi tiết sự xây dựng hình thể ở các cõi cao. Chúng ta chỉ có thể nói, mọi hình thể đều có sẵn như là những ý tưởng trong trí đức Thượng Đế, và luồng sóng sinh hoạt thứ nhì làm cho chúng được biểu lộ như những kiểu mẫu, theo đó các Vị Kiến Thiết làm phận sự. Trên cõi thứ ba và thứ nhì, những kết hợp “vật chất-tinh thần” đầu tiên được sắp xếp theo những cách thức nào đó để tác động như những đơn vị độc lập, và dần dần chúng được ổn định khi được sắp xếp vào trong cơ quan. Tiến trình này được thực hiện trên cõi thứ ba và thứ nhì, với sự hiện tồn của ba loài tinh hoa (elemental kingdoms) và những sự kết hợp các chất liệu ở đó, thường được gọi là “tinh hoa chất” (elemental essence). Nhờ sự kết tụ, các tinh hoa này được đặt vào khuôn, thành hình thể. Những hình thể này, sinh tồn một thời gian rồi tan rã. Sự sống tuôn ra, hay Chân Thần, tiến hóa xuyên qua ba loài này, và cuối cùng đến tận cõi trần. Nơi đây nó bắt đầu qui tụ chất dĩ thái thành những lớp mỏng, trong đó những luồng sống sinh hoạt tác động và tạo thành vật chất đậm đặc hơn. Theo tiến trình đó, những loại kim thạch đầu tiên được tạo ra. Khi tham khảo bất cứ quyển sách nào về kết tinh học, người ta đều nhận thấy kim thạch có những cấu trúc rất đẹp đẽ, chúng được cấu tạo nên theo phương thức số học và hình học đặc biệt. Kim thạch còn đưa nhiều bằng chứng xác định rằng sự sống tác động trong tất cả khoáng vật, mặc dù sự sống đó bị giam kín, bị ngăn trở và bị giới hạn rất nhiều. Hiện tượng “mòn mỏi” (fatique) của kim loại, cho thấy chúng cũng là vật sống. Về phương diện giáo lý huyền môn, tới đây cũng đủ cho chúng ta nhận biết có sự sống trong giới kim thạch.

Khi hình thể trong đa số kim thạch đã được ổn định nhiều rồi, thì Chân Thần đang tiến hóa, dự trù một hình thức mềm dẻo hơn, kết hợp với cấu trúc tương đối ổn định cho loài thảo mộc. Những đặc tính này (mềm dẻo và ổn định) được biểu lộ một cách quân bình hơn trong loài cầm thú, và đến tột độ quân bình trong loài người. Vì xác thân con người được tạo bằng những phần tử không ổn định, nhờ đó mà con người có khả năng thích ứng cao. Nhưng các phần tử bất ổn định này được giữ lại với nhau, do một sức mạnh kết hợp trung tâm, làm cho chúng có thể chịu đựng được hầu hết những điều kiện khác biệt mà không tan rã.

Thân thể con người có hai phần chính: Phần đậm đặc làm bằng những nguyên tố rút ra từ ba chi phần thấp của cõi trần (chất đặc, lỏng và hơi); và thể phách (the etheric double), màu xám tím hay xám xanh, làm bằng những vật liệu rút ra từ bốn chi phần cao của cõi trần, nó thấu nhập phần xác thân đậm đặc.

Phận sự tổng quát của xác thân là tiếp xúc với ngoại giới và chuyển vào bên trong kết quả của sự tiếp xúc này, như những chất liệu cung cấp cho thực thể ý thức để thu thập hiểu biết. Thể phách còn có nhiệm vụ đặc biệt như là trung gian, qua nó những dòng sinh lực do mặt trời tủa ra có thể thích ứng để sử dụng cho những phần tử đậm đặc hơn. Đối với thái dương hệ chúng ta, mặt trời là một kho vĩ đại chứa đựng điển lực, từ lực và sinh lực, nó tuôn rải ra rất nhiều những luồng năng lực này. Thể phách của kim thạch, thảo mộc, thú cầm, và con người hấp thụ và biến đổi những năng lực này thành nhiều loại năng lực sống khác nhau, cần thiết cho mỗi loài.[22] Thể phách thu hút, chuyên biệt hóa và phân phát chúng cho thể xác liên hệ. Sự quan sát cho thấy, khi sức khỏe dồi dào, sinh lực được biến đổi nhiều hơn số lượng cần thiết cho sự bảo trì của xác thân, số sinh lực dư túa rải ra chung quanh; và những cơ thể yếu đuối hơn có thể nhờ cậy được. Danh từ chuyên môn được dùng là hào quang sức khỏe (the health aura) là phần cái phách túa ra khắp bề mặt xác thân và ra khỏi xác thân vài phân, như tia sáng phát ra từ trung tâm của một hình cầu, túa ra mọi hướng. Những tia sáng này ngã xiên xuống đất, khi kém sinh lực và sức khỏe suy yếu. Nhưng khi con người khoẻ mạnh trở lại, thì chúng lại túa ra mạnh mẽ như trước. Chính sinh lực này, do thể phách chuyển hóa, được nhà truyền từ điển dùng để hoàn lại sinh lực cho người yếu, hay để chữa bệnh; trong đó cũng thường có vài luồng từ điển khác thanh nhẹ hơn. Đó là nguyên nhân tại sao nhà truyền từ điển, bị giảm sinh lực và mỏi mệt, khi sử dụng quá lố sinh lực mà họ có.

Sự cấu tạo thể xác con người được thanh bai hay thô kệch là tùy theo vật liệu rút từ cõi trần để tạo ra nó. Mỗi chi phần của vật chất cung cấp những chất liệu có mức độ thanh nhẹ hay thô kệch khác nhau. Hãy so sánh xác thân của người hàng thịt với xác thân của một học giả thông thái; cả hai đều chứa chất đặc; nhưng phẩm chất của chúng khác biệt nhau rất nhiều. Hơn nữa, chúng ta biết một xác thân thô kệch có thể làm cho trở thành thanh bai được; và một xác thân thanh bai có thể làm cho thô kệch được. Thân thể biến đổi không ngừng, mỗi phần tử của nó đều có sự sống riêng; và sự sống đến, rồi đi. Nó bị thu hút đến một xác thân rung động đồng nhịp với nó; và bị đẩy ra khỏi xác thân nào khác tính chất với nó. Vạn vật đều sống theo những rung động nhịp nhàng. Tất cả đều hướng đến sự điều hòa và chống lại sự không điều hòa. Một xác thân trong sạch đẩy lui những phần tử ô trược, vì tần số rung động không phù hợp với nó. Trái lại, một xác thân thô kệch thu hút những phần tử ô trược vào, do sự rung động hòa điệu của chúng. Như thế, khi một xác thân thay đổi tần số rung động, từ từ nó loại ra khỏi cơ cấu của nó, những thành phần không đồng nhịp, và thay vào đó bằng những thành phần mới, đồng nhịp, rút ra từ thiên nhiên. Thiên nhiên cung cấp những chất liệu, đủ mọi loại rung động; và mỗi xác thân có sự chọn lựa riêng cho nó.

Trong giai đoạn đầu của sự cấu tạo xác thân con người, sự chọn lựa chất liệu đều do Chân Thần sắc tướng (Monad of form) thực hiện, nhưng ngày nay, con người là một thực thể có tâm thức riêng, thì chính mình chọn lựa sự kiến tạo cho mình. Con người dùng tư tưởng để đánh thức chủ âm điều hòa của cá nhân và để xếp đặt những tiết điệu; đó là những yếu tố mạnh mẽ trong sự thay đổi không ngừng của xác thân cũng như các thể khác. Khi con người hiểu biết nhiều hơn, họ tập xây dựng xác thân mình bằng thực phẩm tinh khiết, để cho sự hòa điệu dễ dàng hơn. Con người tập sống theo định lý của sự tinh lọc như sau: “Thực phẩm tinh khiết, tư tưởng thanh cao và luôn luôn tưởng niệm đức Ngọc Đế.” Ngài là Đấng cao nhất, hiện tồn tại cõi trần này; Ngài là đại diện của đức Thượng Đế (Logos). Tùy theo phạm vi quyền lực mà Ngài chịu trách nhiệm về trật tự, hòa bình và quản trị tốt đẹp. Ngài không thể làm xong bổn phận, nếu không thực hiện được 3 điều vừa kể trên.

Thể xác được tạo nên bởi những nguyên tố rút ra từ các phân cảnh của cõi trần, nên nó có khả năng tiếp nhận và đáp ứng với mọi loại tác động từ cõi trần. Những tiếp xúc đầu tiên thuộc loại đơn giản và thô kệch nhất. Khi sự sống bên trong phát ra để đáp ứng với sự kích thích từ bên ngoài, sẽ làm cho những phân tử của thể xác rung động đáp ứng. Lần lần xúc giác phát triển trên toàn diện tích của cơ thể, làm cho chúng ta nhận biết những xúc chạm trên cơ thể. Có sự phát triển của các giác quan được chuyên biệt hóa để tiếp thu những làn rung động đặc biệt. Khả năng của cơ thể tăng lên để đóng vai trò một dẫn thể trong tương lai cho sự hoạt động của tâm thức tại cõi trần. Hễ nó càng ứng đáp được nhiều loại cảm giác chừng nào thì nó càng hữu dụng chừng nấy; vì chỉ có những cảm giác nào nó đáp ứng được mới truyền đến tâm thức. Hiện tại, trong cõi vật chất chung quanh chúng ta, có vô số làn rung động mà chúng ta hoàn toàn không nhận biết, vì cơ thể chúng ta không thể tiếp nhận được, do không rung động đồng nhịp với chúng. Nhiều điều mỹ lệ phi thường, âm thanh tuyệt diệu, sự tế nhị thanh kỳ đều chạm phải vách tường của “nhà tù” (xác thân) nhốt tâm thức chúng ta, rồi lướt qua không được nhận biết. Một xác thân hoàn hảo sẽ cảm thông được với mỗi nhịp rung động trong thiên nhiên, cũng như cây phong cầm trước làn gió thoảng.

Những làn rung động mà xác thân có thể tiếp nhận được, truyền đến các trung khu thần kinh rất phức tạp. Cũng thế, làn rung động dĩ thái đi kèm theo với làn rung động của những cấu trúc vật chất đậm đặc, được thể phách tiếp nhận rồi chuyển đến những trung khu tương xứng. Hầu hết rung động của chất đặc đều được biến đổi thành hơi nóng hóa học (chemical heat) và những dạng khác của năng lượng vật chất (physical energy). Những làn rung động dĩ thái sinh ra các tác động từ lực và điện, rồi chuyển qua thể vía, kế đó truyền đến thể trí, như sẽ trình bày về sau. Như thế, những tin tức ở ngoại giới được đưa đến tâm thức ngụ trong xác thân, hay là “chủ tể của xác thân” như đôi khi được gọi như thế. Khi những đường thông tin, do sự luyện tập được phát triển và cung cấp nhiều dữ kiện cho tư tưởng, thì tâm thức trong con người sẽ phát triển nhiều thêm. Nhưng trong thời đại chúng ta, con người còn ít tiến hóa, nên thể phách chưa đủ điều hòa để đem đến cho xác thân và bộ óc ấn tượng tiếp nhận được từ những nguồn gốc không thuộc vật chất nặng trược. Đôi khi, con người tiếp nhận được những ấn tượng này do họ đã phát triển phần thấp nhất của khả năng thấu thị, tức là thông nhãn thể phách, đó là sự thấy được thể phách của đồ vật và những thực thể có thể phách là lớp áo thấp nhất.

Ta thấy, con người trú ngụ trong những thể khác nhau: thể xác, thể vía và thể trí. Và chúng ta cần biết rằng, chúng ta đang tiến hóa hướng thượng, thể thấp nhất tức xác thân thô kệch, là thể đầu tiên cần được tâm thức kiểm soát và hợp lý hóa. Não bộ là khí cụ của tâm thức trong lúc thức ở cõi trần. Đối với người ít tiến hóa, tâm thức trong xác thân hoạt động một cách hữu hiệu hơn khi nó ở trong các thể khác. Khả năng của xác thân ít hơn khả năng của các thể thanh; nhưng thực hiện của nó lớn hơn, và con người tự biết mình là “cái ta” trong xác thân, trước khi tìm thấy mình nơi nào khác. Mặc dù một người tiến hóa hơn những đồng loại trung bình đi nữa, thì người ấy cũng chỉ có thể biểu lộ tại cõi trần trong phạm vi mà cơ thể có thể dung nạp được, vì tâm thức chỉ biểu lộ được ở cõi trần đến mức độ nào mà xác thân có thể thu nhận được mà thôi.

Trong kiếp sống ở thế gian, xác thân thô kệch và thể phách không thể rời nhau. Trong tình trạng bình thường, chúng nó cùng nhau tác động, cũng như những sợi dây đàn có âm độ cao thấp khác nhau cùng trong một nhạc cụ; khi được khảy lên một hòa điệu, chúng tác động khác nhau, nhưng rất ăn khớp với nhau. Trong tình trạng kém sức khỏe, hay thần kinh bị xáo trộn, một phần lớn thể phách có thể bị đẩy một cách bất thường ra khỏi phần tương ứng với xác thân. Lúc ấy xác thân chỉ có tri thức lờ mờ, hoặc ở trong trạng thái xuất thần, tùy theo số lượng thể phách bị đẩy ra ngoài. Những loại thuốc gây mê hay thuốc tê, đẩy một phần lớn thể phách ra khỏi xác thân, do đó tâm thức không thể ảnh hưởng, hay ngược lại bị ảnh hưởng bởi thể xác, và cầu thông thương giữa hai thành phần bị gián đoạn. Đối với những người có cơ thể cấu tạo bất thường, như trường hợp “đồng tử”, thì thể phách và xác thân tách rời nhau một cách dễ dàng, và thể phách bị loại ra ngoài, một phần lớn được cung cấp như là chất liệu cần thiết cho sự “hiện hình”.

Trong lúc thức, tâm thức sử dụng xác thân để tiếp xúc với ngoại giới. Lúc ngủ, tâm thức rời bỏ xác thân, thì xác thân và thể phách vẫn ở chung với nhau. Nhưng trong lúc thân xác chiêm bao (physical dream – life),[23] chúng hoạt động có phần độc lập với nhau. Những ấn tượng tiếp nhận trong lúc thức được diễn lại do sự tác động tự động của xác thân. Bộ óc xác thân, và bộ óc thể phách, đều chứa đầy những hình ảnh vụn vặt, rời rạc, với những làn rung động xô đẩy nhau, tạo ra nhiều hỗn tạp rất quái dị. Những làn rung động từ bên ngoài cũng kích động hai thể ấy (xác và phách). Rồi những sự hỗn tạp, thường lặp đi lặp lại lúc thức, rất dễ được khơi cho hoạt động lại do những dòng năng lực cùng một bản chất từ cõi trung giới. Những hình ảnh xảy ra trong lúc chiêm bao, dù tự nhiên hay do bên ngoài, phần lớn được tạo ra do sự thanh cao hay thô trược của tư tưởng trong lúc thức.

Khi xảy đến hiện tượng mà người ta gọi là “sự chết”, thì tâm thức trong lúc xuất ra khỏi xác thân, kéo theo thể phách ra ngoài. Như thế, dây từ khí nối liền hai thành phần (thể xác và thể phách) trong kiếp sống dưới thế gian bị tách rời ra. Tiếp theo đó khoảng vài tiếng đồng hồ, tâm thức của con người vẫn bị bao bọc trong lớp y phục thể phách. Đôi khi trong trạng thái đó, người vừa từ trần hiện ra trước mắt những người thân với một hình ảnh như sương mù, “bóng ma” đó có tri thức lờ mờ và câm lặng. Thể phách cũng có thể được thấy sau khi tâm thức đã bỏ rơi nó, nó bay lượn trên mồ mả nơi chôn thể xác, và nó tan rã dần với thời gian.

Từ khi thai nhi phát triển đến lúc sinh ra, thể phách được tạo ra trước, rồi thể xác dần dần phát triển theo đúng khuôn mẫu của thể phách. Có thể nói, hai thể này (xác và phách) là giới hạn, trong đó tâm thức con người sống và làm việc trong kiếp sống trần gian. Vấn đề này sẽ được giải rõ hơn ở chương IX nói về “nghiệp quả”.


 

CHƯƠNG II CÕI TRUNG GIỚI (The Astral Plane)

Cõi trung giới là vùng của vũ trụ “kế cận” với cõi trần, nếu từ ngữ kế cận được phép dùng nơi đây để nói lên ý nghĩa ấy. Đời sống nơi cõi đó linh hoạt hơn và hình thể mềm dẻo hơn tại cõi trần. “Vật chất-tinh thần” ở trên cõi ấy linh hoạt hơn và thanh nhẹ hơn bất cứ cấp độ nào của vật chất-tinh thần ở cõi trần. Ta biết hạt nguyên tử căn bản cõi trần cấu tạo nên chất dĩ thái thanh nhẹ nhất, có màn bao bọc làm bằng vô số chất liệu thô trược nhất của cõi trung giới tập hợp lại. Tuy nhiên, từ ngữ “kế cận” không được đúng lắm, vì nó gợi ý những cõi của vũ trụ đều sắp xếp theo khu vực đồng tâm điểm (concentric circles); ranh giới của một khu vực là nơi bắt đầu một khu vực kế tiếp. Đúng ra, chúng nó là những cầu thể (spheres) đồng tâm điểm, thấu nhập lẫn nhau, trong cùng một không gian, nhưng riêng rẽ về sự dị biệt ở thể chất. Như không khí thấu nhập nước, dĩ thái thấu nhập chất đặc thô kệch nhất; cũng như thế, chất khí cõi trung giới thấu nhập mọi vật cõi trần. Cõi trung giới ở trên, ở dưới, ở chung quanh chúng ta và xuyên qua chúng ta. Chúng ta sống và hoạt động trong nó, nhưng không chạm đến nó, không thể thấy, nghe và không nhận thức được nó, vì chúng ta bị ngăn cách với cõi ấy bởi ngục tù xác thân; những phần tử của xác thân quá thô kệch nên không rung động đồng nhịp với chất khí cõi trung giới.

Trong chương này, chúng ta khảo cứu những phương diện tổng quát về cõi trung giới; chúng ta sẽ xét riêng những điều kiện đặc biệt của sự sống nơi cõi ấy đối với con người đi xuyên qua nó, trên con đường từ cõi trần đến cõi thiên đàng.[24]

“Vật chất-tinh thần” của cõi trung giới cũng được phân chia thành bảy chi phần, giống như bảy chi phần của cõi hồng trần mà chúng ta vừa học. Nơi đây có vô số kết hợp, làm ra những chất đặc, lỏng, hơi và chất dĩ thái của cõi trung giới. Nếu so sánh với cõi trần, đa số vật thể ở cõi trung giới đều chói sáng, và trong suốt, do đó người ta dùng hình dung từ “sáng như sao”, hay “tinh tú” để gọi nó. Hình dung từ này không được đúng lắm, nhưng đã được dùng cố định từ lâu, nên khó sửa đổi được. Vì không có tên đặc biệt cho những chi phần của “vật chất-tinh thần” ở cõi trung giới, nên chúng ta có thể dùng những danh từ tương đương được áp dụng ở cõi trần. Ý niệm chính nên nhớ là đồ vật trung giới là tập hợp của chất liệu trung giới, cũng như đồ vật cõi trần, là tập hợp của chất liệu hồng trần. Những cảnh trí ở cõi trung giới đều tương đương với những cảnh trí ở cõi trần, vì phần lớn đồ vật đều là bản sao trung giới của đồ vật ở cõi trần. Tuy nhiên, có điều đặc biệt làm cho người không có kinh nghiệm quan sát cõi trung giới phải chùn chân và bối rối, một phần là do đồ vật cõi trung giới trong suốt, ánh sáng có thể xuyên qua, một phần là do bản chất của thông nhãn thuộc về cõi trung giới. Tâm thức ít bị ngăn trở bởi chất liệu thanh nhẹ của trung giới, so với khi bị nhốt trong xác thân. Mọi vật đều trong suốt, phía sau, phía trước, bên trong và bên ngoài đều được nhìn thấy một lượt. Vì thế, cần phải có phần nào kinh nghiệm mới thấy được đồ vật một cách đúng thật; và một người nào đã mở thông nhãn thuộc cõi trung giới mà chưa có kinh nghiệm, thường thấy mọi vật bị đảo lộn, nên rất thường bị lầm lạc.

Một tính chất đặc biệt khác, làm cho người mới tập quan sát cõi trung giới phải bỡ ngỡ, là chu vi của những hình thể trên trung giới thay đổi một cách nhanh chóng, nhất là khi hình thể này không liên hệ với một vật thể mẫu nào tại cõi trần (terrestrial matrix).

Một thực thể nào ở cõi trung giới cũng có thể biến đổi trọn cả hình dạng một cách mau lẹ đáng ngạc nhiên, vì chất liệu trung giới thay đổi hình dạng theo mỗi xúc động của tư tưởng; và sự sống bên trong làm khuôn mẫu một cách nhanh chóng cho hình thể, để biểu lộ ý tưởng mới. Khi luồng sóng sinh hoạt vĩ đại của sự tiến hóa về hình thể đi từ trên xuống dưới, xuyên qua cõi trung giới, để tạo ra loài tinh hoa thứ ba (the third elemental kingdom) cho cõi này, thì Chân Thần (Monad) thu hút chung quanh nó những tập hợp của chất liệu trung giới, những tập hợp này được gọi là “tinh hoa chất” (elementale essence). Chân Thần truyền sinh lực và ban cho chúng đặc tính đáp ứng và thay đổi hình thể nhanh chóng theo làn rung động của tư tưởng. Có hàng trăm loài tinh hoa chất khác nhau trong mỗi phân cảnh của cõi trung giới. Nơi cõi này, dường như không khí có thể được trông thấy, dưới hình thức gợn sóng rung chuyển liên tục, với màu sắc biến đổi như ốc xa cừ. Cũng như ở cõi trần, đôi khi có thể thấy được những làn rung động của không khí trong lúc trời nắng gắt. Bầu không khí mênh mông của loài tinh hoa chất này luôn luôn đáp ứng với những làn rung động của tư tưởng, tình cảm và dục vọng. Những xung động dấy lên bởi những mãnh lực này, giống như bọt nổi lên trong một bình nước đang sôi.[25] Những hình thể được tạo ra tồn tại lâu hay mau là tùy nơi sức mạnh của lực xung động tạo thành nó; còn chu vi của hình thể có rõ rệt hay không, tùy ở sự chính xác của tư tưởng. Màu sắc của nó tùy theo đặc tính của tư tưởng, như trí thức, sùng tín, hay đam mê, v. v…

Những tư tưởng rời rạc, mơ hồ, phần lớn được tạo ra do những trí não ít tiến hóa; khi đến cõi trung giới, gom lại chung quanh chúng những loài tinh hoa chất, thành những lùm mây rời rạc, trôi giạt vu vơ. Chúng bị các lùm mây khác có bản chất tương tự thu hút đi nơi này nơi kia; rồi bám víu vào thể vía của những người có từ điển thu hút chúng, có khi tốt, khi xấu. Sau một thời gian, chúng tan rã, để trở lại dự phần trong không khí chung của loài tinh hoa chất. Khi nào những tư tưởng ấy còn hiện tồn riêng biệt, thì chúng là những thực thể sống (living entities); cơ thể của chúng làm bằng loài tinh hoa chất; và tư tưởng là sự sống linh động bên trong. Chúng được gọi là loài tinh hoa giả tạo, hay hình tư tưởng (thought-forms).

Những tư tưởng rõ rệt và chính xác, có hình dáng nhất định, có chu vi rõ ràng, và có nhiều cách thức sắp xếp thay đổi vô cùng. Chúng được đắp khuôn theo sự rung động của tư tưởng, giống như hình ảnh được tạo ra bởi rung động của âm thanh tại cõi trần. Hình âm thanh và hình tư tưởng có nhiều điểm giống nhau, vì Tạo Hóa với tất cả những chuyên biệt vô tận, bảo tồn rất chặt chẽ những nguyên tắc; thường lặp lại cùng những phương pháp làm việc trên mọi cõi liên tiếp của vũ trụ. Những loài tinh hoa giả tạo có chu vi xác định rõ ràng, có sự sống lâu dài và linh động hơn những loại có hình dạng lu mờ. Chúng ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thể vía, và từ thể vía đến thể trí của những người thu hút chúng. Chúng làm phát sinh những làn rung động tương tự với làn rung động của chính chúng, và cứ thế tư tưởng lan truyền từ trí não này đến trí não khác, mà không cần sự tác động từ thể vật chất. Hơn nữa, chúng có thể được người có tư tưởng mạnh đưa đến kẻ nào mà người ấy muốn tiếp xúc. Hiệu quả của sự chuyển đạt này tùy thuộc sức mạnh ý chí và cường độ tư tưởng của người ấy.

Đối với người bình thường thì những loài tinh hoa nhân tạo, do tình cảm hay dục vọng tạo ra, mạnh mẽ và rõ rệt hơn là do tư tưởng tạo ra. Như vậy, một cơn nóng giận bùng nổ sẽ gây ra những làn chớp rõ nét, mạnh mẽ, màu đỏ. Một sự nóng giận kéo dài sẽ tạo ra một thứ tinh hoa nguy hiểm, màu đỏ chói, hình gai nhọn, có thể gây thương tổn. Tình thương, tùy theo bản chất, sẽ tạo ra những hình xinh đẹp khác nhau về màu sắc cũng như về hình thể. Nó có thể biến đổi ra đủ mọi màu, từ màu đỏ thắm cho đến những màu hồng phấn rất đẹp, giống như ánh sáng nhạt của buổi hoàng hôn hay lúc mặt trời vừa ló dạng. Nó có hình dạng như lùm mây, hay những hình có tính cách bảo vệ, vừa mạnh mẽ, vừa dịu dàng. Thường lời cầu nguyện đầy tình thương của người mẹ bay phất phơ chung quanh đứa con, dưới hình thức một vị thiên thần, để đẩy lui những ảnh hưởng xấu xa ngẫu nhiên do chính tư tưởng của đứa con thu hút vào.

Ðặc điểm của những tinh hoa giả tạo này, khi người ta dùng ý chí đưa chúng đến một người nào nhất định, thì chúng nhận được sinh lực chỉ để linh hoạt trong việc hoàn thành ý muốn của người đã tạo ra chúng nó. Một tinh hoa bảo vệ, sẽ bay phất phơ chung quanh đích nhắm của nó, tìm mọi cơ hội để đẩy lui sự ác và thu hút điều lành. Chính nó cũng không ý thức, mà chỉ do sự rung động một cách máy móc, theo đường lối ít bị kháng lực hơn hết. Cũng vậy, một tinh hoa được làm sinh động bởi một tư tưởng độc ác, sẽ đến rình mò chung quanh nạn nhân của nó, tìm cơ hội để phá hại. Nhưng cả hai loại, tốt và xấu, không làm gì được, trừ khi trong thể vía của người mà chúng muốn ảnh hưởng tới, chứa đựng bản chất tương đồng với chúng; có thể đáp ứng lại những rung động của chúng, để chúng bám vào được. Nếu đối tượng không chứa đựng bản chất tương đồng với chúng, thì do định luật thiên nhiên, chúng dội ngược lại theo con đường đã đi, theo dấu vết từ điển mà chúng để lại phía sau, và xâm nhập vào chính người tạo ra chúng, với một sức mạnh tương đương sức mạnh đã phóng chúng đi. Như thế, một tư tưởng oán ghét, muốn giết người, không hại được kẻ mà nó nhắm đến, lại quay về giết hại kẻ đã tạo ra nó. Còn những tư tưởng tốt lành, được gởi đến một người không xứng đáng nhận, sẽ trở về người phát sinh ra chúng dưới hình thức một ân huệ.

Mặc dù sự hiểu biết về cõi trung giới còn ít oi, cũng sẽ tác động như một kích thích mạnh cho sự suy tưởng đúng đắn. Nó làm nảy nở trong lòng chúng ta ý thức về trách nhiệm nặng nề đối với những tư tưởng, tình cảm và dục vọng không được kiểm soát, mà chúng ta đã phóng vào cõi ấy. Như những loài cầm thú tham mồi, cấu xé và ăn thịt lẫn nhau, con người phóng lên cõi trung giới quá nhiều tư tưởng hỗn độn. Do vô minh, con người làm quấy, họ không biết điều mình làm là gì. Một trong những mục đích của giáo lý Thông Thiên Học là vén một phần của tấm màn bao phủ thế giới vô hình, hiến cho con người một nền tảng đạo đức vững chắc, và sự hiểu biết hợp lý hơn về những nguyên nhân, mà ở cõi trần chỉ thấy được những hậu quả. Vài giáo lý Thông Thiên Học có tầm quan trọng về luân lý hơn là học thuyết, về cách tạo ra và điều khiển những hình tư tưởng hay là những loài tinh hoa giả tạo. Tuy nhiên nhờ học thuyết này, con người biết được rằng tư tưởng không phải chỉ liên quan cho riêng họ, không phải chỉ tác động đối với một mình họ, mà mỗi lúc trong đời sống, con người gởi lên bầu không khí tại thế gian những “thiên thần” hay những “ác quỷ” mà ảnh hưởng của chúng gây ra, họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Mong sao con người hiểu biết được định luật, và từ đó hướng dẫn tư tưởng mình.

Thay vì quan sát những tinh hoa giả tạo riêng từng loại, chúng ta hãy nhìn một cách tổng quát, để hiểu thế nào là tác động lớn lao của chúng, đối với sự phát sinh tình cảm quốc gia, dân tộc, và tạo nên trí não với những khuynh hướng và thành kiến. Tất cả chúng ta đều sinh trưởng trong bầu không khí có vô số loài tinh hoa, chúng mang theo những ý niệm cố định. Những thành kiến quốc gia, những đường lối mà toàn dân nhìn mọi vật, những tình cảm và tư tưởng chủng tộc, tất cả đều tác động đến chúng ta, từ khi chúng ta sinh ra, và cũng từ trước khi chúng ta sinh ra. Chúng ta nhìn mọi vật xuyên qua bầu không khí ấy. Mỗi tư tưởng đều bị nó biến đổi ít nhiều, và chính thể vía của chúng ta đang rung động theo nhịp điệu với nó. Do đó, cũng cùng một ý niệm, mà người Ấn Độ, người Anh, người Tây Ban Nha và người Nga, mỗi người nhìn hoàn toàn khác nhau. Vài ý niệm dễ hiểu đối với người này, nhưng không thể hiểu nổi đối với người kia. Những phong tục được chấp nhận tự nhiên đối với người này, lại có vẻ khả ố đối với người kia. Tất cả chúng ta đều bị chi phối bởi bầu không khí quốc gia riêng, bởi thành phần của thế giới trung giới trực tiếp vây quanh chúng ta. Những tư tưởng của kẻ khác phóng ra thường cùng một khuôn khổ tác động lên chúng ta và khêu gợi trong chúng ta những làn rung động đồng nhịp. Chúng làm tăng cường những quan điểm mà chúng ta đồng ý với người chung quanh, và giảm thiểu những sự khác biệt. Sự tác động không ngừng này, xuyên qua thể vía chúng ta, gây ấn tượng về những đặc điểm riêng biệt của quốc gia lên chúng ta, và tạo nên những đường thông thương cho năng lực thể trí tuôn xuống dễ dàng. Những dòng triều lưu này ảnh hưởng đến chúng ta cả ngày lẫn đêm, và chính vì sự vô tri thức của ta đối với tác động của chúng, làm chúng trở thành hữu hiệu. Bản chất tự nhiên của đa số người đời là thụ động hơn là chủ động. Họ lặp lại gần như cái máy những tư tưởng nào đến với họ. Do đó, mà bầu không khí quốc gia được tăng cường và liên tục.

Khi con người bắt đầu nhạy cảm với những ảnh hưởng trung giới, thì đôi khi, họ cảm thấy thình lình bị tấn công hoặc bị chế ngự, bởi một sự sợ hãi không nguyên nhân, hoàn toàn không thể giải thích được. Sự sợ hãi này đột kích lên họ với một sức mạnh có thể làm cho họ mất hết năng lực. Họ có thể chống lại nó, nhưng thường thì phải chịu đựng một cách uất ức. Có lẽ đa số người đời đều trải qua kinh nghiệm là cảm thấy ít nhiều sợ sệt, khó chịu không thể tả về cái cảm giác như có một sự hiện diện vô hình kế cận; và cảm thấy như không phải đang ở một mình. Cảm giác này một phần là do vài hành động thù địch làm kích động loài tinh hoa thiên nhiên chống lại loài người. Sở dĩ có sự thù địch này, là vì trên cõi trung giới có sự phản ứng đối với những mãnh lực phá hoại, mà nhân loại đã gây ra tại cõi trần. Nhưng điều ấy, một phần lớn, cũng do sự hiện diện của vô số tinh hoa giả tạo thuộc loại không thân thiện, sinh ra do tư tưởng của nhân loại. Hàng triệu tư tưởng oán ghét, ganh tỵ, thù hằn, cay đắng, ngờ vực, bất mãn được phóng lên cõi trung giới, tạo ra đầy dẫy những tinh hoa giả tạo, trọn đời chúng được tạo ra bằng những tình cảm ấy. Trên cõi đó, cũng có biết bao là sự nghi kỵ, ngờ vực, mập mờ do những người vô minh gây ra, chống lại những người có tư cách và sắc diện khác lạ, không quen thuộc với họ. Sự nghi ngờ mù quáng đối với tất cả những người nước ngoài, lan rộng đến dân chúng ở nhiều địa phương, tất cả những điều trên, góp phần vào các ảnh hưởng xấu xa nơi cõi trung giới. Tạo ra quá nhiều tư tưởng như thế, là chúng ta đang tạo nên những đoàn quân thù địch một cách mù quáng trên cõi trung giới. Điều này tác động lên chính thể vía của chúng ta, tạo nên những cảm giác sợ hãi mập mờ, nó vốn là kết quả của những làn rung động đối nghịch nhau, mà con người chỉ cảm được, chớ không hiểu được.

Cư trú nơi trung giới, ngoài những loài tinh hoa giả tạo, còn có rất đông những thực thể khác; không kể những người sau khi chết đã bỏ xác tại cõi trần mà chúng ta chưa đề cập nơi đây. Có vô số tinh hoa thiên nhiên, hay tinh linh thiên nhiên (nature-spirits), chúng được chia làm 5 loại chính: tinh linh dĩ thái, lửa, không khí, nước và đất. Bốn loại sau được nhà huyền môn thời trung cổ gọi là: Salamanders, Sylphs, Undines, và Gnomes. Còn có 2 loại khác vẫn chưa biểu lộ, không cần đề cập nơi đây, như vậy tất cả có 7 loài. Chúng là tinh linh thực sự hay là tạo vật từ những tinh hoa chất của đất, nước, không khí, lửa và dĩ thái. Sinh hoạt của chúng liên hệ đến mỗi loài tinh hoa chất thuộc về chúng. Chúng là những con kinh để cho thần lực thiêng liêng dùng trong nhiều lãnh vực khác nhau, đó là những biểu lộ sống động của định luật trong mỗi loài.

Đứng đầu mỗi loài tinh linh là một Đấng cao cả,[26] là vị chỉ huy của một đoàn thể to lớn. Ngài điều khiển và hướng dẫn một cách khôn ngoan, trọn cả khu vực thiên nhiên, được linh hoạt bởi loài tinh linh dưới sự kiểm soát của Ngài. Vậy Agni, Thiên Thần của Lửa, là một thực thể tinh thần cao cả, điều khiển sự biểu lộ của lửa trên mọi cõi vũ trụ. Ngài thực hiện việc cai quản qua trung gian của đoàn tinh linh lửa. Một khi hiểu được bản tính của những sinh vật ấy, và biết được cách điều khiển chúng, thì những điều gọi là mầu nhiệm hay phi thường thỉnh thoảng được báo chí đăng tải sẽ trở thành dễ hiểu. Sự việc có thể là kết quả của những trò ảo thuật, và cũng có thể được thực hiện do sự trợ giúp của tinh linh. Như trường hợp của Mr. Home; ông có thể bình tĩnh cầm một cục than đỏ trong lò lửa đang cháy phừng bằng tay không mà không thấy nóng. Hiện tượng thăng cao (levitation), nâng cơ thể nặng lên mà không có gì chống đỡ, và đi trên mặt nước; cả hai hiện tượng này có thể được thực hiện nhờ sự trợ giúp của loài tinh linh không khí và nước, mặc dù có một phương pháp khác thường được áp dụng hơn.

Những loài tinh hoa xen vào sự cấu tạo thân thể con người, nên mỗi người đều có liên quan đến chúng. Tùy theo bản tính của con người, mà loài tinh hoa này ở trong thân thể họ nhiều hơn loài tinh hoa kia. Loài tinh hoa nào thân thiện nhất đối với một người, thì hiện diện đa số trong người ấy. Những hậu quả của sự kiện này thường được người đời gọi là sự “may mắn”. Một người kia được cho là có “bàn tay may mắn” (a lucky hand) trong việc trồng cây, trong việc mồi lửa, hay trong việc truy tìm mạch nước ngầm dưới đất, v. v… Thiên Nhiên, với sức mạnh huyền bí, thường xuyên va chạm vào chúng ta; song chúng ta nhận lấy những ám hiệu của nó một cách chậm chạp. Truyền thuyết đôi khi che giấu chân lý trong một câu ngạn ngữ hay một chuyện ngụ ngôn, chúng ta phải vượt qua những sự mê tín, mới có thể hiểu được.

Ta cũng thấy trên cõi trung giới những tinh linh thiên nhiên (danh từ này chính xác hơn là danh từ tinh hoa), chúng có phận sự kiến tạo những hình thể cho loài kim thạch, thảo mộc, cầm thú và con người. Có những tinh linh thiên nhiên tạo nên loài kim thạch, tinh linh khác điều khiển sinh lực trong loài thảo mộc, xây dựng từng phân tử cấu tạo nên hình thể cho loài cầm thú. Chúng cũng có phận sự kiến tạo thể vía cho loài kim thạch, thảo mộc và cầm thú. Chúng là những “tiên nữ” (the fairies), những chú lùn trong truyện thần thoại, những “người nhỏ bé” đóng một vai trò quan trọng trong phong tục của mỗi quốc gia; chúng là những em bé duyên dáng và vô trách nhiệm của thiên nhiên, mà khoa học đã lạnh lùng gán cho chúng như là những chuyện để kể cho trẻ con. Các nhà thông thái sáng suốt hơn về sau này, sẽ sắp xếp lại vị trí của chúng theo trật tự tự nhiên. Trong hiện tại, chỉ có những thi sĩ và nhà huyền môn tin sự hiện tồn của chúng mà thôi. Thi sĩ nhờ trực giác của thiên tư mình, còn nhà huyền môn nhờ sự thấy do những quan năng bên trong đã được phát triển. Nhiều người nhạo báng cả hai, nhất là đối với nhà huyền môn; nhưng không sao, minh triết sẽ được hậu thế biện minh.

Triều lưu linh động của sự sống trong thể phách của loài kim thạch, thảo mộc và cầm thú, làm thức tỉnh chất trung giới đang ở trạng thái tiềm tàng trong cơ cấu của nguyên tử và phân tử của các loài ấy. Chất trung giới khởi rung động yếu ớt trong loài kim thạch. Lúc ấy, Chân Thần sắc tướng (Monad of form) dùng năng lực sắp xếp, thu hút những chất liệu từ cõi trung giới, cho các tinh linh thiên nhiên dùng để tạo ra thể vía cho loài kim thạch, đó chỉ là một khối rời rạc, không rõ ràng. Ở loài thảo mộc, thể vía được cấu tạo tốt hơn một ít, và tính chất đặc biệt của cảm giác bắt đầu biểu lộ. Người ta có thể quan sát và thấy được ở hầu hết cây cối, những cảm giác phân tán, lờ mờ về sự dễ chịu hay khó chịu, kết quả sự tăng cường hoạt động của thể vía. Cây cối vui hưởng một cách mơ hồ không khí, nước mưa và ánh sáng mặt trời, mà chúng tìm kiếm một cách dò dẫm; trong khi gặp những điều kiện độc hại, thì chúng co rút lại. Có vài loại cây tìm theo ánh sáng, những loại khác lại tìm theo bóng tối. Chúng đáp ứng lại sự kích thích và tự thích ứng với những điều kiện bên ngoài, vài loại cây cho thấy có nhiều cảm giác xúc chạm. Ở loài cầm thú, thể vía phát triển nhiều hơn loài thảo mộc. Vài loại cầm thú tiến hóa cao có một thể vía được cấu tạo khá vững chắc, có thể tồn tại một thời gian sau khi xác thân chết, và có thể sống độc lập trên cõi trung giới.

Những tinh linh thiên nhiên có bổn phận cấu tạo thể vía của cầm thú và con người được gọi bằng tên đặc biệt của những tinh linh dục vọng (người ta gọi chúng là “Kamadevas” hay là “Thần dục vọng”), vì chúng được linh hoạt mạnh mẽ bởi mọi loại ham muốn, và không ngừng tự xen vào thể vía của con người và cầm thú. Chúng cũng sử dụng nhiều loại tinh hoa chất khác nhau, tương tự với những tinh hoa chất cấu tạo thành chính hình thể của chúng, để tạo nên thể vía cho cầm thú. Những thể vía này có các trung tâm cảm giác và đam mê, như những thành phần xen kẽ lẫn nhau. Sự hoạt động của những trung tâm này được kích thích bởi rung động phát xuất từ cơ quan của thể xác, và được thể phách của những cơ quan đó dẫn truyền đến thể vía. Chỉ khi nào những trung tâm thể vía được kích động, thì con thú mới có cảm giác thích thú hay đau đớn. Tảng đá bị đập mà không có cảm giác đau đớn, vì đá có những phân tử vật chất thô kệch và những phân tử dĩ thái, nhưng thể vía của nó không được tổ chức. Trái lại, con thú biết đau khi bị đánh, vì nó có những trung tâm cảm giác của thể vía, được tạo nên do chính bản chất của những tinh hoa dục vọng.

Đến đây, chúng ta đề cập về sự cấu tạo thể vía của con người, và quan sát những cư dân ở cõi trung giới.

Như chúng ta vừa mới đề cập đến, thể cảm dục[27] hay thể vía của thú vật có một đời sống độc lập, mặc dù tạm thời trên cõi trung giới, sau khi thể xác chết. Trong những nước “văn minh”, thể vía thú vật này làm tăng thêm tính thù oán mà chúng ta vừa nói trên. Sự sát sinh một cách có tổ chức thú vật trong những lò thịt, hoặc trong những cuộc săn bắn “thể thao”, mỗi năm phóng lên trung giới hằng triệu sinh linh đầy sự khiếp sợ và oán hận loài người; tương đối rất ít sinh vật được chết một cách yên lành. Những luồng ảnh hưởng xấu ác này đổ xuống như mưa từ cõi trung giới, ảnh hưởng lên loài người và các loài cầm thú, làm tăng gia sự chia rẽ, gây thêm tính độc ác cũng như sự sợ sệt và nghi kỵ, vốn là bản năng có sẵn.

Trong những năm gần đây, những cảm giác nói trên được kích thích mạnh mẽ bởi phương pháp hành hạ thú vật một cách lạnh lùng của khoa học, được gọi là “mổ xẻ sinh thể” (vivisection). Sự ác độc không thể tả đó đã đưa vào cõi trung giới những điều ghê tởm mới, do phản ứng của thú vật đối với những người phạm tội,[28] đồng thời nó cũng nới rộng hố ngăn cách giữa loài người với sinh vật, mà đôi khi người ta gọi là “những thân thuộc đáng thương”.

Ngoài cư dân thường trú của cõi trung giới, còn có những nhân vật tạm thời đến đây để thực hiện một công việc nào đó, mà chúng ta sẽ đề cập đến. Có những nhân vật đến từ cõi trần, cũng có những nhân vật đến từ các cõi cao hơn.

Trong số những người đến từ cõi trần, có nhiều vị đã được điểm đạo, với cấp bậc khác nhau; có vài vị là nhân viên của Thiên Đoàn (Great White Lodge), mà người ta thường gọi là Nhóm Huynh Đệ ở Hy Mã Lạp Sơn hay Tây

Tạng.[29] Còn những vị khác, là nhân viên của các nhóm huyền môn khác, rải rác khắp nơi trên thế giới, xếp loại thay đổi từ “trắng”, xuyên qua mọi sắc thái của “xám” rồi đến “đen”.[30] Tất cả những người này đều còn sống tại thế gian; họ đã luyện tập xuất ra khỏi xác thân theo ý muốn, để hoạt động với đầy đủ tri thức trong thể vía của họ. Những người ấy thuộc đủ mọi cấp bậc hiểu biết và đức hạnh, lành hay dữ, mạnh hay yếu, dịu dàng hay hung bạo. Chúng ta còn gặp nhiều người chí nguyện trẻ tuổi hơn, chưa được điểm đạo, họ tập dùng thể vía của họ, và được sai khiến làm những công tác thiện hay ác tùy theo con đường mà họ đang chuẩn bị để đi. Người ta còn gặp trên cõi ấy những người tâm linh thông, với nhiều bậc tiến hóa khác nhau, có người khá thức tỉnh, có người mơ mơ màng màng đi lang thang trong khi xác thân đang ngủ, hay đang trong trạng thái xuất thần.

Hàng triệu thể vía của những người bình thường trôi nổi vẩn vơ, vô tri giác đối với những gì xảy ra chung quanh, trong khi xác thân vật chất đang ngủ say, tâm thức con người thu rút lại, ẩn bên trong vỏ thể vía. Như chúng ta vừa thấy, khi xác thân chìm đắm trong giấc ngủ, tâm thức trong thể vía sẽ thoát ra và qua cõi trung giới; nhưng nó không có ý thức về những gì xảy ra chung quanh, cho đến khi nào thể vía phát triển đầy đủ, để hoạt động một cách độc lập đối với xác thân vật chất.

Trên cõi này thỉnh thoảng có một người đệ tử[31] đã chết, đang chờ đợi để được tái sinh gần như cấp bách, dưới sự hướng dẫn của Sư Phụ người ấy. Dĩ nhiên, người ấy có được tri thức đầy đủ, và làm việc như những vị đệ tử khác đang hoạt động trong thể vía, lúc xác thân đang ngủ. Ở một giai đoạn nào đó,[32] người đệ tử được phép luân hồi rất nhanh sau khi chết. Trong trường hợp này, họ phải chờ đợi ở trung giới cho đến khi có cơ hội thuận tiện để được tái sinh.

Trên đường đi tái sinh, người bình thường nào cũng phải đi qua cõi trung giới, trường hợp này sẽ được đề cập trở lại ở đoạn sau. Họ không có liên hệ gì với những sinh hoạt tổng quát của cõi trung giới. Tuy nhiên, những người có liên hệ đồng cảm với loài tinh hoa dục vọng, do lối sống đam mê và cảm xúc trong quá khứ, sẽ thu góp chung quanh họ loại tinh hoa dục vọng này. Chúng sẽ giúp vào sự kiến thiết thể vía mới, cho kiếp sống trần gian sắp tới.

Bây giờ, chúng ta hãy quan sát thể vía trong giai đoạn con người đang cư ngụ tại cõi trần, về bản chất và sự cấu tạo của nó, cũng như sự liên hệ của nó với cõi trung giới. Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu về thể vía của: a) Người kém tiến hóa, b) Người trung bình, c) Người đã phát triển về tinh thần.

a) Thể vía của một người kém tiến hóa có hình dạng như một đám mây, cơ cấu lỏng lẻo, chu vi không rõ ràng. Nó được cấu tạo bằng chất liệu tinh thần cõi trung giới và tinh hoa chất được rút ra từ mọi chi phần của cõi trung giới, nhưng phần lớn là từ những chất liệu thuộc về tầng thấp của cõi trung giới. Do đó, nó có cơ cấu đậm đặc và thô kệch, thích hợp đáp ứng với mọi kích thích thuộc về sự đam mê và khát vọng. Những màu sắc do mức độ rung động của các chất ấy tạo ra thì mờ đục và tối. Những màu chiếm nhiều nhất trong thể vía của người kém tiến hóa là màu nâu, màu đỏ bầm và màu xanh bẩn. Thể vía này không sáng sủa, trong đó những tia sáng của các màu sắc thay đổi rất chậm chạp. Những sự đam mê khác nhau xuất hiện dưới hình thức những lượn sóng lớn, hay những tia chớp khi sự đam mê này trở nên dữ dội. Sự đam mê tình dục, tạo ra một lượn sóng màu đỏ đục, cơn giận dữ tạo ra một làn chớp màu đỏ sặc sỡ.

Ở người kém tiến hóa mà chúng ta đang đề cập đến, thể vía lớn hơn xác thân một chút, ló ra khỏi chung quanh xác thân từ 25 tới 30 phân. Những trung tâm của giác quan được ghi dấu rõ ràng, chỉ linh động khi bị kích thích từ bên ngoài. Nhưng trong trạng thái yên tĩnh, thì những dòng sinh lực hoạt động chậm chạp, và thể vía không tiếp nhận những kích thích từ cõi trần cũng như từ cõi thượng giới đến, nó có vẻ lãnh đạm và như nửa tỉnh nửa mê.[33] Đó là đặc tính thường xuyên của trạng thái chưa phát triển, mà sự hoạt động, sở dĩ có được là do sự kích thích từ bên ngoài, hơn là do ý thức từ bên trong. Muốn cho hòn đá di chuyển được, người ta phải đẩy nó. Một cây chuyển động được nhờ sự hấp dẫn của ánh sáng và độ ẩm. Một con thú trở nên linh hoạt, khi bị kích thích bởi sự đói. Con người kém tiến hóa cần phải bị kích thích một cách tương tự như vậy. Chỉ khi nào một phần trí khôn được phát triển, nó mới bắt đầu điều khiển hành động. Những trung tâm của các quan năng cao[34] liên hệ đến sự hoạt động độc lập của những giác quan thể vía, chưa được thấy rõ. Ở vào giai đoạn này, con người cần đủ loại cảm giác mạnh bạo để tiến hóa, để khởi động và kích thích, làm linh động hóa bản chất tự nhiên. Những điều hạnh phúc và đau khổ nặng nề do ngoại giới đem lại, đều cần thiết để đánh thức và kích thích sự hoạt động. Nếu họ nhận được cảm giác càng nhiều, càng mạnh hơn, thì sự tiến bộ của họ càng được thúc đẩy nhiều hơn. Ở vào giai đoạn này, phẩm chất không quan trọng mấy, số lượng và sự mạnh mẽ là những điều cần thiết để thúc đẩy.

Những đam mê là khởi đầu cho sự phát triển phần luân lý của con người. Một xung lực nhẹ nhàng của lòng vị tha, phát sinh trong sự liên hệ với vợ con hay bạn bè, sẽ là bước đầu tiên trên đường tiến bộ. Lực này sẽ gây nên rung động trong chất liệu thanh nhẹ hơn của thể vía, và thu hút vào nhiều tinh hoa chất thích hợp với nó. Những chất liệu tạo ra thể vía luôn luôn thay đổi do ảnh hưởng của đam mê, ham muốn, dục vọng và cảm xúc. Tất cả những xung lực tốt làm tăng cường sức mạnh cho các bộ phận tinh vi hơn của thể vía, bằng cách loại ra chất liệu thô kệch, đem vào chất liệu thanh nhẹ hơn, và thu hút chung quanh nó những loại tinh hoa tốt, để trợ giúp vào tiến trình đổi mới này. Tất cả những xung lực xấu ác tạo ra kết quả hoàn toàn trái nghịch; chúng làm tăng cường chất liệu thô kệch, tống ra chất liệu tinh vi, đem vào thể vía chất liệu thô trược, và thu hút những tinh hoa chất, giúp cho tiến trình hư hoại.

Trong trường hợp người kém tiến hóa, các năng lực đạo đức và trí khôn còn quá phôi thai, cho nên có thể nói rằng sự kiến tạo và thay đổi của thể vía không do người ấy chủ động. Nó tùy thuộc vào những hoàn cảnh bên ngoài hơn là chính ý chí của người ấy. Đó là tính chất đặc biệt của hạng người kém tiến hóa, họ bị kích động từ bên ngoài xuyên qua xác thân, hơn là từ bên trong, bởi trí khôn. Khi con người được kích động bởi ý chí, bởi chính nghị lực và sự quyết định riêng của mình, thì đó là một dấu hiệu tiến hóa quan trọng; thay vì còn bị dục vọng lôi cuốn, và còn đáp lại sự thu hút hay xung động từ bên ngoài.

Trong lúc ngủ, tâm thức được bao bọc trong thể vía, xuất ra khỏi cơ thể vật chất để lại thể xác thô kệch cùng với thể phách đang chìm trong giấc ngủ. Tuy nhiên, ở vào giai đoạn kém tiến hóa, tâm thức con người chưa thức tỉnh trong thể vía, vì nó thiếu sự tiếp xúc mạnh mẽ kích thích nó; cũng như lúc nó còn ở trong xác thân. Chỉ có những tinh hoa thuộc loại thô kệch mới ảnh hưởng đến nó mà thôi; những tinh hoa này có thể tạo nên rung động phản chiếu vào bộ óc xác thân và thể phách, để tạo ra những điềm chiêm bao thỏa thích thú tính. Thể vía trôi nổi ngay trên xác thân; nó không thể đi xa được, vì bị giữ lại bởi một hấp lực mạnh mẽ.

b)                Thể vía của người tiến hóa trung bình, cả về đạo đức và trí khôn, cho thấy một sự phát triển rõ rệt, nếu so sánh với người kém tiến hóa. Nó có kích thước lớn hơn, và được tạo ra bằng chất liệu có phẩm chất quân bình hơn. Trong đó có những loại chất liệu hiếm, làm cho trọn thể vía thêm phần sáng chói hơn, và cảm xúc cao thượng thì hiện lên như những gợn sóng màu sắc đẹp đẽ. Chu vi của nó xác định rõ ràng, thay vì mập mờ và biến đổi, như ở trường hợp trước, và nó đại diện cho hình ảnh của chủ nó. Hiển nhiên thể vía này đang trở thành một dẫn thể cho con người bên trong. Với những cơ cấu phân minh và ổn định, thích hợp để thực hiện chức năng, nó có khả năng tự duy trì độc lập đối với xác thân. Trong khi nó vừa giữ được tính mềm dẻo, uyển chuyển, nó cũng có một hình dạng bình thường. Khi không còn sức ép từ bên ngoài làm thay đổi hình thể, nó luôn luôn lấy trở lại hình dạng bình thường. Nó không ngừng linh hoạt, mãi mãi rung động, tạo ra nhiều màu sắc thay đổi không dứt. Những ‘‘luân xa’’ cũng lộ ra rõ ràng, mặc dù chúng chưa hoạt động.[35] Thể vía này đáp ứng mau lẹ với tất cả những va chạm từ xác thân đưa đến. Nó cũng được kích động do ảnh hưởng của tâm thức bên trong. Ký ức và trí tưởng tượng kích thích thể vía hoạt động; đến lượt thể vía thúc giục xác thân hoạt động, thay vì nó chỉ bị xác thân kích động một chiều như ở trường hợp trước.

Tiến trình tinh luyện của thể vía, theo cùng cách thức như trường hợp trước, đó là loại ra ngoài những cơ cấu xấu bằng cách tạo nên rung động nghịch lại chúng, và thu hút vào chất liệu thanh nhẹ hơn, để thế chỗ các thứ đã bị loại bỏ. Ở giai đoạn này, sự phát triển trí khôn và luân lý gần như được chính người ấy kiểm soát, vì con người không còn bị những kích thích bên ngoài xô đẩy qua lại nữa. Con người biết lý luận, xét đoán, chống cự hay nhượng bộ tùy ý muốn. Nhờ tập luyện làm chủ tư tưởng, con người có thể nhanh chóng ảnh hưởng thể vía của mình; và từ đây sự tiến hóa diễn tiến một cách mau lẹ. Con người không cần phải hiểu phương pháp mới có hiệu quả, cũng như không cần biết những định luật của ánh sáng mới có thể thấy.

Trong lúc ngủ, thể vía khá phát triển, xuất ra khỏi xác thân như thường lệ, nhưng nó không bị xác thân giữ kề một bên, như trường hợp ở người kém tiến hóa. Nó đi vẩn vơ, trong cõi trung giới; nó bị những triều lưu thanh khí lôi cuốn đi nơi này nơi kia, trong khi tâm thức bên trong, chưa điều khiển được sự vận chuyển của nó, vẫn thức tỉnh. Tâm thức bận rộn theo đuổi những hình ảnh và hoạt động tư tưởng của chính nó, và xuyên qua thể vía nó cũng có thể tiếp nhận những ấn tượng, và biến đổi chúng thành hình tư tưởng. Bằng cách ấy, con người có thể thu thập được kiến thức khi ở ngoài xác thân, và kế đó có thể gieo ấn tượng lên bộ óc xác thân, dưới hình thức chiêm bao rõ ràng, hoặc linh ảnh. Nếu không có sự kết nối ký ức này, những hiểu biết đã hoạch đắc cũng có thể thâm nhập dần vào ý thức trí não.

c)                 Thể vía của người tiến hóa cao về tinh thần được cấu tạo bởi những phần tử thanh nhẹ nhất, lấy ra từ mỗi chi phần của chất liệu trung giới, trong ấy, số lượng của loại cao chiếm đa số. Do đó thể vía sáng chói đẹp đẽ, với những màu sắc không tìm thấy được ở cõi trần. Những màu sắc này được nẩy sinh trong thể vía theo sự xung động của cái trí đã được tinh luyện. Những bánh xe lửa (luân xa) được thấy rõ, thật xứng đáng với cái tên của nó; và sự chuyển vận xoay tròn của chúng biểu thị sự linh hoạt của các giác quan cao. Một thể vía như thế, đúng với tên của nó, là một khí cụ cho tâm thức. Trên đường tiến hóa, mỗi cơ quan của nó đều được sinh động, và được kiểm soát hoàn toàn bởi “ông chủ”. Sau khi rời khỏi xác thân, con người ở trong thể vía; không có sự gián đoạn trong trạng thái tri thức. Người ấy chỉ vứt bỏ bộ y phục nặng nề, và cảm thấy không còn bị trở ngại bởi sức nặng của nó. Người ấy có thể di chuyển đến bất cứ nơi đâu trong bầu trung giới với một tốc độ mau lẹ phi thường; và không còn bị trói buộc bởi những điều kiện hạn hẹp của thế gian. Thể vía đáp ứng lại ý chí, tuân theo và phản ảnh tư tưởng của con người. Người ấy có rất nhiều cơ hội để phụng sự nhân loại; và những quyền năng của người ấy được hướng dẫn bởi đức hạnh và lòng từ thiện. Trong thể vía, không có những phần tử thô kệch, nên người ấy không đáp ứng với cám dỗ của dục vọng thấp hèn. Những cám dỗ này tránh xa người ấy, vì người ấy ở ngoài tầm thu hút của chúng. Trọn cả thể vía rung động chỉ để đáp ứng với những mối cảm xúc cao thượng; tình yêu nảy nở thành lòng mộ đạo, năng lực nhờ tính nhẫn nại chế ngự. Dịu dàng, ôn hòa, bình tĩnh, đầy uy lực, không có dấu vết của sự rối loạn, người như thế sẽ sở hữu tất cả những quyền năng siêu phàm (siddhis), sẵn sàng để phụng sự.[36]

Thể vía là một cái cầu bắc qua vực thẳm; vực thẳm này chia tâm thức con người với bộ óc xác thân. Ta đã thấy, những rung động từ ngoại giới do giác quan thu nhận và truyền đến các trung khu của não bộ và của thể phách, kế đó truyền đến trung khu thể vía tương ứng. Nơi đây, chúng được biến chế thành cảm giác bởi những tinh hoa chất, và được trình đạt đến “con người bên trong” như là những đề tài của tâm thức. Những làn rung động của thể vía đánh thức rung động tương ứng của những chất liệu trong thể trí.[37] Nhờ sự tinh luyện từng giai đoạn liên tiếp của chất liệu tinh thần, mà sự nhận thức những vật thể ở cõi trần mới có thể truyền đạt đến “con người tâm thức”. Ngược lại, những làn rung động phát sinh từ tư tưởng, có thể đi qua cùng một cái cầu đến bộ óc xác thân, làm cho nó rung động tương ứng với sự rung động của thể trí. Đây là cách thức thông thường mà tâm thức dùng để tiếp nhận những cảm giác bên ngoài, và đưa ra bên ngoài những cảm tưởng của chính nó. Chính nhờ sự qua lại liên tục của những làn rung động đó, mà thể vía được tiến hóa. Những luồng rung động từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong, tác động lên thể vía, giúp cho sự phát triển cơ cấu và sự tiến triển tổng quát của nó.

Thể vía dần dần trở nên lớn hơn, cấu trúc tinh vi hơn, chu vi rõ rệt hơn, và cách sắp xếp bên trong có thứ tự hơn. Được đào luyện để đáp ứng với tâm thức, thể vía dần dần trở nên thích ứng hoạt động như là một thể riêng biệt; nó đưa đến tâm thức những sự rung động được tiếp nhận trực tiếp từ cõi trung giới một cách rõ ràng. Phần đông độc giả đã có vài kinh nghiệm, như đôi lúc tâm trí nhận được những ấn tượng hay cảm giác, mà không có sự tiếp xúc giữa giác quan và ngoại cảnh. Sau đó có những biến cố xảy ra ở cõi trần, giống như ấn tượng mà trước đó tâm trí đã nhận được. Đó thường là những cảm tưởng do thể vía trực tiếp thu nhận được và truyền đạt đến tâm thức. Những cảm giác như thế thường có bản chất như sự thấy trước, và sau đó sẽ được chứng thật.

Con người tiến hóa qua những giai đoạn khác nhau, khi đến một giai đoạn khá cao, sự liên lạc giữa xác thân với thể vía và giữa thể vía với thể trí sẽ được kết nối nhau. Khi ấy, tâm thức có thể hoạt động liên tục từ trạng thái này qua trạng thái khác, và ký ức không bị gián đoạn. Nhưng đối với người thường, có những khoảng gián đoạn vô thức, khi tâm thức chuyển từ cõi này qua cõi khác. Người tiến hóa cao cũng có thể tự do sử dụng giác quan thể vía, trong lúc tâm thức của người ấy đang tỉnh thức trong xác thân. Như thế, những con đường thông thương rộng rãi của tri thức các cõi, giờ đây là sở hữu của tâm thức người ấy trong lúc đang tỉnh thức ở cõi trần. Những vấn đề trước kia đối với người ấy chỉ là sự tin tưởng suông, nay trở thành những vấn đề có thể hiểu biết được, và người ấy có thể tự kiểm chứng sự đúng đắn của nhiều giáo lý Thông Thiên Học về những cảnh giới thấp của cõi vô hình.

Khi con người được phân tích thành những “nguyên lý”, thành những cách thức biểu lộ sự sống, thì bốn nguyên lý thấp gọi là “tứ thể hạ” (Lower Quaternary) được dùng để hoạt động tại cõi trung giới và cõi trần. Nguyên lý thứ tư, Kama (dục vọng) là sự sống biểu lộ trong thể vía và theo những điều kiện của thể vía. Nguyên lý này biểu hiệu đặc tính của cảm giác, dưới hình thức cảm giác đơn sơ hoặc dưới hình thức xúc động phức tạp, hay là những cấp độ ở khoảng giữa hai loại ấy. Tất cả được gọi chung là “dục vọng”; nó bị thu hút hay đẩy lui tùy theo những đối tượng đem đến sự vui sướng hay đau khổ cho phàm ngã. Nguyên lý thứ ba, “Prana”, là sinh lực chuyên biệt trong việc nâng đỡ, bảo tồn những cơ quan xác thân, nguyên lý thứ nhì là thể phách, và nguyên lý thứ nhất là xác thân, ba nguyên lý này tác dụng tại cõi trần.

Trong cách phân loại về sau của bà Blavatsky, thì sinh lực (prana) và xác thân không được liệt kê như là những “nguyên lý”. Prana là sự sống của vũ trụ, còn xác thân thô kệch chỉ là “bản sao” (counterpart) của thể phách, nó làm bằng những vật liệu luôn luôn thay đổi để đắp vào khuôn cái phách. Chấp nhận cách nhìn ấy, chúng ta có được quan niệm triết lý cao siêu về một sự sống duy nhất, một cái Ngã duy nhất, biểu lộ ở “con người”. Sự biểu lộ đó cho thấy có nhiều trạng thái khác nhau tạm thời, tùy theo điều kiện làm sống động những thể của con người. Chính sự sống ở trung tâm không thay đổi, nhưng biểu lộ ra bên ngoài dưới nhiều phương diện khác nhau, tùy theo loại chất liệu cấu tạo nên những thể ấy. Trong xác thân, chính Prana đem lại sinh lực, kiểm soát, và điều hòa mọi cơ cấu. Trong thể vía, nhờ Kama mà có cảm giác vui thích hay đau khổ. Khi sang qua những cõi cao hơn, chúng ta nhận thấy những phương diện khác của sự sống, nhưng ý niệm chung đều giống nhau. Đó là một trong những ý niệm căn bản của Thông Thiên Học, khi nắm vững được, sẽ là những đầu mối hướng dẫn chúng ta tìm hiểu thế giới.

CHƯƠNG III CẢM DỤC GIỚI (Kamaloka)

Danh từ Kamaloka chỉ nơi, hay vùng của dục vọng. Như ta đã biết, cảm dục giới là một phần của cõi trung giới. Nó không phải là một nơi chốn riêng biệt, mà là trạng thái tâm thức riêng biệt của những người ở đó.[38] Những người này đã bỏ xác thân, sau khi bị chết mà tinh thần chưa được chuẩn bị trước, và những người cần được tinh lọc ít nhiều trước khi bước vào đời sống hạnh phúc và bình an, đích thực là đời sống thuộc về con người, thuộc về linh hồn con người.[39]

Khu vực này được diễn tả như là những địa ngục, cõi luyện tội, hoặc những trạng thái trung gian khác, mà tất cả các tôn giáo lớn xem như là nơi ở tạm thời của con người sau khi bỏ xác thân, trước khi lên “thiên đàng”. Không có nơi nào để hình phạt đời đời cả, địa ngục đời đời mà những tín đồ có trí óc nông cạn còn tin tưởng, chỉ là một ác mộng của sự kém hiểu biết, oán hận và sợ sệt. Thật ra, nơi đó có những trạng thái đau khổ tạm thời để tinh luyện, để giải tỏa những nguyên nhân do con người đã tạo ra trong đời sống thế gian. Đó là luật tự nhiên, không thể tránh được, do kết quả của việc làm sai trái ở thế gian, vì chúng ta sống trong một vũ trụ được chi phối bởi luật, mỗi hạt giống được gieo sẽ sinh ra quả cùng loại. Sự chết không làm thay đổi bản chất đạo đức và lý trí con người. Từ cõi trần bước qua cõi trung giới, con người chỉ bỏ đi xác thân, còn những bản tính khác vẫn giữ nguyên.

Ở mỗi cảnh của cõi trung giới, đều có trạng thái “Kamaloka”; cho nên, người ta cho rằng có 7 vùng Kamaloka, từ thứ nhất đến thứ bảy, đếm từ dưới lên trên.[40] Chúng ta đã thấy, trong thành phần cấu tạo thể vía có những chất liệu rút ra từ tất cả các cảnh của cõi trung giới. Do sự tái sắp xếp đặc biệt của những chất liệu này, mà con người được phân chia cư trú ở những vùng khác nhau, người ở cùng một vùng có thể liên lạc được với nhau. Những vùng này, thuộc về bảy cảnh của cõi trung giới, chúng khác nhau về nồng độ đậm đặc. Sự đậm đặc của hình thể bên ngoài con người sẽ giới hạn họ vào vùng Kamaloka nào để tinh luyện. Sự khác biệt của chất liệu, ngăn cản con người đi từ vùng này qua vùng khác. Con người ở vùng này không thể liên lạc với con người ở vùng khác, cũng như cá ở sâu dưới biển không thể đàm thoại được với chim phụng hoàng vậy. Môi trường cần thiết cho sự sống của người này sẽ nguy hại cho sự sống của người khác.

Khi xác thân bị tử thần đến cướp đi, thì cái phách mang theo nó sinh lực (Prana) cùng tất cả những thể khác. Do đó, trọn cả con người, ngoại trừ thể xác, rút ra khỏi “nơi ở tạm bằng thịt” (tabernacle of flesh), tức cái thể bên ngoài. Mọi sinh lực trước kia túa ra ngoài xác thân, nay rút vào bên trong và được gom lại bởi Prana. Sinh lực rút đi làm cho tê liệt các cơ quan cảm giác. Những cơ quan vẫn còn nguyên vẹn đó, chúng sẵn sàng hoạt động như từ bao giờ, nhưng “con người điều khiển bên trong” đã ra đi. Lúc còn sống, con người ấy nhờ những cơ quan để có thể thấy, nghe, sờ mó, ngửi, nếm, những cơ quan ấy chỉ là tập hợp của những phần tử vật chất, tự nó vẫn còn sống, nhưng không còn năng lực tri giác nữa. Chủ nhân ông của thể xác dần dần rút đi, lúc đó nó được bao bọc trong thể phách màu tím, và đắm chìm trong sự suy tưởng về toàn cảnh của kiếp sống đã qua. Trong giờ chết, toàn thể kiếp sống đã qua của một người, phơi bày từng chi tiết trước mắt người ấy. Trong hình ảnh của cuộc đời, hiện lên tất cả những biến cố lớn, nhỏ đã xảy ra trong cuộc sống, người ấy thấy những tham vọng được thực hiện hay bị thất bại, những cố gắng, những yêu thương và những oán hờn v. v… Khuynh hướng chính của toàn thể cuộc đời nổi bật lên rõ rệt. Tư tưởng chủ yếu hướng dẫn đời sống được tự xác định và in sâu vào linh hồn; điều này chỉ định nơi nào mà người ấy phải trải qua phần lớn đời sống bên kia cửa tử. Thật là trang nghiêm, lúc mà con người đối diện tận mắt toàn cảnh của cuộc đời mình, lắng nghe tiếng nói của dĩ vãng, báo trước những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, con người nhìn thấy thực tướng của chính mình, nhận ra mục đích của cuộc đời, và biết rằng, Luật Trời là uy quyền, công bình và từ ái. Kế đó, dây từ khí nối liền giữa thể xác và phách bị cắt đứt, hai “bạn đồng hành” trong trọn cuộc đời đã rời bỏ nhau. Ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt, con người đắm chìm trong vô thức một cách bình an.

Những người tề tựu chung quanh giường người chết, phải có thái độ im lặng và cung kính, trong giờ phút yên tĩnh trang nghiêm, để không làm gián đoạn sự hồi tưởng dĩ vãng của linh hồn đang từ giã cõi trần. Những tiếng khóc lớn, những lời kể lể ồn ào, có thể làm kích động và xáo trộn sự chú ý của linh hồn. Đó là một hành động vừa không thích hợp vừa ích kỷ, do luyến tiếc sự mất mát của riêng mình đã làm gián đoạn sự yên lặng cần thiết để giúp đỡ và xoa dịu kẻ lìa trần. Tôn giáo đã hành động một cách khôn ngoan khi khuyên thân nhân phải cầu nguyện cho người hấp hối. Những lời cầu nguyện này giữ được sự an tĩnh, và khêu gợi những nguyện vọng không ích kỷ để giúp đỡ người sắp bước qua cửa tử. Cũng như mọi tư tưởng thương yêu, lời cầu nguyện là một trợ lực để giúp đỡ và bảo vệ người chết.

Vài giờ sau khi chết, thường không quá 36 giờ, con người (tức là vong linh) sẽ xuất ra khỏi thể phách. Đến lượt thể phách bị bỏ rơi như một thây ma bất động, ở cạnh xác chết và chịu chung số phận với thể xác ấy. Nếu xác chết được đem chôn thì thể phách trôi nổi lơ lửng trên mồ mả, và từ từ tan rã. Những người đi viếng nghĩa địa có cảm tưởng khó chịu, phần lớn do sự hiện diện của những thây ma thể phách đang tan rã. Trái lại, xác chết được hỏa thiêu, thì thể phách tan rã rất mau lẹ, vì nó mất nơi nương tựa, là trung tâm vật chất thu hút nó. Đó là một trong nhiều lý do mà trong những cách thức mai táng, hỏa táng được xem như một chọn lựa tốt hơn hết.

Sự rút lui của con người ra khỏi thể phách, kéo theo sự rút lui của sinh lực (Prana) ra khỏi thể phách. Bây giờ Prana trở về kho chứa sự sống của vũ trụ; còn con người, thì sẵn sàng bước qua vùng Kamaloka để được tái sắp xếp thể vía của mình. Nơi đây thích ứng cho thể vía thay đổi, tinh lọc, sự kiện này cần thiết cho cuộc giải thoát của chính con người.[41] Trong kiếp sống ở thế gian, nhiều loại chất liệu trung giới khác nhau xen lẫn để tạo thành thể vía; giống như chất đặc, chất lỏng, chất hơi và dĩ thái ở trong xác thân vậy. Sự thay đổi, sắp xếp lại thể vía sau khi chết, là sự tách rời những chất liệu này theo thứ tự độ đậm đặc, để tạo ra những lớp vỏ đồng tâm điểm, lớp thanh nhất ở trong, còn lớp đậm đặc nhất ở ngoài. Mỗi lớp vỏ được làm bằng chất liệu rút ra từ mỗi cảnh của cõi trung giới. Vậy thể vía trở thành toàn bộ bảy lớp chồng chất lên nhau, hay là 7 vỏ bọc của chất liệu trung giới. Như thế, có thể nói là “con người” bị giam cầm bên trong, chỉ khi nào phá tan được những lớp vỏ này, con người mới được tự do mà thôi. Bây giờ, chúng ta mới hiểu sự quan trọng chính yếu của việc tinh lọc thể vía trong lúc con người còn sống. Con người bị giữ trong mỗi vùng Kamaloka cho đến khi lớp vỏ của cảnh đó tan rã hết, thì mới có thể sang qua cảnh kế tiếp. Hơn nữa, tùy theo hoạt động của ý thức con người trong lúc sống, theo chiều hướng nào của chất liệu trung giới, sau khi lìa trần họ sẽ thức tỉnh và ý thức ở một vùng đặc biệt nào đó. Hoặc giả, con người chỉ lướt qua vùng nào đó một cách vô ý thức, và bị đắm chìm trong giấc mơ màu hồng, khi ấy con người chỉ bị lưu giữ trong vùng đó một khoảng thời gian cần thiết cho tiến trình tan rã của lớp vỏ.

Người tiến hóa về đường tinh thần, đã thanh lọc thể vía đến một mức độ nào đó, khiến cho những yếu tố cấu tạo nên thể vía chỉ được rút ra từ những chất liệu thanh nhẹ của mỗi cảnh trên trung giới, người ấy chỉ đi xuyên qua vùng Kamaloka, mà không dừng lại. Thể vía của người ấy tan rã một cách rất nhanh chóng, và người ấy sẽ đi ngay đến nơi nào mà số kiếp đã định, tùy theo trình độ tiến hóa.

Người ít tiến hóa hơn, nhưng đời sống đã được trong sạch và tiết độ, không bám víu vào những sự vật trần gian, sẽ bay lướt một cách chậm chạp qua vùng Kamaloka như trong một giấc mộng êm đềm, không ý thức đối với sự vật chung quanh. Trong khi đó, thể trí của người ấy tự giải tỏa khỏi những lớp vỏ của thể vía, từ lớp này đến lớp khác, và chỉ thức tỉnh khi đến cõi thiên đàng.

Người kém tiến hóa, sẽ thức tỉnh sau khi trải qua những vùng thấp của cõi trung giới. Họ sẽ có lại tri thức trong cảnh liên hệ, thích hợp với ý thức trong kiếp sống trần gian. Vì con người được đánh thức do sự va chạm của cảm giác quen thuộc, những cảm giác này hiện giờ được thể vía tiếp nhận một cách trực tiếp, không xuyên qua xác thân. Người nào đã sống với những đam mê thú tính, sẽ thức tỉnh trong cảnh giới thích hợp với những đam mê ấy; theo đúng nghĩa, thì mỗi người sẽ đến “nơi của riêng mình”.

Trường hợp những người thình lình bị mất thể xác, do tai nạn, tự tử, bị giết hay chết bất đắc kỳ tử dưới bất cứ hình thức nào, đều khác với người chết thông thường do sinh lực bị khô cạn sau cơn bệnh hay tuổi già. Nếu nạn nhân đã có cuộc sống trong sạch và có khuynh hướng tinh thần, thì sẽ được bảo vệ đặc biệt và sẽ rơi vào giấc ngủ một cách yên lành, cho đến khi nào người ấy mãn số trần như thường lệ. Nếu nạn nhân không trong sạch và không có khuynh hướng tinh thần, thì tri thức của người ấy vẫn còn, nhưng không thể biết mình đã bỏ xác, và thường bị ám ảnh bởi cảnh tượng khốn khổ cuối cùng của cuộc đời ở trần gian. Trọn cả thời gian ấy, họ bị giữ lại trong vùng của cõi trung giới, tương quan với lớp vỏ bên ngoài cùng của thể vía. Đối với linh hồn ấy, đời sống bình thường nơi vùng Kamaloka chỉ bắt đầu khi nào số trần của người ấy đã mãn; và người ấy ý thức rõ rệt những sự vật ở trung giới cũng như cõi trần chung quanh. Theo lời xác nhận của một trong các vị Sư Phụ của bà H. P. Blavatsky, thì một kẻ sát nhân kia bị xử tử, vẫn tiếp tục sống với cảnh giết người cùng những hậu quả của nó. Sự việc này cứ mãi lặp đi lặp lại trong vùng Kamaloka. Hành động độc ác của người ấy cứ lặp đi lặp lại, cùng với sự sợ hãi khi bị bắt và bị xử tử. Ở người tự tử, những cảm giác thất vọng và những cơn sợ sệt xảy ra trước khi chết, cứ trở đi trở lại một cách tự động. Người ấy cứ lặp đi lặp lại hành động tự tử, với sự đau buồn khủng khiếp, triền miên. Một người đàn bà kia chết trong đám lửa, với tâm trạng hoảng sợ cuống cuồng, sau khi cố gắng một cách tuyệt vọng để thoát thân. Bà tạo ra một luồng trốt xúc động mạnh mẽ, cho đến năm ngày sau khi chết, bà còn chống trả một cách cuồng loạn. Bà cứ thấy mình vẫn bị lửa bao vây, và xô đuổi một cách dữ dội những kẻ cố gắng trấn an bà. Trái lại, một người đàn bà khác đang ẵm đứa con trong lòng, trong cơn bão bị nước nhận chìm, với tấm lòng bình an và đầy tình thương; bên kia cửa tử bà ngủ một giấc yên lành, và trong giấc mơ hạnh phúc bà thấy hình ảnh sống động của chồng và các con.

Trong trường hợp thông thường, chết vì tai nạn vẫn là điều bất lợi, nó xảy ra cho con người do một lỗi lầm nghiêm trọng nào đó.[42] Những người ấy ý thức trọn vẹn nơi vùng Kamaloka thấp, liên quan gần gũi với trái đất, dẫy đầy những điều bất lợi và nguy hiểm. Con người chứa đầy mưu mô vụ lợi, chúng làm nên cuộc sống của họ, họ tri thức được sự hiện diện của người và vật có liên hệ đến những lợi lộc đó. Họ bị xô đẩy hầu như không kháng cự lại được lòng ham muốn ảnh hưởng đến những công việc trần gian, nơi mà lòng cảm xúc và đam mê của họ vẫn còn bám víu. Như vậy họ bị ràng buộc với cõi trần, trong khi đã mất tất cả những cơ quan thể xác để hoạt động. Hy vọng duy nhất để được bình an là họ phải quyết tâm tránh xa trần gian, và chú định vào những điều cao thượng hơn. Nhưng tương đối ít người có nghị lực làm điều đó, mặc dù luôn luôn có những hoạt động viên tại cõi trung giới tình nguyện giúp đỡ họ. Những vị này có bổn phận giúp đỡ và dìu dắt những người lìa trần.[43] Nhiều khi, những linh hồn đau khổ này không thể chịu đựng nổi trạng thái bất động vô vọng; họ tìm đến sự giúp đỡ của một người nhạy cảm làm trung gian, để có thể liên lạc và toan tính một lần nữa những chuyện thế gian. Vài trường hợp, họ ám ảnh một người đồng nào đó, và cố gắng dùng thể xác của người đồng để đạt mục đích cho riêng họ; làm như thế, họ phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề ở tương lai. Cũng không phải là không có lý do huyền bí, mà những giáo sĩ Anh quốc dạy chúng ta lời cầu nguyện: “Lạy Chúa xin giải thoát chúng con khỏi giặc giã, giết hại và bất đắc kỳ tử.”

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu từng cảnh một của Kamaloka, để có được vài ý niệm về nếp sống đã đưa con người đến trạng thái trung gian này, bằng những dục vọng mà họ đã nuôi dưỡng trong suốt cuộc sống thế gian. Chúng ta nên nhớ, sức sống hay thời gian tồn tại của bất cứ một “lớp vỏ” nào, tương đương với thời gian con người bị “giam cầm” trong đó; có nghĩa là tùy thuộc vào số năng lực mà con người đưa vào loại chất liệu cấu tạo nên lớp vỏ đó, trong lúc sống ở thế gian. Nếu những đam mê thấp hèn nhất được linh hoạt, thì chất liệu trọng trược nhất có nhiều sinh lực, và số lượng của nó cũng tăng thêm. Nguyên tắc này áp dụng đối với mọi vùng Kamaloka. Vì thế, con người trong kiếp sống ở thế gian có thể nhận biết khá đúng về hoàn cảnh tương lai cho chính mình; họ đang chuẩn bị cho cuộc sống của họ bên kia cửa tử.

Cảnh thứ nhất, là cảnh thấp hơn hết, có nhiều trạng thái được diễn tả trong nhiều kinh sách Ấn Giáo và Phật Giáo như là các loại “địa ngục”. Phải hiểu rằng, con người khi đi vào một trong những trạng thái này, vẫn không bỏ được những đam mê và dục vọng thấp hèn đã đưa họ đến đó. Những yếu tố ấy vẫn duy trì như là thành phần cá tính của họ; chúng còn tiềm tàng trong trí ở trạng thái “mầm”, để sẽ được nẩy nở và tạo thành bản tính đam mê khi họ trở lại đầu thai tại cõi trần.[44] Sở dĩ họ phải vào vùng Kamaloka thấp vì trong thể vía của họ có một số lớn chất liệu thuộc về vùng ấy. Họ bị cầm giữ trong đó cho đến khi nào phần lớn chất liệu ấy rơi ra và lớp bên ngoài tan rã, thì họ mới có thể thông đồng được với cõi trên kế đó.

Bầu không khí của cõi ấy rất tối tăm, nặng nề, ảm đạm và bi thảm đến một mức độ không thể tưởng tượng được. Nơi đó dường như bốc ra đủ mọi thứ ảnh hưởng trái nghịch hoàn toàn với sự tốt lành. Điều này tạo nên bởi những người có đam mê xấu xa, và chính những đam mê này đưa họ vào nơi lưu trú ảm đạm đó. Chúng ta phải rùng mình khi thấy rằng tất cả dục vọng, tất cả cảm giác đều có môi trường và điều kiện để biểu lộ nơi đây. Thật sự đó là nơi nhớp nhúa nhất, với tất cả những điều đáng ghê tởm mà ở cõi trần người ta có thể che đậy, lại được phơi trần nơi đây. Sự ghê sợ của vùng này được tăng cường mãnh liệt, vì ở cõi trung giới xúc cảm biểu lộ ra thành hình thể. Một người đang có đam mê xấu xa, sẽ hiện ra bộ mặt bên ngoài. Những thị dục thú tính tạo cho thể vía có hình dạng thú vật. Những hình dạng đáng nhờm tởm, nửa người, nửa thú, là lớp y phục thích hợp cho những linh hồn hung bạo như thú vật. Ở cõi trung giới, không ai có thể giả bộ được, không ai có thể che đậy những tư tưởng dơ bẩn của mình dưới lớp màn đạo đức được. Con người thế nào thì hiện ra hình thể bên ngoài thế ấy. Người sáng chói, mỹ lệ, khi tư tưởng của người ấy cao thượng; người xấu xa tàn tệ, khi bản tính của người ấy dơ bẩn. Như thế, người ta mới hiểu tại sao các đấng Sư Phụ như đức Phật có thể nhìn thấu các cõi ở khắp thế giới, đã miêu tả những gì các Ngài thấy trong “địa ngục” đó bằng ngôn ngữ sống động và biểu tượng khủng khiếp. Đối với độc giả trong thời hiện tại, họ dường như không thể tin được, chỉ vì họ quên rằng khi linh hồn đã lìa bỏ vật chất nặng nề và khô cứng của cõi trần, thì hiện ra dưới hình thức đúng thật của nó. Ngay tại cõi thế gian này, một kẻ hung ác hèn hạ và đần độn cũng thường có nét mặt đáng sợ. Vậy cũng dễ hiểu, vì chất liệu mềm dẻo cõi trung giới, uốn nắn theo mỗi rung động của tư tưởng tội ác, nên một người tâm địa xấu xa có một hình thể đáng khiếp sợ.

Cần nhớ rằng, những cư dân ở vùng Kamaloka gồm những kẻ cặn bã xã hội như là: sát nhân, trộm cướp, các loại can phạm trọng tội dữ dằn, bợm nhậu, trác táng; tóm lại họ thuộc về thành phần hạ tiện nhất của nhân loại. Không một người thường nào sau khi chết qua đây, ý thức rõ rệt những gì ở chung quanh, ngoại trừ những tội phạm hung bạo, cố ý độc ác không biết ăn năn, hay đang bị dày vò bởi một khát vọng xấu xa. Những người tự tử tuy có tính tình tương đối tốt hơn, nhưng cũng phải bị cầm giữ tại đây một thời gian. Người tìm cách tự kết liễu đời sống của mình, để lẩn trốn hình phạt trần gian do tội trạng của họ, chỉ làm cho cảnh ngộ của họ khó khăn thêm. Không phải tất cả những người tự tử đều ở vùng này, vì có nhiều động lực khác nhau đưa đến sự tự tử. Nơi đây, người ta chỉ gặp những người tự tử một cách hèn nhát để tránh hậu quả hành vi của họ.

Ngoại trừ sự ảm đạm của môi trường chung quanh và những bạn bè xấu xa đáng ghê tởm, mỗi người là kẻ trực tiếp tạo sự khốn khổ cho chính mình. Sau khi bỏ xác thân, con người không thay đổi gì cả; họ phơi bày tất cả những đam mê và bản tính xấu xa, hung bạo hiển nhiên của họ. Những linh hồn này tràn đầy thị dục dữ dằn và chưa toại nguyện; họ bị thiêu đốt bởi lòng thù hận, oán ghét, thèm khát khoái lạc vật chất mà họ không thể thỏa mãn được, vì không còn cơ quan xác thân để thụ hưởng. Họ đi lang thang trong vùng u tối này, lòng đầy oán hận và khát vọng. Họ tụ tập chung quanh những nơi đồi bại ở trần gian; họ lảng vảng ở các nhà chứa, các nơi say sưa trụy lạc để kích động những khách hàng quen, làm những chuyện bỉ ổi hung tàn. Các vong linh này tìm cơ hội ám ảnh, lôi cuốn những kẻ trụy lạc làm điều xấu xa quá mức. Bầu không khí bệnh hoạn ở những nơi đó một phần lớn là do sự hiện diện của các vong linh còn luyến tiếc cõi trần bởi đam mê đồi bại và dục vọng đê tiện. Các đồng tử là mục tiêu cho những vong linh này tấn công, trừ khi đồng tử là người có bản tính trong sạch và cao thượng. Đồng tử yếu đuối sẽ bị suy yếu thêm, vì họ thụ động để cho xác thân tạm thời bị chiếm giữ bởi vong linh xấu. Những kẻ sát nhân bị xử tử, lòng đầy giận dữ, sợ hãi, oán thù, cứ mãi lặp đi lặp lại hành vi sát nhân, tâm trí hồi tưởng lại kết quả khủng khiếp xảy ra sau khi phạm tội, và tự bao bọc trong bầu không khí của những hình tư tưởng giận dữ. Họ được thu hút đến người nào đang nuôi dưỡng lòng oán hận hay phục thù, và xúi giục người ấy phạm tội sát nhân. Ở vùng này đôi khi người ta thấy một kẻ sát nhân luôn luôn bị nạn nhân theo dõi, không thể lẩn tránh được sự ám ảnh của bóng hình nạn nhân đang săn đuổi một cách kiên trì, dù kẻ ấy hết sức cố gắng trốn cũng không thoát khỏi. Đa số trường hợp, nạn nhân không có ý thức về điều đó, trừ khi họ là người có tâm tính thật xấu, và chính sự không hay biết đó dường như làm cho phạm nhân thêm phần ghê sợ sự theo dõi một cách tự động này.

Tại đây, chúng ta cũng thấy địa ngục của kẻ giải phẫu sinh thể, vì sự độc ác thu hút vào thể vía những chất liệu thô kệch nhất của cõi trung giới, kết hợp lại với nhau một cách đáng ghê sợ. Vong linh sống giữa đám đông những hình thể của nạn nhân bị cắt xẻo, rên siết, giãy giụa, tru tréo, đầy oán hận đối với người làm khổ chúng. Chúng được linh hoạt không phải vì chính hồn thú của chúng, mà vì sự sống của những nguyên tố cấu thành. Vong linh đó tự lặp đi lặp lại thường xuyên những kinh nghiệm xấu xa một cách tự động, và ý thức hoàn toàn sự kinh khiếp này. Vong linh bị ép buộc phải tự làm khổ mình, do thói quen tạo ra trong cuộc sống ở cõi trần.

Một lần nữa, trước khi từ giã vùng tối tăm này, ta nên nhớ nơi đây không có những hình phạt độc đoán áp đặt từ bên ngoài, mà chỉ là hậu quả tất nhiên từ nguyên nhân do mỗi người tạo ra. Trong lúc sống ở cõi trần, những người này đã chiều theo rung động rất xấu xa, cho nên họ đã thu hút và tạo nên thể vía của họ bằng những chất liệu chỉ đáp ứng được với rung động đó mà thôi. Thể vía do chính họ đã tạo ra, nay trở thành ngục tù nhốt linh hồn họ, cho đến khi nó bị tan rã, thì linh hồn mới có thể thoát ra khỏi. Người bợm rượu đã sống ở thế gian với xác thân bệ rạc và u mê; thì họ phải sống tại cảm dục giới với thể vía không kém phần ghê tởm. “Gieo nhân nào, thì gặt quả nấy,” đó là luật áp dụng cho mọi thế giới, không ai có thể trốn thoát được. Thật ra, ở cõi trung giới, thể vía không nổi loạn và đáng sợ hơn lúc con người còn sống ở cõi trần. Thể vía xấu xa làm cho không khí chung quanh người ấy trở nên nhơ nhớp, nhưng người ở cõi trần không nhận biết được sự xấu xa đó, vì họ không thể thấy được cõi trung giới.

Chúng ta có thể tự an ủi khi nghĩ đến những huynh đệ bất hạnh của chúng ta, nếu biết rằng sự đau khổ của họ chỉ là tạm thời mà thôi. Hơn nữa, sự đau khổ ấy là bài học cần thiết cho linh hồn. Dưới áp lực nặng nề của định luật thiên nhiên, dù người không quan tâm đến cũng sẽ học được sự hiện hữu của những định luật đó, qua những đau khổ tích lũy, do việc không tuân theo chúng trong cuộc sống. Bài học mà con người không học thuộc trong đời sống trần gian, thì ham muốn và dục vọng sẽ cuốn theo họ và gây áp lực lên họ nơi cõi trung giới, và sẽ tiếp tục đeo đuổi họ trong những kiếp tương lai. Chỉ đến khi những tật xấu ác được diệt trừ tận gốc rễ, thì con người mới có thể tiến lên một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những bài học của thiên nhiên rất chính xác, nhưng cũng rất khoan hồng, vì chúng giúp cho sự tiến hóa của ta và dắt dẫn linh hồn đến cõi bất tử.

Chúng ta hãy bước qua vùng sáng sủa hơn. Cảnh thứ hai của cõi trung giới[45] có thể được xem như là bản sao của cõi trần. Thật vậy, những hình thể của tất cả đồ vật và của đa số con người, phần lớn được cấu tạo bằng chất liệu thuộc về cảnh thứ hai của cõi trung giới, cho nên trong số những cảnh của cõi trung giới, cảnh này liên quan chặt chẽ với cõi trần hơn cả. Đa số người sau khi lìa trần phải ở lại đây một thời gian, và phần đông có ý thức nơi cảnh này.

Những người này thích thú và bám víu vào những điều nhỏ mọn, không quan trọng của thế gian. Họ chú tâm vào những chuyện lặt vặt, và để cho bản tính thấp hèn điều khiển. Sau khi chết, họ mang theo nỗi thèm khát còn mạnh mẽ đối với những lạc thú trần gian. Trong lúc còn xác thân, một phần lớn sinh lực của họ nhắm về sự hưởng thụ lạc thú vật chất, do đó thể vía của họ được gây dựng bằng chất liệu dễ dàng đáp ứng lại những va chạm của cõi trần. Sau khi họ chết, họ bị giữ lại bởi thể vía, lẩn quẩn đến những nơi ưa thích ở cõi trần. Phần đông họ đều bất mãn, lo âu, không yên, với ít nhiều đau khổ tùy theo mức độ dục vọng mà họ không thể thỏa mãn. Một số người kéo dài tình trạng ấy trong sự thống khổ thực sự, và họ bị giữ lại rất lâu nơi đó, cho đến khi những khát vọng trần gian của họ tàn lụi. Nhiều người kéo dài sự sống nơi đây một cách vô ích để tìm cách liên hệ với thế gian, vì những lợi lộc mà họ còn vướng mắc. Họ mượn xác đồng bóng để thay thế xác thân đã mất, từ đó tạo ra những câu chuyện tầm phào mà người nào có dự những buổi cầu hồn công cộng đều biết rõ. Đó là những chuyện phiếm và đạo đức tầm thường cũ kỹ, được lặp đi lặp lại nơi các tửu quán và các nhà trọ rẻ tiền. Những linh hồn đeo níu với cõi trần đó, thường kém thông minh. Đối với người đã công nhận sự hiện tồn của linh hồn sau khi chết, thì sự truyền đạt của linh hồn ở cảnh này không thích thú gì hơn những lời đàm thoại của họ lúc còn sống. Cũng giống như khi còn sống, những người này càng dốt nát bao nhiêu, thì lại càng xác quyết lời mình nói bấy nhiêu. Với sự hiểu biết hẹp hòi, họ muốn chứng tỏ rằng họ biết rõ toàn thể cõi trung giới. Họ nghĩ rằng lời nói nhảm nhí, quê mùa trong xóm làng của họ là tiếng thì thầm của vũ trụ.

Từ vùng này, những người chết với tâm trạng còn nhiều lo lắng, đôi khi tìm cách liên lạc với bạn bè, hầu sắp xếp công việc trần gian còn làm họ vướng bận. Nếu họ không thể tiếp xúc được một người bạn nào, và không thể truyền đạt ý muốn của họ trong giấc chiêm bao của người còn sống, thì họ có thể gây ra nhiều phiền phức bằng cách gõ, hay tạo ra nhiều tiếng động khác để được lưu ý. Có khi những tiếng động này được gây nên một cách vô ý thức do sự cố gắng nóng nảy của họ. Trong trường hợp này, người có khả năng có thể giúp đỡ bằng cách liên lạc với vong linh khốn khổ đó để biết ý muốn của họ. Thường khi sự can thiệp này đủ giải cho họ mối lo âu làm cản trở bước đi lên của họ. Khi ở đây, vong linh rất dễ bị lôi kéo chú tâm đến cõi trần, tuy họ không tự ý muốn trở lại. Sự thương tiếc nhiệt tình, và lòng ao ước nồng nàn của bạn bè tại cõi thế muốn gặp lại hình bóng thương yêu, nhiều khi lại làm hại họ.

Những hình tư tưởng, do sự thương tiếc đó tạo ra, tụ tập chung quanh vong linh, kích động và thường đánh thức họ, trong khi họ đang ngủ an lành. Nếu họ có lại tri thức, thì tư tưởng của họ bị lôi kéo trở lại trần. Trong trường hợp thứ nhất, chính tính ích kỷ của bạn bè còn tại thế, vô tình gây hại cho người thân đã chết; nếu họ biết được sự kiện này, họ là người đầu tiên phải hối tiếc. Nếu biết được sự đau khổ vô ích do những người thân còn sống gây nên cho người chết, con người sẽ vững lòng tin hơn vào những qui tắc tôn giáo bắt buộc tuân theo luật Trời, và kềm chế sự buồn rầu, khóc kể ồn ào quá đáng.

Vùng Kamaloka thứ ba và thứ tư chỉ khác chút ít với vùng thứ nhì; chúng được xem như bản sao bằng chất dĩ thái của vùng thứ nhì. Vùng thứ tư thanh nhẹ hơn vùng thứ ba; nhưng đặc tính tổng quát của cả ba cảnh đều giống nhau. Nơi đây, chúng ta gặp những vong linh tiến hóa khá hơn một chút, dù họ bị giữ lại ở đó là do lớp ngoài của họ được tạo nên do sự tìm kiếm những lợi lộc trần gian; thường thường, chú tâm của họ hướng về sự tiến bộ hơn là thụt lùi. Nếu họ không bị kêu gọi một cách cưỡng bách để lo vấn đề trần gian, thì họ lướt qua, không trì hoãn lâu. Tuy nhiên, họ vẫn nhạy cảm đối với sự kích động ở cõi trần. Sự chú ý của họ đến công việc trần gian đã giảm, nhưng nó có thể bị kích động trở lại do sự kêu than của người trần thế. Phần đông người ở đây có học thức và biết suy gẫm, trong kiếp sống vật chất, họ bận rộn với những mối lo âu thế tục, họ thức tỉnh và ý thức trong vùng này. Họ có thể bị xúi giục liên lạc với cõi trần qua đồng tử, nhưng ít khi họ tự tìm sự liên lạc ấy. Lời nói của họ tự nhiên có một giá trị cao hơn lời nói của những vong linh thuộc về vùng Kamaloka thứ nhì. Tuy nhiên, những điều họ nói cũng không giá trị gì hơn là những điều tương tự mà họ đàm luận lúc còn sống. Ánh sáng tâm linh không thể đến từ vùng Kamaloka.

Vùng Kamaloka thứ năm có nhiều đặc tính mới lạ. Nó sáng chói và phát quang, nó rất hấp dẫn đối với người lúc sống chỉ biết các màu sắc lu mờ của thế gian. Thật rất đúng khi người ta dùng danh từ tinh tú (astral), hay sáng như sao để chỉ toàn cõi trung giới. Chính nơi đây, cõi trời được cụ thể hóa, và đóng một vai trò rất quan trọng trong những tôn giáo của quảng đại quần chúng trên khắp thế giới. Đây là vùng đất lý tưởng để săn bắn của người da đỏ, cõi trời cho các chiến sĩ anh hùng Norsemen, thiên đàng đầy tiên nữ của Hồi Giáo, thánh địa Jerusalem bằng vàng với cửa bằng ngọc của người Thiên Chúa Giáo và cõi trời chứa đầy trường học của nhà cải cách duy vật chủ nghĩa, tất cả đều ở tại vùng Kamaloka thứ năm này. Những người bám víu một cách tuyệt vọng vào nghĩa đen của từng “tử ngữ” (letter that killeth) sẽ được hài lòng về văn tự theo ý muốn của họ. Do năng lực tưởng tượng, họ tự tạo nên cái vỏ khô khan bề ngoài của những thánh kinh thế gian, hay những lâu đài mộng tưởng mà họ đã từng mơ ước. Những tín ngưỡng thô thiển nhất về tôn giáo được thực hiện nơi đây một cách tạm thời và mù mờ. Còn những người tin tưởng cứng ngắc theo văn tự và có ước muốn ích kỷ về sự cứu rỗi của những thiên đàng cụ thể, thì đây là nơi họ có thể được mãn nguyện, vì chung quanh họ có những điều kiện thích hợp với đức tin của họ. Có những người bận rộn về tôn giáo và từ thiện, chỉ chú tâm theo sở thích của riêng mình, và áp đặt ý tưởng của mình lên người chung quanh, thay vì phải làm việc một cách vô tư để làm tăng phần đạo đức và hạnh phúc cho nhân loại. Họ tổ chức những cơ quan cải huấn, trại tạm cư, học đường, theo ý thích riêng của họ. Từ cõi trung giới, họ cảm thấy vui thích với tâm trạng kẻ chỉ huy, chiếu cố đến việc trần gian, xuyên qua một đồng tử dễ điều khiển. Họ xây cất trên cõi trung giới những nhà cửa, trường học, nhà thờ, mô phỏng theo những thiên đàng vật chất mà họ mong ước. Dưới mắt của người minh mẫn, những kiến thiết của họ bất toàn và có thể nói là thô kệch một cách đáng thương; nhưng đối với họ, thì chúng không chỗ chê. Những người cùng một tôn giáo tụ hợp nhau lại, và cùng chung cộng tác bằng nhiều cách khác nhau. Họ thiết lập nhiều cộng đồng khác biệt và riêng rẽ, tương tự như ở cõi trần. Khi họ bị thu hút hướng về cõi trần, thường thường họ tìm những người đồng tôn giáo và cùng xứ sở với họ. Đó là do sự thu hút tự nhiên, mà còn do sự trở ngại của ngôn ngữ nữa, vì tại Kamaloka sự trở ngại của ngôn ngữ vẫn còn, như người ta có thể nhận thấy trong những cuộc đàm thoại ở các buổi nhóm thần linh học. Phần nhiều những linh hồn ở vùng này, hết sức thích thú muốn liên lạc với vùng cao hơn, và hầu hết phải nhờ sự hướng dẫn của những vị dẫn dắt tinh thần (spirit-guides). Chính tại nơi đây và tại khu vực Kamaloka trên kế đó, người ta gặp những vị dẫn dắt tinh thần. Thường thường, những linh hồn nơi đó nhận biết trước mặt họ còn có cuộc sống cao cả hơn, và sớm muộn gì họ cũng phải đến thế giới mà từ đó họ không còn có thể thông đồng được với cõi trần nữa.

Vùng Kamaloka thứ sáu giống như vùng Kamaloka thứ năm, nhưng thanh nhẹ hơn nhiều. Phần lớn linh hồn khá tiến hóa trú ngụ nơi đây. Những người này trong lúc còn sống, đa số năng lực tư tưởng của họ biểu lộ xuyên qua lớp vỏ bọc đã bị tiêu mòn gần hết. Sở dĩ họ bị trì hoãn lại trong vùng này là do có sự ích kỷ trong khi làm nghệ thuật, cũng như trong cuộc sống trí thức. Họ đã làm giảm giá trị tài năng họ, vì muốn thỏa mãn một cách tinh vi bản chất dục vọng của họ. Họ sống ở một môi trường tốt đẹp nhất của cõi trung giới, vì tư tưởng sáng tạo của họ dùng những chất liệu chói sáng của nơi ở tạm thời này để tạo ra cảnh vật đẹp đẽ, những biển cả gợn sóng, những ngọn núi đầy tuyết và những cánh đồng trù phú. Vẻ đẹp thần tiên của cảnh trí ở đó đẹp hơn tất cả những gì đẹp nhất trần gian. Người ta cũng gặp nơi đây tín đồ của các tôn giáo, nhưng họ thuộc về hạng người tiến hóa hơn những người ở vùng thấp, họ có quan điểm chính xác hơn về những giới hạn riêng của họ. Họ rất mong muốn lìa khỏi nơi trú ngụ hiện thời để bước qua khu vực cao hơn.

Vùng Kamaloka thứ bảy là vùng cao nhất, hầu hết những nhà trí thức nam nữ đều ở đây. Lúc còn sống ở cõi trần, những người này thiên hẳn về phần vật chất, hoặc quá bám víu vào những phương pháp mà hạ trí đã dùng để thu thập sự hiểu biết. Ở đây, họ tiếp tục đeo đuổi một số hiểu biết của họ theo cách thức cũ, dù đã có những quan năng cao hơn. Người ta nhớ đến ông Charles Lamb; ông ghét ý nghĩ cho rằng, ở cõi trời, sự hiểu biết phải đạt được do “vài phương pháp của trực giác,” thay vì phải đọc hết những sách mà ông yêu thích. Theo bà H. P. Blavatsky, có những học giả sống nhiều năm, đôi khi nhiều thế kỷ trong một thư viện của cõi trung giới, tìm đọc một cách hăng say tất cả những sách nói về đề tài mà họ thích thú, và họ hoàn toàn thỏa mãn với số phận của mình. Những người đã đem hết nhiệt tâm và trí lực vào việc khảo cứu, sau khi chết lòng khát vọng hiểu biết chưa thỏa mãn, vẫn đeo đuổi mục đích của họ với một sự kiên trì không mỏi mệt, và bám víu vào cách thức học hỏi tại cõi trần. Thường người như thế còn hoài nghi trước những khả năng cao cả đang chờ đợi họ; và họ thu rút lại trước viễn ảnh rằng trên thực tế, họ phải chết lần thứ hai. Họ chìm đắm trong vô thức, trước khi linh hồn sinh vào cõi thiên đàng. Những người làm chính trị, những chính khách, những nhà khoa học, lưu lại một thời gian trong khu vực này, và cởi bỏ từ từ thể vía của họ. Họ còn dính líu với đời sống ở cõi thấp do họ có nhiều nhiệt tâm, và thích thú với những cải cách, mà trong đó họ đóng vai trò quan trọng. Ở trung giới họ cố gắng thực hành vài kế hoạch, nhưng vì cái chết của thể vía xảy đến, khiến họ không thực hiện được.

Ngoại trừ một số ít trong lúc sống ở cõi trần, không hề có một chút tình thương vị tha hay lòng mong muốn tiến bộ về trí thức, đã sống mà không bao giờ biết điều gì hay người nào cao cả hơn mình, còn tất cả những người khác, sớm muộn gì cũng sẽ đến lúc những ràng buộc của thể vía bị cắt đứt, linh hồn trở nên vô tri thức trong một thời gian ngắn đối với ngoại cảnh, giống như sự vô tri thức sau khi bỏ xác thân vậy. Kế đó linh hồn tỉnh thức lại do một cảm giác phúc lạc cao độ, mênh mông, vô lượng, ở cõi phàm khó mà mơ tưởng được. Niềm phúc lạc ấy thuộc về cõi trời, vì chính bản chất của linh hồn thuộc về cõi trời. Linh hồn có thể có những đam mê thấp hèn, tham vọng nhỏ mọn, nhưng nếu nó đã có một chút tình thương vị tha và lòng mong ước tiến bộ, thì nó được thấy ánh sáng thuộc bản chất cao cả bắt nguồn từ một cõi thanh cao hơn. Bây giờ, mùa gặt hái đã đến, dù ít đi nữa cũng mang đến kết quả chính đáng. Con người đi xa hơn nữa để gặt hái ở cõi thiên đàng, hầu thưởng thức và đồng hóa những kết quả.

Đôi khi người ta gọi “thây ma thể vía” là “vỏ thể vía” do một linh hồn đã bỏ lại. Nó gồm những mảnh vụn của bảy lớp vỏ – cùng một trung tâm điểm – như đã mô tả ở trước. Những mảnh vụn này được gắn bó lại nhau nhờ từ điển của vong linh còn sót lại. Mỗi lớp vỏ, tới phiên nó, cũng tan rã ra từng mảnh vụn rải rác, và dính theo những lớp vỏ chưa rã, do sự thu hút của từ điển. Lớp vỏ này sẽ tan rã theo sau lớp vỏ kia, đến lớp trong cùng, tức lớp thứ bảy tan rã thì con người tự thoát ra và để những vật thừa lại. “Vỏ thể vía” trôi giạt bềnh bồng trong cõi trung giới; nó lặp lại một cách máy móc và yếu ớt, những làn rung động quen thuộc của nó. Do sự phân tán của những từ điển còn dư lại, nó dần dần hư hoại và cuối cùng tiêu mất trọn vẹn, trả lại cho cõi trung giới những chất liệu làm ra nó, cũng như xác thân trả lại cõi trần những nguyên tố tạo ra nó vậy.

Cái “vỏ thể vía” trôi giạt theo triều lưu của cõi trung giới. Nếu chưa tan rã nhiều, thì nó có thể được làm sống động do từ điển của những người còn tại thế, và có thể phục hồi vài khả năng hoạt động. Nó thu hút từ điển cũng như bông đá hút nước vậy; khi ấy nó có vẻ như còn sống, và lặp lại một cách mạnh mẽ hơn những làn rung động cũ mà nó đã quen thuộc. Những làn rung động này thường được tạo nên do tư tưởng thường có của bạn bè và thân nhân còn sống ở cõi trần. Cái vỏ được hồi sinh này có thể làm nhiệm vụ liên lạc khôn ngoan và khá hữu hiệu. Ngoài nhãn thông ra, người ta có thể phân biệt được nó khi nó cứ lặp đi lặp lại một cách máy móc những tư tưởng quen thuộc do những hiểu biết có được lúc còn sống; nó hoàn toàn không có ý kiến mới mẻ.

Linh hồn có thể bị trì hoãn trên đường tiến triển, do những bạn bè không hiểu biết và không suy xét kỹ lưỡng. Trái lại, linh hồn cũng có thể được trợ giúp bằng sự cố gắng khôn ngoan và đúng đường lối. Chính vì vậy mà tất cả các tôn giáo nào còn lưu lại vài dấu vết minh triết huyền môn của những vị Giáo Chủ đều khuyên “cầu nguyện cho người chết.” Những lời cầu nguyện này, cũng như các nghi lễ liên hệ, đều hữu hiệu ít nhiều, tùy theo sự hiểu biết, tình thương và năng lực ý chí của người cầu nguyện. Sự cầu nguyện căn cứ vào chân lý phổ quát của sự rung động, theo đó vũ trụ được thành lập, cải tạo và duy trì. Âm thanh phát ra tạo thành rung động; những rung động sắp xếp chất liệu cõi trung giới tạo ra hình thể nhất định, rồi nhờ tư tưởng làm cho linh động. Những hình tư tưởng này hướng vào vong linh đang ở khu vực Kamaloka và tác động đến thể vía của vong linh đó, làm cho nó mau tan rã. Vì sự hiểu biết về huyền môn giảm sút, nên những nghi lễ này càng ngày càng trở nên kém hiệu lực, và dần dần đi đến tình trạng không còn hữu dụng nữa. Tuy nhiên, nếu những nghi lễ này được thực hiện bởi người hiểu biết, thì lại có kết quả mong muốn. Hơn nữa, mỗi người có thể giúp người thân đã ra đi, bằng cách gởi đến họ những tư tưởng thương yêu và an tịnh; và cầu nguyện cho họ mau tiến bộ qua vùng Kamaloka hầu giải thoát những ràng buộc tại cõi trung giới.

Mong sao không có người nào đã rời bỏ xác thân, phải đi đơn độc một mình. Cầu cho họ lúc nào cũng nhận được sự giúp đỡ của những hình tư tưởng thương yêu, tác dụng như những thiên thần hộ mạng, dìu dắt họ trên đường đi đến phúc lạc.

CHƯƠNG IV CÕI THƯỢNG GIỚI (CÕI TRÍ)

(The Mental Plane)

Cõi trí, như tên của nó cho thấy, thuộc về ý thức hoạt động trên phương diện tư tưởng, không phải là cái trí tác động qua bộ óc, mà là tại cõi riêng của nó, không bị chướng ngại bởi chất liệu tinh thần của cõi vật chất. Thế giới này là thế giới của “con người thật” (the real man). Danh từ Anh ngữ “man” (con người) là do ngữ căn của động từ Phạn ngữ “man” có nghĩa là “suy nghĩ.” Do đó, danh từ “man” có nghĩa là “kẻ suy nghĩ” (thinker). Như vậy tên gọi “con người” biểu hiệu rằng đặc tính trội nhất của con người là trí khôn.

Trong Anh ngữ, danh từ “mind” vừa chỉ ý thức của trí khôn (the intellectual consciousness), vừa chỉ những kết quả tạo ra nơi bộ óc xác thân, do những làn rung động của ý thức đó. Nhưng hiện tại, ta chấp nhận ý thức trí khôn này như là một thực thể hiện hữu, một cá nhân riêng biệt. Những rung động linh hoạt của nó là những tư tưởng, chính những tư tưởng này là những hình ảnh chớ không phải những lời nói. Thực thể ấy là Manas[46] là “chủ thể tư tưởng” (the Thinker). Nó là Con Người thật (the Self) bị bao phủ bởi vật chất, và hoạt động trong điều kiện của những cảnh cao nơi cõi trí. Nó biểu lộ sự hiện diện tại cõi trần bằng những làn rung động truyền xuống bộ óc và hệ thần kinh. Hệ thần kinh não tủy đáp ứng lại những mối xúc động của đời sống bằng những làn rung động đồng cảm; nhưng vì nó được cấu tạo bằng chất liệu thô kệch, nên chỉ có thể lặp lại một cách bất toàn một phần nhỏ những làn rung động đó. Khoa học xác nhận có rất nhiều loại rung động dĩ thái, mà mắt thường chỉ thấy một phần nhỏ trong giới hạn quang phổ của ánh sáng mặt trời, vì nó chỉ có thể đáp ứng rung động trong một vài giới hạn. Cũng giống như thế, dụng cụ vật chất của tư tưởng, tức não bộ và thần kinh hệ, chỉ tiếp nhận được một phần nhỏ những rung động đa dạng của tư tưởng do “chủ thể tư tưởng” (the Thinker) đưa ra từ cõi giới của nó. Những người thông minh, có não bộ linh hoạt, tiếp nhận và đáp ứng được khá nhiều những rung động của tư tưởng. Bậc thiên tài có não bộ tiếp nhận và đáp ứng một cách phi thường đối với những làn rung động của tư tưởng, còn người đần độn có não bộ đặc biệt bất động, chỉ đáp ứng một phần rất ít những rung động đó. Mỗi linh hồn đưa đến não bộ hàng triệu làn sóng tư tưởng, mà não bộ không thể đáp ứng được, vì chất liệu làm ra não bộ quá đậm đặc. Và điều mà người ta gọi là quyền năng tư tưởng của một người, chỉ là tỷ lệ nhạy cảm của não bộ đối với những làn sóng tư tưởng ấy. Nhưng trước khi quan sát “chủ thể tư tưởng,” tốt hơn nên xét qua nơi trú ngụ của nó, tức cõi trí.

Cõi trí (hay cõi thượng giới) là cõi kế tiếp, trên cõi trung giới. Hai cõi này chia cách nhau do sự dị biệt của chất liệu cấu tạo, giống như cõi trung giới chia cách với cõi trần. Vậy, ta có thể lặp lại sự so sánh cõi trí với cõi trung giới, giống như cõi trung giới với cõi trần. Đời sống trên cõi trí linh hoạt hơn đời sống tại cõi trung giới, và hình thể ở trên đó mềm dẻo hơn. “Vật chất-tinh thần” trên cõi trí có sinh lực dồi dào hơn và thanh bai hơn bất cứ chất liệu ở cấp độ nào nơi cõi trung giới. Hạt nguyên tử căn bản của chất liệu tạo nên cõi trung giới chứa đựng bên trong nó vô số phần tử thô kệch của chất liệu cõi trí tập hợp lại; vì thế, khi hạt nguyên tử cõi trung giới tan rã, nó phóng thích một số lớn chất liệu thô kệch nhất của cõi trí.

Như thế, trọng khối của chất liệu cõi trí thanh nhuyễn hơn, lưu chuyển dễ dàng hơn nhiều so với chất liệu cõi trung giới. Năng lực sống trên cõi ấy rất linh hoạt, và chất liệu luôn luôn chuyển động. Chất liệu lấy hình thể tùy theo mối cảm xúc của sự sống, và nó rất dễ thích nghi với mỗi thay đổi của sự chuyển động. Nếu so với chất liệu thể trí, thì chất liệu tinh thần của thể vía (astral spirit-matter) có vẻ thô kệch, nặng nề và mờ tối. Nhưng nếu so với chất hồng trần, thì nó sáng chói một cách kỳ diệu. Nhưng luật tương đồng bao giờ cũng đúng, nó cho chúng ta đầu mối dẫn đến cõi thượng giới, là nơi chúng ta sinh ra, là quê hương thực sự của chúng ta. Chúng ta là kẻ đang bị cầm tù nơi đất lạ, không biết gì về quê hương; nếu có sự miêu tả về nơi ấy, chúng ta sẽ nhìn nó một cách xa lạ.

Cũng giống như tại hai cõi thấp, chất liệu tinh thần cõi trí cũng chia thành bảy chi phần. Một lần nữa, có rất nhiều kết hợp phức tạp không thể kể hết, tạo ra những chất đặc, lỏng, hơi và những chất dĩ thái của cõi trí. Danh từ “đặc” ở đây có vẻ phi lý, dù là nói về hình thể căn bản nhất của chất liệu cái trí. Bất đắc dĩ, chúng ta phải dùng từ ngữ này, vì không có từ ngữ nào khác, và vì chất liệu này đậm đặc hơn nếu so sánh với chất liệu cõi trí khác; ở cõi trần chúng ta không có danh từ nào khác để diễn tả nó. Như thế cũng đủ để chúng ta hiểu rằng cõi trí cũng tuân theo định luật và trật tự chung của thiên nhiên, đó là nền tảng căn cứ trên số 7. Đối với thế giới của chúng ta, vật chất được chia ra làm 7 loại, theo độ đậm đặc liên hệ tương đối với nhau. Nếu kể từ độ đậm đặc nhiều đến ít, cũng giống như cõi vật chất, được chia thành chất đặc, chất lỏng, chất hơi và những chất dĩ thái. Chi phần, hay cảnh cao nhất của cõi thượng giới, được cấu tạo toàn bằng những hạt nguyên tử căn bản thể trí.

Những chi phần (cảnh) của cõi thượng giới chia làm hai nhóm, được đặt tên bằng những hình dung từ khó hiểu và diễn tả không được chính xác: “vô sắc tướng” và “sắc tướng”.[47] Bốn chi phần thấp được xếp vào nhóm “sắc tướng”. Ba chi phần cao, được xếp vào nhóm “vô sắc tướng”. Sự phân chia nhóm này rất cần, vì ở cõi thượng giới có sự phân chia thực sự, mặc dù khó miêu tả. Những vùng được phân chia đó, liên hệ với sự phân chia của tâm thức trong chính thể trí con người, sẽ được trình bày rõ về sau. Sự phân biệt đó có lẽ sẽ được hiểu rõ hơn, bằng cách nói rằng: trong bốn chi phần thấp, sự rung động của tâm thức tạo ra những hình thể, những ảnh tượng hay những tranh ảnh, và mỗi tư tưởng hiện lên như một hình sống. Trong khi ở ba chi phần cao, dù tâm thức luôn luôn tạo ra những làn rung động, nhưng dường như nó phóng ra như một lượn sóng mạnh mẽ của năng lực sống động. Ở vùng cao của cõi thượng giới, lượn sóng này không tự tạo ra những hình ảnh riêng biệt; nhưng khi vừa xuống các cõi thấp, nó tạo ra nhiều hình thể khác nhau, tất cả đều liên kết với nhau do vài trạng thái chung. Thí dụ tương tự dễ hiểu nhất về khái niệm mà tôi cố gắng diễn tả là những tư tưởng trừu tượng và những tư tưởng cụ thể. Tư tưởng trừu tượng của một hình tam giác thì không có hình dạng, nhưng nó bao hàm bất cứ mặt phẳng nào nằm trong ba đường thẳng, những góc của nó tạo nên do hai đường thẳng gặp nhau. Ý niệm với những điều kiện như thế, nhưng không có khuôn khổ, được phóng vào trong cõi thấp hơn, có thể cho ra vô số hình khác nhau như hình tam giác vuông góc, hình tam giác có những cạnh bằng nhau, hình tam giác có cạnh không bằng nhau với đủ loại màu sắc và kích thước, nhưng vẫn hội đủ những điều kiện của hình tam giác. Những hình tam giác cụ thể này, mỗi cái có hình dáng xác định riêng biệt của nó. Lời nói không thể diễn tả một cách rõ ràng sự dị biệt về cách hoạt động của tâm thức trong hai vùng của cõi trí. Vì lời nói là biểu tượng của hình ảnh, nó thuộc về sự hoạt động của hạ trí trong não bộ, nên nó hoàn toàn tùy thuộc vào sự làm việc của não bộ. Trong khi ở vùng ‘‘vô sắc tướng” thuộc về sự suy luận thuần lý (Pure Reason), nó không bao giờ tác động trong giới hạn chật hẹp của ngôn ngữ.

Cõi trí là cõi phản ảnh Trí Vũ Trụ trong thiên nhiên. Nó là một cõi trong thái dương hệ bé nhỏ của chúng ta, tương xứng với cõi đại trí huệ của càn khôn (Kosmos).[48] Trong những vùng cao của cõi trí, có mọi tư tưởng khuôn mẫu, hiện nay đang đi lần đến sự tiến hóa cụ thể. Trong những vùng thấp của cõi trí, các tư tưởng ấy được tạo thành những hình thể liên tiếp, để khi đúng lúc, được mô phỏng trở lại ở cõi trung giới và cõi trần. Chất liệu của cõi thượng giới có khả năng kết hợp lại nhau theo nhịp rung động của tư tưởng, và có thể tạo ra mọi tập hợp mà cái trí có thể nghĩ ra. Cũng như sắt có thể làm ra lưỡi cày hay lưỡi gươm để giết hại, chất liệu thể trí có thể được uốn nắn thành những hình tư tưởng để giúp đỡ hay để phá hoại. Những rung động đầy sinh lực của “chủ thể tư tưởng” uốn nắn những chất liệu chung quanh theo ý muốn tạo tác của nó. Trong vùng này, tư tưởng và hành động, ý muốn và việc làm là một; và cùng một thứ. Nơi đây, “vật chất-tinh thần” trở thành kẻ phục dịch dễ sai khiến của sự sống, và nó tự đáp ứng với mỗi xung động tạo tác.

Do sự mau lẹ và thanh nhẹ, những làn rung động đó uốn nắn chất liệu cõi trí thành những hình tư tưởng với những màu sắc tuyệt đẹp, biến đổi không ngừng. Những gợn sóng lóng lánh nhiều màu sắc, như những màu sắc của cầu vồng trong ốc xa cừ, nhưng tinh vi và chói sáng không thể diễn tả được, chúng lướt trên và xuyên qua mọi hình thể. Do đó, mỗi hình thể đều có sự hòa hợp những màu sắc linh động, gợn sóng, chói sáng và thanh bai, có nhiều màu sắc không được biết đến ở cõi trần. Lời nói không thể diễn tả sự mỹ lệ tuyệt vời và sự sáng chói của tập hợp những chất liệu mảnh mai này, chúng đầy sinh lực sống và linh động. Bất cứ ai có khả năng thấy được, đều xác nhận sự kiện này. Những người Ấn Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo nói về vẻ đẹp huy hoàng của nó một cách say mê, và họ thú nhận rằng họ hoàn toàn bất lực trong sự miêu tả nó. Dường như những lời nói, dù khéo léo đến đâu cũng chỉ làm giảm giá trị của nó và làm nó trở nên thô kệch hơn.

Hình tư tưởng đóng một vai trò quan trọng giữa những sinh linh sống, đang hoạt động trên cõi thượng giới. Chúng giống như những hình tư tưởng mà chúng ta đã gặp ở cõi trung giới, nhưng sáng chói, có màu sắc rực rỡ, có sức mạnh, bền dai và tràn đầy sinh lực hơn. Ở người có đức tính trí tuệ cao, những hình tư tưởng đó hiện lên sắc sảo hơn, có chu vi xác định rõ rệt và có khuynh hướng tạo nên những dạng hình học hoàn hảo, với màu sắc và sự trong sáng đặc biệt. Nhưng trong giai đoạn hiện hữu của nhân loại, những hình tư tưởng méo mó và lu mờ lại chiếm số nhiều, chúng là sản phẩm của những thể trí không được huấn luyện của đa số người đời. Tuy nhiên, ở đây, người ta cũng gặp những tư tưởng mỹ thuật rất tốt đẹp. Và không lạ gì nếu nhà họa sĩ, sau khi thoáng thấy lý tưởng mình trong giấc chiêm bao, bực tức vì không thể diễn tả lại được sự mỹ lệ chói sáng bằng những màu sắc lu mờ tại cõi trần.

Những hình tư tưởng được tạo ra bằng tinh hoa chất của cõi ấy. Làn rung động của tư tưởng làm cho tinh hoa chất kết hợp thành hình thể tương xứng, và hình thể này được sống động nhờ có tư tưởng. Như thế, nơi đây chúng ta gặp lại những tinh hoa chất giả tạo, được tạo ra cùng cách thức như ở cõi trung giới. Tất cả những gì mà chúng ta đã đề cập một cách tổng quát về tầm quan trọng của những loài tinh linh giả tạo nơi chương II, đều có thể lặp lại khi nói về chúng trên cõi thượng giới. Nhưng nên lưu ý đến trách nhiệm nặng nề hơn của người tạo ra chúng, vì lẽ các loài tinh hoa tại cõi cao này mạnh mẽ hơn và có cuộc sống dài hơn. Loài tinh hoa chất của cõi thượng giới được Chân Thần tạo ra trong giai đoạn đi xuống, ngay trước khi vào cõi trung giới. Đó là loài tinh hoa thứ nhì ở 4 cảnh thấp của cõi thượng giới (tức cõi hạ thiên). Tại ba cảnh cao của cõi thượng giới (tức cõi thượng thiên), thuộc về cõi “vô sắc tướng” có “loài tinh hoa thứ nhất” trú ngụ. Nơi đây, tư tưởng tạo ra trong loài tinh hoa chất những dòng màu sắc sáng chói lấp lánh như những tia lửa sống động, thay vì có hình dạng cố định. Có thể nói là, loài tinh hoa đang học những bài đầu tiên về sự tác động hỗn hợp, chớ chưa đảm nhận vai trò trong phạm vi giới hạn xác định của hình thể.

Trong cả hai phần chính của cõi thượng giới, có vô số những Bậc Thông Tuệ. Các thể thấp nhất của các Ngài làm bằng chất liệu sáng chói, và tinh hoa chất của cõi này. Các Ngài là những Đấng chói lòa, rực rỡ, điều khiển sự diễn tiến trật tự trong thiên nhiên. Các Ngài chỉ huy những đoàn tinh linh thấp, như chúng ta đã đề cập đến. Các Ngài phân chia chúng thành 7 loài tinh linh, theo những đẳng cấp, và cai quản chúng.[49] Như người ta thường tưởng tượng, các Ngài là những Đấng hiểu biết quảng đại, có quyền năng to lớn, và có hình dáng lộng lẫy. Các Ngài chói sáng muôn sắc giống như cầu vồng với những màu sắc phi thường, luôn biến đổi. Các Ngài có hình dáng oai nghi vương giả, biểu lộ một nghị lực an tĩnh, một sức mạnh không gì có thể chống lại. Một nhà tiên tri nổi tiếng của Thiên Chúa Giáo, miêu tả về một vị đại thiên thần như sau: “Trên đầu Ngài có một cầu vồng, mặt Ngài giống như mặt trời, chân Ngài là hai cây cột lửa, giọng nói của Ngài như tiếng nước lớn chảy ào ào, như tiếng vang dội từ những điệu nhạc của vũ trụ.”[50] Các Ngài điều khiển trật tự thiên nhiên, và chỉ huy các đoàn to lớn của những loài tinh linh trung giới. Do đó mà đội binh của các Ngài tiếp tục không ngừng các công trình của thiên nhiên một cách điều hòa, chính xác.

Ở cõi hạ thiên, người ta gặp nhiều vị đệ tử huyền môn (chelas), đang hoạt động trong thể trí của họ,[51] khi họ tạm thời rời bỏ lớp áo xác thân. Khi xác thân ngủ mê, thì “chủ thể tư tưởng” hay “con người thật”, có thể thoát ra khỏi nó, không còn bị trở ngại bởi sức nặng của xác thân, để làm việc trên vùng cao này. Từ đây, vị ấy có thể giúp đỡ, an ủi người khác bằng cách tác động trực tiếp lên trí não của họ, cũng như gợi ý những tư tưởng lành, bằng cách đặt trước họ những tư tưởng cao đẹp. Sự trợ giúp này có hiệu quả hơn và mau lẹ hơn khi vị ấy ở trong cái vỏ xác thân. Vị cứu trợ có thể thấy rõ những nhu cầu của họ hơn, và do đó có thể giúp họ một cách hữu hiệu hơn. Giúp đỡ những người huynh đệ đang chiến đấu, cố gắng vươn lên, là một đặc ân và cũng là hạnh phúc lớn nhất của vị đệ tử. Những người được trợ giúp không biết gì về công việc của vị ấy đang nâng đỡ gánh nặng cho họ; và cũng không biết gì về tiếng nói dịu dàng, thì thầm an ủi họ trong cơn đau khổ. Vị cứu trợ âm thầm làm việc, không được ai biết đến, cứu giúp kẻ nghịch với tấm lòng vui vẻ tự tại giống như giúp bạn thân. Vị ấy chia cho người trần thế luồng từ điển ân huệ do các Đấng Thiêng Liêng từ những bầu vũ trụ cao hơn ban xuống. Đôi khi, người ta cũng gặp tại cõi thượng giới này những hình dáng vinh quang của các đấng Chân Sư, dù bình thường các Ngài ngự ở những cảnh cao nhất của cõi thượng giới, tức cõi vô sắc tướng. Những vị cao cả đôi khi xuất hiện nơi cõi thấp này, khi các Ngài cần thực hiện một vài công việc từ bi.

Đối với các Đấng Thông Tuệ hoạt động hữu ý tại cõi này, dù các Ngài có là con người hay không, dù các Ngài đang ở trong hay ngoài xác thân, thì sự liên lạc giữa các Ngài trên thực tế rất mau lẹ, với tốc độ của tư tưởng, không gian không còn là trở ngại ngăn cách; khi một linh hồn muốn liên lạc với một linh hồn khác, thì chỉ cần hướng tư tưởng tới người ấy. Sự liên lạc chẳng những mau lẹ, mà còn hoàn bị, nếu những linh hồn có cùng trình độ tiến hóa. Nơi đây, không sử dụng ngôn ngữ, cho nên không bị những giới hạn của ngôn ngữ làm trở ngại trong việc thông hiểu lẫn nhau. Trọn cả tư tưởng được phóng ra từ người này đến người kia, hay nói đúng hơn là mỗi người đều thấy được tư tưởng của kẻ khác một cách trung thực. Chướng ngại thật sự giữa những linh hồn, là sự tiến hóa. Linh hồn ít tiến hóa, chỉ hiểu biết sự việc đến mức độ mà nó có thể đáp ứng được đối với linh hồn tiến hóa cao. Thật ra, chỉ có linh hồn tiến hóa cao mới biết được có sự hạn chế này thôi, vì những sự kiện mà linh hồn ít tiến hóa nhận được đã đầy đủ sức chứa đựng của nó. Linh hồn càng tiến hóa, thì càng nhận thức rõ môi trường chung quanh, và càng đến gần thực tại hơn. Nhưng chúng ta nên nhớ, cõi thượng giới cũng có những tấm màn ảo ảnh, dù ít hơn và mỏng manh hơn tấm màn ảo ảnh của cõi trung giới và cõi trần. Mỗi linh hồn đều có bầu không khí thể trí của riêng nó, và mọi ý tưởng đến linh hồn đều phải đi xuyên qua bầu không khí đó, nên những ý tưởng đều bị biến dạng và nhuộm màu. Bầu không khí càng trong trẻo, tinh khiết thì càng ít bị phàm ngã nhuộm màu hơn, và linh hồn càng ít bị ảnh hưởng của ảo ảnh hơn.

Ba cảnh cao của cõi thượng giới là nơi trú ngụ của chính “chủ thể tư tưởng”, tùy theo cấp bậc tiến hóa mà Ngài ở một trong ba cảnh ấy. Đa số người tiến hóa với nhiều cấp bậc khác nhau, sống nơi cảnh thấp nhất trong ba cảnh ấy. Một số tương đối ít những người trí thức cao ở vào cảnh thứ nhì. Khi nói chủ thể tư tưởng “lên” (ascending) cảnh đó, sự diễn tả này không đúng đối với cõi cao mà chỉ thích hợp với cõi trần, vì khi trong người chứa nhiều chất liệu thanh nhẹ của vùng cao hơn, thì tự nhiên có sự thay đổi nâng cao hơn. Dĩ nhiên không có sự “đi lên”, không có sự đổi chỗ. Chỉ là “chủ thể tư tưởng” tiếp nhận được và có thể đáp ứng lại những làn rung động của chất liệu thanh nhẹ hơn; cũng như có thể tự phát xuất những lực làm rung động một số ít phần tử chất liệu ấy.

Học giả cần quen thuộc với sự kiện là: khi tiến lần trên nấc thang tiến hóa, không có nghĩa là con người dời từ nơi này đến nơi khác, mà chỉ là càng ngày càng có khả năng tiếp nhận được nhiều ấn tượng hơn. Mọi bầu thế giới đều ở chung quanh ta; cõi trung giới, thượng giới, bồ đề, niết bàn và những thế giới cao hơn nữa, cho đến sự sống của Đấng Thượng Đế tối cao đều ở quanh ta. Chúng ta không cần phải di chuyển để tìm đến những cảnh ấy, vì tất cả đều ở tại đây. Sự bất thụ cảm ngăn trở ta nhiều hơn khoảng đường hàng triệu dặm. Ta chỉ tri thức điều gì có ảnh hưởng đến ta, điều gì kích thích những rung động đáp ứng nơi ta. Khi ta trở nên thụ cảm hơn, khi ta thu hút vào những chất liệu thanh nhẹ hơn cho sự cấu tạo các thể của ta, thì ta sẽ tiếp xúc được với những thế giới thanh nhẹ hơn. Vậy, khi nói đến sự đi lên từ mức độ này đến mức độ kia, có nghĩa là ta đang dệt y phục bằng những chất liệu thanh nhẹ hơn, nhờ đó ta có thể tiếp xúc với những thế giới thanh cao hơn. Điều này còn có nghĩa sâu xa hơn, đó là những quyền năng thiêng liêng trong chân ngã ẩn dưới những lớp y phục này đang được thức tỉnh, đi từ trạng thái tiềm tàng đến trạng thái tích cực, và phát ra ngoài những làn rung động thanh nhẹ của sự sống.

Bây giờ chủ thể tư tưởng đã đến giai đoạn hoàn toàn tri thức những gì chung quanh mình, và có khả năng nhớ được những gì xảy ra trong quá khứ. Ngài biết được những thể mà Ngài đang mang, và xuyên qua những thể đó, Ngài có thể tiếp xúc với những cõi thấp, cũng như có thể ảnh hưởng và hướng dẫn những thể thấp trong một số lớn sự việc. Ngài thấy những nỗi khó khăn, những trở ngại sắp xảy đến, đó là kết quả của lối sống buông thả trong những kiếp trước. Ngài truyền năng lực vào những thể thấp, để những thể này chuẩn bị tốt hơn cho công việc của chúng. Đôi khi, sự hướng dẫn của Ngài được tâm thức thấp (the lower consciousness) cảm biết như là một sức mạnh bắt buộc, thúc đẩy phải hành động theo đường lối của nó mà không biết lý do, vì tầm nhìn lờ mờ của thể vía và thể trí. Nhiều người đã làm nên việc vĩ đại, họ còn để lại bằng cớ rằng ý thức của họ đã được nâng cao bởi một sức mạnh bên trong, nó chi phối hành động của họ theo “con người thật.” “Chủ thể tư tưởng” hay con người bên trong, hoạt động một cách hữu ý xuyên qua các thể, mà những thể này đã làm tròn vai trò một cách thích hợp như là những dẫn thể của linh hồn. Khi tiến hóa khá hơn, tất cả chúng ta đều sẽ đạt được những quyền năng cao cả đó.

Cảnh thứ ba của cõi thượng thiên[52] là nơi ngụ của “chân ngã “ các Chân Sư, và các đệ tử đã được điểm đạo của các Ngài. Những thể của các Ngài được cấu tạo phần lớn bằng chất liệu nơi cảnh ấy. Từ thế giới của những năng lực trí huệ tinh diệu nhất này, các vị Chân Sư thực hiện công việc lợi ích cho nhân loại, bằng cách cho tuôn tràn xuống các cõi dưới những lý tưởng cao siêu, tư tưởng khích lệ, cảm hứng sùng kính và tất cả những nguồn lực tinh thần và trí tuệ để giúp đỡ con người. Nguồn lực này phát ra như những tia đi khắp mọi hướng, và những linh hồn nào cao quí và trong sạch, đều có thể tiếp nhận trọn vẹn ảnh hưởng trợ giúp này. Một khám phá mới vụt loé lên trong trí của nhà thông thái đang nhẫn nại sưu tầm những bí ẩn của thiên nhiên; một âm điệu mới rót vào tai của nhà đại nhạc sĩ; một giải đáp cho vấn đề được nghiền ngẫm từ lâu, làm soi sáng tâm trí của nhà triết học cao thượng; một nghị lực mới của tình thương và hy vọng đến sưởi ấm lòng nhà từ thiện nhiệt tình. Trong lúc đó, con người tưởng mình bị bỏ rơi, không ai giúp đỡ, mặc dù họ thường phát biểu: “tư tưởng đó nảy sinh trong trí tôi,” “ý niệm này đến với tôi,” “khám phá ấy loé ra trong trí tôi.” Điều đó chứng tỏ một cách vô thức rằng, có những chân lý mà chân ngã của họ đã biết, trong khi mắt phàm của họ không thấy được.

Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu “chủ thể tư tưởng” và những lớp áo của nó, khi nó xuống cõi trần. Thể của tâm thức khi xuống 4 cảnh thấp của cõi trí, bị điều kiện hóa và được cấu tạo do sự kết hợp của chất liệu ở những cảnh thấp này, ở đây nó được gọi là thể trí. Khi con người sắp sửa đầu thai, thì “chủ thể tư tưởng” (tức cá tính hay linh hồn con người) phát ra những làn rung động chứa năng lực. Những làn rung động này thu hút chung quanh các chất liệu lấy từ bốn cảnh thấp của cõi trí, tạo thành lớp áo cho nó. Theo luật tự nhiên, chất liệu được thu hút đó có cùng bản chất với làn rung động đã được phát ra. Yếu tố thanh nhẹ đáp ứng với làn rung động mau lẹ, và hình thể được tạo thành do sự tác động của những làn rung động này. Tương tự như thế, yếu tố thô kệch hơn đáp ứng với làn rung động chậm chạp. Như một sợi dây kim khí sẽ phát ra một nốt nhạc đồng cảm với một số rung động phát ra từ một sợi dây kim khí khác có trọng lượng và độ căng tương tự với nó; nhưng nó sẽ giữ yên lặng giữa một hợp xướng với những nốt phát ra từ những sợi dây kim khí dị biệt. Như thế, những chất liệu dị biệt được phối hợp nhau để đáp ứng với những loại rung động khác nhau. Tùy theo những rung động được phát ra từ chủ thể tư tưởng, sẽ tạo ra loại bản chất của thể trí. Thể trí ấy được gọi là “thể hạ trí’’ (the lower Manas), vì nó là “chủ thể tư tưởng” ẩn trong lớp y phục làm bằng chất liệu ở những cảnh thấp của cõi trí, theo điều kiện thích hợp cho những hoạt động tương lai. Những năng lượng quá thanh nhẹ của “chủ thể tư tưởng” không thể lay chuyển hay đáp ứng với chất liệu ở cảnh thấp này, và không thể biểu lộ xuyên qua nó. Vì vậy, sự biểu lộ của chủ thể tư tưởng bị thể hạ trí gò bó, giới hạn. Đó là nhà tù thứ nhất giam hãm nó trong kiếp sống trần gian. Bao giờ năng lực của chủ thể tư tưởng vẫn còn tác động trong đó, thì hiếm khi nó có thể thông đồng được với cõi giới cao hơn của chính nó. Vì nó chú ý vào năng lực hướng ngoại, và đời sống của nó hướng vào thể hạ trí, thể này thường được gọi là: y phục, lớp vỏ, hay dẫn thể, hoặc bất cứ sự diễn tả nào cho thấy chủ thể tư tưởng không phải là thể trí, mà chính nó tạo ra thể trí để có thể biểu lộ càng nhiều càng tốt trong vùng thấp của cõi thượng giới.

Chúng ta nên nhớ, năng lực của “chủ thể tư tưởng” tiếp tục sự phát triển ra bên ngoài, sẽ thu hút chung quanh chất liệu thô kệch hơn của cõi trung giới để tạo thành thể vía của nó. Trong suốt thời gian tái sinh, năng lực biểu lộ qua những chất liệu thấp của thể trí, sẵn sàng thay đổi thành những rung động chậm chạp hơn, để đáp ứng với chất liệu thể vía. Như thế, thể vía và thể trí luôn luôn rung động đồng nhịp với nhau, và chúng nó đan kết nhau rất khít khao. Những chất liệu cấu tạo nên thể trí càng thô kệch chừng nào, thì nó càng kết hợp chặt chẽ với thể vía nhiều chừng ấy, vì vậy đôi khi chúng nó được xem như là một thể duy nhất.[53] Khi nghiên cứu đến sự luân hồi thì chúng ta sẽ thấy, sự kiện này có một tầm quan trọng chính yếu.

Tùy theo giai đoạn tiến hóa, mà con người có loại thể trí thích hợp khi đi đầu thai lại. Cũng giống như đối với thể vía, chúng ta khảo sát thể trí của ba hạng người khác nhau: (a) Hạng người chưa tiến hóa, (b) Hạng người tiến hóa trung bình, và (c) Hạng người tiến hóa cao về tinh thần.

a)                Ở người chưa tiến hóa thì thể trí không rõ ràng, vì nó được cấu tạo bởi một số lượng nhỏ chất liệu của cõi trí, không được sắp xếp thứ tự. Chất liệu ấy, phần lớn được rút ra từ những cảnh thấp nhất của cõi trí. Nó gần như hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ những thể thấp; sự thay đổi mạnh của thể vía khi tiếp xúc với những đối tượng vật chất xuyên qua giác quan, tạo ra bên trong hạ trí những làn rung động yếu ớt. Ngoại trừ khi nó bị kích thích bởi những rung động của thể vía, nó gần như bất động; và dù bị kích thích, nó cũng đáp ứng lại một cách chậm chạp. Không có một hoạt động rõ rệt nào tự nó phát ra, cần phải có những va chạm từ bên ngoài khơi dậy sự đáp ứng của nó. Sự va chạm càng mạnh chừng nào, thì càng giúp cho con người tiến triển chừng ấy, vì mỗi rung động đáp ứng thúc đẩy sự phát triển của hạ trí trong thời kỳ phôi thai. Những cuộc vui chơi ồn ào, cơn giận dữ, lòng bồng bột, sự đau đớn, nỗi sợ hãi, tất cả những đam mê này đều tạo ra những cơn trốt mãnh liệt trong thể vía, đánh thức làn rung động yếu ớt trong thể trí. Những làn rung động này dần dần khêu gợi hoạt động tâm thức thể trí, thêm vào với những ấn tượng thu thập từ bên ngoài. Ta thấy, thể hạ trí xen lẫn khít khao với thể vía, chúng cùng tác động như là một thể duy nhất. Những khả năng của hạ trí vừa mới phát triển ấy, làm mạnh thêm tính chất và sức mạnh những đam mê của thể vía khi chúng tác động thuần thú tính. Những ấn tượng tạo ra, tác động nơi thể trí, còn lưu lại lâu dài hơn là ấn tượng trên thể vía, và chúng được lặp lại một cách hữu thức bởi thể trí. Nơi đây, khởi sự có ký ức và quan năng tưởng tượng, quan năng này dần dần phát triển theo khuôn khổ hình ảnh bên ngoài, tác động lên chất liệu thể trí và tạo thành những vật thể giống như chúng. Những hình ảnh đó sinh ra do sự va chạm của giác quan, và thu hút chung quanh chất liệu thô kệch nhất của thể trí. Những năng lực mới phát triển của tâm thức mô phỏng và tích chứa những hình ảnh này, để bắt đầu kích thích hành động phát xuất từ bên trong. Do từ ý muốn kinh nghiệm trở lại, xuyên qua những cơ quan bên ngoài, những làn rung động đã đưa đến thích thú, và tránh những làn rung động đưa đến đau khổ.

Bấy giờ, thể hạ trí bắt đầu kích thích thể vía, làm sống lại những dục vọng, mà trong kiếp thú chúng còn ngủ yên nếu không bị đánh thức bởi những kích thích vật chất. Do đó, ta thấy người kém tiến hóa không ngừng tìm kiếm sự thỏa mãn giác quan, mà thú vật không thể có, như sự thèm khát, tàn nhẫn, mưu mô mà loài thấp hơn không biết được. Những năng lực tư tưởng vừa mới phôi thai, đeo theo phục vụ cho cảm giác, làm cho người ấy trở thành con thú dã man và nguy hiểm hơn bất cứ một thú vật nào khác. Những năng lực mạnh và thanh nhuyễn hơn — bản chất của “vật chất-tinh thần” thể trí — cung cấp năng lượng và đem lại sự xảo quyệt cho bản tính đam mê, mà ta không thấy ở giới cầm thú. Nhưng những điều thái quá này sẽ đưa đến sự tự sửa chữa, do hậu quả đau khổ mà chúng gây ra. Kinh nghiệm đau buồn tác động đến tâm thức và tạo ra hình ảnh mới, trong đó có sự tác động của trí tưởng tượng. Những điều này thúc đẩy tâm thức chống lại rung động từ bên ngoài xuyên qua thể vía, và khởi sự tác động ý chí để kềm chế đà đam mê, không để cho nó tự do. Những làn rung động đối kháng này một khi tác động, sẽ thu hút vào thể trí những tập hợp chất liệu thanh nhẹ hơn của cõi trí, và đồng thời loại ra khỏi thể trí những tập hợp thô kệch có khuynh hướng đáp ứng những đam mê của thể vía.

Thể trí phát triển là nhờ ở sự đối kháng giữa những làn rung động sinh ra bởi các hình ảnh đam mê và những làn rung động trái nghịch, do sự hồi tưởng lại những kinh nghiệm khổ đau trong quá khứ. Thể trí bắt đầu được sắp xếp rõ rệt, và càng ngày càng chủ động hơn đối với những sinh hoạt bên ngoài. Trong khi đời sống thế gian dùng để góp nhặt kinh nghiệm, thì đời sống trung gian dùng để đồng hóa chúng, như ta sẽ thấy chi tiết ở chương sau. Vì thế, mỗi lần trở lại trần gian, “chủ thể tư tưởng” đều có những khả năng tích trữ nhiều hơn, để tạo ra thể trí của mình. Do đó, người chưa tiến hóa là người có trí khôn làm nô lệ cho đam mê. Khi tiến hóa khá hơn một chút, trí khôn của họ như một bãi chiến trường, nơi đây, đam mê và năng lực của trí khôn chiến đấu nhau, với sức mạnh tương đương, nên có lúc thắng lúc bại. Nhưng con người sẽ tiến hóa hơn và dần dần sẽ chủ trị được bản tính thấp hèn của mình.

b)                Ở người tiến hóa trung bình, thể trí nẩy nở lớn hơn, và sắp xếp ngăn nắp hơn. Nó được cấu tạo bởi một tỷ lệ quân bình giữa những chất liệu rút ra từ cảnh thứ hai, thứ ba và thứ tư của cõi trí. Đến đây, thích hợp cho việc nghiên cứu định luật tổng quát về sự cấu tạo và sự biến đổi của thể trí. Ta đã biết, cũng chính nguyên lý ấy tác động nơi những vùng thấp hơn, như cõi trung giới và cõi trần. Sự thực hành làm tăng trưởng, sự bất động làm thoái hóa và cuối cùng đưa đến hủy hoại. Mỗi sự rung động đều làm biến đổi những cơ cấu của thể trí, loại ra ngoài chất liệu không đồng nhịp, và thay vào bằng chất liệu thích hợp rút ra từ kho tàng bất tận của môi trường chung quanh. Những loạt rung động càng được lặp đi lặp lại, thì phần thể trí chịu ảnh hưởng càng được nẩy nở. Nơi đây, ta cũng ghi nhận là sự tác động một cách quá mức của những năng lực tư tưởng sẽ làm tổn hại thể trí. Sự sử dụng những năng lực đó một cách sái quấy, sẽ làm cho thể trí phát triển không điều hòa, mất thăng bằng. Thành phần nào của thể trí được lực tác động nhiều thì phát triển nhiều; còn những thành phần khác, cũng quan trọng không kém, lại không được phát triển. Thể trí lý tưởng là thể trí phát triển toàn diện, điều hòa và cân đối. Muốn được vậy, chúng ta cần phải tự quán xét trong an tịnh, và định hướng rõ ràng từ phương tiện cho đến kết quả.

Thông hiểu được qui luật này, chúng ta có thể giải thích được vài điều kinh nghiệm thông thường và có hy vọng tiến hóa nhanh hơn. Khi mới bắt đầu học một điều mới mẻ, hoặc cuộc sống khởi sự thay đổi theo chiều hướng đạo đức thanh cao, thì phải đối diện với nhiều sự khó khăn; đôi khi cố gắng cũng không vượt qua được những chướng ngại trên đường đưa đến thành công. Lúc bắt đầu làm một việc gì thuộc về trí thức, thì toàn thể cơ chế tự động của thể trí chống đối lại việc làm đó, vì những chất liệu của thể trí đã quen rung động theo một chiều hướng đặc biệt nào, nên không thích ứng với những rung động mới. Trong giai đoạn đầu, có sự tiêu phí năng lực mà không tạo ra được rung động tương xứng ở thể trí. Nhưng sự phí sức này là điều cần thiết mở đầu, vì nó có khuynh hướng làm lung lay để loại bỏ những chất liệu cũ không thích hợp trong thể trí, và thu hút vào những loại chất liệu đồng nhịp. Trong suốt tiến trình này, con người không nhận thấy có tiến bộ nào cả; mà chỉ thấy hao tốn công sức, và sự chống đối tiêu cực mà họ gặp phải. Nhưng nếu bền chí trong một thời gian, những chất liệu mới được thu hút vào khởi sự tác động, con người sẽ thành công hơn trong những cố gắng của họ. Sau hết, khi tất cả chất liệu cũ đã được loại ra, và chất liệu mới hoạt động, thì con người đạt được thành công không cần phải cố gắng quá sức, và lý tưởng của họ được thực hiện. Giai đoạn đầu tiên là thời gian trọng yếu nhất, nhưng nếu con người tin tưởng vào định luật, tin chắc nó tác động đúng đắn cũng như tất cả các định luật khác trong thiên nhiên; thêm vào sự bền chí, cố gắng, thì chắc chắn phải thành công. Hiểu biết được sự kiện này có thể làm cho con người được khích lệ; nếu không, họ sẽ có khuynh hướng ngã lòng, nản chí.

Như thế, ta hiểu tại sao người tiến hóa bậc trung có thể tiếp tục cố gắng, họ hoan hỉ mà nhận thấy rằng: khi càng kiên trì chống lại những đòi hỏi của bản tính thấp hèn, thì chúng càng mất ảnh hưởng đối với họ, vì họ đã loại ra khỏi thể trí các chất liệu có thể đáp ứng với làn rung động thấp kém. Rồi thể trí dần dần chỉ còn chứa đựng những tập chất thanh nhẹ của bốn cảnh thấp cõi trí, lúc ấy nó trở nên chói sáng và có hình dáng tuyệt đẹp; đó là thể trí của người tiến hóa về tinh thần.

c)                 Ở người tiến hóa về tinh thần, tất cả những tập chất thô kệch của thể trí đều bị loại ra, do đó mà đối tượng của cảm giác không còn tìm được chất liệu có thể đáp ứng một cách tương xứng với chúng, cũng giống như trường hợp của thể vía. Thể trí của người tiến hóa về tinh thần chỉ chứa đựng những hợp chất thanh nhẹ của bốn cảnh cõi hạ trí, và chất liệu của cảnh thứ ba và thứ tư chiếm đa số đối với chất liệu của cảnh thứ nhì và thứ nhất. Do đó mà nó dễ đáp ứng với mọi hành vi trí thức cao thượng, mọi cảm giác tế nhị của mỹ thuật và mọi sự rung cảm thanh khiết của tình cảm cao nhã. Trong một thể trí như thế, “chủ thể tư tưởng” có thể biểu lộ một cách hoàn toàn hơn nơi vùng thấp của cõi thượng giới, cũng như nơi cõi trung giới và cõi trần. Chất liệu của thể trí đó có khả năng đáp ứng với tầm rung động rộng lớn; những rung động từ cõi cao xuống uốn nắn nó thành một quan năng cao quí hơn và thanh nhẹ hơn. Thể trí như thế sẵn sàng tạo lại những rung động từ “chủ thể tư tưởng” đưa xuống, và có khả năng biểu lộ ở những cảnh thấp của cõi trí. Dần dần nó sẽ trở thành một dụng cụ hoàn hảo cho những hoạt động nơi vùng thấp của cõi trí.

Hiểu rõ về bản chất của thể trí, có thể sửa đổi rất nhiều nền giáo dục hiện đại, và thể trí sẽ trở nên hữu dụng cho “chủ thể tư tưởng’’ hơn. Những đặc tính tổng quát của thể trí có được là do những kiếp trước ở cõi trần của “chủ thể tư tưởng”, ta sẽ hiểu rõ hơn khi nghiên cứu về luân hồi và nhân quả. Thể trí được tạo ra tại cõi thượng giới và chất liệu làm ra nó tùy thuộc ở đức tính của “chủ thể tư tưởng” đã tích trữ do kinh nghiệm quá khứ. Tất cả những gì mà giáo dục có thể làm được là kích thích từ bên ngoài, để vừa đánh thức những khả năng hữu ích đã có sẵn của chủ thể tư tưởng, vừa làm suy yếu và xóa bỏ những tật xấu. Mục đích của nền giáo dục chân chính là khêu gợi sự nẩy nở những khả năng bẩm sinh, chớ không phải là dồn những dữ kiện vào trí óc. Ký ức không cần được trau giồi như là một quan năng riêng biệt, vì nó tùy thuộc vào sự chú ý, nghĩa là sự tập trung kiên định của cái trí về một vấn đề đang nghiên cứu, và sự hấp dẫn tự nhiên của cái trí đối với vấn đề. Nếu là vấn đề hấp dẫn đối với thể trí, tức là nó có khả năng về vấn đề đó, do sự chú tâm, trí nhớ không mất đi. Cho nên, giáo dục là cần phải trau giồi thói quen định trí cho vững vàng, cũng như sự chú ý bền dai; và cũng phải hướng đến những khả năng thiên phú của học sinh.

Bây giờ, chúng ta hãy sang qua cảnh “vô sắc tướng” của cõi thượng giới, là quê hương thật sự của con người, trong suốt chu kỳ luân hồi. Chính đây là nơi con người được sinh ra, một linh hồn bé nhỏ, một chân ngã sơ sinh, một cá thể còn phôi thai, khi con người khởi sự tiến hóa theo hàng nhân loại thuần túy.[54]

Chủ thể tư tưởng tức chân ngã, có hình bầu dục, do đó mà bà H. P. Blavatsky gọi thể thượng trí này là “Noãn Hào Quang” (Auric Egg), nó vẫn tồn tại xuyên qua tất cả những kiếp luân hồi. Nó được cấu tạo bằng chất liệu của ba cảnh cao của cõi thượng giới, nên nó rất tinh vi, tuyệt diệu. Khi vừa mới thành hình, nó như một tấm màn the hết sức thanh nhẹ. Dần dần theo đà phát triển, nó trở thành một vật sáng chói, đầy vẻ vinh quang và mỹ lệ tuyệt vời; một thể chói sáng, đúng như tên gọi.[55]

Vậy ‘‘chủ thể tư tưởng’’ này là ai? Như đã nói, Ngài là “cái Ngã thiêng liêng” (divine Self), bị hạn chế và bị cá tính hóa trong một hình thể thanh nhẹ; cấu tạo bằng chất liệu rút ra từ vùng “vô sắc tướng “ của cõi trí. Chất liệu này bao chung quanh tia sáng từ cái Ngã thiêng liêng, một tia sáng sống động của ánh sáng duy nhất và của sự sống vũ trụ. Chất liệu này cô lập tia sáng với Nguồn Cội của nó, do sự liên hệ của nó đối với thế giới bên ngoài. Tia sáng ấy được bao bọc trong một cái vỏ mỏng manh của chính nó, và trở thành “một cá nhân”. Sự sống trong “cá nhân” ấy là sự sống của đức Thượng Đế. Nhưng mọi năng lực của Sự Sống đó đều ở trong trạng thái tiềm ẩn và bị che lấp. Nơi đây, mọi sự vật đều có khả năng tiềm tàng của sự nẩy mầm, cũng như cây nằm trong mầm bé nhỏ của hạt vậy. Hạt này được gieo trong mảnh đất của kiếp sống con người, để cho sức tiềm tàng của nó được hoán khởi dưới ánh nắng tươi vui và mưa buồn đổ lệ, để được nuôi dưỡng bởi nước, từ mảnh đất của sự sống, mà ta gọi là kinh nghiệm, cho đến khi nào mầm kia nẩy nở thành một cái cây hùng vĩ; đó là hình ảnh của Đấng đã tạo ra nó.

Sự tiến hóa của con người là sự tiến hóa của “chủ thể tư tưởng’’. Con người khoác lấy các thể tại cõi hạ thiên, trung giới và hồng trần, để dùng chúng xuyên qua kiếp sống tại cõi trần, trung giới và hạ thiên, rồi lần lượt vứt bỏ chúng qua nhiều giai đoạn của chu kỳ sống, khi mà con người đi từ cõi này đến cõi kia. Nhưng ở mỗi cõi, con người tích trữ những kết quả mình đã gặt được nhờ sự sử dụng các thể. Thoạt tiên, con người ít có tri thức, giống như xác thân của một em bé. Con người hình như chìm đắm trong giấc ngủ từ kiếp này sang kiếp khác, cho đến khi những kinh nghiệm từ bên ngoài lay động, đánh thức một vài năng lực tiềm tàng để chúng hoạt động. Rồi dần dần con người dự phần càng ngày càng nhiều trong việc hướng dẫn cuộc sống của mình. Đến khi trưởng thành, con người nắm lấy trong tay đời sống của mình; và ngày càng kiểm soát nhiều hơn vận mạng tương lai của mình.

Thể trường tồn, với tâm thức thiêng liêng tạo ra “chủ thể tư tưởng”, phát triển hết sức chậm chạp. Nó được gọi với cái tên kỹ thuật là “nhân thể “ (the causal body), vì nó gom góp kết quả của tất cả những kinh nghiệm, và những kinh nghiệm này tác động như những nguyên nhân làm khuôn mẫu cho kiếp tương lai. Chỉ có nhân thể là một thể trường tồn trong các thể của con người qua những kiếp luân hồi. Thể trí, thể vía và thể xác đều được đổi mới mỗi lần con người đầu thai. Mỗi thể, tới phiên nó phải tan rã, đều trao cho thể cao kế đó mùa gặt hái của nó. Và tất cả mùa gặt hái đều được tích lũy trong thể trường tồn. Khi chủ thể tư tưởng đầu thai trở lại, nó phóng năng lực dự trữ từ các mùa gặt hái đến mỗi cõi kế tiếp. Rồi chủ thể tư tưởng thu hút chung quanh mình chất liệu để tạo ra những thể mới, thích hợp với những kinh nghiệm quá khứ. Sự phát triển của chính nhân thể, rất chậm chạp như đã nói, vì thể này chỉ rung động đáp ứng lại những xung lực có thể được biểu lộ nơi chất liệu rất tinh vi cấu tạo ra nó, chỉ những làn rung động đó mới dệt thành nhân thể. Như thế, đam mê đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu tiến hóa của nhân loại, không thể tác động trực tiếp đến sự phát triển của nhân thể. Chủ thể tư tưởng chỉ đồng hóa được những kinh nghiệm nào mà sự rung động của nhân thể có thể lặp lại được. Những kinh nghiệm đó phải thuộc về vùng lý trí, và có đặc tính trí tuệ hay đạo đức cao thượng. Bằng không, chất liệu thanh nhẹ của nhân thể không thể nào đáp ứng bằng sự rung động tương xứng với nó được. Với một chút suy nghĩ, ai cũng thấy rằng đời sống mỗi ngày của mình có rất ít chất liệu hữu dụng cho sự phát triển cái thể cao quí đó, vì vậy sự tiến hóa rất chậm chạp. Khi chủ thể tư tưởng có được nhiều năng lực hơn để đưa ra trong mỗi kiếp kế tiếp, thì sự tiến hóa sẽ được thúc đẩy mau lẹ hơn.

Cứ mãi làm ác là đi ngược với “nhân thể”, điều này không những làm chậm sự phát triển của nó mà còn gây nhiều tai hại. Hình như sự cố ý duy trì điều ác khiến cho con người không còn khả năng đáp ứng với những làn rung động tốt. Do đó mà sự tiến triển bị trì trệ trong một thời gian rất dài, sau khi đã từ bỏ việc ác. Nhân thể chỉ có thể bị làm tổn hại trực tiếp do điều ác thuộc về trí thức cao và tinh vi, hay là một “tội ác tâm linh” (spiritual evil) được đề cập trong những thánh kinh trên thế giới. Cũng may, trường hợp đó rất hiếm, hiếm như là một “điều thiện tâm linh” (spiritual good). Hai trường hợp đó chỉ xảy ra ở những người tiến hóa cao, dù họ thuộc chánh đạo hay tà đạo.[56]

Chỗ cư trú của “chủ thể tư tưởng” hay “con người trường tồn” là cảnh thứ năm cõi thượng giới, tức cảnh thấp nhất của vùng vô sắc tướng cõi thượng giới. Đa số nhân loại đều ở tại đó; họ vừa mới thức tỉnh, và còn trong thời kỳ ấu trĩ của đời sống. Ý thức của chủ thể tư tưởng phát triển một cách chậm chạp, theo năng lực tác động ở các cõi dưới để góp nhặt kinh nghiệm, những kinh nghiệm quí báu sau mùa gặt hái của một kiếp người. Con người vĩnh cửu, hay “chân ngã cá tính” này là con người thực sự, đang thủ diễn vai trò trong mỗi thể mà nó khoác lên mình. Chính sự hiện diện của chân ngã cá tính đó làm ta có cảm tưởng rằng cơ thể và tâm trí là “ta”. Cái “ta” tự nó là tâm thức, do ảo ảnh, nó đồng hóa với thể thấp mà nó đã cung cấp năng lực sống. Đối với người ham thích cảm giác, cái “ta” là xác thân và bản chất dục vọng, họ dùng hai thể đó để hưởng vui thú, và nghĩ rằng hai thể đó là chính họ, vì họ sống trong chúng. Đối với người thông thái, cái “ta” là trí khôn, vì họ tìm thấy niềm vui trong khi làm việc bằng trí não, và cuộc sống của họ tập trung vào trí khôn đó. Một số ít người có thể vượt lên những cao độ trừu tượng của triết lý tinh thần, và cảm thấy được “con người vĩnh cửu” mới thật là “Ta”, với ký ức đi từ những kiếp quá khứ, và hy vọng trải dài đến những kiếp tương lai. Các nhà sinh lý học nói rằng, nếu ngón tay ta bị đứt, ta cảm thấy đau, nhưng cái đau thực sự chẳng phải nơi máu chảy, mà là ở não bộ, rồi trí tưởng tượng đưa sự đau đớn đó đến chỗ bị đứt, vậy cảm giác đau ở ngón tay bị đứt là một ảo ảnh. Vì vậy, có người vẫn cảm thấy đau ở cánh tay đã bị cắt mất từ lâu, hay nói đúng hơn, là nơi khoảng không gian mà cánh tay đã chiếm lúc chưa bị cắt. Tương tự như vậy, cái “ta” duy nhất là “con người bên trong” cảm thấy đau khổ hay vui sướng ở tại các lớp vỏ (các thể thấp) bao bọc nó tại điểm giao tiếp với ngoại giới; và cảm thấy lớp vỏ là mình. Họ không biết cảm giác đó chỉ là một ảo tưởng, mà họ là kẻ tác động, là chủ thể kinh nghiệm ẩn trong mỗi lớp vỏ.

Với sự hiểu biết này, bây giờ chúng ta hãy xem xét mối liên quan giữa thượng trí và hạ trí và sự tác động của chúng lên não bộ. Cái trí, Manas, hay “chủ thể tư tưởng” là một, và là cái “Ngã” trong nhân thể, nó là nguồn năng lượng vô biên và cũng là nguồn của vô số loại rung động được phóng ra bên ngoài. Những làn rung động nào thanh cao nhất và tinh vi nhất đều biểu lộ trong chất liệu của nhân thể, nó là thể duy nhất, khá tinh vi, khả dĩ đáp ứng được với loại rung động đó mà thôi. Chúng ta gọi những làn rung động thanh cao nhất và tinh vi nhất này là “thuần lý” (Pure Reason). Tư tưởng của nó thì trừu tượng, phương pháp để đạt sự hiểu biết là “trực giác”. Chính bản tính của nó là sự hiểu biết, nó nhận thức chân lý một cách trực tiếp và phù hợp với chính nó.

Những làn rung động ít tinh vi hơn phát ra ngoài, thu hút chất liệu ở vùng thấp của cõi trí, để tạo thành thể hạ trí (lower manas, lower mind). Những năng lực thô kệch hơn biểu lộ trong chất liệu đậm đặc làm ra hạ trí, những gì mà ta gọi là trí khôn, nó bao gồm: lý trí, sự xét đoán, trí tưởng tượng, sự so sánh, cùng những khả năng trí thức khác. Tư tưởng của nó là cụ thể, và phương pháp của nó là luận lý (logic); nó tranh luận, suy lý, phán đoán. Những làn rung động này, tác động qua chất liệu trung giới, lên não bộ của thể phách, từ đó tác động lên não bộ thô kệch của xác thân. Nơi đây, chúng tạo ra làn rung động nặng nề, chậm chạp, là sự lặp lại những rung động của chính chúng nó. Những làn rung động này nặng nề, chậm chạp vì năng lực mất đi nhiều linh động, khi nó phải làm chuyển động loại vật chất nặng nề hơn. Sự đáp ứng yếu ớt này xảy ra mỗi khi làn rung động phát sinh từ nơi thanh nhẹ đến nơi nặng trược hơn; điều này không lạ gì đối với những người đã học môn vật lý. Quí vị đánh chuông trong không khí, tiếng chuông vang lên rõ rệt. Khi ta đánh chuông trong khinh khí (hydrogen) và để khinh khí nổi lên những làn sóng rung động, quí vị sẽ thấy tiếng chuông nhỏ đi nhiều. Cũng thế, những tần số rung động mau lẹ và tinh vi của tư tưởng trở nên yếu và chậm chạp khi được não bộ tiếp nhận. Đó là tất cả những gì mà đại đa số nhân loại biết về “tâm thức” của họ.

Cái trí tác dụng xuyên qua “tâm thức” hồng trần là một điều rất quan trọng, vì lẽ tâm thức đó là trung gian duy nhất mà chủ thể tư tưởng có thể gặt hái được những kinh nghiệm để tiến hóa. Khi tâm thức hồng trần chạy theo và bị chế ngự bởi đam mê phóng đãng, thì không có gì cung cấp cho linh hồn, nên nó không thể tiến bộ được. Khi tâm thức ấy hoàn toàn chuyên chú vào những sinh hoạt trí thức liên hệ đến thế giới bên ngoài, thì nó chỉ khêu gợi được những năng lực thấp của chủ thể tư tưởng. Chỉ khi nào chủ thể tư tưởng có thể ảnh hưởng và làm cho tâm thức hồng trần cảm biết được mục đích thực của đời sống, thì nó mới bắt đầu lo tròn trách nhiệm có giá trị nhất của nó, là gặt hái những gì có thể kích động và nuôi dưỡng các năng lực cao nhất của con người. Trên đường phát triển, chủ thể tư tưởng càng ngày càng ý thức những quyền năng tự nhiên của chính nó, và cũng ý thức những tác dụng của năng lực ở các cõi dưới, nơi những thể thấp bao bọc nó. Kế đó, nó bắt đầu cố gắng ảnh hưởng đến những thể này, và dùng ký ức của quá khứ để hướng dẫn ý chí. Những cảm tưởng, mà ta gọi là “lương tâm” (conscience) là những điều liên quan đến đạo đức, và ‘‘ánh sáng của trực giác” là những điều soi sáng trí khôn. Khi hai thứ cảm tưởng này xảy ra khá liên tục trong cuộc sống thường ngày, thì đó là “thiên tài” (genius).

Sự tiến hóa cao của chủ thể tư tưởng biểu thị bằng việc gia tăng chủ trị các thể thấp, bằng sự tăng cường sức nhạy cảm của các thể thấp đối với ảnh hưởng của nó, và đóng góp càng ngày càng nhiều cho sự tiến hóa của linh hồn. Những người quyết tâm hợp tác trong sự tiến hóa này, thì phải cố gắng liên tục luyện tập hạ trí và bản chất đạo đức của mình theo phương pháp đúng đắn. Thói quen suy nghĩ an tịnh, kiên trì và theo thứ tự nối tiếp nhau hướng về những vấn đề không thuộc thế tục trong khi học hỏi hoặc tham thiền, làm mở mang thể trí, để nó trở thành một dụng cụ tốt. Cố gắng trau giồi tư tưởng trừu tượng cũng hữu ích, nó sẽ nâng cao hạ trí đến thượng trí, và thu hút vào thể trí những chất liệu thanh nhẹ nhất của cõi hạ thiên. Nhờ những phương pháp tương tự như vậy, tất cả mọi người đều có thể cộng tác một cách đắc lực trong sự tiến hóa của chính họ, mỗi bước tiến lên làm cho những bước kế tiếp được mau lẹ hơn.

Không một cố gắng nào, dù nhỏ nhặt, bị mất đi. Mỗi cố gắng đều đưa đến kết quả, và mỗi kết quả này đều được thu thập và đưa vào trong, tích trữ ở “kho tàng châu báu” của nhân thể để dùng về sau. Mặc dù chậm chạp, và ngập ngừng, sự tiến hóa cứ tiếp tục đi tới mãi, và sự sống thiêng liêng luôn luôn nẩy nở trong mỗi linh hồn, dần dần chinh phục mọi sự vật.



 

CHƯƠNG V CÕI TRỜI CHÂN PHÚC

(Devachan)

Trong danh từ Thông Thiên Học, Devakhan là một tên để chỉ cõi trời, nếu dịch theo văn tự, thì nó có nghĩa là chói sáng, hay nơi của các vị Thiên Thần.[57] Nó là một phần được bảo vệ trong cõi thượng giới, nơi đó tất cả những đau khổ và hung ác đều được loại trừ bởi các Đấng sáng suốt tinh thần cao cả lãnh đạo sự tiến hóa của nhân loại. Chính nó là nơi trú ngụ của nhân loại đã bỏ thể xác và vía, sau khi đã trải qua một thời gian ở cảm dục giới (kamaloka). Đời sống ở cõi Devakhan gồm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất diễn tiến trong 4 cảnh thấp của cõi thượng giới. Nơi đây, ‘‘chủ thể tư tưởng” vẫn còn giữ thể trí và vẫn còn bị điều kiện hóa bởi thể trí. Thể này vẫn còn được dùng trong sự đồng hóa những chất liệu thu thập qua suốt cuộc sống trần gian mà nó vừa ra khỏi. Giai đoạn thứ nhì diễn tiến trên cõi vô sắc tướng, tức ba cảnh trên của cõi thượng giới. Nơi đây, chủ thể tư tưởng rời bỏ thể hạ trí, sống không vướng bận trong một phạm vi không giới hạn, với đầy đủ ý thức và tri thức đã đạt được.

Thời gian ngụ tại cõi chân phúc này lâu hay mau tùy thuộc vào số lượng chất liệu dành cho đời sống trên cõi đó, do linh hồn đem theo từ cuộc sống trần gian. Kết quả của mùa gặt dành để tiêu dùng và đồng hóa nơi cõi Devakhan là những tư tưởng cùng mọi xúc động thanh cao tạo ra trong lúc sống ở thế gian. Nó bao gồm tất cả những cố gắng trí thức, đạo lý và nguyện vọng cao đẹp, cùng mọi ký ức về công việc làm hữu ích, và những chương trình nhằm vào việc phụng sự nhân loại. Tóm lại, tất cả những gì có thể biến đổi thành khả năng trí thức và đạo đức đều trợ giúp sự tiến hóa của linh hồn. Dù những cố gắng đó có yếu kém và tạm thời đi nữa, cũng không một cố gắng nào bị mất. Nhưng, những đam mê ích kỷ thuộc về thú tính không thể vào cõi thiên đàng được, vì nơi đây không có chất liệu dành cho chúng để biểu lộ. Vả lại, tất cả những điều xấu ác của tiền kiếp, (dù chúng nhiều hơn điều thiện) cũng không ngăn con người gặt hái được kết quả tốt dù ít oi mà họ đã gieo, mùa gặt ít oi đưa đến đời sống rất ngắn ngủi trên cõi chân phúc này. Dù người trụy lạc nhất, nếu có một chút ít hoài bão về điều thiện, một chút ít xúc động về yêu thương, thì họ cũng có thể được một thời gian ngắn sống trên cõi Devachan; nơi đây, mầm của điều thiện nảy được chồi non, và tia lửa của điều thiện có thể biến thành ngọn lửa bé nhỏ.

Trong quá khứ, nếu con người biết dành nhiều thời giờ hướng về tinh thần, và tổ chức đời sống của mình nhằm mục đích vui hưởng hạnh phúc nơi cõi trời chân phúc, thì thời gian lưu trú nơi cõi này rất lâu, đôi khi kéo dài cả nhiều ngàn năm. Ở vào thời đại hiện tại, tâm trí con người chú trọng quá nhiều vào những chuyện thế gian, và quá ít về đời sống tinh thần, cho nên thời gian lưu trú trên cõi chân phúc trở nên ngắn hơn. Tương tự như thế, thời gian lưu trú trên các cảnh cao hay thấp của cõi thượng giới[58] tương xứng với số tư tưởng hoạt động trong thượng trí và trong hạ trí. Những tư tưởng thuộc về bản ngã, về kiếp sống vừa qua với tham vọng, lợi lộc, tình thương, hy vọng và sợ sệt; mọi tư tưởng ấy nảy nở trên cõi thiên đàng sắc tướng. Trong khi những tư tưởng thuộc về thượng trí, của trí khôn trừu tượng, không cá tính, sẽ sinh hoạt và đồng hóa trong vùng thiên đàng vô sắc tướng. Đa số người đời vào vùng cao cả ấy chỉ một thời gian ngắn rồi trở ra liền, một số người khác ở phần lớn thời gian, và chỉ có một thiểu số người sống trọn thời gian thuộc về cuộc sống chân phúc của họ.

Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta hãy tìm hiểu vài ý niệm căn bản chi phối đời sống ở cõi Devachan; vì đời sống này rất khác với đời sống ở cõi trần, cho nên bất cứ sự miêu tả nào về nó cũng có thể bị hiểu sai lạc, do chính nó rất khác thường. Người đời còn đang giữ xác phàm, nhận thức rất ít về sự sống của thể trí họ; cho nên trước sự miêu tả kiếp sống ấy, riêng biệt với thể xác, họ mất đi mọi ý niệm về thực tế và có cảm giác như đang vào thế giới của mộng tưởng.

Ý niệm thứ nhất cần phải hiểu là: đời sống ở cõi trí rất mãnh liệt, linh động và rất gần với sự thật hơn là đời sống của những giác quan. Tất cả những gì mà chúng ta thấy, sờ, nghe, nếm, và ngửi ở cõi trần đều cách xa sự thực gấp hai lần hơn những điều mà chúng ta tiếp xúc ở cõi thiên đàng. Chúng ta không thấy mọi sự vật như thực, mà chỉ thấy bên ngoài mọi sự vật qua hai tấm màn ảo ảnh phủ lên tất cả những gì chúng ta thấy.

Cảm giác về thực tại của chúng ta ở cõi trần hoàn toàn sai lầm, ta không biết đồ vật và con người một cách như chúng là. Những gì ta biết được về chúng là những ấn tượng mà chúng gây nên trên giác quan của ta; và xuyên qua kết luận thường sai lạc, ta suy đoán theo sự kết tập của những ấn tượng này. Bạn hãy quan sát ý niệm của nhiều loại người: một người cha, một người bạn thân thiết, người con gái yêu thương, người đối thủ trong việc làm ăn, kẻ thù nguy hiểm nhất và của một người tình cờ mới quen biết; bạn sẽ thấy ý niệm của họ về một người nào đó rất khác biệt nhau. Mỗi người chỉ đưa ra cảm tưởng của chính họ, và nó khác xa với sự thật về người mà họ xét đoán. Con người thật sự của cá nhân ấy chỉ được thấy qua đôi mắt có thể xuyên thủng được mọi bức màn bao bọc người ấy. Ta biết mỗi người bạn của ta xuyên qua những ấn tượng mà họ để lại nơi ta, và cảm giác này bị hạn chế rất nhiều bởi khả năng nhận thức của ta. Một đứa trẻ kia có thể có một người cha là chính trị gia nổi tiếng, với những hoài bão cao cả, với mục đích bá chủ; nhưng vị lãnh đạo vận mạng của một nước này, đối với nó, chỉ là một người bạn chơi đùa vui vẻ, một người kể chuyện đời xưa hấp dẫn nhất. Chúng ta sống trong ảo mộng, nhưng có cảm nghĩ là thực tại; điều này làm cho ta hài lòng. Trên cõi thiên đàng, ta vẫn còn bị ảo ảnh bao phủ, nhưng gần thực tại hơn hai bậc như vừa nói, và nơi đây cảm giác về thực tại làm cho ta hài lòng.

Ảo ảnh trần gian vẫn còn tại cõi trời thấp, nhưng đã được giảm bớt, và sự tiếp xúc lẫn nhau ở cõi này thực tại và trực tiếp hơn. Vậy không bao giờ nên quên rằng: những cõi trời là thành phần của một hệ thống tiến hóa vĩ đại; và bao giờ con người chưa tìm được chân ngã thật sự của mình, thì sự không thực tại của chính mình đưa mình đến những ảo ảnh. Tuy nhiên sự kiện làm cho ta có cảm giác về thực tại trong lúc sống ở trần gian, và không thực tại khi nghiên cứu cõi thiên đàng, là khi chúng ta nhìn kiếp sống trần gian từ bên trong, với tất cả những áp lực của ảo ảnh; trong lúc đó, chúng ta suy tưởng về cảnh thiên đàng từ bên ngoài, tạm thời thoát khỏi màn ảo ảnh của nó.

Trên cõi thiên đàng, tiến trình bị đổi ngược; những cư dân ở đây có cảm giác sự sống của họ là thật, và khi nhìn về cuộc sống trần gian họ thấy đích thực là những ảo ảnh và lầm lẫn; tóm lại, họ gần gũi với thực tại hơn là những kẻ dưới trần.

Nơi đây, chủ thể tư tưởng chỉ mặc một lớp áo là thể trí, và có thể sử dụng một cách tự do những quyền năng của nó. Chủ thể tư tưởng biểu lộ bản chất sáng tạo của những quyền năng này, theo một đường lối và mức độ mà người trần khó hiểu nổi. Nơi cõi trần, họa sĩ, điêu khắc gia, hay nhạc sĩ mơ mộng về những vẻ đẹp tuyệt vời; họ sáng tạo những ảnh tượng ấy bằng năng lực tư tưởng. Nhưng khi họ tìm cách diễn tả mộng tưởng của họ bằng những nguyên liệu thô kệch của cõi trần thì tác phẩm của họ bị khiếm khuyết rất nhiều, so với những gì họ sáng tạo trong trí. Đá cẩm thạch rất cứng, khó mà tạc thành hình hoàn hảo được; những chất màu quá mờ đục, khó tô vẽ lại những màu sắc sáng ngời. Ở cõi thượng giới, tất cả những gì mà nhà nghệ sĩ nghĩ đến sẽ lập tức biểu lộ hình dáng, vì chất liệu mảnh mai và tinh vi của cõi thượng giới chính là chất liệu của thể trí, là môi trường mà nơi đó thể trí sinh hoạt, không vướng bận bởi những đam mê; và mỗi rung động của tư tưởng sẽ tạo ra hình tượng đúng với nó. Do đó, mỗi người, trong một cảm giác rất thực, tạo cho mình một cảnh trời riêng biệt; và mỗi người tùy theo năng lực và sự phong phú của thể trí có thể làm tăng gia vô hạn sự mỹ lệ chung quanh mình.

Khi năng lực của linh hồn càng phát triển, thì cõi trời của nó càng trở nên tế nhị và tuyệt diệu hơn. Ở cõi thượng giới, chính linh hồn tự tạo ra mọi giới hạn; khi nó mở mang thâm sâu hơn, thì cõi trời của nó cũng thâm sâu và rộng rãi hơn. Đối với linh hồn còn yếu đuối, ích kỷ, nhỏ mọn và chưa phát triển đầy đủ, thì đời sống trên cõi trời bị giảm bớt do tính tình nhỏ mọn của họ. Tuy nhiên, đời sống này luôn luôn tốt nhất mà linh hồn có thể biểu lộ, dù cái tốt nhất đó vẫn còn ít oi. Khi con người tiến hóa hơn, đời sống thiên đàng của họ trở nên đầy đủ hơn, phong phú hơn và thật hơn. Những linh hồn càng tiến hóa cao, càng liên lạc với nhau chặt chẽ hơn, và thâm sâu hơn. Nếu đời sống dưới thế gian về phương diện tri thức và đạo đức quá ít, yếu ớt, vô vị và nông cạn, thì kết quả ở thiên đàng là một đời sống tương đối ngắn, yếu ớt, vô vị và nông cạn, vì chỉ những yếu tố trí thức và đạo đức mới tồn tại nơi đó mà thôi. Chúng ta không thể “có” hơn “cái có của chúng ta” và mùa gặt tùy theo mùa gieo. Đừng lầm lẫn, không ai có thể đánh lừa được thần thánh! Vì điều gì con người đã gieo thì con người sẽ gặt, không hơn, không kém. Sự lười biếng và tham lam làm cho chúng ta mong muốn gặt những gì mà chúng ta không gieo! Nhưng trong vũ trụ được cai quản bởi định luật, sự công bình và nhân ái trả công cho mỗi người đúng với việc làm của họ.

Những ấn tượng hay những hình ảnh tinh thần mà chúng ta nghĩ về bạn bè, sẽ ảnh hưởng đối với chúng ta trên cõi thiên đàng. Chung quanh mỗi linh hồn, tụ tập rất đông những người mà họ thương mến ở cõi trần, vì mỗi hình ảnh của người thương yêu trong tận đáy lòng, trở thành một người bạn đồng hành sống động của linh hồn ở cõi trời, và họ không thay đổi. Họ đối với ta cũng như lúc họ còn sống ở cõi trần không hơn, không kém. Dáng vẻ bên ngoài của người bạn, đã ảnh hưởng lên những giác quan của chúng ta. Với năng lực sáng tạo của thể trí, chúng ta tạo lại hình dáng ấy bằng chất liệu cõi thượng giới. Đó là hình ảnh tinh thần thực sự có tại đây, mặc dù chúng ta biết là không có. Một hình ảnh khách quan trong chất liệu linh động của thể trí, trú ngụ trong bầu không khí trí thức của chính chúng ta. Hơn nữa, tất cả những gì lu mờ, không rõ ràng ở cõi trần sẽ trở nên sống động và linh hoạt không thể tả.

Đối với sự liên lạc thực sự giữa hai linh hồn, chúng ta thấy nó chặt chẽ hơn, gần gũi hơn, thân mật hơn tất cả những gì mà chúng ta biết nơi cõi trần, vì trên cõi thượng giới, không có sự ngăn cách giữa các linh hồn. Tùy theo mức độ thực tại về sự sống của linh hồn, sẽ phản ảnh với mức độ thực tại trong vấn đề liên lạc với linh hồn khác. Hình ảnh tư tưởng của những người bạn là do chúng ta tạo ra; hình dáng đó là hình dáng mà chúng ta biết và thương yêu; linh hồn đó biểu lộ qua hình thể đến linh hồn chúng ta tới mức độ có thể rung động đồng cảm với nhau. Nhưng không có sự liên lạc với những người mà chúng ta biết tại cõi trần, nếu sự liên hệ với nhau xuyên qua thể xác hoặc thể vía, mà không có sự đồng điệu về cuộc sống bên trong. Do đó, trên cõi trời chân phúc, không có kẻ thù nghịch nào có thể xen vào được, vì chỉ có sự đồng cảm giữa tâm và trí, mới thu hút con người lại với nhau. Sự phân cách tâm và trí có nghĩa là phân cách ở cõi thượng giới, vì nơi đây không có điều gì thấp kém hơn tâm và trí có thể biểu lộ được. Đối với những người vượt xa hơn chúng ta trên đường tiến hóa, ta liên lạc với họ nhiều thế nào cũng được, miễn là ta đáp ứng được họ. Phạm vi hiện hữu của họ trải ra xa tầm với của chúng ta; nhưng chúng ta có thể tiếp xúc được là do nơi chúng ta. Hơn nữa, những bậc cao cả này có thể và thực sự đang giúp sự sống của chúng ta nơi cõi trí, trong những điều kiện mà chúng ta sắp nghiên cứu sau đây. Họ giúp ta trưởng thành để tiến lên tới họ, hầu có thể tiếp nhận càng ngày càng nhiều hơn. Như thế, trên cõi trí không có sự chia cách bởi thời gian và không gian, mà chỉ có sự chia cách do sự không đồng cảm, do sự thiếu hòa hợp giữa tâm và trí.

Trên cõi trời chân phúc, chúng ta sống với tất cả những người mà chúng ta thương yêu, với những người mà chúng ta kính ngưỡng, và chúng ta liên lạc với họ được nhiều hay ít tùy theo giới hạn của khả năng chúng ta, hay của họ, trong trường hợp chúng ta tiến xa hơn họ. Chúng ta gặp lại họ dưới hình dáng mà ta thương yêu lúc ở cõi trần, với ký ức hoàn toàn của những liên hệ lúc còn sống ở thế gian, vì cõi trời là sự nở hoa của những nụ hoa chưa nở ở thế gian, và tình thương yếu ớt bị ngăn chận trong kiếp này sẽ nảy nở với sức mạnh và sự mỹ lệ của nó. Nơi đây có sự liên lạc trực tiếp; cho nên không có sự hiểu lầm do lời nói hay tư tưởng. Mỗi người thấy tư tưởng của bạn mình phát ra, đến mức độ mà họ có thể đáp ứng được.

Cõi trời chân phúc là thế giới phúc lạc và vui tươi không tả xiết! Nhưng nó còn nhiều hơn thế nữa, không phải chỉ là nơi ngơi nghỉ của kẻ hành hương mệt mỏi. Nơi cõi thượng giới có sự quán xét lại, đồng hóa và dần dần biến đổi những kinh nghiệm có giá trị tinh thần và đạo đức của chủ thể tư tưởng trong kiếp sống vừa qua, thành những khả năng tinh thần và đạo đức xác định của linh hồn. Những quyền năng này sẽ theo con người lúc tái sinh ở kiếp kế tiếp. Con người không đem vào được thể trí mình cái ký ức của dĩ vãng, vì thể trí kiếp trước khi đến ngày giờ sẽ tan rã. Ký ức quá khứ chỉ tồn tại với chủ thể tư tưởng, là người đã trải qua và đang chịu đựng nó. Nhưng những sự kiện của kinh nghiệm quá khứ này được biến đổi thành khả năng trí thức. Vì vậy, nếu một người đã nghiên cứu sâu xa một vấn đề nào, thì ảnh hưởng của sự nghiên cứu ấy sẽ tạo ra một khả năng đặc biệt, khiến cho họ thâm hiểu vấn đề đó một cách dễ dàng khi họ vừa gặp lại nó ở kiếp lai sinh. Con người sẽ được sinh ra với bẩm tính đặc biệt về môn học đó, và chắc chắn sẽ thành công dễ dàng. Tất cả những điều mà con người đã suy gẫm lúc ở cõi trần, sẽ được dùng tại cõi thiên đàng; mỗi một hoài bão được biến đổi thành năng lực; tất cả những cố gắng không thành công sẽ trở thành khả năng và sức mạnh. Những phấn đấu và thất bại là vật liệu dùng để rèn đúc các khí cụ chiến thắng; những nỗi phiền muộn và lầm lạc chói sáng như loại kim khí quí giá dùng để rèn luyện ý chí một cách khôn ngoan và đúng hướng. Những kế hoạch phước thiện đã thất bại vì thiếu sự khéo léo và năng lực, sẽ được tư tưởng tinh luyện, thực hiện lại từ chi tiết tại cõi thượng giới. Năng lực cần thiết, cũng như sự khéo léo được phát triển dưới hình thức khả năng trí tuệ, sẽ được dùng trong kiếp sau ở cõi trần. Nơi đây học giả thông minh và nhiệt tâm sẽ được tái sinh làm thiên tài, và tín đồ mộ đạo sẽ được đầu thai làm thánh nhân. Vậy, đời sống trên cõi trời chân phúc không phải chỉ là một giấc mộng suông hay một nơi cực lạc rảnh rang, không mục đích. Thượng giới là nơi phát triển trí và tâm, không bị ngăn trở bởi vật chất thô kệch cùng sự lo âu nhỏ nhặt. Đó là nơi rèn luyện những khí giới để chiến đấu cực nhọc ở cõi trần, và nơi đó, sự tiến hóa tương lai của chúng ta được bảo đảm.

Khi chủ thể tư tưởng ở trong thể trí, đã thu thập mọi kết quả của kiếp sống dưới trần, thì nó vứt bỏ thể ấy, để sống không vướng bận ở nơi trú ngụ của nó. Tất cả quan năng trí thức, đã biểu lộ trên những cảnh thấp của cõi thượng giới, được thu góp vào trong nhân thể, cùng với những mầm của sự sống đam mê đã được thu vào thể trí, khi thể này vứt bỏ cái vỏ thể vía để cho nó tiêu tan tại vùng cảm dục giới. Tất cả khả năng trí thức và đam mê này đều trở nên tiềm ẩn một thời gian trong nhân thể. Đó là những năng lực ẩn khuất vì thiếu chất liệu để biểu lộ.[59] Thể trí là lớp áo cuối cùng và tạm thời của con người sẽ tan rã, và những chất liệu đã tạo ra nó trở về với chất liệu chung của cõi thượng giới, nơi mà chúng đã được rút ra khi chủ thể tư tưởng đi đầu thai ở kiếp vừa qua. Như thế, chỉ có nhân thể (hay thượng trí) còn lại. Nó là kho báu, là nơi chứa đựng tất cả những gì đã được đồng hóa ở kiếp trước. Chủ thể tư tưởng đã xong chu kỳ hành hương dài, và đang ngơi nghỉ một lúc nơi quê hương.

Trạng thái tri thức của nó hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ tiến hóa mà nó đã đạt được. Trong những giai đoạn đầu của sự sống, mỗi khi chủ thể tư tưởng mất các thể thấp, nó chỉ ngủ yên và tự bao bọc trong vô thức. Chủ thể tư tưởng có nhịp sống thanh nhẹ, nó đồng hóa bất cứ kết quả nhỏ nhặt nào của đời sống thế gian mà nó có thể hấp thu vào bản chất của nó, nhưng không tri thức được những gì chung quanh. Đến giai đoạn tiến hóa khá hơn, sự sống của nó trở nên ngày càng quan trọng hơn, và chiếm một phần lớn đời sống của nó trên cõi thượng giới. Nó trở nên tự tri thức (self-conscious) và ý thức những gì chung quanh của cái không phải là mình (the not-self). Toàn cảnh của cuộc sống trước mắt hiện ra trong ký ức của nó, và kéo lui lại đến những giai đoạn quá khứ. Nó thấy những nguyên nhân gây nên kết quả cho cuộc sống vừa qua, và chiêm nghiệm những nguyên nhân mới mà nó vừa tạo ra trong kiếp sau cùng. Nó đồng hóa, và đưa vào cấu trúc của nhân thể, tất cả những gì cao thượng và tuyệt diệu nhất ở kiếp vừa qua. Nhờ sự linh hoạt bên trong, nó phát triển và phối hợp những chất liệu trong nhân thể. Nó trực tiếp liên lạc với những linh hồn cao cả đang còn sống ở cõi trần, hoặc đã rời bỏ cõi trần. Nó vui mừng trong sự liên lạc với họ, học những minh triết già giặn và những kinh nghiệm lâu dài của họ. Ở mỗi kiếp kế tiếp, giai đoạn sống trên cõi trời chân phúc trở nên phong phú và uyên thâm hơn. Với sự khai triển khả năng thu nhận, sự hiểu biết ồ ạt đổ vào nó một cách dồi dào hơn. Càng ngày nó càng hiểu biết những tác động của định luật cùng những điều kiện để phát triển và tiến hóa. Mỗi lần tái sinh trở lại cõi trần, nó có một sự hiểu biết thâm sâu hơn, một năng lực hữu hiệu hơn, một quan điểm về mục đích của đời sống minh bạch hơn, và một sự phân biệt rõ ràng con đường để bước tới.

Mỗi chủ thể tư tưởng, dù ít tiến hóa, trước khi trở về sống dưới các cõi thấp, trong một lúc thấy được rõ ràng quá khứ của mình và những nguyên nhân tác động từ đó, để tạo thành tương lai. Nó cũng thấy cái sơ đồ tổng quát của kiếp luân hồi kế tiếp trải ra trước mắt. Rồi đám mây của chất liệu thấp kéo lên chung quanh, che khuất sự thấy đó, và chu kỳ của sự đầu thai lại bắt đầu với sự tỉnh thức của những năng lực hạ trí; với những làn rung động thu hút các chất liệu từ những cảnh thấp của cõi trí để tạo ra thể hạ trí mới, mở màn cho giai đoạn đầu của một chu kỳ mới. Vấn đề này sẽ được giải thích chi tiết nơi chương nói về sự luân hồi.

Linh hồn sau cơn ngủ say[60] cởi bỏ mảnh chót của thể vía và sẵn sàng ra khỏi cảm dục giới (Kamaloka) đến cõi thượng giới, tức ra khỏi luyện giới (purgatory) đến cõi trời. Tâm thức tỉnh thức với một cảm giác vui mừng không thể tả, với một niềm phúc lạc vô biên và một sự bình an vượt khỏi tầm hiểu biết. Một âm điệu dịu dàng nhất thủ thỉ chung quanh nó, màu sắc thanh bai nhất chào đón nhãn quang vừa chớm nở của nó. Chính cái không khí chung quanh cũng tràn đầy âm nhạc và màu sắc, và toàn thể cái hiện hữu được tràn ngập bởi ánh sáng và sự hài hòa. Rồi xuyên qua lớp sương mù vàng chói, hiện lên những khuôn mặt thương yêu dịu dàng mà họ đã gặp khi còn ở cõi trần; họ được thanh khiết hóa trong vẻ đẹp với những xúc động cao thượng nhất, đáng yêu nhất, không có một chút dính dáng đến sự ưu phiền và đam mê của những cõi thấp. Ai có thể tả được niềm phúc lạc khi được thức tỉnh này? Ai có thể tả được sự vinh quang của ánh bình minh đầu tiên trong kiếp sống trên cõi thiên đàng?

Bây giờ, chúng ta sẽ học một cách chi tiết những trạng thái của bảy cảnh trong cõi thượng giới. Chúng ta nhớ rằng bốn cảnh thấp của cõi thượng giới là thế giới sắc tướng; nơi đây mọi tư tưởng hiện lên ngay bằng một hình ảnh. Thế giới sắc tướng này thuộc về cõi của phàm ngã; cho nên mỗi linh hồn được bao bọc bởi nhiều nguyên tố của kiếp đã qua; những nguyên tố này đã xâm nhập vào thể trí, và chúng có thể biểu lộ bằng chất liệu thuần khiết của thể trí.

Vùng thứ nhất, thấp nhất là cõi trời của những linh hồn ít tiến hóa nhất. Sự xúc động cao nhất ở cõi trần của họ là một tình thương chật hẹp, chân thật và đôi khi không ích kỷ đối với gia đình cùng bạn bè. Họ cũng có thể có vài sự ngưỡng mộ thân ái đối với một người nào trong sạch và cao đẹp hơn họ mà họ gặp ở trần gian; hoặc giả, họ có thể có vài ước vọng sống một đời sống cao đẹp hơn, hay có vài hoài bão thoáng qua hướng về sự tăng trưởng trí thức và đạo đức. Trong họ, không có nhiều vật liệu dùng để xây dựng những quan năng, và đời sống của họ tiến triển rất chậm chạp. Tình quyến luyến gia đình của họ sẽ được nuôi dưỡng và nới rộng hơn chút ít. Sau một thời gian, họ được tái sinh với một bản năng cảm xúc hơi khá hơn, và có nhiều khuynh hướng hơn trong việc nhận ra và đáp ứng với lý tưởng cao đẹp. Trong khi đó, họ vui hưởng tất cả hạnh phúc mà họ có thể nhận được. Cái tách của họ nhỏ hẹp, nhưng chứa đầy ân huệ; và họ vui hưởng tất cả những gì mà họ có thể nhận được tại cõi trời. Sự trong sạch, điều hòa của đời sống trên cõi chân phúc này tác động đến những quan năng chưa phát triển, để kích động chúng thức tỉnh và linh hoạt, và từ bên trong có sự rung chuyển, khởi sự cho mọi nẩy nở của những chồi non.

Cảnh kế tiếp ở cõi trời chân phúc gồm có những tín đồ của mọi tôn giáo, lúc còn sống ở cõi trần có tấm lòng ưu ái và tôn sùng hướng về “Trời”, dù “Trời” có danh hiệu nào hay hình dáng nào. Hình dáng ấy có thể nhỏ hẹp, nhưng tấm lòng họ vươn lên cao vì hoài bão. Nơi đây họ tìm được “tín vật” của lòng tôn sùng và thương yêu của họ. Ý niệm về Đấng Thiêng Liêng trong trí họ khi còn ở cõi trần, được biểu hiện nơi đây trong vẻ vinh quang chói sáng của chất liệu cõi thượng giới; Ngài tốt đẹp hơn, thiêng liêng hơn, dù sự mơ mộng của họ có cuồng nhiệt nhất cũng không hình dung nổi! Đấng Thiêng Liêng tự hạn chế mình để vừa tầm trí thức của kẻ tôn thờ. Bất cứ hình thể nào mà kẻ tôn thờ yêu thích Ngài, thì trong hình thể đó Ngài hiện thân và ban rải sự dịu dàng, để đáp ứng lại tình thương của kẻ sùng tín. Nơi cõi này, linh hồn đắm chìm trong trạng thái ngây ngất tôn giáo; họ tôn thờ Đấng Duy Nhất dưới hình dáng mà lòng thành kính của họ nghĩ ra ở cõi trần. Lúc tiếp xúc với Đấng mà họ tôn kính, họ như tan biến trong sự say sưa của lòng tôn sùng. Trên cõi thiên đàng, không một tín đồ nào bị bơ vơ, bởi vì Đấng Thiêng Liêng luôn luôn tự biểu hiện với hình dáng quen thuộc của mỗi người. Trong sự liên hệ chói sáng này, linh hồn phát triển trên phương diện trong sạch và trên phương diện tôn sùng. Đến khi họ sinh trở lại cõi trần, những đức tính này sẽ được tăng gia nhiều hơn. Không phải trọn cả đời sống trên cõi trời chân phúc của họ đều đắm chìm trong sự tôn sùng ngây ngất ấy, vì họ có nhiều cơ hội để hoàn chỉnh tất cả những đức tính khác mà họ có trong tâm trí.

Bước qua cảnh thứ ba của cõi trời chân phúc, ta gặp những người cao thượng và chân thành. Họ là những người hiến dâng làm tôi tớ cho nhân loại dưới trần; họ thực hành tình thương đối với Thượng Đế bằng cách làm việc cho con người. Họ gặt hái sự ban thưởng cho việc làm tốt lành của họ bằng cách mở mang nhiều quyền năng hữu dụng và tăng trưởng minh triết để phụng sự. Những chương trình từ thiện rộng lớn diễn tiến trong tư tưởng của người hành thiện; giống như một kiến trúc sư khi ở cõi trần nghiền ngẫm và vẽ kiểu mẫu cho cái nhà mà anh ta sẽ xây cất. Họ cũng giống như Thượng Đế sáng tạo, hoạch định chương trình cho vũ trụ sẽ biểu lộ trong vật chất thô kệch khi thời giờ đến. Những linh hồn như vậy là những nhà từ thiện lớn của trần gian ở những thế kỷ tương lai. Họ sẽ tái sinh với tình thương vị tha bẩm sinh, và quyền năng để thành đạt.

Trong những cảnh của cõi thượng giới, có lẽ chỉ cảnh thứ tư là có tính chất thay đổi nhiều nhất, vì nơi đây, ở cõi sắc tướng chót này, những quyền năng của các linh hồn tiến hóa cao tột có thể biểu lộ nhiều nhất. Chính nơi đây, người ta gặp những ông “vua” mỹ thuật và văn chương, họ thực hành quyền năng của họ trong việc diễn đạt hình dáng, màu sắc, cũng như sự hài hòa, và họ tự kiến tạo cho mình những khả năng cao để mang theo khi tái sinh. Những thiên tài âm nhạc vĩ đại, mà thế gian đã biết, tuôn chảy những dòng âm thanh điều hòa, cao cả và mỹ lệ không thể tả, như một Beethoven chẳng hạn! Họ giúp cho cõi trời nhịp nhàng hơn bằng những âm điệu tuyệt vời, được đem xuống từ các bầu vũ trụ cao hơn, để làm rung cảm xuyên qua những cõi trời. Nơi đây, chúng ta cũng gặp các giáo sư hội họa và điêu khắc đang học về những màu sắc mới, những đường cong lạ, chưa ai tưởng tới được. Còn có nhiều linh hồn khác, khi ở trần gian có hoài bão to lớn nhưng đã thất bại; có những linh hồn đang biến đổi lòng ước muốn của họ ra quyền năng, sự mơ mộng của họ ra khả năng; chúng sẽ là của họ trong một kiếp khác. Nơi đây cũng có những người tìm hiểu thiên nhiên, họ đang học những bí mật ẩn tàng của vạn vật. Trước mắt họ phơi bày hệ thống của thế giới, với tất cả cơ chế bí ẩn của nó, và vô số những tác động vô cùng tế nhị và phức tạp không thể tưởng tượng nổi. Những vị này sẽ trở lại cõi trần, sẽ là những nhà phát minh vĩ đại, với trực giác đúng đắn về đường lối huyền bí của thiên nhiên.

Trên cảnh trời thứ tư này, người ta còn gặp những sinh viên hiểu biết thâm sâu, những người học trò nhiệt tâm và sùng kính đang tìm những bậc Thầy của giống dân; họ là những người thiết tha tìm Sư Phụ. Họ kiên nhẫn thực hành giáo lý của một trong các vị đại Sư Phụ tinh thần của nhân loại. Nơi đây, lòng mong ước của họ được thực hiện, và họ được những Đấng mà họ tưởng đâu vô phương gặp gỡ đến dạy dỗ họ. Những linh hồn chân thành tiếp nhận minh triết thiêng liêng được ngồi dưới chân Sư Phụ, họ tăng trưởng và tiến hóa mau lẹ. Những người ấy sẽ tái sinh tại cõi trần như là những vị thầy, và là người mang ánh sáng; họ sẽ đến thế gian với một nhiệm vụ cao cả là giáo hóa nhân loại.

Có nhiều học giả dưới trần không biết được các hoạt động tinh vi này; họ tự chuẩn bị một chỗ nơi cảnh trời thứ tư, với lòng tôn kính thật sự, họ noi theo kinh sách của những bậc thầy, hay những thiên tài, hoặc lời chỉ dạy của vài linh hồn cao thượng. Họ đang tạo ra sợi dây liên lạc giữa họ và vị thầy mà họ thương mến và tôn kính. Trên cõi thượng giới, sự liên kết linh hồn này sẽ được thực hiện; nó đem những linh hồn đã có sự liên hệ lại với nhau. Mặt trời chiếu tia sáng vào trong nhiều phòng; và mỗi phòng chứa đựng nhiều tia sáng mà nó có thể chứa. Cũng giống như thế, trên cõi trời, những linh hồn cao cả chiếu sáng vào hàng trăm hình tư tưởng của chính các vị ấy, (những hình tư tưởng này do các đệ tử của họ tạo ra), làm cho những hình ảnh này chứa đầy sự sống với tinh ba của chính họ. Vì thế, mỗi sinh viên đều có thầy dạy mình, mà không làm trở ngại vị thầy giúp kẻ khác.

Thời gian con người ở trên những cõi trời “sắc tướng” này, tùy thuộc vào sự tiêu dùng những chất liệu góp nhặt được trong đời sống dưới thế gian. Nơi đây, tất cả những điều tốt đẹp mà con người đã gieo trồng trong kiếp sống vừa qua, đều được kết quả đầy đủ, đều được thực hiện từng chi tiết nhỏ nhặt. Rồi như ta đã thấy, khi tất cả đã dùng hết, khi giọt cuối cùng trong ly hạnh phúc đã uống cạn, khi mảnh bánh vụn cuối cùng của buổi tiệc ở thiên đàng đã ăn xong, khi tất cả kinh nghiệm đã được đổi thành quan năng, tất cả những gì có giá trị vĩnh cửu đều được thu hút vào bên trong nhân thể. Khi ấy chủ thể tư tưởng sẽ vứt bỏ thể trí đang tan rã, mà trước đó nhờ nó mới biểu lộ được ở những cảnh thấp của cõi trời. Sau khi đã vứt bỏ thể trí, chủ thể tư tưởng ở trong chính thế giới của nó, để đồng hóa với tất cả những chất liệu mà nó đã thu gặt được, thích hợp cho nó trên cõi cao này.

Một số đông linh hồn chỉ có thể vói đến mức thấp nhất của cõi “vô sắc tướng” trong chốc lát mà thôi. Họ ở nơi đó trong một thời gian ngắn ngủi, vì tất cả thể thấp của họ đều đã tan rã. Nhưng họ còn trong thời kỳ quá phôi thai, chưa có những quyền năng tích cực nào khả dĩ có thể hoạt động một cách độc lập trong cõi đó. Những linh hồn này trở thành vô tri thức, khi thể trí của họ vừa bị tan rã. Rồi trong một lúc, tâm thức của họ thức tỉnh trở lại; tia sáng ký ức soi sáng quá khứ, và họ thấy được những nguyên nhân rõ ràng của nó. Một tia sáng tiên tri soi sáng tương lai họ, và họ thấy những hậu quả sẽ được thực hiện ở kiếp tái sinh sắp đến. Đó là kinh nghiệm duy nhất thuộc về thế giới vô sắc tướng của đa số nhân loại. Vì bất cứ nơi đâu, số lượng gặt hái tùy theo số lượng gieo. Và khi người ta không gieo gì cả cho cõi tuyệt diệu này, thì làm sao có thể mong chờ được mùa gặt?

Tuy nhiên, có nhiều linh hồn khác trong lúc sống ở cõi trần đã gieo nhiều hạt giống tốt, bằng những tư tưởng thâm sâu và cuộc sống cao thượng; chúng đem đến mùa gặt nơi cảnh thứ năm của cõi thượng giới, là cảnh thấp nhất trong ba cõi vô sắc tướng. Hiện nay, họ đã được phần thưởng to tát, vì họ đã vượt lên khỏi sự ràng buộc của nhục thể và đam mê. Họ bắt đầu kinh nghiệm đời sống thực sự của con người, sự hiện tồn cao cả của chính linh hồn, đã cởi bỏ trang phục thuộc về các cõi dưới. Họ học chân lý bằng cách thấy trực tiếp, và họ thấy những nguyên nhân căn bản, mà tất cả mọi vật hữu hình là kết quả của những nguyên nhân đó. Họ học những tính duy nhất căn bản (the underlying unities), mà sự hiện diện bị che khuất ở các cõi dưới do những chi tiết không thích đáng và do sự dị biệt bên ngoài. Nhờ vậy họ đạt được sự hiểu biết uyên thâm về định luật; và tập nhận thức những tác động bất biến ẩn dưới những hiện tượng dường như rời rạc. Những xác quyết chắc chắn và vững bền được kiến tạo vào thể trường tồn bất hoại. Những xác quyết này sẽ tự biểu lộ trong kiếp sống dưới thế gian như là những điều xác thực thuộc về trực giác thâm sâu của linh hồn, chúng vượt khỏi mọi suy luận. Cũng nơi đây, con người nghiên cứu lại quá khứ của chính mình, và cẩn thận gỡ rối cái bó nguyên nhân phức tạp mà họ đã tạo ra. Họ đánh dấu những tác dụng tương ứng của chúng, những kết quả do chúng gây nên và thấy được phần nào hậu quả trong những kiếp sau.

Trên cảnh thứ sáu cõi thượng giới, chúng ta thấy những linh hồn tiến hóa hơn. Những người này, trong lúc ở cõi trần, ít bị lôi kéo bởi những điều tạm bợ. Họ đã hiến dâng tất cả năng lực cho đời sống trí thức và đạo đức cao cả. Đối với họ, quá khứ không bị che lấp; ký ức của họ vẫn giữ nguyên và liên tục. Họ hoạch định truyền vào kiếp sắp tới những năng lực để trung hòa đa số sức mạnh đối kháng, và củng cố sức mạnh hướng thiện. Cái ký ức rõ rệt này làm cho họ có quyết định đúng đắn và mạnh mẽ về những hành động phải làm và về những gì phải tránh. Họ có thể gây ấn tượng về những ý muốn này lên các thể thấp của họ trong kiếp sắp tới, khiến cho vài loại tật xấu trái nghịch còn tiềm ẩn không thể biểu lộ được. Nó cũng gây dựng vài đức tính cần thiết để khi đáp ứng được những nhu cầu của “tiếng nói bên trong”, thì tiếng nói ấy sẽ không bị phủ nhận. Những linh hồn này sẽ sinh ra trên cõi đời với những đức tính cao quí nhất, khiến cho đời sống không thể thấp hèn được; những đức tính cao quí ấy biểu lộ ngầm ở trẻ con, từ lúc còn thơ ấu, chúng sẽ là những bậc dẫn đường cho nhân loại. Người đã đạt đến cảnh trời thứ sáu, sẽ thấy phơi bày trước mắt những báu vật phi thường của Trí Huệ Thiêng Liêng trong tác động sáng tạo của nó. Họ có thể nghiên cứu tất cả các loại mô hình kiểu mẫu, đang tiến hóa dần dần trong những thế giới thấp. Họ có thể tẩm mình trong “cái bể minh triết thiêng liêng” không thể đo lường (the fathomless ocean of the Divine Wisdom), và giải đáp được những vấn đề liên hệ đến sự thực hiện mô hình kiểu mẫu, mà một phần điều tốt lành này bị những người thế tục, có nhãn quan giới hạn, xem như là xấu xa. Với tầm nhìn mở rộng hơn, những hiện tượng ấy lấy lại giá trị tương đối đúng đắn của chúng; và ít ra, con người cũng thấy nơi đây sự biện minh cho những đường lối thiêng liêng, hoạch định cho sự tiến hóa ở các cõi thấp. Những vấn đề, mà ở cõi trần họ đã suy tư, nhưng câu trả lời luôn luôn vượt khỏi trí khao khát hiểu biết của họ; nơi đây được giải đáp bằng trực giác. Trực giác này xuyên thủng mọi bức màn che phủ lên các hiện tượng, để trực tiếp thấy sự liên kết nối tiếp nhau của sợi dây xích liên tục. Cũng tại nơi đây, linh hồn trực tiếp thấy và được liên lạc hoàn toàn với những linh hồn cao cả đã tiến hóa trong hàng ngũ nhân loại. Họ đã giải thoát khỏi những chướng ngại thuộc về quá khứ trần gian, và vui hưởng cái “hiện tại vĩnh cửu” của một đời sống trường tồn và không gián đoạn. Những vị được người dưới trần gọi là “những kẻ tử vong vĩ đại” (the mighty dead), ở trên trời là những người sống vinh quang. Linh hồn vui thích với sự hiện diện của những vị ấy, họ trở nên ngày càng giống những vị ấy, khi gần kề sự rung động mạnh mẽ, điều hòa của các ngài.

Cảnh trời thứ bảy, cao hơn, thanh thoát và sáng chói hơn, là quê hương trí huệ của Chân Sư và của những vị được điểm đạo. Không có linh hồn nào vào đó được, nếu ở dưới thế gian chưa bước qua cửa hẹp của sự “điểm đạo”, là cánh cửa đưa thẳng đến “đời sống trường tồn”.[61] Nơi ấy là nguồn động lực trí thức và đạo lý mạnh mẽ nhất, tuôn rải xuống trần gian, rót xuống những dòng suối dinh dưỡng của năng lực cao cả nhất. Đời sống trí thức của thế gian bắt nguồn ở đó; từ đó thiên tài tiếp được những cảm hứng tinh khiết nhất. Những linh hồn đã lên được nơi đó, dù còn liên hệ hay không với các thể thấp, tâm thức tuyệt diệu của họ không bao giờ gián đoạn và sự liên lạc với người chung quanh họ cũng vẫn mãi mãi tiếp tục. Khi họ “nhập thế”, họ chuyển tri thức này cho các thể thấp của họ nhiều hay ít tùy theo sức chứa đựng của những thể ấy. Dần dần ý chí của họ được ý chí của Đấng Duy Nhất hướng dẫn nhiều hơn, và nó sẽ là một với ý chí của Thượng Đế, là ý chí luôn luôn tìm sự tốt lành cho thế gian. Nơi đây, đối với những ai chưa được giải thoát cuối cùng (nghĩa là chưa thành Sư Phụ), thì dấu vết cuối cùng của sự chia rẽ[62] còn đang được loại trừ. Khi những vết chia rẽ này biến mất, thì ý chí con người càng ngày càng điều hòa với ý chí dìu dắt của vũ trụ.

Đây là sự phác họa của bảy cảnh trời, con người sẽ trải qua khi đúng lúc, tiếp theo sau sự biến đổi mà ta gọi là “chết”. Vì sự chết chỉ là một sự thay đổi để cho linh hồn được giải thoát một phần nào, để linh hồn vứt bỏ một trong những sợi xích nặng nề nhất của nó. Chết chỉ là sống một đời rộng rãi hơn, một sự trở về quê hương thực sự của mình, sau khi bị lưu đày xuống trần thế trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Chết là ra khỏi ngục tù thế gian, để qua bầu không khí tự do trên trời. Sự chết là một ảo ảnh lớn nhất của người đời. Không có gì gọi là chết cả, chỉ có sự thay đổi trạng thái của sự sống. Sự sống liên tục, không gián đoạn, không thể bị cắt đứt, nó không sinh, xa xưa và trường cửu. Nó không mất đi theo sự chết của những thể bao bọc nó. Những ai tin tưởng rằng linh hồn mất đi, khi xác thân tan ra tro bụi, cũng giống như tin trời sập, khi người ta chỉ làm bể cái chậu sành![63]

——————————-

Cõi trần, trung giới và thượng giới là ba thế giới mà cuộc hành hương của linh hồn phải đi xuyên qua đó, trở đi trở lại nhiều lần. Chính trong ba cõi này, bánh xe của kiếp nhân sinh vận chuyển; và những linh hồn ràng buộc với bánh xe đó, lần lượt được chở đi đến từng cõi, xuyên qua trọn cả cuộc tiến hóa của chúng. Hiện nay, chúng ta theo dõi trọn vẹn một trong nhiều kiếp sống của linh hồn. Những kiếp sống này, được kết hợp lại, tạo thành toàn thể sự sống của nó. Chúng ta cũng có thể phân biệt rõ ràng sự dị biệt giữa phàm ngã và chân ngã.

Khi thời gian trú ngụ trên cõi thiên đàng “vô sắc tướng” đã hoàn tất, thì linh hồn khởi sự một kiếp sống mới, bằng cách túa rải năng lượng tác động ở cõi sắc tướng của thượng giới, những năng lượng này là kết quả của những kiếp trước. Khi được phát ra, những năng lượng này thu góp quanh nó những vật liệu từ bốn cảnh thấp của cõi trí, thích nghi cho sự biểu lộ của chúng. Từ đó, thể trí mới của kiếp tái sinh sắp tới được tạo ra. Sự rung động của những năng lượng thể trí này đánh thức những năng lượng thuộc về bản chất dục vọng, làm cho chúng bắt đầu rung động. Khi chúng thức tỉnh và chuyển động, chúng thu hút những chất liệu thích hợp cho sự biểu lộ ở cõi trung giới. Từ đó, thể vía mới cho kiếp tái sinh sắp đến được tạo ra. Như thế, chủ thể tư tưởng tự mặc vào các chiếc áo thể trí và thể vía của mình. Chúng biểu lộ đúng theo những khả năng đã có ở kiếp trước. Chủ thể tư tưởng bị một sức mạnh (sẽ được giải thích ở sau) thu hút đến một gia đình nào sẽ cho nó một xác thân thích ứng, và kết nối với xác thân ấy xuyên qua thể vía của nó. Trong thời gian trước khi sinh, thể trí có khuynh hướng liên hệ với các thể thấp. Sự liên lạc ấy càng ngày càng trở nên chặt chẽ hơn, trong mấy năm đầu của thời thơ ấu, cho tới lúc đứa bé được 7 tuổi, thì các thể đó mới liên kết (tùy bậc tiến hóa) một cách mật thiết với chủ thể tư tưởng. Bây giờ, chủ thể tư tưởng, nếu khá tiến hóa, sẽ khởi sự kiểm soát từ từ những thể thấp của nó, và điều gì mà ta gọi là tâm thức, tức là tiếng nói giáo huấn của nó. Trong bất cứ trường hợp nào, nó thu thập kinh nghiệm qua sự trung gian của những thể này; và trong suốt kiếp sống dưới trần, nó cất giữ những kinh nghiệm góp nhặt được trong thể liên quan đến cõi mà nó đã học được kinh nghiệm. Khi kiếp sống ở cõi trần đã chấm dứt, thì xác thân bị bỏ lại, và khả năng liên lạc với thế gian của nó cũng mất theo xác thân; khi ấy năng lực của chủ thể tư tưởng bị hạn chế ở cõi trung giới và thượng giới. Đến lượt thể vía bị tan rã, thì sinh hoạt của chủ thể tư tưởng bị hạn chế trên cõi thượng giới. Các quan năng thể vía được góp nhặt và đem vào bên trong nó như là những năng lực tiềm tàng. Khi công việc đồng hóa của nó đã xong, thể trí tan rã; đến lượt năng lượng của nó tiềm tàng trong chủ thể tư tưởng, và trọn đời sống của nó thu rút vào cõi thiên đàng “vô sắc tướng”, là quê hương thật sự của nó. Nơi đây, tất cả những kinh nghiệm của kiếp sống tại ba cõi thấp được biến đổi thành quan năng và quyền năng cho tương lai sử dụng. Chủ thể tư tưởng khởi bước trên đường hành hương của một kiếp sống mới, với những năng lực và kiến thức phong phú hơn.

Phàm nhân gồm có những thể tạm thời; xuyên qua đó, chủ thể tư tưởng tác động trong những cõi hồng trần, trung giới và những cảnh thấp của cõi thượng giới, cùng tất cả những hoạt động liên hệ. Những hoạt động này liên kết với nhau nhờ ký ức, mà ký ức này có được là do những ấn tượng trên ba thể thấp. Do sự tự đồng hóa của chủ thể tư tưởng với các thể, mà cái “tôi” cá nhân được tạo ra. Trong những giai đoạn thấp của cuộc tiến hóa, cái “tôi” ngự trị trong thể xác và thể tình cảm, là những nơi biểu lộ các hoạt động nhiều nhất. Về sau, cái “tôi” chuyển sang thể trí, và thể này có ưu thế hơn. Phàm nhân với những tình cảm, dục vọng và đam mê tạm bợ, tạo thành một thực thể gần như độc lập, mặc dù tất cả năng lượng được rút ra từ chủ thể tư tưởng bên trong. Vì đặc tính của nó thuộc về các cõi thấp, nên nhiều khi nó trực tiếp đối nghịch với những lợi ích vĩnh cửu của “người trú ngụ trong thể xác” (tức là linh hồn). Những xung đột xảy ra, đôi khi chiến thắng nghiêng về bên sự vui thú tạm bợ, đôi khi nghiêng về phía lợi lộc vĩnh cửu. Đời sống của phàm nhân khởi sự khi chủ thể tư tưởng tạo ra thể trí mới của mình, và kéo dài đến lúc thể trí đó tan rã trên cõi thiên đàng sắc tướng.

Chân Nhân, chính là chủ thể tư tưởng, là một cái cây bất diệt, nẩy ra những lá, tức những phàm nhân, chúng sống xuyên qua mùa xuân, mùa hạ và mùa thu của kiếp người. Tất cả những gì mà lá cây thu nhặt và đồng hóa đều làm cho mủ cây chảy trong mạch quản được phong phú. Khi mùa thu đến, chất mủ dinh dưỡng này rút vào thân cây, những chiếc lá khô rơi rụng và tan rã. Chỉ có chủ thể tư tưởng sống vĩnh cửu, đối với nó “thời giờ không bao giờ điểm” (nghĩa là không bao giờ chết). Nó là người thanh niên vĩnh cửu, như kinh Bhagavad Gita diễn tả, khoác vào rồi bỏ đi những thể, như người ta cởi quần áo cũ ra để thay vào cái mới. Mỗi một phàm nhân là một vai trò mới của “diễn viên” vĩnh cửu, diễn viên ra sân khấu cuộc đời, trở đi trở lại nhiều lần. Trong vở kịch đời, mỗi vai trò mà diễn viên đóng là “con” của các vai trò trước, và là “cha” của các vai trò kế tiếp; do đó, vở kịch đời là một lịch sử liên tục của chính diễn viên, thủ diễn những vai trò nối tiếp nhau.

Trong những giai đoạn đầu của cuộc tiến hóa, sự sống của chủ thể tư tưởng bị hạn chế trong ba cõi mà chúng ta vừa học. Đến một ngày kia, sự tiến hóa sẽ diễn tiến trên các cõi cao hơn, và sự luân hồi sẽ chỉ là những chuyện trong quá khứ. Nhưng khi nào bánh xe sinh tử vẫn còn quay, và con người vẫn còn những ham muốn thuộc về ba cõi thấp, thì đời sống họ vẫn phải bị đưa đến ba cõi này.

Đối với những vùng cao cả hơn mà chúng ta sắp đề cập đến, dù rất ít điều có thể nói, và ít hữu dụng, cũng như không dễ dàng hiểu được đối với chúng ta. Tuy nhiên, nói một ít về vấn đề này cũng cần thiết cho bản lược khảo đại cương về Minh Triết Cổ truyền.


 


CHƯƠNG VI CÕI BỒ ĐỀ VÀ CÕI NIẾT BÀN

(The Buddhic and Nirvanic Planes)

Chúng ta nhận thấy con người là một thực thể ý thức thông tuệ, một chủ thể tư tưởng, khoác vào người những thể để hoạt động ở các cõi tương ứng, như cõi hạ thiên, cõi trung giới và cõi trần. Bây giờ, chúng ta nghiên cứu phần tâm linh, đó là cái ngã sâu kín bên trong, là cội nguồn từ đó con người phát triển.

Tinh thần thiêng liêng là một tia sáng của Thượng Đế phát xuất từ chính sự hiện tồn của Ngài. Thượng Đế có bản chất tam phân, mà sự tiến hóa của con người là sự biểu lộ tuần tự qua ba phương diện đó. Sự phát triển những đặc tính này đi từ tiềm ẩn sang linh hoạt, con người lặp lại dưới hình thức bé nhỏ phỏng theo sự tiến hóa của vũ trụ. Do đó, con người được gọi là tiểu thiên địa, còn vũ trụ hiện hữu là đại thiên địa. Ngoài ra con người còn được ví như tấm gương của vũ trụ, là hình ảnh hay phản ảnh của Thượng Đế.[64] Một định đề thời xưa có nói: ‘‘Dưới đất cũng như trên trời.’’ Chính thiên tính được bao bọc trong con người, bảo đảm cho chiến thắng cuối cùng của con người, và động lực của quyền năng ẩn tàng trợ giúp hữu hiệu sự tiến hóa. Sức mạnh hướng thượng tuy chậm chạp, nhưng vượt qua tất cả mọi chướng ngại cũng như khó khăn. Đây là sự hiện hữu mà Matthew Arnold đã cảm nhận được một cách lờ mờ khi ông viết: ‘‘Quyền năng không phải của riêng chúng ta, mà để thực thi chân lý.’’ Nhưng ông đã sai lầm khi nghĩ rằng ‘‘không phải của chúng ta’’; vì đó là cái Ngã sâu kín nhất của tất cả mọi người. Thật sự đây là cái Ngã phản ảnh của Atma chớ không phải cái ngã chia rẽ, cá nhân của chúng ta.

Cái Ngã đó, là Đấng Duy Nhất, được gọi là Chân Thần (Monad),[65] chúng ta cũng cần nhớ, chính Chân Thần là hơi thở ra sống động của Thượng Đế, chứa đựng mầm giống của Ngài, và tất cả quyền năng cũng như đặc tính thiêng liêng trong trạng thái tiềm ẩn. Những quyền năng này được biểu hiện do tác động gây nên bởi sự tiếp xúc của Chân Thần với những vật thể hữu hình của vũ trụ. Sự va chạm này gây nên tác nhân kích thích bên trong làm rung động năng lượng của sự sống, rồi dần dần chuyển từ tiềm ẩn sang linh hoạt. Chân Thần nhân loại (Atma – Buddhi – Manas), được gọi như vậy để phân biệt sự biểu hiện ba phương diện hay ba trạng thái của Thượng Đế, là hình ảnh toàn vẹn của Ngài. Trong chu kỳ của nhân loại, ba phương diện này được phát triển lần lượt từ trạng thái này đến trạng thái khác. Những trạng thái đó là ba đặc tính lớn lao của sự sống thiêng liêng hiển lộ trong vũ trụ: hiện hữu, phúc lạc và trí năng; ba điều này biểu hiện tất cả sự hoàn thiện cần thiết trong giới hạn của sự biểu lộ. Trong con người, ba trạng thái đó phát triển theo thứ tự đảo ngược: trí năng, phúc lạc, và hiện hữu. Từ ngữ ‘‘hiện hữu’’ có nghĩa sự biểu lộ quyền năng thiêng liêng. Chúng ta đã học qua sự tiến hóa của nhân loại, chúng ta đã biết về sự phát triển trạng thái thứ ba của thần minh ẩn khuất. Đây là sự phát triển tâm thức dưới dạng trí khôn, hay trí tuệ (Manas), được gọi là chủ thể tư tưởng, linh hồn con người, đó là hình ảnh của thể trí đại đồng, hay Ngôi Ba. Cuộc hành hương dài đằng đẵng của linh hồn trong ba cõi thấp, được hiến dâng cho sự tiến hóa của trạng thái thứ ba, phần trí tuệ của bản chất thiêng liêng nơi con người. Khi tiến trình này đang tiếp diễn, chúng ta có thể xét qua những năng lượng thiêng liêng khác ấp ủ trong con người, đó là nguồn sống ẩn tàng của con người, năng lượng này sẽ triển khai linh động sức mạnh trong con người, chúng tự âm thầm diễn tiến. Sự chuẩn bị để biểu hiện những lực này còn chậm chạp, chúng trỗi dậy từ sức sống tiềm ẩn, từ năng lượng luôn tăng trưởng do sự rung động của trí năng. Trạng thái phúc lạc khởi phát ra bên ngoài những làn rung động yếu ớt đầu tiên, và bắt đầu biểu lộ cùng với những nhịp yếu ớt của sự sống. Trạng thái phúc lạc này được gọi là ‘‘bồ đề’’ theo thuật ngữ Thông Thiên Học, lấy ra từ Phạn ngữ, chỉ sự minh triết, và nó thuộc về cõi thứ tư,[66] hay là cõi bồ đề trong vũ trụ chúng ta. Cõi này vẫn còn nhị nguyên tính, nhưng không có sự chia rẽ. Với ngôn ngữ cõi trần, tôi không thể diễn đạt trọn ý tưởng, vì ngôn ngữ thuộc về những cõi thấp đều có tính cách nhị nguyên; nhưng có vài người, xuyên qua từ ngữ có thể lĩnh hội được những ý tưởng đó. Đó là một trạng thái, trong đó mỗi người là chính họ, vô cùng trong trẻo và sáng chói không thể diễn đạt được ở những cõi thấp; mỗi linh hồn cảm nhận chính nó bao gồm tất cả những linh hồn khác, tất cả là một không phân chia, và không thể phân chia.[67] Nơi cõi trần, chúng ta có thể hình dung cõi bồ đề bằng sự phối hợp giữa hai người trong tình yêu mãnh liệt và thanh khiết. Trong tình yêu này họ cảm thấy như là một, cùng tư tưởng, cảm giác, hành động, sống như một, không bao giờ có điều gì ngăn cách hay khác biệt, của tôi hay của anh, không có sự phân chia.[68] Đó là một âm vang yếu ớt dội xuống từ cõi bồ đề, làm cho con người tìm kiếm hạnh phúc bằng sự kết hợp với nhau, hoặc với những sự vật mà họ ước muốn, dù sự vật nào cũng được. Bị cô lập hoàn toàn là bị thống khổ tuyệt đối, bị mất tất cả, bị treo lơ lửng trong khoảng trống. Trong cô độc hoàn toàn, không có sự vật gì ở bất cứ nơi đâu, ngoại trừ một mình cá nhân ấy. Người ấy bị cắt đứt tất cả mọi liên lạc, đóng cửa cái ngã đối với ngoại giới, không thể tưởng tượng được có sự sợ hãi nào khủng khiếp hơn. Phản đề của sự cô độc đau khổ này là sự kết hợp hoàn hảo đầy phúc lạc.

Trạng thái phúc lạc của Đại Ngã bắt đầu phát ra rung động, những rung động này thu hút chất liệu chung quanh cõi chúng đang vận hành, dần dần thể bồ đề (Buddhic Body) hay phúc lạc thể được hình thành; từ ngữ bồ đề thích hợp với cõi đó. Cách duy nhất con người có thể góp phần vào việc cấu tạo thể vinh quang đó, là công phu vun trồng sự vô tư, thanh khiết, chấp nhận tất cả với từ tâm, thiện ý, và một tình thương hoàn toàn vị tha, cho ra mà không tìm cách thu về. Tình thương này dạt dào bản chất thiêng liêng cao quí, cho ra tất cả mà không bao giờ đòi hỏi lại. Tình thương trong sạch làm cho vũ trụ hiện hữu, và được bảo tồn, đưa đến sự hoàn hảo và phúc lạc. Bất cứ nơi nào con người ban rải tình thương cho những ai cần đến, không phân biệt thân sơ, không tìm sự đền đáp, đầy lòng hoan hỉ cho ra, thì nơi đó, chính họ đang phát triển trạng thái phúc lạc của Thượng Đế trong họ, và họ đang chuẩn bị cho thể này trở nên vô cùng mỹ lệ và chói sáng, để đón nhận chủ thể tư tưởng thức tỉnh, xóa bỏ ranh giới phân chia, tìm thấy tự ngã và sớm hợp nhất với muôn loài vạn vật. Thánh Paul, vị Đại Sứ Đồ của Công Giáo có viết: ‘‘Gian nhà không xây bằng đôi tay, nhưng lại vĩnh cửu trên cõi thiên đàng.’’ Ngài nêu cao lòng nhân ái, tình thương trong sạch lên trên tất cả các đức tính khác, vì chỉ với đức tính đó, con người có thể góp phần làm cho sự sống vinh quang. Vì lý do tương tự như vậy mà Phật Giáo cho rằng sự chia rẽ thuộc về ‘‘dị giáo’’; và mục tiêu của Ấn Giáo là ‘‘sự hợp nhất’’. Giải thoát là ra khỏi những giới hạn phân chia giữa con người, và ích kỷ là cội nguồn của tội lỗi. Phá bỏ sự chia rẽ và ích kỷ, là hủy diệt mọi đau khổ.

Cõi thứ năm là cõi niết bàn (Nirvanic plane), cõi mà trạng thái cao cả nhất của Thượng Đế hiện diện trong chúng ta, trạng thái này Thông Thiên Học gọi là Atma hay chân ngã. Đây là cõi của sự hiện tồn thanh khiết, của quyền năng thiêng liêng cao cả được biểu hiện toàn vẹn nhất trong vũ trụ chúng ta. Những gì ở bên ngoài nó, xảy ra trên cõi thứ sáu và thứ bảy, được che phủ trong ánh sáng của Thượng Đế, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Tâm thức Atma hay niết bàn, cái tâm thức thuộc về đời sống ở cõi thứ năm, là tâm thức của những Vị cao cả tuyệt đỉnh, những thành tựu đầu tiên của nhân loại, những Vị đã hoàn thành xong chu kỳ tiến hóa, những Vị ấy được gọi là các Đấng Chân Sư.[69] Các Ngài đã đạt đến trình độ hợp nhất, vốn là tinh hoa của cá thể bất khả phân, sống vĩnh cửu trong tuệ giác, toàn vẹn trong minh triết, trong phúc lạc và quyền năng.

Khi Chân Thần con người lâm phàm từ Thượng Đế, như từ đại dương sáng chói của Atma, một tia sáng nhỏ bé tách rời khỏi phần còn lại bởi một lớp mỏng bằng chất liệu cõi bồ đề, và từ đó lơ lửng một tia sáng được bao trong cái vỏ hình trứng, làm bằng chất liệu thuộc cảnh vô sắc tướng của thượng giới. ‘‘Tia sáng bé nhỏ treo lơ lửng bởi sợi dây vô cùng mảnh mai của Fohat.’’[70] Trong quá trình tiến hóa, quả trứng phát quang này to ra và chiếu lấp lánh, sợi dây nhỏ từ từ lớn hơn và trở thành một đường vận hà, xuyên qua đó sự sống Atma tuôn xuống ngày càng nhiều. Cuối cùng chúng kết hợp lại – cái thứ ba với cái thứ hai, và cả hai với cái thứ nhất – như ánh lửa hợp với ánh lửa không thể nhìn thấy sự phân biệt nữa.

Sự tiến hóa của cõi thứ tư và thứ năm thuộc về chu kỳ tương lai của chủng tộc chúng ta, nhưng những người quyết định chọn con đường khó khăn hơn để tiến bộ nhanh, có thể đặt bước ngay bây giờ, như sẽ giải thích ở phần sau.[71] Trên đường này, thể bồ đề phát triển rất nhanh, con người bắt đầu sống trong tâm thức an lạc tuyệt vời của cõi cao cả, và nhận biết thế nào là phúc lạc đến từ sự vắng bặt mọi chướng ngại của chia rẽ, vì minh triết đã chan hòa trong tâm thức. Khi mọi giới hạn của trí thức đã vượt qua được, linh hồn thoát khỏi sự ràng buộc của bánh xe luân hồi trói buộc nó vào những thế giới thấp, lần đầu tiên nó nếm được hương vị giải thoát, điều này chỉ tìm được một cách hoàn toàn nơi cõi niết bàn.

Vậy tâm thức niết bàn hoàn toàn đối nghịch với sự hủy diệt, và sự hiện hữu của nó được tăng lên rất nhiều; những người chỉ biết sống trong cảm xúc và trí năng không thể nào tưởng tượng được. Tâm thức niết bàn đối với tâm thức thuộc cõi trần như ánh sáng huy hoàng, chói lọi của mặt trời buổi trưa so với ánh sáng của ngọn nến nhỏ. Sở dĩ tâm thức niết bàn bị coi là sự hủy diệt, vì những giới hạn của tâm thức hồng trần đã tan biến. Giống như một người chỉ biết ánh sáng của cây nến, sẽ nói rằng ánh sáng không thể tồn tại, nếu không có cái tim nhúng vào chất sáp. Trong quá khứ, niết bàn tại thế được chứng minh qua những kinh điển thế gian, đó là đời sống tinh thần đầy an lạc, vinh quang của các Đấng Chứng Đạo. Cũng có những vị khác thuộc chủng tộc chúng ta, đã tiến đến nấc thang hoàn thiện cao nhất trong nhân loại, hiện nay còn liên hệ với địa cầu, và bước chân thuộc chủng tộc đang vươn lên của chúng ta, chắc chắn sẽ đặt lên những nấc thang đó.

Niết bàn là trụ xứ của những Bậc cao cả, các Ngài đã hoàn tất chu trình tiến hóa qua hàng ngũ nhân loại thuộc các hành tinh quá khứ. Khi đấng Thái Dương Thượng Đế hiển lộ để tạo lập vũ trụ, thì các Ngài là những vị phụ tá trong guồng máy quản trị địa cầu, và là những vị đại diện toàn hảo ý chí của Thượng Đế. Các vị cao cả này ở trong Thiên Đoàn (Quần Tiên Hội) của Thượng Đế, và những vị phụ tá thấp hơn, làm công việc ở những cõi thấp. Niết bàn là trái tim của vũ trụ, từ đó mọi trào lưu của sự sống luôn luôn tiếp diễn. Hơi thở vĩ đại của Thượng Đế tuôn vào mọi sự sống, và khi nào nó được rút vào bên trong, thì vũ trụ sẽ chấm dứt. Sự huyền nhiệm này có một viễn ảnh hạnh phúc và vinh quang, mục tiêu tối thượng của tạo hóa.

ôôôôôôô

Tình huynh đệ trong nhân loại, nói đúng hơn là tình huynh đệ với tất cả vạn vật, có nền tảng vững chắc trên cõi tinh thần, cõi của ý chí và bồ đề, chỉ nơi ấy là có sự hợp nhất cùng với niềm thông cảm hoàn toàn. Trí thức vốn là căn nguyên của sự phân biệt cái ‘‘Tôi’’ từ cái ‘‘Không Tôi’’, ý thức của bản ngã nhìn những gì ở bên ngoài nó đều xa lạ. Vì thế, mới nảy sinh sự hiếu động, đấu tranh, tự khẳng định quyền lợi. Từ cõi trí trở xuống, thế giới là một cảnh tượng dẫy đầy mâu thuẫn, cay đắng, những sự mâu thuẫn này tỷ lệ với sự tham dự của trí thức. Bản chất của dục vọng chỉ tự phát động khi nó bị kích thích bởi đối tượng mà nó đang khao khát. Nó dần dần trở nên hăng hái hơn khi có cái trí giúp thêm cảm hứng cho nó, rồi tìm cách đáp ứng hầu thỏa mãn dục vọng đòi hỏi trong tương lai. Thế rồi con người càng ngày càng cố tìm cách chiếm hữu những tài nguyên dự trữ của thiên nhiên. Trí năng con người có bản tính hiếu động, cho nên con người hay khẳng định mình khác với kẻ khác, do đó, chúng ta thấy có biết bao điều chia rẽ và là khởi điểm của sự bất hòa trầm trọng giữa con người.

Ngay khi ý thức được sự hợp nhất, lúc tâm thức vươn tới cõi bồ đề, chúng ta cảm thấy dường như đang tiến bước từ một tia sáng riêng biệt với các tia sáng khác, tất cả cùng đi tới mặt trời mà từ đó những tia sáng được tỏa ra. Sự sống trong ánh sáng chan hòa của mặt trời tuôn đổ ra ngoài, như những tia sáng riêng rẽ túa ra, nhưng không có gì khác nhau giữa tia sáng này với tia sáng kia. Cũng giống như thế, khi một người đạt được tâm thức bồ đề, sẽ cảm nhận được thế nào là tình huynh đệ mà kẻ khác chỉ nói đến như là một lý tưởng; người ấy đến với tất cả mọi người cần sự giúp đỡ từ trí tuệ, đạo đức, tình cảm, cho chí đến vật chất khi thật sự cần thiết. Người ấy nhìn mọi sự sống như chính mình, và cảm thấy tất cả những gì mình có, cũng là của mọi người; và của mọi người cũng như là của chính mình. Nói đúng hơn, trong nhiều trường hợp, những người khác đòi hỏi nhiều nhu cầu hơn, mà khả năng lại kém hơn. Cũng như người anh cả trong gia đình, chịu gánh nặng bảo bọc, che chở các em nhỏ khỏi cảnh thiếu thốn, khổ sở. Do bản chất yếu đuối của các em, mà anh phải giúp đỡ trong tình thương mến chân thật, chớ không lợi dụng hoàn cảnh để hành hạ, áp bức. Những vị giáo chủ các tôn giáo đã đạt đến mức độ này và có thể cao hơn, các Ngài biểu hiện lòng từ ái bao la và cử chỉ dịu dàng khả ái; các Ngài giúp đỡ về vật chất cũng như phần nội tâm của mọi người khi có nhu cầu. Tâm thức của sự hợp nhất nội tâm, sự nhận ra cái Ngã duy nhất ngự đồng đều trong tất cả mọi người, là nền tảng vững chắc của tình huynh đệ, không có thứ tình này sẽ gây ra đổ vỡ.

Hơn nữa, sự nhận thức này cùng với sự hiểu biết về những giai đoạn tiến hóa của con người và mọi sinh vật khác nhau, đều tùy thuộc chủ yếu vào giai đoạn phát triển của họ. Một số người bắt đầu cuộc hành trình chậm hơn kẻ khác khá lâu, dù năng lực không khác; cũng có một số người phát triển năng lực của họ nhiều hơn, do quá trình tiến triển lâu dài hơn các huynh đệ trẻ. Đừng bao giờ trách cứ hoặc xem thường hạt giống khi cây chưa trổ hoa, khi nụ hoa chưa thành trái, trẻ con chưa trở thành người lớn. Cũng thế, đừng bao giờ trách cứ hoặc xem thường những linh hồn còn non trẻ, mới nẩy mầm, đang sống chung quanh chúng ta, vì họ chưa đạt đến trình độ tiến hóa của chúng ta hiện nay. Đừng tự trách mình vì sao chưa được giống như các vị Thiên Đế; khi đến thời điểm chúng ta sẽ đạt đến địa vị mà hiện nay các Huynh Trưởng đã đạt được. Tại sao chúng ta phải trách cứ những linh hồn non trẻ hơn mình? Từ ngữ tình huynh đệ muốn nói, chúng sinh có cùng một dòng máu, dù sự tiến hóa không đồng đều. Nó đại diện một cách chính xác sự liên kết tất cả mọi sinh vật trong vũ trụ; đồng nhất về bản chất của sự sống, nhưng khác nhau về những giai đoạn biểu lộ sự sống ấy. Chúng ta cùng một cội nguồn, cùng một hệ thống tiến hóa, cùng một mục đích, chỉ khác nhau về tuổi tác, hình thể; những sự khác biệt đó đem lại cơ hội làm tăng trưởng và nối kết nhau trong tình huynh đệ khả ái. Tất cả những gì mà một người phải thực hiện để giúp đỡ các anh em như ruột thịt thân thương của họ, là sự đo lường những gì mà một người nợ người khác trong sự chia xẻ một đời sống duy nhất. Có những người không quan tâm đến tấm lòng của những huynh đệ mình do sự khác biệt chủng tộc, giai cấp, tổ quốc. Tuy nhiên với người đã đạt được minh triết, tình thương của họ vượt lên trên tất cả những khác biệt nhỏ nhen, và họ thấy tất cả sự sống đều từ một nguồn mà ra, nên tất cả là thành viên trong gia đình của họ.

Sự chấp nhận một cách thông minh tình huynh đệ đại đồng và nỗ lực thực hiện, sẽ khích lệ bản chất cao quí của con người; đó là một điều kiện bắt buộc của hội Thông Thiên Học, những ai muốn gia nhập hội đều phải chấp nhận điều khoản duy nhất này. Phải sống với tình anh em trong phạm vi của mình, đồng thời thanh lọc tâm hồn, nhãn quan, làm cho chúng hoàn hảo để xoá tan vết nhơ chia rẽ; được như vậy, chân ngã quang huy sẽ chiếu soi chúng ta như ánh sáng xuyên qua tấm kính trong suốt.

Đừng bao giờ để tình huynh đệ bị lãng quên, mặc dù người khác làm ngơ hoặc chối bỏ nó. Sự vô minh của con người không thay đổi được định luật thiên nhiên, cũng như không thể cưỡng lại sự phát triển của một sợi tóc. Các định luật này nghiền nát những gì chống đối chúng, bẻ vỡ những gì không hòa hợp với chúng. Thế nên, không một quốc gia nào bền vững khi đã vi phạm tình huynh đệ, không một nền văn minh nào tồn tại, nếu được xây dựng trên chủ trương chống đối lại tình huynh đệ. Chúng ta không đặt ra tình huynh đệ mà tự nó hiện hữu. Cuộc sống của chúng ta phải hòa hợp đồng điệu với nó, nếu muốn những công trình và cả chính chúng ta tồn tại.

Cõi bồ đề dường như có vẻ lạ lùng đối với một số người, đối với họ đó là một cảnh tượng mơ hồ, không thật, nhưng nó ảnh hưởng tất cả các cõi thấp, lực của cõi này có thể bẻ gãy tất cả những gì không hoà hợp đồng điệu với nó ở những cõi thấp. Vũ trụ này do thần lực thiêng liêng hiển lộ, nó chỉ đạo, hướng dẫn năng lượng, thấu nhập và tạo tác vạn vật, tuy chậm chạp, nhưng vững chắc trong công việc chinh phục vạn vật. Vì lý do đó, tình huynh đệ là sự hợp nhất thiêng liêng, chân thật hơn bất cứ cơ cấu nào. Đó là một sự sống, không phải một hình thể, ‘‘khôn khéo và dịu dàng sắp xếp vạn vật.’’ Nó có thể lấy nhiều hình thức khác nhau để thích hợp với thời đại, nhưng sự sống vẫn là một. Hạnh phúc thay những kẻ nhận thức được nó, và tự nguyện làm vận hà cho lực sống động của nó.

ôôôôôôô

Đến đây, học giả nhận biết về những cơ cấu tạo nên con người và các vùng nơi đó những cơ cấu ấy trú ngụ. Chúng ta cần một bản tóm lược ngắn gọn để có một cái nhìn rõ ràng về toàn thể sự việc phức tạp này.

Chân Thần con người gồm có: Atma – Buddhi – Manas, được dịch là: Tinh thần, linh hồn thiêng liêng và linh hồn. Thật ra, ba nguyên lý này chỉ là những trạng thái của cái Ngã Duy Nhất, và là trạng thái bất tử trong con người. Mặc dù ba trạng thái này biểu hiện riêng rẽ và nối tiếp nhau, nhưng bản chất duy nhất của chúng có thể làm cho linh hồn tự kết hợp với linh hồn thiêng liêng, nhờ vậy linh hồn thiêng liêng có được cái tinh hoa cao quí của cá tính. Linh hồn thiêng liêng có cá tính tự hợp nhất với Tinh Thần, nhuộm màu nó – nếu được phép diễn tả như vậy – với những màu sắc của cá tính, trong khi vẫn giữ được nguyên vẹn tinh hoa của sự hợp nhất với tất cả những tia sáng khác phát xuất từ Thượng Đế, và với chính Ngài. Ba trạng thái này tạo thành nguyên lý thứ bảy, thứ sáu, và thứ năm của con người, chúng bị giới hạn và bao bọc bởi những chất liệu rút ra từ cõi thứ năm (niết bàn), thứ tư (bồ đề) và thứ ba (thượng giới) của vũ trụ, làm cho chúng có thể biểu hiện và linh động. Hơn nữa, nguyên lý thứ năm lại khoác thêm thể hạ trí nơi cõi hạ thiên để có thể tiếp xúc với những thế giới hiện tượng, và tự kết nối với nguyên lý thứ tư là bản chất của dục vọng (Kama), thuộc về cõi thứ hai, hay cõi trung giới. Xuống đến cõi thứ nhất, tức cõi trần, chúng ta có nguyên lý thứ ba, thứ hai và thứ nhất, sự sống chuyên biệt hay Prana (sinh lực), dẫn thể của nó là thể phách (hay thể dĩ thái) và thể đậm đặc là xác thân để tiếp xúc với thế giới vật chất thô kệch của cõi trần. Chúng ta đã biết rằng, đôi khi Prana không được xem như là một ‘‘thể’’; và dục vọng cùng thể trí xen lẫn vào nhau tạo ra Kama-Manas. Thể trí thuần khiết được gọi là thượng trí (Higher Manas), còn thể trí theo ‘‘phe’’ với dục vọng là hạ trí (Lower Manas). Có lẽ khái niệm dễ hiểu nhất, mô tả gần đúng về con người, là có một sự sống trường tồn và những hình thể khác nhau. Sự sống này vận hành và cung cấp năng lượng bên trong các hình thể, để biểu lộ thành nhiều dạng thức khác nhau. Vậy thì, cái Ngã là một sự Sống Duy Nhất, nguồn gốc của tất cả những năng lượng và của các thể như: bồ đề, nhân thể, thể trí, thể vía và thể xác (gồm thể dĩ thái và thể đậm đặc).

Sắp xếp hai cách nhìn lại với nhau, chúng ta có sơ đồ sau:


NGUYÊN LÝ SỰ SỐNG CÁC THỂ

Atma, tinh thần Atma

Bồ đề. Linh hồn thiêng liêng Thể chân phúc (bliss-body)

Thượng trí. Nhân thể (causal body)

Linh hồn con người

Hạ trí. Thể trí (mental body)

Cảm dục. Linh hồn thú Thể vía (astral body)

Linga Sharira9 Thể dĩ thái (Ehteric Double)

Sthula Sharira Thể xác (dense body)

9 Linga Sharira là danh từ đầu tiên để chỉ thể dĩ thái (thể phách), không nên hiểu lầm với từ Linga Sharira của Ấn Giáo. Sthula Sharira trong Phạn ngữ là thể đậm đặc, trọng trược.

Một số độc giả quen thuộc các từ ngữ của phái Vedanta, có thể tìm thấy ý nghĩa theo bảng dưới đây:

Thể bồ đề Anandamayakosha.

Nhân thể Vijnyanamayakosha.

Thể trí và thể vía Manomayakosha. Thể xác, gồm thể phách Pranamayakosha. và thể đậm đặc Annamayakosha.

Ta thấy sự khác nhau chỉ là vấn đề danh từ, và ‘‘nguyên lý’’ thứ sáu, thứ năm, thứ tư và thứ ba chỉ là sự tác động của Atma (Ý chí) trong các thể: Bồ đề, nhân thể, hạ trí và tình cảm (thể vía), trong khi ‘‘nguyên lý’’ thứ hai và thứ nhất là hai thể thấp của chúng.

Thật ra sự thay đổi đột ngột trong cách dùng danh từ có thể gây ra sự hiểu lầm cho sinh viên, nên bà Blavatsky (vị huấn sư khả kính của chúng ta) tỏ ra không hài lòng. Bà cho rằng, các từ này, có thể làm sai lạc ý nghĩa. Thế nên, bà muốn cho tôi (bà A. Besant) và một số huynh đệ cố gắng diễn tả và trình bày đơn giản các sự kiện để dễ được chấp nhận hơn.

Các thể tinh vi khác nhau của con người – mà chúng ta đã học – kết hợp lại thành cái mà chúng ta thường gọi là ‘‘hào quang’’ của con người. Hào quang này trông giống như một đám mây tỏa sáng hình quả trứng, ở chính giữa là thể vật chất đậm đặc (thể xác). Vậy hào quang chỉ là những phần của các thể tinh vi ló ra bên ngoài chu vi của thể xác. Mỗi thể riêng biệt nhau và thâm nhập những thể đậm đặc hơn nó. Độ lớn của nó tùy thuộc vào mức độ tiến hóa, và tất cả những phần của nó phủ lên bề mặt của thể xác gọi là hào quang. Như vậy, hào quang được tạo nên bởi những phần của thể phách, thể vía, thể trí, nhân thể, và trong vài trường hợp rất hiếm, thể bồ đề, do được chiếu soi bởi ánh sáng của Atma. Có khi hào quang mờ đục, thô sơ, không chiếu sáng; có khi lại huy hoàng, sáng chói, kích thước lớn hơn, màu sắc rất tươi đẹp, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào giai đoạn tiến hóa, vào sự phát triển của mỗi thể, và vào sự tiến bộ tinh thần, trí tuệ mà con người đã đạt được. Tất cả những đam mê khác nhau, cũng như những ham muốn và tư tưởng của con người đều được biểu lộ thành hình thể, màu sắc, ánh sáng. Vì thế con người có thể thấy được nguyên thể, nếu họ có nhãn quan thích hợp. Đặc tính của con người, cùng với những sự thay đổi thoáng qua đều được ghi khắc, không thể hiểu lầm do sự che đậy của cái mặt nạ mà chúng ta gọi là xác thân. Sự tăng trưởng về kích thước cũng như màu sắc tươi sáng của hào quang sẽ đánh dấu rõ ràng mức tiến bộ của con người và sự lớn mạnh về tinh thần, cùng với sự thanh lọc của chủ thể tư tưởng và các thể của nó.

CHƯƠNG VII LUÂN HỒI (Reincarnation)

Đến đây, chúng ta đang ở vào vị trí thích hợp để nghiên cứu về một trong những giáo lý then chốt của nền minh triết cổ truyền, là giáo lý dạy về sự luân hồi. Cái nhìn của chúng ta về vấn đề này sẽ rõ ràng và thích hợp với trật tự thiên nhiên hơn, nếu chúng ta nhìn nó như một nguyên lý tổng quát, và sau đó xét qua trường hợp đặc biệt về sự tái sinh của linh hồn con người. Để nghiên cứu trường hợp đặc biệt này, phải tách rời khỏi vị trí của nó trong thiên nhiên, và được xem như một phần riêng biệt. Tất cả mọi sự tiến hóa đều có một đời sống phát triển tuần tự, chuyển từ hình thể này đến hình thể khác để tiến bộ, và tích trữ kinh nghiệm xuyên qua những hình thể đó. Sự tái sinh của linh hồn con người không phải là sự mở đầu một nguyên tắc mới mẻ của luật tiến hóa, mà là một sự thích nghi với nguyên tắc đại đồng, để đáp ứng với những điều kiện cần thiết của cá tính trong sự sống tiến triển liên tục. Ông Lafcadio Hearn có đưa ra một khái luận nói về trước khi có sự hiện tồn, mà khoa học Tây Phương chủ trương. Ông nói: Với sự chấp nhận giáo lý về luật tiến hóa, những hình thức của tư tưởng cũ đã tan vỡ, và hiện nay ở khắp mọi nơi, tư tưởng mới đang bừng lên thay thế giáo điều đã lỗi thời, làm cho chúng ta phải chú ý đến những biến chuyển tổng quát của trí năng con người, theo chiều hướng tương đồng một cách lạ lùng với triết lý Đông Phương. Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học trong suốt 50 năm gần đây, đã biến chuyển đáng kể bên ngoài lãnh vực khoa học. Người ta cho rằng những cơ quan cao và phức tạp nhất, đã được phát triển từ những cơ quan thấp và đơn giản nhất. Có một sự sống căn bản là nguyên tố của sự sống toàn thể thế giới. Như thế, không có một ranh giới nào để phân biệt giữa thú vật và thực vật; và điều khác nhau giữa sự sống và không có sự sống, chỉ là về phương diện mức độ, chớ không phải về giới loại. Vật chất và trí năng đều là sự biểu lộ của cùng một thực thể duy nhất mà chúng ta không thể hiểu nổi. Tất cả những điều này đã trở thành lãnh vực chung của nền triết học hiện tại. Sau hiểu biết đầu tiên của khoa thần học về sự tiến hóa của vật chất, cũng dễ dàng tiên đoán rằng sự tiến hóa tâm linh không thể bị chậm trễ vô thời hạn. Hàng rào ngăn chận đã được dựng lên bởi tín điều cũ, không cho con người nhìn về quá khứ, đã bị gẫy đổ. Ngày nay, đối với những sinh viên khoa tâm lý học, quan niệm về tiền kiếp của con người đã trở thành sự kiện thực, chớ không còn là vấn đề lý thuyết suông. Nó chứng tỏ sự giải thích của đức Phật về những bí nhiệm của Tạo Hóa hoàn toàn hợp lý. Giáo sư Huxley có viết: ‘‘Chỉ có những tác giả quá vội vàng một cách vô lý, đã loại bỏ thuyết luân hồi.’’ Giống như giáo lý về sự tiến hóa, vấn đề tái sinh có nguồn gốc từ thế giới hiện thực, và nó cần phải được tán trợ bằng những lý luận thích hợp. (Evolution of Ethics, p61 Ed. 1894).

Đến đây chúng ta xét về Chân Thần của hình thể, Atma – Buddhi. Chân Thần là sự sống của Thượng Đế thở ra, trong đó ẩn tàng thần lực thiêng liêng, lực này ở trong trạng thái tiềm ẩn, không biểu lộ và chưa hoạt động. Những năng lực này dần dần được đánh thức do va chạm với ngoại giới. Nó chính là bản chất của sự sống, rung động để đáp ứng lại những rung động đến từ bên ngoài. Tất cả mọi thứ rung động đều hiện tồn trong Chân Thần, cho nên bất cứ rung động nào từ bên ngoài đến với nó đều sẽ khơi dậy năng lực rung động tương ứng, và cứ như thế, lực này theo lực kia sẽ ra khỏi trạng thái tiềm tàng để chuyển qua trạng thái hoạt động. Đây là điều huyền nhiệm của sự tiến hóa, môi trường tác động lên hình thể của sinh vật và tất cả vạn vật. Tác động này chuyển tiếp xuyên qua lớp vỏ của hình thể đi đến sự sống, tức Chân Thần bên trong. Bây giờ, Chân Thần mới tỉnh thức đáp ứng với những làn rung động xuyên qua những hình thể bên ngoài, đến lượt những phần tử bên ngoài rung động, xếp đặt lại theo khuôn mẫu thích hợp với sự va chạm ban đầu. Đây là sự tác động và phản động giữa môi trường và cơ thể, sự kiện này đã được các nhà sinh vật học chấp nhận, và một số người đã dùng để giải thích cơ chế về sự tiến hóa. Tuy nhiên sự quan sát cẩn thận và kiên nhẫn về lực tác động và phản động không thể giải thích tại sao cơ quan phải đáp ứng lại những tác nhân kích thích. Minh triết cổ truyền đã vén bức màn huyền bí về luật tiến hóa, cho chúng ta biết cái Ngã bên trong của vạn vật hữu hình, là động cơ chính yếu ẩn tàng của tất cả những vận chuyển và tác động trong Thiên Nhiên.

Khi đã thấu hiểu quan niệm cơ bản này, chúng ta biết được sự sống có khả năng đáp ứng với mọi rung động đến với nó từ thế giới bên ngoài. Khả năng đáp ứng này được phát triển dần dần do tác động của những lực từ bên ngoài. Ý tưởng căn bản kế tiếp cần được thấu hiểu là: có mối liên kết giữa sự sống và hình thể. Những hình thể truyền đạt tính chất đặc biệt của chúng cho những hình thể khác và cứ thế tiếp nối nhau. Những hình thể khác này là thành phần của cùng một bản chất, chúng tách rời và có đời sống độc lập. Sự sinh sản phân đôi, sự nảy chồi, sự nảy mầm của hạt giống, hay sự phát triển thai nhi trong bụng mẹ, là những cách thức để cho vạn vật được nối tiếp. Mỗi hình thể mới, sinh ra từ một hình thể có trước và tái tạo những đặc tính của nó. Khoa học gọi những sự kiện nêu trên là ‘‘luật di truyền’’; những nghiên cứu của khoa học về tính di truyền của hình thể rất đáng chú ý, nó đưa ra ánh sáng tác động của thiên nhiên trong thế giới hiện tượng. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng luật này chỉ áp dụng trong việc cấu tạo hình thể vật chất do cha mẹ cung cấp. Còn nhiều tác động của thiên nhiên chưa được khám phá, như tác động của sự sống, nếu không có nó thì hình thể không được tái tạo; vấn đề này chưa được khoa học vật chất lưu tâm nghiên cứu. Sự thiếu sót này được bổ túc bởi giáo huấn của minh triết cổ truyền, mà các Vị cao cả thời xưa đã dùng khả năng siêu nhiên để quan sát. Những điều này được kiểm chứng bởi những sinh viên học tập kiên nhẫn trong các trường phái huyền môn của các Ngài.

Như thế, chúng ta nhận thấy có nối tiếp của sự sống, cũng như của hình thể, nhờ đó mà sự sống tiếp tục. Càng ngày chúng ta càng nhận thấy năng lượng tiềm ẩn của sự sống đã kích thích thiên hình vạn trạng linh động nối tiếp nhau. Sự sống thu thập kinh nghiệm khi ở trong cái vỏ hình thể. Đến khi hình thể tan rã, sự sống ghi lại những kinh nghiệm đó, với năng lượng ngày càng tăng, để rồi sẵn sàng tuôn đổ vào hình thể mới. Hình thể mới, do sự chuyển hóa từ hình thể cũ, mang theo những kinh nghiệm dồi dào của sự sống. Lúc sự sống ở trong hình thể trước, tác động qua hình thể đó, thích ứng với mỗi năng lượng mới được đánh thức. Hình thể tiếp nhận những điều thích nghi đó, thêm vào bản chất riêng của nó để tạo nên thành phần riêng cho chính nó, mà chúng ta gọi là dòng dõi, hay hậu duệ. Sự sống tuôn đổ vào hậu duệ tất cả năng lực linh động của nó, tiếp tục thích nghi với khuôn mẫu hình thể mới, và cứ thế không bao giờ dứt. Khoa học hiện đại cho thấy ngày càng rõ hơn rằng, di truyền chỉ đóng vai trò nhỏ trong sự tiến hóa của những sinh vật cao hơn. Những đặc tính trí tuệ và đạo đức không phải do cha mẹ di truyền lại cho con cái, và điều này càng rõ hơn đối với những phẩm chất cao. Con của một thiên tài xuất chúng thường là một đứa trẻ ngu đần; nhiều cha mẹ bình thường lại có con là một thiên tài. Như thế, phải có một thực thể liên tục, mang sự di truyền của trí năng và phẩm chất đức hạnh, thì những tính chất này mới có thể ngày càng tăng trưởng. Nếu không có thực thể liên tục, thiên nhiên sẽ tạo ra những sản phẩm dị thường, không đều đặn, thay vì theo sự diễn tiến có trật tự. Trong vấn đề này, khoa học không giải thích được, nhưng minh triết cổ truyền dạy rằng thực thể hiện tồn liên tục đó chính là Chân Thần bất diệt. Chân Thần tiếp thu tất cả những kết quả, tích lũy tất cả những kinh nghiệm đã được thu thập, như là những năng lực hành động càng ngày càng tăng trưởng.

Hai nguyên lý sau đây cần được nắm vững: (a) Những tiềm năng của Chân Thần sẽ trở thành những năng lực. (b) Có tính liên tục của sự sống và hình thể. Khi chúng ta nghiên cứu chi tiết và nắm vững hai nguyên lý kể trên, chúng ta sẽ thấy nó giải đáp được nhiều vấn đề đang làm bối rối khoa học hiện đại, cũng như nan đề của những nhà từ thiện, đạo đức.

Chúng ta hãy bắt đầu xét qua lúc Chân Thần nhập thế từ những vùng vô sắc tướng của cõi thượng giới, lúc khởi đầu của sự tiến hóa về hình thể. Những rung động đáp ứng yếu ớt đầu tiên của Chân Thần, thu hút chung quanh nó một ít chất liệu của cõi đó; thế là bắt đầu sự tiến hóa của loài tinh chất thứ nhất (first elemental kingdom), như đã được đề cập nơi chương IV (cõi trí). Có 7 loại Chân Thần chính, đôi khi được hình dung như bảy màu của quang phổ mặt trời, khởi nguyên từ ba màu nguyên thủy.[72] Mỗi loại Chân Thần có màu sắc và đặc tính riêng, và luôn luôn tồn tại xuyên qua chu kỳ tiến hóa vô tận, ảnh hưởng đến tất cả muôn loài vạn vật được nó làm cho linh hoạt. Qua sự tiến triển, mỗi loại Chân Thần bắt đầu phân chia thêm, sự việc này sẽ tiếp diễn không ngừng cho đến khi nào đạt đến cá tính. Chân Thần khởi sự phóng ra dòng năng lượng, đủ cho một đường tiến hóa của nó; sáu loài Chân Thần kia cũng theo cùng một nguyên tắc. Bất cứ kinh nghiệm nào đạt được xuyên qua những giai đoạn sống ngắn ngủi, đều được đem về cho sự sống ứng đáp trong Chân Thần. Nhưng sự sống đáp ứng này, gồm những rung động thường không hợp nhau, nên một xu hướng về chia rẽ nảy sinh trong Chân Thần, khi đó năng lực rung động hài hòa gom lại thành nhóm và tác động phối hợp nhau thành nhiều tiểu Chân Thần (sub-Monads) cùng đặc tính căn bản, nhưng khác nhau về chi tiết, giống như cùng một màu, nhưng từ đậm sang lợt. Đó là những Chân Thần của loài tinh chất thứ nhì (second elemental kingdom) ở những cảnh thấp của cõi trí, tức vùng sắc tướng (form-region); tiến trình này cứ tiếp diễn và năng lực đáp ứng của Chân Thần càng tăng thêm. Mỗi Chân Thần là một sự sống đầy cảm hứng của vô số hình thể; xuyên qua những hình thể này Chân Thần thu nhận những rung động. Khi hình hài sắc tướng tan rã, Chân Thần không ngừng làm sống động những hình thể mới, và tiến trình này cứ tiếp tục không ngừng như đã trình bày ở trên. Mỗi Chân Thần tiếp tục nhập thế, khoác lấy những hình thể mới; nó thu thập và tích lũy dưới hình thức năng lực linh động tất cả kết quả đạt được qua những hình thể mà nó làm linh động. Chúng ta có thể xem những Chân Thần này như là nhóm linh hồn của hình thể, và khi sự tiến hóa tiếp diễn, những hình thể này cho thấy nhiều đặc tính hơn. Đặc tính này là những năng lực của hồn khóm, biểu lộ xuyên qua hình thể trong đó Chân Thần nhập thế. Có vô số tiểu Chân Thần (sub-Monad) thuộc loài tinh hoa chất thứ nhì, vừa mới đến giai đoạn tiến hóa đáp ứng với rung động của vật chất cõi trung giới, và bắt đầu tác động nơi cõi đó, trở thành Chân Thần của loài tinh hoa chất thứ ba (the Monads of the Third Elemental Kingdom). Nơi cõi trọng trược này, chúng lặp lại tiến trình như đã hoàn thành nơi cõi trí. Những «tiểu Chân Thần hồn khóm», trở nên càng lúc càng nhiều thêm, xuất hiện thành nhiều dạng khác nhau về chi tiết. Một số hình thể được linh hoạt có những đặc tính chuyên biệt, trở nên càng lúc càng nổi bật hơn. Trong khi đó dòng sinh lực tuôn tràn từ Thượng Đế cung cấp cho các Chân Thần hình thể mới trên những cảnh cao, để cho sự tiến hóa tiếp nối liên tục. Khi những Chân Thần tiến hóa cao, nhập thế vào những cõi thấp hơn, thì có những Chân Thần mới thay chỗ của chúng nơi cõi cao.

Tiến trình tái sinh của những Chân Thần, hay tiểu Chân Thần hồn khóm, luôn luôn được lặp lại nơi cõi trung giới, và sự tiến hóa của chúng tiếp tục cho đến khi chúng sẵn sàng ứng đáp lại những va chạm với vật chất cõi trần. Khi nhớ rằng những nguyên tử căn bản của mỗi cõi có vách bao bọc làm bằng chất liệu thô kệch nhất của cõi trên kế đó, chúng ta sẽ hiểu dễ dàng hơn vì sao các Chân Thần đáp ứng được những va chạm từ cõi này đến cõi khác trên đường nhập thế. Khi trong loài tinh chất thứ nhất, Chân Thần đã quen với sự rung động đáp ứng với chất liệu cõi thượng thiên, nó sẽ bắt đầu đáp ứng với những rung động nhận được qua những hình thể thô kệch nhất làm bằng chất liệu của cõi dưới kế đó. Vì thế, trong lớp áo thô kệch nhất của cõi trí, Chân Thần trở nên nhạy cảm với sự rung động của nguyên tử vật chất cõi trung giới. Khi lấy những hình thể làm bằng chất liệu thô kệch nhất của cõi trung giới, chúng cũng đáp ứng với sự va chạm của những nguyên tử dĩ thái hồng trần. Bây giờ, sự sống được xem như đã xuống đến cõi trần, và các Chân Thần hồn khóm bắt đầu nhập vào những hình thể vật chất mỏng manh, đó là thể dĩ thái của loài kim thạch tương lai nơi cõi trần. Những tinh linh thiên nhiên dùng chất mỏng manh vừa kể để tạo nên chất liệu vật chất đậm đặc; như thế, đủ các loại kim thạch được tạo ra, đó là thể cứng rắn nhất mà sự sống tự giam mình vào để tiến hóa, và qua đó chỉ có một ít năng lực có thể tự biểu lộ. Mỗi loại hồn khóm có sự biểu lộ riêng trong mỗi loại kim thạch mà chúng hiện thân, và hiện nay sự chuyên biệt hóa đã đến mức độ cao. Những loại Chân Thần hồn khóm này đôi khi được gọi chung là Chân Thần kim thạch (mineral Monad), hay là Chân Thần hiện thân trong giới kim thạch.

Từ lúc này trở đi, năng lượng thức động của Chân Thần đóng một vai trò ít thụ động hơn trong sự tiến hóa. Khi được đánh thức để tác động, chúng bắt đầu tìm cách biểu lộ tích cực hơn, và tập ảnh hưởng, uốn nắn những hình thể mà trong đó sự sống đang bị giam cầm. Khi sự sống trở nên tích cực hơn, hình thể kim thạch không còn thích hợp để biểu lộ nữa, chúng bắt đầu biểu lộ trong những hình thể mềm dẻo hơn của loài thực vật. Quá trình tiến hóa này được những tinh linh thiên nhiên giúp đỡ xuyên qua thế giới vật chất. Giới kim thạch lúc bấy giờ đang sẵn sàng có khuynh hướng tiến đến cơ cấu hình thể xác định, và tạo ra những đường lối theo đó sự tăng trưởng được thực hiện.[73] Từ đây về sau, khuynh hướng đó quản trị tất cả mọi sự tạo lập hình thể, và là nguyên nhân tuyệt hảo của sự hài hòa, cân xứng của những vật thể trong thiên nhiên mà các nhà quan sát đã quen thuộc. Chân Thần hồn khóm trong loài thảo mộc trải qua sự phân chia và tái phân chia với tốc độ phát triển nhanh chóng, kết quả cho ra muôn loại khác biệt. Với sự phân chia vô hình vô ảnh này, đưa đến sự tiến hóa của gia đình, chủng loại và dòng giống. Khi có một giống loại bị tác động bởi nhiều trạng thái khác nhau, và các hình thể có liên hệ với nó gặp nhiều sự va chạm khác nhau, thì một khuynh hướng mới lại phân chia thêm trong Chân Thần, cho ra nhiều giống loại khác nhau, mỗi giống loại có Chân Thần hồn khóm riêng của chúng. Nếu để mặc cho thiên nhiên, tiến trình sẽ chậm chạp, mặc dù những tinh linh thiên nhiên làm việc rất tích cực trong việc phân chia các loại. Khi con người tiến hóa, họ bắt đầu canh tác bằng những phương pháp nhân tạo, họ khuyến khích và tập hợp sức mạnh theo một chiều hướng nào đó, thì sự khác biệt này có thể xảy ra nhanh chóng hơn, mang lại nhiều nét đặc thù. Lâu về sau, sự phân chia không còn xảy ra trong hồn khóm nữa, những hình dạng có xu hướng giống nhau có thể triệt tiêu xu hướng chia rẽ, vì sự phân chia đã hoàn tất, và sẵn sàng nảy sinh nhánh nhóc, chi họ của chính nó.

Trong những loại cây cối sống lâu của giới thảo mộc, yếu tố cá biệt bắt đầu biểu lộ, sự ổn định của hình thể có thể đưa đến sự phát triển cá tính. Với một cây đã sống qua vài chục năm, hứng chịu sự tái diễn những điều kiện và va chạm giống nhau của thời tiết, mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác, gây nên những sự chuyển động. Bên trong cây là sự phát triển của nhựa cây và đơm lá, bên ngoài là sự va chạm với nắng, mưa, gió, bụi; tất cả điều này ảnh hưởng nhịp nhàng cho sự tiến triển của cây, tạo nên sự rung động đáp ứng trong hồn khóm, và gây nên một trình tự ảnh hưởng sâu sắc do sự tiếp tục lặp đi lặp lại. Trong thiên nhiên, sự tiến hóa không có tính chất thình lình. Những phác họa sơ lược đầu tiên này sẽ được ghi lại và nối tiếp về sau.

Trong giới thảo mộc tiến hóa cao cũng có xuất hiện những sự báo trước về cảm giác, mà các nhà tâm lý học Tây Phương gọi là «cảm giác toàn khối».[74] Nên nhớ rằng Chân Thần đã thu hút chung quanh nó vật chất của các cõi mà nó đi xuyên qua trên đường nhập thế, nên nó có khả năng tiếp xúc với mọi rung động của những cõi ấy. Những rung động mạnh và gần gũi nhất với vật chất thô kệch, được chúng cảm nhận trước tiên. Sức nóng của mặt trời và thời tiết lạnh lẽo ảnh hưởng đến tâm thức Chân Thần; lớp chất liệu trung giới phủ bên ngoài khởi rung động yếu ớt và làm phát sinh loại cảm giác toàn khối mà chúng ta vừa nói đến. Mưa và hạn hán ảnh hưởng đối với cơ chế cấu tạo nên hình thể, và năng lực truyền sự rung động đến Chân Thần linh hoạt, là ‘‘cặp đối nghịch’’ khác, tác dụng đánh thức sự nhận thức về những dị biệt, nguồn cội của tất cả cảm giác, và sau này là của tất cả tư tưởng. Như thế, do sự tái sinh nhiều lần của hồn khóm trong giới thực vật, nó tiến hóa cho đến khi vào trong những loài cao nhất thuộc giới thảo mộc, và hoàn tất con đường tiến hóa trong giới này, đến đây chúng sẵn sàng bước qua giai đoạn kế tiếp.

Đây là giai đoạn những hồn khóm được chuyển qua giới cầm thú

(animal kingdom), và tiến hóa chậm chạp trong thể xác và thể tình cảm, trong giai đoạn này, cá tính xuất hiện rõ rệt. Cầm thú di chuyển đó đây rất tự do, chúng có nhiều điều kiện rộng rãi để thu thập kinh nghiệm hơn loài thực vật hay thảo mộc chỉ bám rễ vào một chỗ. Trạng thái khác nhau này luôn luôn thúc đẩy sự chuyên biệt hóa trong loài cầm thú. Hồn khóm làm sinh động một số thú hoang dã cùng giống loại hay cùng họ hàng, trong khi nó tiếp nhận được nhiều sự va chạm khác nhau. Những rung động va chạm này thường lặp đi lặp lại, và được chia xẻ cho tất cả thành viên trong nhóm, vì vậy có sự khác biệt, nhưng chậm chạp.

Những va chạm này giúp cho sự phát triển thể xác và thể tình cảm của con thú, nhờ đó hồn khóm góp nhặt được nhiều kinh nghiệm. Khi thể xác của một con thú trong nhóm chết đi, những kinh nghiệm của nó đã góp nhặt qua kiếp sống ấy được tích lũy trong hồn khóm, và nhuộm màu hồn khóm, nếu có thể mượn tạm từ ngữ «nhuộm màu» để diễn đạt trong trường hợp này. Sự sống tăng trưởng chậm chạp của hồn khóm, tuôn đổ vào tất cả các hình thể trong cùng một nhóm, chia cho nhau những kinh nghiệm của con thú đã chết, đây là cách thức mà kinh nghiệm được nối tiếp và lặp lại. Kinh nghiệm được tồn trữ nơi hồn khóm, để rồi xuất lộ như là những bản năng (instincts) ‘‘tích lũy kinh nghiệm thừa kế’’ trong những hình thể mới. Vô số chim muông bị làm mồi ngon cho diều hâu; gà con vừa ra khỏi vỏ trứng đã biết sợ hãi, ẩn núp khi kẻ thù truyền kiếp đến gần. Vậy sự sống hiện thân trong chúng đã biểu lộ phần nào hiểu biết về mối nguy hiểm để tránh, đó là bản năng bẩm sinh (innate instinct). Theo cách thức này, loài vật có được nhiều bản năng tuyệt vời, bảo vệ chúng tránh được vô số hiểm họa thường ngày; nhưng trước sự nguy hiểm mới lạ, chúng tỏ ra không biết chuẩn bị đối phó và rất hoang mang, bối rối.

Khi những con thú được sống gần và chịu ảnh hưởng của loài người, hồn khóm của chúng phát triển nhanh chóng; cũng như loài cây cỏ khi được con người chăm sóc, trồng tỉa thì sự phân giống rất dễ dàng. Cá tính của con thú càng ngày càng có dấu hiệu tiến bộ vững chắc. Trong những giai đoạn đầu, sự tiến hóa của chúng có thể được gọi là hỗn hợp. Cả một đàn thú vật hoang dã hoạt động do sự điều khiển của một cá tính chung, và bị chi phối hoàn toàn bởi một linh hồn chung, ngược lại linh hồn chung đó chịu ảnh hưởng của những va chạm bên ngoài. Thú vật nhà đã thuần hóa như: voi, ngựa, mèo, chó cho thấy có cá tính riêng biệt nhiều hơn thú rừng. Thí dụ, hai con chó đứng trước một hoàn cảnh, có thể hành động khác nhau. Hồn khóm thác sinh vào một số lượng hình thể ít hơn, và từ từ giảm lần số lượng đến khi chỉ còn một cá thể. Lúc này, thể cảm dục hay Kâma của chúng phát triển đáng kể, và tồn tại một thời gian sau khi thể xác con thú chết, đưa đến sự hiện tồn độc lập trong cảm dục giới (Kâmaloka). Cuối cùng sự giảm thiểu số lượng các hình thể được linh hoạt bởi hồn khóm chỉ còn là đơn vị, và sự sống vẫn đổ vào đơn vị đó; chỉ khác biệt với sự tái sinh của con người là chúng không có linh hồn con người (Manas), với nhân thể (causal body) và thể hạ trí. Trên đường đi xuống, hồn khóm đã có mang theo chất liệu thể trí, nên chúng bắt đầu nhạy cảm với những rung động từ cõi trí. Bây giờ con thú sẵn sàng tiếp nhận luồng sống sinh hoạt thứ ba của Thượng Đế xạ xuống, đền thờ tạm sẵn sàng tiếp đón Chân Thần con người.

Ta thấy, Chân Thần con người có bản chất tam phân, ba phương diện của nó được gọi tên theo thứ tự: Tinh thần, linh hồn thiêng liêng và linh hồn con người: Atma, Buddhi, Manas. Trong tiến trình tiến hóa dài vô tận, chắc chắn Chân Thần của hình thể khi phát triển theo chiều đi lên, sẽ mở mang thượng trí trên đường tiến bộ; nhưng theo dòng tiến hóa chung, điều này chưa được thể hiện trong giống dân quá khứ, cũng như trong loài thú vật hiện tại. Khi căn nhà đã xây xong thì người trú ngụ sẽ được gởi đến. Từ các cõi cao, Atma đi xuống, bao bọc trong thể bồ đề (Buddhi) như sợi chỉ vàng, và Manas, trạng thái thứ ba xuất lộ ở vùng vô sắc giới, tức những cảnh cao của cõi trí. Bên trong hình thể, trạng thái mầm của thượng trí được nảy nở, và nhân thể được thành hình. Đây là sự cá nhân hóa của tinh thần ẩn trong hình thể, và tinh thần này chính là linh hồn trong nhân thể, là cá tính hay con người thật. Dù rằng bản thể của con người vốn trường tồn, bất sinh, bất diệt, nhưng đến giờ phút con người phải sinh ra, thì sự ra đời xác định cá tính của một người.

Hơn nữa, nguồn sống tuôn ra này không trực tiếp đến các hình hài sắc tướng mà lại qua nhiều trung gian. Lúc chủng tộc loài người đạt đến điểm nhạy cảm thì các Đấng Cao Cả, được gọi là những Người Con của Trí Tuệ

(Sons of Mind)[75] truyền vào con người tia lửa Chân Thần của Atma – Buddhi – Manas, cần thiết cho sự tạo thành linh hồn phôi thai của con người. Trong số những Đấng Cao Cả, có vài vị lâm phàm vào hàng ngũ nhân loại để dìu dắt, dạy dỗ con người đang còn ấu trĩ. Những Người Con của Trí Tuệ này đã đạt được trí tuệ toàn giác ở các thế giới khác, các Ngài đến hành tinh còn non trẻ, tức địa cầu của chúng ta, với mục đích giúp đỡ sự tiến bộ của con người. Thực sự, các Ngài là Cha Tinh Thần của nhân loại trên địa cầu.

Những nhân vật đã phát triển trí năng nhưng còn ở giai đoạn thấp kém hơn, đã sống trong chu kỳ tiến hóa vừa qua nơi một hành tinh khác, nay tái sinh vào những chủng tộc hậu duệ, mà linh hồn còn ấu trĩ, để đi chung theo đường lối tiến hóa như vừa trình bày. Khi chủng tộc loài người tiến bộ khá hơn, nơi ở tạm của nhân loại tốt đẹp hơn, lúc bấy giờ có biết bao linh hồn đang chờ cơ hội để thác sinh vào hàng con cái của họ để tiếp tục con đường tiến hóa. Những linh hồn đã tiến hóa một phần này, trong những tài liệu xưa còn lưu lại cũng gọi là những người con của trí tuệ, vì thể trí của các vị ấy đã phát triển, dù tương đối ít. Chúng ta có thể gọi đó là những linh hồn trẻ (childish souls), để phân biệt với một số lớn linh hồn còn ấu trĩ của nhân loại, và với những linh hồn trưởng thành của các Thánh Sư. Những linh hồn trẻ đó, do trí năng của họ đã tiến bộ khá nhiều, nên ở vào thời đại xưa, họ đã được giữ vai trò lãnh đạo, đó là những giai cấp trí thức, có khả năng tiếp thu sự hiểu biết và thống trị một số quần chúng kém tiến hóa.

Trên hành tinh của chúng ta, vì có sự khác biệt quá lớn lao về khả năng trí thức và trình độ đạo đức, nên đưa đến sự chia rẽ giữa các chủng tộc tiến hóa cao và những giống người thấp kém, lạc hậu. Trong cùng một chủng tộc, cũng có sự ngăn cách quá lớn giữa những nhà triết học, tư tưởng cao siêu, với giai cấp con người gần như là thú vật, sống suy đồi trong cùng xứ sở. Những sự khác biệt này chỉ là sự khác nhau về giai đoạn tiến hóa, về tuổi tác của linh hồn, và nó tồn tại xuyên qua toàn thể lịch sử nhân loại trên địa cầu. Trở về quá khứ xa xôi, nhờ tài liệu lịch sử chúng ta có thể tìm thấy những người thông minh cao quí bên cạnh những người dốt nát, ngu đần. Trong những tài liệu huyền bí học cho thấy, vào thiên niên kỷ đầu tiên của nhân loại cũng có sự kiện tương tự như thế. Chúng ta không nên phiền muộn về sự kiện này, vì có những sự lạc quan, tốt lành, thì cũng có những sự chịu đựng nặng nề để đấu tranh trong đời sống. Linh hồn cao cả đã trải qua giai đoạn trẻ trung thơ ấu trên hành tinh trước, nơi đó có những linh hồn đã tiến hóa cao hơn nó, cũng như ở hiện tại, có những linh hồn còn thấp kém hơn nó. Những linh hồn thấp kém nhất sẽ leo đến nơi mà các bậc cao cả đã đạt được, còn nấc thang tiến hóa mà những linh hồn này rời bỏ, sẽ có những linh hồn chưa được sinh ra đến thay thế. Sẽ không có sự công bằng, nếu chúng ta không xem xét thế giới trong cục diện tiến hóa, mà tách rời nó, xét trong một khoảng thời gian biệt lập, không có người đi trước, không có kẻ kế thừa. Do vô minh, chúng ta chỉ thấy toàn là bất công. Thiên Nhiên rất công bình, luôn luôn cưu mang tất cả các con còn bé bỏng, ấu thơ cho đến lúc khôn lớn trưởng thành. Thật là khờ dại, nếu chúng ta đòi hỏi cho tất cả đều tiến hóa cùng một trình độ, cùng một thời điểm giống nhau, và kêu gào ‘‘bất công’’! Khi đòi hỏi không được thỏa mãn.

Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự tiến hóa của linh hồn, nếu chúng ta trở về thời điểm khi « người thú » (animal-man) sẵn sàng tiếp nhận linh hồn phôi thai. Để tránh sự hiểu lầm, cần phải nói rõ rằng, không có hai Chân Thần trong một người – một Chân Thần đã xây dựng đền thờ tạm cho con người, và một Chân Thần khác đã nhập thế vào trong đền thờ đó, mà trạng thái thấp nhất của nó là linh hồn con người. Bà Blavatsky đã so sánh như sau: Có hai tia sáng của mặt trời chiếu xuyên qua một lỗ trống của cánh cửa, sau lỗ đó hai tia sáng hòa lẫn vào nhau làm một, dù rằng trước đó có hai. Hai tia sáng vừa kể giống như những tia từ Mặt Trời Cao Cả, là Thượng Đế Thiêng Liêng của vũ trụ chúng ta. Tia sáng thứ hai khi vào đền thờ tạm của con người, hòa lẫn vào tia sáng thứ nhất, chỉ giúp nó tăng thêm năng lượng và sáng chói huy hoàng. Do đó Chân Thần con người là một đơn vị duy nhất, đã bắt đầu làm nhiệm vụ cao cả là phát triển những năng lực cao hơn trong con người, mà chính họ đã đến từ sự sống thiêng liêng ấy.

Trong linh hồn phôi thai, chủ thể tư tưởng bắt đầu có thể trí đang nảy mầm, bao bọc bằng chất liệu cõi trí mà Chân Thần sắc tướng đã mang theo trên đường nhập thế. Tuy nhiên thể trí chưa có khả năng tổ chức và tác dụng, mà nó chỉ là cái mầm (germ of a mental body) gắn liền với cái mầm của nhân thể (causal body). Trải qua nhiều kiếp sống, bản chất ham muốn quá mạnh của con người đã kéo theo linh hồn con người trôi lăn trong những cơn khát vọng, vào những làn sóng dục vọng mãnh liệt của thú tính vô phương kiểm soát. Khi đạt đến trình độ tiến hóa khá cao như chúng ta hiện nay, một số người không dám nhìn lại buổi sơ khai của linh hồn. Tuy nhiên, đó là giai đoạn rất cần thiết cho sự nảy mầm hạt giống của thể trí. Biết được sự khác biệt và nhận thức vật này khác với vật kia, là những yếu tố đầu tiên cần thiết cho sự suy tưởng toàn thể. Để làm thức tỉnh ý thức của linh hồn chưa có khả năng suy tưởng, phải có sự tương phản lớn lao và sự va chạm mãnh liệt khiến nó xúc cảm về sự phân biệt, với những cảm giác mạnh nối tiếp nhau, lúc hoan lạc tưng bừng, lúc đau khổ tận cùng. Ngoại cảnh xuyên qua bản chất dục vọng, tác động như những cú đánh vào linh hồn cho đến khi ý thức từ từ bừng tỉnh; sự việc này lặp đi lặp lại nhiều lần, và từ từ được ghi vào ấn tượng. Như chúng ta thấy, chủ thể tư tưởng góp nhặt và tích trữ những kinh nghiệm qua mỗi kiếp tái sinh và dần dần phát triển.

Sự tiến triển quả thật chậm chạp, vì khan hiếm vấn đề để suy tư, do đó hầu như có rất ít điều gì để tạo thêm cho thể trí. Chỉ đến khi tác động của thể trí được ghi lại qua những chất liệu tạo thành hình tư tưởng, làm nền tảng từ bên trong thì ý thức mới thực sự khởi đầu. Khi có hai hay nhiều hình tư tưởng xuất hiện một lượt, sẽ kích thích khả năng phân tích, tuy còn ấu trĩ. Điều này là khởi điểm của sự suy luận, mầm mống của những lý luận có hệ thống, từ đó con người phát triển sự thông minh và tiến hóa. Lúc đầu, sự suy nghĩ của con người là để phục vụ cho bản chất dục vọng và tăng gia lạc thú, cũng như để giảm thiểu khổ đau. Mỗi sự việc xảy ra đều làm thể trí tiến triển và kích thích nó thêm để sẵn sàng hoạt động.

Trong thời kỳ ấu trĩ, con người không hiểu nổi thế nào là điều thiện và điều ác; đối với họ kể như không có gì là phải và quấy. Điều phải là điều phù hợp với ý chí thiêng liêng, giúp cho linh hồn tiến triển, có khuynh hướng làm tăng thêm bản chất cao cả của con người, rèn luyện và khuất phục bản chất thấp kém. Điều quấy làm chậm trễ sự tiến hóa, giữ mãi linh hồn ở mức độ thấp hèn, dù rằng con người đã học hỏi xong những bài học đó; nó có khuynh hướng làm cho bản chất đê hèn thắng thế bản chất cao thượng, đồng hóa con người với những thú tính và bị thụt lùi, thay vì tiến hóa hướng đến Thượng Đế. Trước khi có thể học được thế nào là điều phải, con người phải biết rằng có sự hiện tồn của luật thiên nhiên. Ở giai đoạn thấp, họ chỉ có thể học bằng cách theo đuổi những điều quyến rũ từ ngoại cảnh, nắm bắt những vật mà họ ham muốn, ngọt ngào hay cay đắng; dù sự thích thú của họ có thể thuận theo hoặc nghịch lại ý Trời. Hãy lấy một thí dụ điển hình về một thức ăn ngon, để xem người chưa tiến hóa học được những gì về sự hiện hữu của luật thiên nhiên. Đầu tiên khi ăn vào, cơn đói của họ được giảm bớt, vị giác được thỏa mãn, do kết quả đó họ chỉ học được bài học thích thú, vì hành động của họ hài hòa với luật thiên nhiên. Một cơ hội khác đến, người ấy muốn có cảm giác thích thú nhiều hơn và ăn quá độ, do đó bị đau vì đã vi phạm và chống lại luật của Tạo Hóa. Đây là một kinh nghiệm rắc rối cho trí năng vừa mới phát triển, nó hiểu thế nào là thú vị trở thành đau khổ khi quá lố. Sự việc cứ lặp đi lặp lại, do con người cứ chiều theo lòng ham muốn quá độ, để rồi mỗi lần kinh nghiệm là một lần đau khổ, cho đến khi con người học được bài học về tiết độ và chừng mực v. v… Con người học cách kiểm soát cơ thể, để nó hành động thích hợp với định luật vật chất, vì họ thấy được rằng trong thiên nhiên, có những trạng thái ảnh hưởng đến họ mà họ không thể kiểm soát được, và chỉ bằng sự tuân theo mới đem lại hạnh phúc. Con người nhận được những kinh nghiệm xuyên qua toàn thể cơ quan xác thân với chiều hướng không đổi. Những điều ham muốn hướng ra ngoài đem lại cho con người niềm vui hay đau khổ, tùy theo hành động thuận hay nghịch lại những định luật thiên nhiên. Những kinh nghiệm này ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng và hướng dẫn bước đi của con người. Mỗi lần tái sinh, con người không cần phải học lại những kinh nghiệm cũ, vì mỗi khi chào đời, họ đã mang theo một thể trí phát triển hơn chút ít và những kinh nghiệm được tích lũy từ trước.

Tôi (A. Besant) cho rằng, trong những giai đoạn đầu, sự tiến bộ thật chậm chạp, vì đây chỉ là sự khởi đầu hoạt động của thể trí. Sau khi chết, con người rời bỏ xác thân vật chất, vào cảm dục giới sống hầu hết thời gian của họ; sau đó chìm trong giấc ngủ suốt thời gian ngắn ngủi ở cõi thiên đàng (Devachan). Trong lúc ấy, linh hồn đồng hóa một cách vô thức chút ít kinh nghiệm trí năng, mà nó chưa phát triển đầy đủ để linh hoạt trong cõi thiên đàng. Tuy nhiên sự hiện hữu của nhân thể (causal body) không hư hoại đã thu nhận, chứa đựng những đặc tính của con người và chuyển sang kiếp tái sinh tương lai, để tiếp tục phát triển trên cõi trần. Vai trò của hồn khóm trong những giai đoạn tiến hóa đầu tiên, nay được thay thế bằng nhân thể của con người, và sự liên tục này cần thiết cho tiến bộ trong mọi trường hợp. Không có nhân thể, sự tích lũy khả năng trí thức và kinh nghiệm đạo đức không thực hiện được. Cũng như nếu không có sự tồn tại liên tục của nguyên sinh chất (plasm) thì những kinh nghiệm vật chất, như là những đặc tính chủng tộc và gia đình không thể tích lũy được. Thật là kỳ lạ nếu cho rằng linh hồn xuất hiện đột nhiên, không liên hệ với những giai đoạn trước, mà tự nhiên có những đặc tính về trí năng, đạo đức thật đặc biệt; cũng như tin một cách vô lý rằng, trẻ con, với những tính chất đặc biệt về chủng tộc và gia đình, đột ngột xuất hiện, không biết từ đâu đến, không liên hệ đến bất cứ người nào. Không có một người nào cùng với xác thân của họ được tạo dựng trực tiếp bởi quyền năng của Thượng Đế mà không có nguyên nhân từ trước. Như trong nhiều trường hợp khác, những vật vô hình được nhìn thấy rõ bởi có sự tương đồng với vật hữu hình; và vật hữu hình, thật sự chẳng có gì khác hơn là những hình ảnh được phản chiếu bởi những vật vô hình (the reflexion of things unseen). Nếu không có sự liên tục trong nguyên sinh chất, sẽ không có phương tiện để cho những tính chất đặc biệt của vật chất tiến hóa. Cũng thế, nếu không có sự liên tục của trí thông minh, sẽ không có phương tiện cho sự tiến hóa của trí năng và phẩm chất đạo đức của con người. Trong cả hai trường hợp vừa kể, nếu không có sự tiếp diễn liên tục, sự tiến hóa đã dừng lại từ giai đoạn đầu, và thế giới sẽ ở vào thời đại hỗn độn vô tận, cô lập từ lúc khởi thủy, thay vì là một vũ trụ liên tục tiến triển.

Chúng ta đừng quên ghi nhận rằng, vào thời kỳ nguyên thủy, có rất nhiều tác nhân từ môi trường chung quanh thúc đẩy sự phát triển cá nhân theo kiểu mẫu và theo bản chất của nó. Cuối cùng, mọi linh hồn phải phát triển tất cả những khả năng của chúng, và thứ tự mà những khả năng được phát triển tùy thuộc vào chính những hoàn cảnh mà linh hồn được đặt vào. Khí hậu, đất đai màu mỡ hay khô cằn, cuộc sống trên núi non hay đồng bằng, trong những cánh rừng lục địa hay ven bờ đại dương bao la, yếu tố này hay vô số yếu tố khác kích thích sự hoạt động phần này hay phần khác của năng lượng thể trí đang thức tỉnh. Một đời sống vô cùng gian khổ, cùng với sự chiến đấu triền miên với thiên nhiên sẽ khiến cho những khả năng khác nhau phát triển nhiều hơn cuộc sống ở một hòn đảo miền nhiệt đới sung túc, phì nhiêu. Tất cả những khả năng đều cần thiết cho linh hồn chinh phục mọi miền của thiên nhiên, nhưng có sự khác nhau rõ rệt giữa các linh hồn, dù cùng một tuổi với nhau. Linh hồn này có thể tiến hóa hơn linh hồn kia, rất nhiều, tùy theo năng lực của linh hồn mang nhiều hay ít tính chất ‘‘thực hành’’ hay ‘‘suy tư’’, nói khác đi là những năng lượng hoạt động hướng ngoại, hay những khả năng tĩnh lặng, suy tư hướng nội. Linh hồn hoàn hảo đều có đầy đủ các khả năng, còn linh hồn đang tiến hóa phải phát triển lần lượt những khả năng ấy. Đó cũng là nguyên nhân của biết bao trạng thái khác nhau giữa con người.

Chúng ta nên nhớ rằng sự tiến hóa của con người có tính cách cá biệt. Trong một nhóm được hồn khóm bảo dưỡng, thì bản năng của những phần tử trong nhóm đều giống nhau, chính hồn khóm chất chứa những kinh nghiệm, và tuôn đổ vào tất cả hình thể trong nhóm của nó. Nhưng mỗi con người chỉ có một xác thân vật chất trong mỗi kiếp sống, chính nhân thể (causal body) là nơi chứa đựng tất cả những kinh nghiệm và tuôn đổ sự sống vào thể xác duy nhất đó, chớ không bao giờ vào thể xác của kẻ khác, vì không có sự liên hệ với nó. Vì thế, chúng ta thấy có sự khác nhau, phân chia giữa cá thể của những con người nhiều hơn là sự khác biệt giữa những con vật cùng loại. Thế nên, những đặc tính của sự tiến hóa ở con người không thể được nghiên cứu như một tập thể, mà phải được xem xét từng hành trình cá nhân. Khoa học không đủ khả năng để giải thích vì sao một số người đã đạt được trí tuệ và đạo hạnh phi thường vượt hẳn đồng bào, chủng tộc của họ, và khoa học cũng không thể truy tìm dấu vết về sự tiến hóa trí tuệ của một người như đức Shankaracharya, đức Pythagore, và đạo đức vẹn toàn như đức Phật, đức Christ.

Đến đây, chúng ta hãy xét qua các yếu tố về luân hồi, vì hiểu rõ điều này vô cùng cần thiết để giải thích vài sự việc khó khăn, rắc rối – như là sự mất trí nhớ – đối với những người không quen về ý niệm này. Ta thấy, sau khi thể xác chết, con người trải qua vùng cảm dục giới (Kamaloka) và thiên đàng (Devachan); họ lần lượt mất thể xác, thể vía và thể trí. Các thể đó sẽ tan rã và những phần tử cấu tạo nên nó sẽ hòa lẫn trở lại với chất liệu của mỗi cõi tương ứng với chúng. Sự liên hệ giữa con người và thể xác hoàn toàn bị cắt đứt, nhưng mầm mống của những khả năng và phẩm chất của thể tình cảm và thể hạ trí của con người, tức chủ thể tư tưởng, đã thu hoạch qua sinh hoạt ở cõi trần được tích lũy trong nhân thể (causal body). Đó là những hạt giống của thể vía và thể hạ trí cho kiếp tái sinh sắp tới. Trong giai đoạn này, con người đơn độc một mình, như người nông dân đã thu hoạch mùa màng đem về nhà, và sống với sự thu hoạch ấy đến khi tiêu thụ hết. Khi buổi rạng đông của một đời sống mới bắt đầu, họ phải trở lại công việc kiếm sống cho đến lúc xế chiều của cuộc đời.

Đời sống mới bắt đầu với sự sinh động của mầm giống thể trí, chúng thu hút chất liệu ở những cảnh thấp của cõi trí, cho đến khi thể trí phát triển, đến mức tiêu biểu chính xác cho trình độ tiến hóa trí năng, và cơ quan của thể trí có thể diễn đạt những khả năng trí tuệ của người ấy. Nhưng kinh nghiệm của quá khứ không tồn tại bằng hình ảnh trong thể trí mới, vì chúng đã bị hoại diệt theo với thể trí cũ, chỉ còn lại phần tinh hoa, những hiệu quả từ khả năng được giữ lại. Phần tinh hoa này là thực phẩm của thể trí, là chất liệu dệt nên năng lực; chúng tái hiện dưới dạng năng lực, chọn lựa chất liệu, tạo thành các cơ quan cho thể trí mới. Thời kỳ tái sinh sắp tới, khi con người, tức chủ thể tư tưởng khoác một thể trí mới ở vùng thấp của cõi trí, làm sinh động mầm mống thể tình cảm (astral germ) và tạo nên một thể cảm dục mới cho đời sống của nó nơi cõi trung giới (astral plane). Thể này tiêu biểu chính xác bản chất dục vọng của con người trong kiếp đã qua, nó được tạo lại một cách trung thực tính chất của thể tình cảm từ kiếp trước, ví như hạt giống chứa đựng những đặc tính của cây. Bây giờ con người đã được trang bị đầy đủ cho kiếp sống sắp tới, và ký ức về những biến cố thuộc kiếp sống đã qua đều được giữ lại trong nhân thể, là thể tồn tại từ kiếp này sang kiếp khác.

Trong khi đó, tác động bên ngoài được dùng trong việc cấu tạo nên thể xác thích hợp cho việc diễn đạt những phẩm chất của con người. Trong những kiếp đã qua, con người đã có liên hệ trách nhiệm và ràng buộc với nhiều người khác. Những sự ràng buộc này, một phần sẽ định đoạt nơi chốn sinh ra và dòng họ gia đình.[76] Con người là nguồn hạnh phúc hay khổ đau cho những người khác, và cũng là yếu tố xác định tình trạng cho kiếp sống tương lai. Bản chất ham muốn của con người được thuần thục hay còn hỗn loạn, không điều hòa, là đặc tính di truyền vật chất cho xác thân mới. Một người đã trau giồi vài khả năng trí tuệ như nghệ thuật chẳng hạn, thì khả năng này sẽ là đặc tính di truyền vật chất, là một nhân tố quan trọng cấu tạo nên hệ thống thần kinh tinh vi, và một xúc giác nhạy cảm rất cần thiết để năng khiếu biểu lộ. Hiển nhiên con người cũng có những đặc tính không thích hợp; thế nên trong một cơ thể, chỉ có một số đặc tính thích hợp được biểu lộ, vì chỉ có một nhóm năng lực thích hợp cho sự biểu lộ cùng một lúc được chọn lọc. Tất cả những sự kiện này được hoàn thành bởi những Đấng Thông Tuệ tinh thần cao cả,[77] thường được biết đến với tên là những ‘‘Đấng Chưởng Quản Nhân Quả’’ (the Lord of Karma). Công việc của các Ngài là coi sóc và xếp đặt đúng lúc các nguyên nhân liên tiếp phát sinh do hậu quả của tư tưởng, tình cảm và hành động của con người. Các Ngài nắm giữ sợi dây số mạng do con người tự dệt lấy từ những kiếp đã qua, và hướng dẫn con người luân hồi vào đúng hoàn cảnh, môi trường do chính họ đã chọn một cách vô thức từ quá khứ.

Chủng tộc, quốc gia, gia đình đã được định đoạt, có thể nói đó là cái khuôn của xác thân vật chất, do các Đấng cao cả sắp xếp để thích hợp cho con người biểu lộ những tính chất, và giải quyết những nguyên nhân mà họ đã tạo ra. Thể dĩ thái mới (the new etheric double) là bản sao y hệt cái khuôn đó, được tạo thành trong lòng tử cung của bà mẹ bởi những tinh linh, mà năng lực tác động là tư tưởng của các Đấng Chưởng Quản Nhân Quả. Thể xác nặng trược lần lượt hình thành từ từng phân tử trong thể dĩ thái và theo đúng chính xác khuôn mẫu với nó; nơi đây, những chất liệu vật chất được cung cấp này ảnh hưởng trọn vẹn đến đặc tính di truyền vật chất. Hơn nữa, tư tưởng, tình cảm của những người chung quanh, đặc biệt với sự hiện diện liên tục của cha mẹ, ảnh hưởng lên công việc của tinh linh tạo hình. Những người trong quá khứ đã có sự ràng buộc chặt chẽ với cá thể luân hồi, ảnh hưởng đến những điều kiện vật chất trong sự phát triển xác thân của nó trên cõi trần. Trong giai đoạn đầu tiên, thể vía mới (new astral body) liên hệ với thể dĩ thái mới (new etheric double), ảnh hưởng rất nhiều trên sự tạo thành nó, và xuyên qua đó thể trí tác động lên sự cấu tạo hệ thống thần kinh, chuẩn bị nó trở thành một dụng cụ thích hợp cho chính sự biểu lộ của thể trí trong tương lai. Ảnh hưởng này khởi sự trong đời sống của thai nhi trước khi sinh ra. Do đó, khi một đứa bé vừa sinh ra thì hệ thống não bộ của nó đã phát triển đến một mức độ nào đó, và có sự thăng bằng của trí năng, cũng như đặc tính tinh thần. Ảnh hưởng của thể trí lên sự cấu tạo hệ thần kinh vẫn duy trì sau khi chào đời. Sự cấu tạo não bộ và hệ thần kinh, tương quan với thể tình cảm và thể trí tiếp tục cho đến khi đứa bé được bảy tuổi; đến tuổi này sự liên kết giữa con người và xác thân của nó đã hoàn tất, và có thể nói là kể từ đây nó tác động xuyên qua xác thân. Trước tuổi này, tâm thức của chủ thể tư tưởng trụ nơi cõi trung giới hơn là cõi trần, và điều này làm cho trẻ con thường có những cảm nhận siêu nhiên. Chúng trông thấy những bạn hữu vô hình và những phong cảnh thần tiên, nghe được âm thanh mà những người lớn không nghe thấy; nhận được những điều tưởng tượng tế nhị, quyến rũ nơi cõi trung giới. Nói chung, những hiện tượng này sẽ tan biến khi chủ thể tư tưởng bắt đầu hoạt động hữu hiệu xuyên qua xác thân; thế là mộng mơ thời trẻ con qua đi. Nay chúng trở thành những trẻ em nam nữ bình thường, điều này làm dịu bớt sự lo âu, bối rối của kẻ làm cha mẹ trước tính tình ‘‘kỳ quặc’’ của con, mà họ hoàn toàn không hiểu nguyên nhân vì sao. Phần đông trẻ con vẫn còn ít nhiều liên quan với sự ‘‘kỳ quặc’’ này, nhưng chúng nhanh chóng tìm cách che giấu sở thích và ảo tưởng này, vì người lớn không thông cảm; và chúng sợ những lời trách mắng hoặc chế giễu, nhạo báng khi chúng nói ra những chuyện ấy. Cha mẹ không thể nhìn thấy não bộ của trẻ con đang rung động theo những tác động trộn lẫn giữa vật chất và cảm giới, mà chúng không sao tách rời ra được. Đôi khi chúng tiếp nhận từ miền cao hơn, một ảo ảnh đẹp đẽ thanh thoát, mà chúng không thể diễn đạt được qua trung gian những ngôn từ chưa quen. Đây là sự tiếp xúc mà chúng đang ý thức và cố gắng nắm giữ, duy trì.

Nếu vấn đề luân hồi được tin tưởng và hiểu biết, người ta sẽ cảm thông và trợ giúp được cho linh hồn ở xác thân non trẻ chủ động kiểm soát những thể mới của chúng. Với sự hiểu biết, chúng ta sẽ giúp cho linh hồn ở trẻ con có được sự liên hệ trọn vẹn hơn với thể xác, mà không bị giảm bớt năng lực khi gây những ấn tượng, cũng như những rung động tế nhị lên thể xác đậm đặc.



 

CHƯƠNG VIII LUÂN HỒI (tiếp theo)

(Reincarnation – continued)

Qua những giai đoạn phát triển của tâm thức, chủ thể tư tưởng đã nhiều lần luân hồi trong suốt chu kỳ dài, trải qua những kiếp sống ở ba cõi thấp như đã nói ở phần trước; điều hiển nhiên là những kiếp đó rất cần thiết để thu thập kinh nghiệm. Khi con người có phần nào tiến bộ, và khả năng trí tuệ phát triển nhiều hơn, sẽ có niềm tin vững chắc về vấn đề luân hồi.

Ở những giai đoạn đầu, tất cả kinh nghiệm đều thuộc về cảm giác, trí năng chỉ thu thập được kinh nghiệm khi nhận ra sự liên hệ với những đối tượng nào sẽ đưa đến cảm giác ưa thích, và với những đối tượng khác sẽ đưa đến cảm giác đau khổ. Những đối tượng này tạo thành hình tư tưởng, những hình này sớm bắt đầu tác dụng như là một sự kích thích, để tìm kiếm những đối tượng đem lại sự ưa thích; khi những đối tượng đó không hiện diện, thì những mầm của ký ức và sáng kiến của trí năng sẽ làm cho chúng xuất hiện qua sự tưởng tượng. Đó là sự phân chia sơ lược đầu tiên về ngoại giới, và được nối tiếp bởi ý tưởng phức tạp hơn về sự vui thích và đau khổ.

Ở giai đoạn tiến hóa này trí nhớ rất ngắn ngủi, hay nói cách khác, hình ảnh tư tưởng chỉ thoáng qua, không giữ được lâu bền. Chủ thể tư tưởng còn non trẻ, chưa bắt đầu có khả năng suy đoán điều gì sẽ xảy ra dựa theo những việc đã qua. Những hành động của nó được hướng dẫn từ bên ngoài, bởi sự va chạm đến từ ngoại giới, và hơn nữa là do sự thèm khát thỏa mãn những thị dục và đam mê. Con người ấy sẽ bỏ qua bất cứ điều gì để theo đuổi sự thỏa mãn cấp thời, dù rằng những điều bị bỏ qua đó có thể cần thiết cho cuộc sống trong tương lai, vì nhu cầu hiện tại vượt trên tất cả những vấn đề khác. Trong những sách về du lịch đó đây, có tường thuật nhiều trường hợp điển hình của linh hồn còn ấu trĩ. Bất cứ ai để tâm nghiên cứu tình trạng tiến hóa trí năng của người hoang dã đều nhận ra nhiều trường hợp như thế, và tác giả của những bài viết đã so sánh tình trạng trí năng của người hoang dã với người bình thường trong xã hội ta.

Trình độ đạo đức cũng không tiến bộ gì hơn khả năng trí tuệ, khi con người chưa có ý niệm về thiện, ác. Cũng không thể truyền đạt quan niệm về tốt xấu đến những trí óc hoàn toàn chưa phát triển. Từ ngữ «tốt» và «thích thú» có thể bị họ dùng lẫn lộn nhau, như trong câu chuyện nổi tiếng về một thổ dân ở Úc Châu được Charles Darwin kể lại. Một thổ dân đang bị cơn đói hành hạ, để có thức ăn, anh ta dùng cây giáo đâm thẳng vào sinh vật đang ở kế cận, đó là vợ anh ta. Một người Âu đang có mặt, phản đối và trách mắng sự hung ác ấy, nhưng người dã man vẫn thản nhiên, không lộ một vẻ gì xúc động cả, mà lại tưởng người Âu cho rằng thịt của vợ anh ta không ngon, khó tiêu. Sau bữa ăn, để chứng minh mình có lý, một nụ cười bình thản nở trên môi, anh ta vỗ nhẹ bụng một cách khoái trá và tuyên bố, ‘‘Nó thật là quá ngon.’’ Vậy, trình độ cách biệt về tinh thần giữa người thổ dân này với Thánh Francis of Assisi thật quá xa. Như thế, phải có sự tiến hóa của linh hồn trong khi có sự tiến hóa của xác thân, nếu không, sẽ xảy ra nhiều rối loạn.

Từ tình trạng phôi thai của thể trí, con người có thể tuần tự biểu lộ và phát triển khả năng theo hai con đường: được dạy dỗ trực tiếp hoặc được kiểm soát bởi những nhân vật tiến hóa hơn, hay là tự phát triển chậm chạp không ai giúp đỡ. Trường hợp sau, là con đường tiến bộ quá chậm, kéo dài nhiều ngàn năm, không ai nêu gương sáng, không có một kỷ luật nào, để nổi trôi theo những va chạm thay đổi của ngoại cảnh, và những người chung quanh cũng kém phát triển như họ; còn năng lực bên trong thì thức động rất chậm chạp. Trên thực tế, sự tiến hóa của con người phải được trực tiếp giáo huấn, được nêu gương tốt và phải tuân thủ giới luật. Như ta thấy, khi một số lớn nhân loại bình thường đã tiếp nhận tia sáng thiêng liêng phát sinh từ chủ thể tư tưởng, thì một số ‘‘Con của trí tuệ vĩ đại’’ (greater Sons of Mind) hiện thân tại cõi trần, đó là các Bậc Thầy Cao Cả, đồng thời cũng có một số vị «con của trí tuệ» thuộc đủ các cấp độ tiến hóa, nối tiếp hiện thân để khởi xướng một phong trào tiên phong hướng thượng cho nhân loại. Do ảnh hưởng từ tâm của các Bậc Thầy Cao Cả và những vị phụ tá có phận sự giáo hóa người còn yếu kém, lúc ban đầu nhân loại được dạy dỗ tuân thủ đạo lý cơ bản và sống một đời lành mạnh, nhờ đó những linh hồn còn phôi thai sớm phát triển lý trí và đạo đức. Mặt khác, có những tài liệu lưu giữ đề cập đến rất nhiều dấu vết còn sót lại của những nền văn minh đã biến mất từ lâu. Có những công trình cho thấy thời xưa đã có một kỹ thuật xây dựng rất cao, chứng tỏ giữa đám quần chúng còn ấu trĩ, đã có những người tài trí và khả năng siêu đẳng. Những sự kiện này chứng minh trên địa cầu chúng ta, vào thời xa xưa đã có sự hiện diện của những bậc có tài hoạch định chương trình và thực thi những công trình vĩ đại.

Đến đây, chúng ta tiếp tục nghiên cứu giai đoạn đầu của sự tiến hóa tâm thức. Trong giai đoạn này, cảm giác hoàn toàn làm chủ thể trí, và dục vọng đã kích thích những cố gắng hoạt động đầu tiên của thể trí. Như thế khả năng đoán trước và xếp đặt công việc thật vụng về, chậm chạp. Con người bắt đầu nhận ra sự liên hợp cố định của vài hình tư tưởng, khi một hình ảnh hiện ra trong trí, họ chờ đợi hình ảnh khác xuất hiện tiếp theo, rồi bắt đầu suy luận: «dĩ nhiên điều đó phải xảy ra như vậy!» Con người bắt đầu rút ra những kết luận và bắt tay hành động đầy tin tưởng vào những kết luận này, đây là một sự tiến bộ quan trọng. Đôi khi họ khởi sự có ý tưởng do dự, nhưng rồi một lần nữa lại tuân theo sự thúc bách mạnh mẽ của dục vọng. Sở dĩ họ do dự bởi vì họ nhận thấy nhiều lần rằng khi sự đòi hỏi được thỏa mãn đều dẫn đến sự đau khổ và hối hận trong trí họ. Sự do dự này được gia tăng do những luật lệ cấm đoán con người không được lao vào vài điều ưa thích. Họ được bảo rằng, họ sẽ bị đau khổ nếu không tuân theo, và họ cũng tự nhận thấy những điều thích thú say mê, thật sự kéo theo sau nhiều phiền phức. Tuy nhiên, những thích thú mà họ mong đợi đã ghi một ấn tượng sâu sắc trong thể trí của họ nhiều hơn những điều phiền phức mà họ không mong đợi, vì vậy đó chỉ là những việc xảy ra tình cờ. Do đó có sự xung đột liên tục giữa ký ức và dục vọng, nhờ vậy mà chức năng của thể trí trở nên linh động và bén nhạy hơn. Thật ra những sự xung đột trong trí đánh dấu thời kỳ chuyển tiếp quan trọng qua giai đoạn thứ hai.

Đến giai đoạn này, bắt đầu cho thấy sự nẩy mầm của ý chí. Chính dục vọng và ý chí hướng dẫn hành động của con người, và ý chí còn được định nghĩa như một dục vọng trấn áp những dục vọng khác. Nhưng đó chỉ là một tầm nhìn thô sơ, thiển cận, chẳng giải thích được điều gì cả. Dục vọng là năng lượng do chủ thể tư tưởng phóng ra bên ngoài theo chiều hướng thu hút và hấp dẫn của ngoại giới. Còn ý chí là nguồn năng lượng do chủ thể tư tưởng phóng ra bên ngoài, theo chiều hướng mà những kết luận rút ra được từ những kinh nghiệm quá khứ, hay trực tiếp do khả năng trực giác của chính chủ thể tư tưởng. Nói khác đi, dục vọng do bên ngoài dẫn dắt, còn ý chí phát xuất từ bên trong. Khi bắt đầu cuộc tiến hóa của con người, dục vọng hoàn toàn làm chủ và thúc đẩy con người đi lang thang. Ở giai đoạn giữa của cuộc tiến hóa, dục vọng và ý chí liên tục tranh chấp lẫn nhau, thỉnh thoảng dục vọng chiến thắng, đôi khi ý chí làm chủ tình hình. Vào giai đoạn cuối của cuộc tiến hóa, dục vọng bị tiêu diệt, và ý chí lãnh đạo một cách tuyệt đối, hoàn toàn không có sự đối kháng. Trước khi chủ thể tư tưởng phát triển đầy đủ để thấy trực tiếp, thì ý chí được hướng dẫn bởi lý luận. Lý luận chỉ có thể rút ra kết luận từ những hình tư tưởng tích chứa trong thể trí, vốn là kinh nghiệm của nó; nhưng những tích trữ này có giới hạn, do đó ý chí không ngớt đưa ra những hành động lầm lỗi. Những đau khổ do hành động lầm lỗi này làm gia tăng hình tư tưởng trong thể trí, đồng thời giúp lý trí có một số vốn dồi dào hầu rút ra những kết luận thích hợp hơn, từ đó có sự tiến bộ và nảy sinh minh triết.

Dục vọng thường trộn lẫn với ý chí, thế nên những gì có vẻ là đã được quyết định từ bên trong, thật ra là lòng khao khát, ham muốn những sự vật do bản chất thấp kém mong được thỏa mãn. Thay vì là một cuộc đấu tranh giữa dục vọng và ý chí, bên yếu kém hơn lại tự xen vào một cách tinh vi bên có khuynh hướng mạnh hơn và xoay tiến trình về một phía. Thất bại trên trận chiến, dục vọng cá nhân dùng những âm mưu để hại kẻ chiến thắng. Không thắng được bằng sức mạnh, dục vọng cá nhân thường thắng bằng những quỉ kế gian giảo. Trong suốt giai đoạn thứ hai quan trọng này, những khả năng của hạ trí đang trong tiến trình phát triển trọn vẹn, và sự xung đột là tình trạng thường xảy ra, xung đột giữa thói quen cảm giác và qui tắc của lý trí.

Vấn đề mà nhân loại phải giải quyết là chấm dứt sự xung đột, đồng thời phải duy trì sự tự do ý chí. Ý chí phải thật vững chắc thì mới có thể quyết định chọn lựa điều cao đẹp nhất. Tốt nhất là được tự ý chọn lựa, điều này cần phải đi chung với sự quyết đoán chắc chắn. Cần nhiều nghị lực mới có thể xác quyết chắc chắn một luật lệ phải theo, và mỗi người được tự do định đoạt hướng đi riêng của mình. Với sự hiểu biết thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách giản dị, mặc dù lúc đầu có vẻ mâu thuẫn không thể nhân nhượng được. Hãy để con người tự do lựa chọn cách thức hành động của mình, vì mọi hành động đều đem lại kết quả không sao tránh khỏi. Hãy để con người theo đuổi những sự vật mà họ ham muốn, và chiếm hữu những gì đem lại thích thú cho họ, kết quả của sự chọn lựa sẽ đến với họ, nó có thể hạnh phúc hoặc khổ đau. Đến một lúc nào đó, họ sẽ tự nguyện buông bỏ những gì họ đã chiếm giữ mà nó là nguyên nhân gây nên đau khổ. Từ đó họ sẽ không còn ham muốn nữa, vì họ đã có nhiều kinh nghiệm rằng sự chiếm hữu sẽ đưa đến thống khổ. Hãy để con người phấn đấu hầu nắm giữ được niềm vui và tránh xa nỗi khổ; họ sẽ nhiều lần bị nghiền nát bởi những tảng đá của luật lệ, và bài học phải lặp lại nhiều lần, nếu cần. Vậy, sự tái sinh qua nhiều kiếp sống ở trần gian rất cần thiết cho phần lớn những người lười học. Lòng ham muốn những sự vật mang lại đau khổ, dần dần sẽ được tiêu trừ. Khi ấy con người sẽ không còn đeo đuổi những sự vật có vẻ quyến rũ nữa, chúng đã mất năng lực hấp dẫn đối với họ, không phải do bị ép buộc mà là do tự do lựa chọn. Từ sự vật này đến sự vật khác, sự chọn lựa càng lúc càng gần với sự hài hòa của định luật cao cả. ‘‘Có rất nhiều con đường lầm lạc; nhưng chỉ có một con đường Chân Lý.’’ Khi đã trải qua khắp các nẻo đường sai quấy, để rồi cuối cùng đau khổ, thì con người sẽ lựa chọn con đường chân lý một cách vững vàng, không bị lay chuyển, vì đã có căn bản hiểu biết. Những loài thấp kém hoạt động thật hài hòa, vì bị cưỡng bách bởi luật; còn trong hàng ngũ nhân loại, có sự hỗn loạn đấu tranh của ý chí, tranh chấp nhau, nổi loạn chống lại luật. Tuy nhiên chẳng bao lâu nữa, những việc này sẽ tiến đến hợp nhất cao đẹp, do sự lựa chọn hài hòa và tự nguyện tuân thủ luật lệ; việc tuân theo luật lệ này đặt căn bản trên sự hiểu biết, cùng với ký ức về những kết quả đau thương do không tuân giữ luật, từ đó con người không còn bị kéo lệch hướng bởi những điều cám dỗ nữa. Do vô minh và thiếu kinh nghiệm, con người thường có nguy cơ sa ngã. Nhưng đối với một vị Thần Minh hiểu biết và đầy đủ kinh nghiệm về điều tốt và điều xấu, sự lựa chọn của Ngài vượt hẳn lên trên tất cả những biến đổi có thể xảy ra.

Trong lãnh vực đạo đức, ý chí thường được mệnh danh là ‘‘lương tâm’’, và trong lãnh vực này cũng có sự khó khăn như trong những hoạt động khác. Cho đến lúc các hành động gặp nhiều khó khăn và gây ra những hậu quả cứ tái diễn mãi, quá quen thuộc đối với lý trí hoặc chính chủ thể tư tưởng, bấy giờ lương tâm sẽ tức khắc lên tiếng một cách cương quyết. Nhưng khi xảy ra những vấn đề mới, dĩ nhiên chưa có kinh nghiệm, thì tâm thức không sao lên tiếng một cách chắc chắn được, còn lý trí thì đáp ứng một cách do dự, nghi ngờ; chủ thể tư tưởng không thể giải quyết những trường hợp xảy ra, nếu chưa có kinh nghiệm. Như thế, tâm thức thường quyết định sai lầm, và ý chí không được sự hướng dẫn của lý luận hoặc trực giác, nên không có phương hướng rõ ràng. Đến đây, chúng ta cũng nên xét qua những ảnh hưởng tác động từ bên ngoài lên thể trí, do những hình tư tưởng của kẻ khác như: bạn bè, gia đình, cộng đồng và quốc gia.[78] Tất cả những hình tư tưởng này vây chung quanh, và khi thâm nhập vào bầu không khí của thể trí, chúng bị thay đổi hình dạng và sự cân xứng. Do ảnh hưởng đó, lý trí không thể xét đoán đúng đắn theo chính kinh nghiệm của nó, mà nó thường có những kết luận sai lạc về các sự vật đã bị môi trường làm biến đổi.

Sự tiến hóa của khả năng đạo đức phần lớn được kích thích bởi những cảm xúc, cũng như vài thú tính và ích kỷ còn lưu lại từ thời kỳ ấu trĩ của chủ thể tư tưởng. Như thế cần phải có lý trí sáng suốt để xác định những qui luật đạo đức, và nhận rõ những qui luật vận hành của thiên nhiên, từ đó con người xử sự hòa hợp với Ý Chí Thiêng Liêng. Khi không bị những quyền lực ép buộc từ bên ngoài, thì động lực để con người tuân thủ theo những qui luật này có cội rễ là tình thương. Tình thương là bản chất thiêng liêng tiềm ẩn trong lòng nhân loại, tìm cách ban rải ra bên ngoài và tự hiến dâng cho kẻ khác. Đạo đức bắt đầu trong chủ thể tư tưởng còn non nớt, khi lần đầu nó được biết thế nào là tình thương đối với vợ, con, bạn bè; bằng vài hành động phục vụ cho những người nó yêu thương mà không một chút ý nghĩ vụ lợi. Đây là lần đầu tiên bản chất thấp hèn bị chinh phục, một thắng lợi lớn trên đường đạt đến nền đạo đức hoàn hảo. Vấn đề quan trọng là đừng bao giờ tìm cách tiêu diệt hay làm suy giảm tình cảm; theo huyền bí học, nó rất cần trong những giai đoạn thấp. Dù tình cảm thô thiển, không trong sáng, cũng có thể cần thiết cho vấn đề tiến hóa về mặt đạo đức, vì người có trái tim lạnh lùng, và tự cô lập, chính họ tự loại ra ngoài cuộc sống. Làm cho mình trở nên trong sạch thì dễ dàng hơn là có tình thương đối với người khác. Do đó các Đấng Chân Sư Cao Cả nói rằng: ‘‘Những kẻ tội lỗi được gần với cõi thiên đàng hơn những tín đồ phái Pharisee và những luận sư Do Thái Giáo.’’

Giai đoạn lớn thứ ba của sự phát triển tâm thức gồm có vấn đề phát triển năng lực cao của trí tuệ. Thể trí hoàn toàn không còn đeo đuổi theo những hình tư tưởng tạo ra do cảm giác, nó cũng không còn lý luận dựa theo những đối tượng hoàn toàn cụ thể, cũng như không quan tâm đến những đặc tính dị biệt của các vật. Chủ thể tư tưởng đã học được cách phân biệt rõ ràng giữa những sự vật, dựa theo sự khác biệt của chúng. Bây giờ nó bắt đầu phân chia sự vật thành những nhóm có chung một số đặc tính và tạo nên sự liên kết giữa chúng; cũng như hoạch định ranh giới giữa những sự vật có cùng đặc tính chung và những sự vật khác hẳn nhau. Bằng cách này, nó phát triển năng lực nhận thức sự đồng nhất giữa nhiều loại, một bước tiến đến gần nhận thức về sự hiện diện của một nguyên lý duy nhất ẩn tàng trong muôn loài vạn vật. Chủ thể tư tưởng phân loại tất cả những gì ở chung quanh, phát triển khả năng tổng hợp, và học hỏi về sự kiến tạo cũng như sự phân tích. Khi tiến thêm một bước nữa, nó bắt đầu nhận thức tính chất chung của một số sự vật, phân biệt với tất cả các sự vật khác, đồng thời tạo nên hình tư tưởng thanh cao hơn hình tư tưởng của một vật cụ thể, hình ảnh của một ý tưởng không bao giờ có trong thế giới hiện tượng, nó chỉ hiện hữu trên những mức độ cao của cõi trí, và cung cấp chất liệu để chủ thể tư tưởng hoạt động. Hạ trí (the lower mind) vươn đến ý tưởng trừu tượng nhờ lý luận, như là thực hiện một chuyến bay cao đến trước ngưỡng cửa cõi vô sắc giới, và thoáng trông thấy tình trạng thực tại nơi đây. Chủ thể tư tưởng nhận thấy những ý tưởng này và thường sống giữa chúng. Khi năng lực của trí trừu tượng được thực tập và phát triển, chủ thể tư tưởng trở nên linh hoạt trong chính thế giới của nó, và khởi sự một đời sống hoạt động trong đó. Những người được như thế, không còn chú trọng nhiều đến đời sống cảm giác, không để ý nhiều đến những sự việc thuộc ngoại giới và những hình ảnh từ vật thể bên ngoài đến thể trí. Năng lực của họ được thu vào nội tâm, không còn buông thả, tìm kiếm vui thích ở ngoại cảnh nữa. Họ tự sống an bình bên trong và chú tâm vào vấn đề triết lý, với những tư tưởng thâm sâu. Họ tìm hiểu nguyên nhân, thay vì bận tâm với hiện tượng xảy ra bên ngoài. Càng ngày họ càng đến gần nhận thức có Một Nguyên Lý Duy Nhất ẩn tàng bên trong tất cả mọi sự vật trong thiên nhiên.

Trong giai đoạn tiến hóa thứ tư của tâm thức, con người trực nhận Nguyên Lý Duy Nhất, các chướng ngại của tri thức đã vượt qua, tâm thức mở rộng ra bên ngoài và ôm trọn vũ trụ vào lòng. Con người nhận thấy tất cả vạn vật trong chính mình và là những phần tử của chính mình. Họ tự thấy mình như là một tia sáng của Thượng Đế, và là một với Ngài. Như thế, chủ thể tư tưởng ở đâu? Nó đã trở thành Tâm Thức (he has become Consciousness), trong khi linh hồn thiêng liêng, nếu muốn, có thể sử dụng bất cứ thể thấp nào của nó mà không bị giới hạn, và những thể thấp cũng không cần thiết cho sự sống đầy đủ ý thức. Vì xác thân vật chất không tránh khỏi bị hủy hoại, nên sự luân hồi rất cần thiết để con người đạt được sự trường tồn. Khi ấy con người sẽ trở thành ‘‘cột trụ trong đền thờ đức Thượng Đế và không bao giờ rời xa nữa.’’

Tóm lại, chúng ta cần hiểu biết sự linh hoạt nối tiếp nhau của các dụng cụ tâm thức, từng thể một khởi sự hoạt động, như những dụng cụ thích hợp của linh hồn con người. Ta thấy, từ lúc vừa bắt đầu có sự sống riêng biệt, chủ thể tư tưởng đã khoác vào thể hạ trí, thể cảm dục, thể dĩ thái và thể xác vật chất đậm đặc. Những thể này là trung gian để chủ thể tư tưởng chuyển sự rung động ra bên ngoài, có thể gọi đó là chiếc cầu của tâm thức; qua đó, tất cả những xung động từ chủ thể tư tưởng có thể chuyển ra bên ngoài, và tất cả những va chạm từ ngoại giới có thể chuyển về nó. Nói một cách tổng quát, chủ thể tư tưởng sử dụng liên tiếp từ thể này đến thể kia, như là những phần của toàn thể kết nối nhau. Sự việc này rất khác biệt với sự linh động trở lại của mỗi thể để cung ứng cho tâm thức như một phương tiện riêng biệt, độc lập với các thể thấp dưới nó. Bây giờ chúng ta xem xét vấn đề linh hoạt trở lại của những thể.

Xác thân đậm đặc là thể thấp nhất phải được sắp xếp để hoạt động được hài hòa. Não bộ và hệ thống thần kinh cần phải được chuẩn bị và tinh luyện để có thể đáp ứng với mỗi rung động trong khả năng giới hạn của nó. Trong thời kỳ đầu, lúc xác thân được cấu tạo bằng các nguyên liệu vật chất thô kệch, thì khoảng rung động của thể này rất giới hạn. Não bộ chỉ có thể đáp ứng với những rung động thấp nhất từ chủ thể tư tưởng truyền xuống. Nhưng tự nhiên là nó đáp ứng nhanh chóng đối với sự va chạm từ những vật thể ở ngoại cảnh tương tự như nó. Sự sinh động này là một phương tiện của tâm thức, đáp ứng lại những rung động bắt đầu từ bên trong. Khi có sự hợp tác của bản chất thấp với thành phần cao hơn, cũng như có sự tự nguyện tuân hành theo «ông chủ» bên trong, thì sự linh hoạt được nhanh chóng hơn. Sau rất nhiều kiếp sống ở trần gian, bản chất thấp kém bắt đầu hiểu rằng sở dĩ nó hiện hữu, vì lợi ích của linh hồn, nó có giá trị vì nó có thể trợ giúp cho linh hồn, và con người chỉ có thể đạt được sự bất tử bằng cách hợp nhất với linh hồn.

Trước tiên, sự tiến hóa xảy ra một cách vô thức, và sự thỏa mãn bản chất thấp hèn vốn là mục tiêu của đời sống. Lòng mong muốn thỏa mãn này là bước khởi đầu cần thiết để đánh thức những năng lực của chủ thể tư tưởng, nó không trực tiếp làm cho xác thân trở thành một phương tiện của tâm thức. Sự việc này chỉ đạt được khi con người đặt trung tâm sinh hoạt nơi thể trí, và khi tư tưởng bắt đầu chế ngự cảm xúc. Năng lực của thể trí bắt đầu làm việc qua não bộ cùng hệ thống thần kinh, và những chất liệu thô sơ của hệ thần kinh não tủy dần dần bị đào thải, nhường chỗ cho những chất liệu thanh bai hơn để có thể rung động hoà hợp với sự rung động của tư tưởng truyền đạt xuống. Thể chất của não bộ trở nên thanh nhuyễn hơn và phát triển nhờ những khúc cuộn não tinh vi, phức tạp hơn, làm tăng diện tích của bề mặt bao phủ não bộ, để có thể đáp ứng dễ dàng với những rung động của tư tưởng. Hệ thống thần kinh càng lúc càng được cân bằng, tinh vi và nhạy cảm hơn, cũng như linh hoạt hơn trong việc tiếp nhận những rung động đến từ thể trí. Khi hiểu rằng chức năng của não bộ là một công cụ của linh hồn, như đã trình bày ở trên, con người sẽ cộng tác một cách tích cực và hoàn thành chức năng đó. Khi ấy, phàm ngã thận trọng tự sống theo khuôn phép, và đặt lợi ích vĩnh cửu của con người trường tồn lên trên những thú vui ngắn ngủi, phù du của cõi trần. Thời gian dùng để theo đuổi những thú vui tạm bợ, giờ đây được sử dụng cho sự phát triển năng lực tinh thần. Ngày qua ngày, càng nhiều thời giờ được dành riêng cho công việc học hỏi những vấn đề tinh thần. Não bộ hân hoan tiếp nhận ảnh hưởng từ bên trong, thay vì từ bên ngoài, nó tập đáp ứng lại những tư tưởng liền lạc, và không phóng ra những hình ảnh vô ích, rời rạc, thiếu mạch lạc do những ấn tượng thuộc về quá khứ. Phải biết yên lặng, nghỉ ngơi khi «ông chủ» bên trong không cần đến; phải sẵn sàng đáp ứng, nhưng không khởi xướng sự rung động.[79] Ngoài ra chúng ta cần phải chọn lựa thực phẩm một cách thận trọng và sáng suốt, vì thức ăn tạo ra chất liệu cho não bộ. Phải kiêng cữ những loại thực phẩm thô trược như thịt thú vật, máu huyết và rượu. Nên dùng những thực phẩm tinh khiết, vì nó sẽ tạo nên xác thân tinh khiết. Dần dần những loại rung động thấp sẽ không tìm được chất liệu có khả năng đáp ứng lại chúng, và thể xác càng ngày càng trở thành một dụng cụ trọn vẹn cho tâm thức. Khi ấy não bộ sẽ đáp ứng một cách bén nhạy đối với những rung động của tư tưởng, cũng như đối với những rung động của chủ thể tư tưởng đưa đến. Còn sự cấu tạo thể dĩ thái (the etheric double) được khuôn đúc đúng theo hình dạng của xác thân, cho nên không cần thiết phải học hỏi riêng biệt về sự thanh lọc và sự linh động của nó. Thể dĩ thái cũng không được xem như là một dụng cụ riêng rẽ của tâm thức, vì nó làm việc đồng bộ với thể xác, hai thể này chỉ xa lìa nhau khi bị tai nạn hay khi chết. Thể dĩ thái đáp lại sự rung động khởi lên từ bên trong rất yếu ớt. Thể này được xem như là phương tiện vận chuyển sinh lực (Prana), năng lực sống đặc biệt, chớ không phải là dụng cụ của tâm thức. Khi thể dĩ thái bị xáo trộn, lệch lạc thì những phần của thể xác được nó cung cấp năng lượng sống, sẽ bị rối loạn theo và bị tổn hại.

Thể vía (hay thể tình cảm) là dụng cụ thứ hai của tâm thức được linh hoạt, nó có sự thay đổi trong giai đoạn sắp xếp để vận hành.[80] Khi thể vía được tổ chức đầy đủ, thì tâm thức bắt đầu tác động hoàn toàn trong đó. Trong giấc ngủ, thể vía rời bỏ thể xác để trôi giạt trên cõi trung giới, và tiếp nhận ấn tượng từ những vật thể trung giới, như là những tâm thức mơ mộng. Tâm thức cũng nhận thức những vật thể trung giới qua giác quan của thể vía. Kế đó, nó bắt đầu liên kết những ấn tượng đã tiếp thu với các vật thể đã khởi dậy những ấn tượng đó. Lúc đầu sự nhận thức này còn mơ hồ, giống như thể trí của một đứa bé khi thể xác của nó quá non trẻ, nhưng nhờ kinh nghiệm, những sự kiện này sẽ được điều chỉnh. Chủ thể tư tưởng dần dần khám phá ra những khả năng mới của thể thanh nhẹ này, mà nó có thể sử dụng để kiểm soát các yếu tố trung giới và tự bảo vệ đối với những sự nguy hiểm nơi đó. Con người không bị bỏ rơi một mình nơi thế giới mới lạ này, họ được giúp đỡ, hướng dẫn và che chở bởi các vị có nhiều kinh nghiệm về cõi trung giới, cho đến khi có thể tự bảo vệ. Dần dần dụng cụ mới này của tâm thức hoàn toàn đặt dưới sự kiểm soát của chủ thể tư tưởng, sự sống trên cõi trung giới trở nên tự nhiên và quen thuộc như sự sống nơi cõi trần.

Thể trí, vận cụ thứ ba của tâm thức, rất hiếm khi được linh động do một tác động độc lập mà không nhờ huấn thị trực tiếp của một vị huấn sư. Chức năng của thể trí hoạt động tùy thuộc vào đời sống của người đệ tử huyền môn trong giai đoạn tiến hóa hiện tại của nhân loại.[81] Như ta thấy, thể trí được sắp xếp lại để hoạt động[82] riêng biệt trên cõi trí. Nơi đây, nó cần được huấn luyện và kinh nghiệm trước khi hoàn toàn được kiểm soát bởi ‘‘ông chủ’’. Có những tính chất chung trong ba vận cụ của tâm thức, nhưng có lẽ vận cụ càng thanh nhẹ, càng dễ bị lầm lạc hơn, vì nó hay bị quên lãng, trong khi vận cụ đậm đặc thường được chú ý đến. Đây là mục tiêu mà các thể phải tiến hóa, đến lúc sự tiến hóa vượt lên mức độ cao thì năng lực tiếp nhận và đáp ứng của chúng đối với sự rung động sẽ gia tăng. Người có thị giác được huấn luyện, nhìn thấy nhiều sắc thái của một màu, hơn là người có thị giác bình thường. Người có thính giác được huấn luyện, nghe được nhiều âm giai của một âm thanh; trong khi người không được huấn luyện, chỉ nghe được những nốt đơn độc, cơ bản. Khi những giác quan vật chất phát triển tinh vi hơn thì thế giới trở nên đầy đủ hơn. Người nông phu chỉ chú ý vào cái cày và những luống đất, còn người trí thức thanh cao sẽ nhận thấy được vẻ đẹp của rào giậu đầy hoa, của cành lá dương xanh biếc rung rinh trước gió; nghe được âm điệu du dương, tuyệt vời của con chim sơn ca đang nhịp nhàng lượn xuống từ vòm trời cao, cùng tiếng vỗ cánh vi vu nho nhỏ xuyên qua cánh rừng bên cạnh, tiếng xào xạc gây ra bởi vài con thỏ hoảng sợ chạy trốn vào lùm cây dương xỉ, và mấy con sóc đang nô đùa trên cành cây. Người ấy nhận thấy tất cả những nét linh động khả ái của các sinh vật hoang dã, mùi thơm dịu dàng của cây cỏ vùng thảo nguyên và rừng xanh bát ngát, cũng như những thay đổi huy hoàng, rực rỡ của mây trời điểm nắng, của ánh sáng và bóng râm thi nhau rượt đuổi trên sườn đồi. Người nông phu và người trí thức tao nhã đều có đôi mắt và khối óc, nhưng sự khác biệt là do năng lực quan sát cũng như sự nhạy cảm của giác quan. Đối với những cõi giới khác cũng thế, khi thể vía và thể trí bắt đầu hoạt động như là những vận cụ riêng biệt của tâm thức, chúng đang ở vào mức độ cảm nhận như người nông phu, và chỉ có những mảnh vụn thuộc cõi trung giới và cõi trí như là những hiện tượng lạ lùng khó hiểu đưa đến cho tâm thức. Nhưng chúng sẽ tiến bộ nhanh chóng, bao quát một môi trường càng lúc càng rộng lớn, và truyền đạt cho tâm thức một phản ảnh càng ngày càng chính xác hơn về những sự vật chung quanh. Nên nhớ rằng sự hiểu biết của chúng ta không bị giới hạn bởi quyền lực của thiên nhiên trên cõi trung giới, thượng giới, cũng như cõi trần; chúng ta chỉ là những đứa trẻ đang đi nhặt vài vỏ sò do sóng biển đánh trôi giạt vào bờ, trong khi vô số báu vật trong lòng đại dương chưa được khám phá.

Thượng trí hay nhân thể (causal body) là dụng cụ của tâm thức, linh động theo sau sự linh động của thể trí. Lúc bấy giờ, con người cảm thấy một trạng thái tâm thức kỳ diệu phi thường được trải ra ngược dòng về một quá khứ không giới hạn, và phía trước là cả một tương lai xa xôi. Khi ấy chủ thể tư tưởng có được ký ức về dĩ vãng của chính mình, và theo dấu vết sự phát triển xuyên qua tất cả số kiếp luân hồi nối tiếp nhau. Chủ thể tư tưởng, nếu muốn cũng có thể nghiên cứu lịch sử quá khứ của địa cầu và học những bài rất quan trọng về kinh nghiệm thế giới, cũng như những định luật ẩn tàng chỉ đạo sự tiến hóa và những điều huyền nhiệm sâu xa về sự sống ẩn giấu trong lòng thiên nhiên. Chính trong vận cụ cao cả này của tâm thức, chủ thể tư tưởng có thể vươn đến chiếc màn che nữ thần Isis, và được phép vén lên một góc chiếc màn này, vì chủ thể tư tưởng có thể nhìn vào đôi mắt của nữ thần mà không bị mù, do ánh mắt sáng chói của nữ thần. Chủ thể tư tưởng có thể nhìn thấy trong ánh hào quang tỏa sáng rực rỡ từ Ngài, những nguyên nhân thống khổ của trần gian, và sự chấm dứt của nó, với trái tim đầy trắc ẩn và xót thương, nhưng không còn bị dày vò do không giúp gì được. Sức mạnh, sự trầm tĩnh và minh triết sẽ đến với những ai đang sử dụng thượng trí như là một vận cụ của tâm thức, và ngắm nhìn với đôi mắt rộng mở trước vẻ vinh quang của Thiên Luật (God Law).

Khi thể bồ đề hay kim thân (buddhic body) được linh động và là một vận cụ của tâm thức thì con người bước vào trạng thái phúc lạc vô biên, không còn mảy may chia rẽ, và hiểu biết một cách trọn vẹn, rõ ràng sự hợp nhất của nó với muôn loài vạn vật. Vậy, yếu tố chính của tâm thức trong thượng trí là sự hiểu biết, cuối cùng đưa đến minh triết; còn yếu tố chính của tâm thức trong thể bồ đề là phúc lạc và tình yêu. Sự tĩnh lặng, trong sáng của minh triết là trạng thái chủ yếu của thượng trí, trong khi tâm thức bồ đề là những dòng suối dịu dàng của lòng trắc ẩn và tình thương ban ra cho kẻ khác không bao giờ dứt. Tất cả điều này được sức mạnh trầm tĩnh thiêng liêng hỗ trợ; đó là dấu hiệu của Atma (Ý chí) đang vận hành, chính là lúc nhân loại được đội vương miện trong vinh quang, và Thượng Đế trong con người hiển lộ với đầy đủ thần lực, minh triết và tình yêu.

Phần tâm thức thuộc thể cao, khi truyền đạt xuống những thể thấp, dù cho chúng có khả năng tiếp nhận cũng không theo kịp tức khắc sự sinh động của các thể đó. Vì lý do này nên giữa cá nhân với cá nhân có sự cách biệt quá lớn lao do hoàn cảnh, tình huống và công việc mà họ phải lo tròn. Vậy, sự sinh động của các thể cao hơn thể xác, ít khi xảy ra trước thời kỳ thử thách của đệ tử huyền môn,[83] và nhiệm vụ của họ phải làm xong tùy vào giai đoạn cần thiết. Người đệ tử và ngay cả người dự bị làm đệ tử, được chỉ dạy phải đem hết năng lực của mình để phụng sự thế gian; và sự tiếp nhận được những kiến thức cao, tùy thuộc vào sự cần thiết của công việc mà người đệ tử làm. Người đệ tử huyền môn cần phải biết sử dụng trọn vẹn những vận cụ tâm thức trên các cõi cao, do phần lớn công việc phải hoàn thành trên các cõi ấy, nhưng không cần thiết phải truyền đạt những kiến thức này đến thể xác. Sự việc này không quan trọng, vì có truyền đạt đến thể xác hay không thường do phương pháp làm việc định đoạt, ngõ hầu đem lại hiệu năng cho công tác phụng sự của người đệ tử tại cõi trần. Trong giai đoạn tiến hóa hiện tại, thể xác rất căng thẳng mỗi khi tâm thức cao cả thúc ép nó rung động đáp ứng, ngoại trừ hoàn cảnh bên ngoài rất thuận lợi, sự căng thẳng này thường là nguyên nhân gây nên rối loạn thần kinh, sự nhạy cảm quá mức và nhiều điều tai hại kèm theo. Vì lý do này mà phần đông những vị có tâm thức đã hoạt động được hoàn toàn ở các cõi cao, hầu hết công việc của họ cần thực hiện ngoài xác thân vật chất. Những vị kể trên thường xa lánh nơi có nhiều người tụ họp ồn ào náo nhiệt, nếu họ muốn truyền đạt đến tâm thức hồng trần sự hiểu biết về công việc phụng sự của họ trên các cõi cao. Vì lẽ đó, cần phải giữ gìn sự nhạy cảm của thể xác khỏi những nơi thô tục, huyên náo của đời sống tầm thường.

Sự chuẩn bị chính cho thể xác vật chất có khả năng đáp ứng sự rung động của tâm thức cao như sau: Cần loại bỏ những vật liệu trọng trược ra khỏi xác thân, bằng thức ăn tinh khiết và đời sống trong sạch; chế ngự hoàn toàn dục vọng; trau giồi đồng đều, quân bình giữa tâm tính và trí não; không bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn và những nỗi thăng trầm của cuộc đời. Phải có thói quen tham thiền tĩnh lặng về các vấn đề cao siêu, xoay chuyển thể trí lánh xa các đối tượng của cảm giác, cùng với những hình tư tưởng xuất phát từ chúng; chú định tư tưởng vào những vấn đề cao cả hơn. Chấm dứt mọi sự vội vàng, hấp tấp, nhất là sự bồn chồn, bất an, kích thích thể trí rối loạn theo, khiến cho não bộ làm việc liên tục, bay nhảy từ vấn đề này sang vấn đề khác. Nên tăng trưởng lòng thiết tha gắn bó với những vấn đề thuộc cõi cao hơn là chỉ chú ý đến các việc ở cõi thấp. Được như thế, cái trí nghỉ ngơi một cách mãn nguyện, như đang đồng hành cùng người bạn mến thương chí thiết. Thực tế thì các sự chuẩn bị đều giống nhau, như những gì cần thiết cho sự tách rời tâm thức của ‘‘linh hồn’’ với ‘‘thể xác’’, công cuộc chuẩn bị này, tôi (Annie Besant) đã miêu tả ở những nơi khác như sau:

‘‘Sinh viên huyền bí học phải bắt đầu thực hiện sự điều độ thật nghiêm túc đối với tất cả mọi vấn đề. Trau giồi thể trí được quân bình, trong sáng; đời sống phải trong sạch, tư tưởng phải tinh khiết, xác thân phải được giữ gìn như là đối tượng chính xác của linh hồn, và trí năng phải được huấn luyện ngõ hầu đảm nhận những vấn đề cao cả. Họ phải thực hành lòng trắc ẩn, thiện cảm và giúp đỡ người khác như là bản tính quen thuộc, chớ không vì bó buộc hoặc thích thú của riêng mình. Sinh viên còn phải tập có lòng can đảm, sự kiên định và tôn sùng chân thành. Phải sống thực sự với tôn giáo và luân lý, mà ở khắp nơi kẻ khác chỉ nói, chớ không hành. Phải kiên nhẫn công phu, học cách kiểm soát tư tưởng trong phạm vị nào đó, như vậy mới có khả năng giữ vững tư tưởng theo một đường lối trong một thời gian. Sinh viên huyền bí học phải bắt đầu kiên quyết rèn luyện hàng ngày bằng cách tập trung tư tưởng vào vài vấn đề khó khăn hoặc trừu tượng, hay siêu việt của lòng tôn sùng. Sự tập trung này có nghĩa là giữ cho thể trí ổn định vững vàng vào một mục tiêu duy nhất, không vơ vẩn, không bị xao lãng bởi bất cứ hình thức nào của ngoại giới, hay do sự hoạt náo của giác quan cũng như thể trí của chính mình. Thể trí phải được giữ yên một cách kiên định không thể lay chuyển, cho đến khi nó không còn chú ý đến thế giới bên ngoài, cũng như không còn chú ý đến thể xác, để cho các giác quan thật sự an bình, tĩnh lặng. Khi thể trí sinh động mạnh mẽ, thì tất cả năng lượng tập hợp vào bên trong, để rồi được phóng ra như một tư tưởng đơn thuần, với năng lực mạnh nhất mà nó có thể đạt được. Khi thể trí có năng lực giữ yên một cách tương đối dễ dàng, thì người môn sinh sẵn sàng tiến thêm một bước nữa, và với sự cố gắng kiên quyết, nhưng bình tĩnh của ý chí, thể trí có thể sẽ đạt tới tư tưởng cao siêu trong khi đang sinh hoạt trong não bộ vật chất. Sự cố gắng này sẽ nâng cao cái trí cho đến khi kết hợp với tâm thức cao cả, và nó sẽ tự giải thoát khỏi xác thân vật chất.’’

‘‘Khi những sự việc này đã được hoàn thành, người môn sinh không còn cảm giác buồn ngủ hoặc chiêm bao, và cũng không mất ý thức. Họ cảm nhận mình đang ở ngoài xác thân, và thấy dường như trượt ra khỏi trở ngại của trọng lượng cơ thể. Thật sự con người không mất phần xác thân nào cả, họ chỉ rời nó và tự hoà vào ‘‘thể của ánh sáng’’, thể này vâng theo mỗi tư tưởng thanh nhẹ, và là một khí cụ mỹ lệ hoàn hảo cho ý chí. Nơi đó, con người được tự do trong cõi thanh thoát, tinh vi, nhưng người môn sinh cần được huấn luyện cẩn thận và lâu dài trước khi hoạt động không lầm lẫn trong những tình trạng mới.’’

‘‘Sự tự do ra khỏi xác thân vật chất có thể đạt được bằng những cách thức khác như: lòng sùng kính mạnh mẽ, chân thành, hoặc những phương pháp đặc biệt của một vị Chân Sư cao cả truyền thụ cho hàng đệ tử huyền môn. Dù bất cứ phương pháp nào kết quả cũng giống nhau: đó là sự giải thoát của linh hồn trong trạng thái tâm thức đầy đủ, trọn vẹn, có khả năng khảo sát môi trường mới lạ chung quanh, bên ngoài cõi của con người bằng xương, bằng thịt. Linh hồn có thể trở về với thể xác theo ý muốn, và ghi khắc cũng như giữ lại trong não bộ ấn tượng về những kinh nghiệm đã trải qua ở các cõi cao.’’[84]

Những người thấu hiểu tư tưởng chính yếu được miêu tả ở những trang trước, sẽ nhận thấy đó là bằng chứng vững chắc nhất cho thấy luân hồi là một sự thật trong thiên nhiên, và nó cần thiết để hoàn thành ‘‘sự tiến hóa của linh hồn.’’ Loại ra ngoài giả thuyết duy vật chủ nghĩa, cho rằng linh hồn chỉ là sự tích tụ những rung động của loại vật chất cá biệt; có một giả thuyết khác, cho rằng mỗi linh hồn là một sự sáng tạo mới cho mỗi đứa bé vừa sinh ra, và được «đóng dấu» với khuynh hướng đạo đức hay xấu xa, tài năng hay ngu đần; tất cả đều do sự tùy tiện thất thường của quyền lực sáng tạo; như Muhammadan nói số phận của ông ta đã treo quanh cổ lúc vừa chào đời. Theo thuyết này, số phận của một người tùy thuộc vào tính tình của người ấy và môi trường chung quanh; một linh hồn mới vừa được tạo ra là bị ném vào cuộc đời, người ấy có thể hạnh phúc hay thống khổ tùy theo hoàn cảnh của môi trường, và tính tình đã đóng dấu trên người ấy rồi, đó là hình thức quá khích của thuyết vận mạng tiền định.

Thay vì chỉ nhìn sự sinh hoạt của những người chậm tiến và những người dã man hung bạo trong hiện tại, hãy nhìn xa hơn đến một thời gian nào đó họ sẽ tiến đến tiêu chuẩn cao quí của bậc thánh nhân; chúng ta sẽ thấy vũ trụ đã có một kế hoạch khôn khéo, và có sự hướng dẫn một cách thông minh tiến trình phát triển. Nếu thừa nhận linh hồn của người dã man được sống và tiến bộ, thì số phận của họ không thể ở mãi trong tình trạng ấu trĩ hiện nay, vì sau khi chết, sự tiến hóa của họ vẫn còn tiếp tục nơi cõi khác. Như vậy nguyên tắc về sự tiến hóa của linh hồn được chấp nhận, và chỉ còn lại câu hỏi về nơi chốn để thực hiện sự tiến hóa.

Nếu tất cả linh hồn trên địa cầu đều tiến triển cùng một trình độ, thì sẽ có tranh luận về sự cần thiết có thêm chổ cho các linh hồn ngoài giai đoạn ấu trĩ có nơi phát triển. Nhưng chung quanh chúng ta có nhiều linh hồn đã tiến bộ khá xa, được sinh ra với khả năng trí tuệ và đạo đức cao quí. Nếu suy luận rằng vấn đề tiến hóa phải tương đương nhau, chúng ta có thể giả định những linh hồn đó đã tiến hóa trên những hành tinh khác trước kia và nay được sinh ra nơi hành tinh này cùng với chúng ta. Và chúng ta không ngạc nhiên vì sao một địa cầu lại tạo ra nhiều điều kiện rất khác nhau, thích hợp cho những linh hồn tiến hóa thấp kém, cũng như cho những linh hồn tiến hóa cao. Nếu có một chuyến bay thăm viếng những linh hồn ở mỗi giai đoạn phát triển, chúng ta sẽ thấy phần còn lại trong sự tiến hóa của họ đều được xúc tiến trên những hành tinh tương tự như địa cầu của chúng ta hiện nay. Những hành tinh ấy đều có khả năng cung ứng điều kiện cần thiết cho những linh hồn trong các giai đoạn tiến hóa khác nhau. Minh triết cổ truyền dạy rằng: quả thật linh hồn tiến hóa xuyên qua nhiều hành tinh; linh hồn được sinh ở một trong những hành tinh này, và cứ thế được lặp đi lặp lại cho đến lúc hoàn thành công cuộc tiến hóa cần thiết nơi hành tinh đó. Những hành tinh liên kết nhau, tạo thành một dãy tiến hóa, mỗi dãy dự phần vào vài giai đoạn tiến hóa nào đó. Hành tinh của chúng ta là một sân trường tiến hóa thích hợp cho các giới: kim thạch, thảo mộc, cầm thú và con người, vì vậy tất cả các giới này đều tái sinh tập thể hay cá nhân. Thật sự có những giai đoạn tiến hóa sau này đang chờ đợi chúng ta nơi một hành tinh khác; nhưng do trật tự thiêng liêng, những hành tinh đó chỉ xuất hiện đối với chúng ta khi nào ta đã học và tiếp thu tất cả những bài học trên hành tinh hiện tại.

Khi nghiên cứu thế giới chung quanh, chúng ta sẽ nhận thấy có nhiều cách thức giải thích về sự luân hồi. Như đã nói, có sự khác biệt rất lớn giữa người này với người khác, cho thấy có sự từng trải của mỗi linh hồn. Cần lưu ý về sự không đồng đều trong việc tái sinh của cá nhân con người một cách riêng rẽ, với sự tái sinh tập thể của hồn khóm những loài hạ đẳng. Có sự khác biệt tương đối nhỏ giữa các xác thân con người, cho nên khi nhìn bên ngoài ta nhận ra đều là con người. Nhưng trên phương diện trí tuệ và khả năng đạo đức, có sự khác biệt lớn lao và chênh lệch đáng kể giữa người dã man thấp kém và người có khả năng trí tuệ cao. Thông thường người dã man có một cơ thể phát triển khoẻ mạnh và rắn chắc, hộp sọ của họ to hơn, nhưng trí tuệ lại cách biệt quá xa với nhà triết học hay một vị Thánh Nhân!

Nếu cho rằng khả năng trí tuệ cũng như tinh thần là thành quả của một nền văn minh tiến bộ, chúng ta sẽ gặp phải sự kiện là trình độ trí tuệ của những nhân tài trong thời hiện tại lại không bằng những bậc vĩ nhân tuyệt đỉnh của thời quá khứ; và không có người nào trong chúng ta đạt đến trình độ đạo đức tinh thần như vài vị thánh nhân trong lịch sử. Hơn nữa, chúng ta nên lưu ý, các vị này không có cha mẹ cũng như con cái có trình độ tương đương với họ; họ xuất hiện đột ngột, chớ không phải từ một gia đình tuần tự tiến lên đến tột đỉnh, và nếu có con, đứa con là sản phẩm từ xác thân, chớ không phải từ trí tuệ. Nên giải thích thêm, một thiên tài về âm nhạc phần nhiều sinh ra trong một gia đình âm nhạc, vì hình thức thiên tài này cần một não bộ có cơ cấu đặc biệt, và điều này lệ thuộc luật di truyền vật chất. Nhưng vì sao có nhiều gia đình sau khi sản xuất thể xác cho một thiên tài, thì gia đình đó tàn dần rồi mất tăm trong đám nhân loại bình thường. Khó tìm thấy người nối dõi gia đình của những thiên tài âm nhạc như Bach, Beethoven, Mozart, Mendelssohn; những con cháu có tài như họ đang ở đâu? Thật sự một thiên tài không là việc cha truyền con nối, không giống với sự di truyền thể chất của gia đình Stuart hoặc gia đình Bourbon.

Nếu không chấp nhận có sự luân hồi, làm sao giải thích trẻ con ‘‘thần đồng’’? Như trường hợp một đứa trẻ trở thành bác sĩ Young, người phát minh lý thuyết phát sóng của ánh sáng, mà những học giả lớn ở thời chúng ta chưa thể có sự hiểu biết sâu rộng như vậy. Năm hai tuổi, ông đã đọc chữ rất trôi chảy, và trước bốn tuổi, ông đọc thánh kinh lưu loát từ đầu đến cuối hai lần; lên bảy tuổi ông bắt đầu học toán, rành rẽ một nửa chương trình của vị thầy dạy kèm Walkingham, và chỉ vài năm sau, ông đã học trọn vẹn chương trình toán. Lúc học ở trường ông rất xuất sắc trong tất cả các môn học: La Tinh, Hy Lạp, Do Thái, Pháp, Ý, toán học, kế toán, nghề máy tiện, chế tạo viễn vọng kính, và văn chương Đông Phương. Năm mười bốn tuổi, ông học dưới sự hướng dẫn của một giáo sư dạy tư gia, cùng học có một đứa bé nhỏ hơn ông một tuổi rưỡi; một lần vị gia sư phụ trách không đến, thế là Young dạy đứa bé ấy luôn.[85] Sir William Rowan Hamilton chứng tỏ còn sớm phát triển hơn. Ông bắt đầu học tiếng Do Thái lúc mới ba tuổi, lúc bảy tuổi ông được công bố là học sinh xuất sắc nhất trong số học sinh của Trinity College, vì ông hiểu biết rất sâu xa về môn ngôn ngữ học hơn nhiều bạn đồng môn. Năm mười ba tuổi, ông đã thông thạo ít nhất mười ba thứ tiếng. Ngoài những ngôn ngữ cổ điển và hiện đại Âu Châu, ông rành rẽ tiếng Ba Tư, Á Rập, Phạn, Ấn Độ và cả tiếng Mã Lai… Năm mười bốn tuổi, ông viết một bức thư ca tụng đại sứ Ba Tư nhân dịp ông này đến viếng Dublin; sau đó ông đại sứ tuyên bố, ông không thể tưởng tượng ngay ở Anh Quốc có một người có khả năng viết tài liệu bằng ngôn ngữ Ba Tư. Một người trong gia đình của ông thuật lại: ‘‘Tôi nhớ lúc nó mới sáu tuổi, đã giải đáp một câu hỏi hóc hiểm về toán, rồi thích thú rong chơi trên chiếc xe bé tí của nó. Năm mười hai tuổi, nó tham gia vào Colburn, một hội toán học trẻ em của Hoa Kỳ được trưng bày tại Dublin, nó không bao giờ bị thua trong những cuộc so tài.’’ Lúc ông mười tám tuổi, bác sĩ Brinkley (nhà thiên văn học hoàng gia Ireland) năm 1823 đã nói về ông như sau: ‘‘Tôi không nói rằng người trai trẻ này sẽ, mà tôi khẳng định rằng anh ta là một nhà toán học hàng đầu trong thời đại chúng ta.’’ Ở đại học, tốc lực học nhanh của ông không ai có thể theo kịp.

Giữa một số đông đồng bạn cạnh tranh thuộc hạng giỏi, ông luôn luôn đứng đầu trong các môn học và các cuộc thi.[86]

Những học giả suy nghĩ chín chắn hãy so sánh những cậu bé ‘‘thần đồng’’ này với những đứa trẻ khờ, hay cả những đứa trẻ bình thường. Phải ghi nhận thế nào về khởi đầu của sự tiến bộ, để giải thích trường hợp những cậu bé này trở thành những nhà lãnh đạo tư tưởng nhân loại. Phải chăng có những linh hồn đã tiến hóa trong quá khứ đang ẩn trong các vị đó.

Sự giống nhau của những người trong gia đình thường được giải thích do ‘‘luật di truyền’’; nhưng sự khác biệt về đặc tính trí tuệ và đạo đức thường thấy trong những người cùng gia đình vẫn chưa được giải thích. Luật luân hồi giải thích những sự giống nhau trong gia đình, do việc một linh hồn được dẫn đến một gia đình nào đó có thể cung cấp các di truyền vật chất cho một xác thân thích hợp để biểu lộ các đặc tính của linh hồn. Luật luân hồi cũng giải thích sự không giống nhau trong gia đình về những đặc tính trí tuệ và đạo đức do cá nhân mang theo với nó từ quá khứ; luật này cũng cho thấy những điều liên hệ ước định trong quá khứ, đã dẫn dắt cá nhân này sinh ra trong gia đình mà nó có sự ràng buộc với vài thành viên trong đó.[87] Một sự kiện có ý nghĩa trong trường hợp trẻ sinh đôi; ở thời kỳ thơ ấu chúng giống nhau, không thể phân biệt đứa này với đứa kia, ngay với đôi mắt rất tinh của bà mẹ hay người vú em. Khi chúng lớn lên, đến lúc Manas tác động lên xác thân vật chất và làm biến đổi nó, sự giống nhau giảm đi, cũng như sự khác nhau về tính nết được nhận thấy trên nét mặt dễ thay đổi của chúng. Sự giống nhau về hình thể vật chất và khác nhau về trí tuệ, đạo đức, dường như ngụ ý có sự gặp gỡ của hai đường hướng khác biệt trong luật nhân quả.

Một điểm khác cần phải dùng luật luân hồi để giải thích là, nhiều người có năng lực trí tuệ gần bằng nhau, nhưng trình độ thu thập một loại kiến thức đặc biệt nào đó rất khác nhau. Cùng một chân lý mà người này nhận thức tức khắc, còn người kia không hiểu được mặc dù cố gắng suy nghĩ. Ngược lại, một chân lý khác được trình bày cho họ, có thể người thứ hai nhận ra, còn người thứ nhất không nhận ra. ‘‘Hai sinh viên đều say mê Thông Thiên Học và bắt đầu nghiên cứu; sau một năm học hỏi, một người quen thuộc với những ý niệm chính và có thể áp dụng, còn người kia phải cố gắng mệt mỏi mà vẫn còn lơ mơ. Những nguyên lý xem như đã quen thuộc đối với một người, nhưng đối với người kia, chúng vừa khó hiểu lại vừa xa lạ. Người này tin tưởng vào sự luân hồi, vì những giáo huấn đó đối với họ đã thấm nhuần rồi, còn đối với người khác lại là điều còn mới mẻ! Có người học rất nhanh, vì họ chỉ nhớ lại, đó là sự phục hồi những điều hiểu biết trong quá khứ; người khác học một cách chậm chạp, bởi vì kinh nghiệm đã qua không gồm những điều đó, người ấy thụ đắc được điều đó lần đầu tiên, cho nên phải cố gắng khó nhọc.’’ Vì thế, có loại trực giác thường (ordinary intuition) là nhận ra một sự việc quen thuộc trong kiếp trước, dù mới gặp lại lần đầu trong kiếp này, như là nhận ra dấu vết của con đường mà cá nhân đó đã bước đi trong quá khứ.

Sự khó khăn chính đối với nhiều người trong việc chấp nhận giáo lý luân hồi, là họ đã quên đi những kiếp xưa của chính mình. Và hiện tại, trong cuộc sống hàng ngày, con người cũng quên đi rất nhiều việc đã xảy ra ngay trong kiếp sống này. Những ký ức lúc còn trẻ đều mờ nhạt, và những biến cố thời thơ ấu đều trống vắng. Họ cũng phải hiểu thêm rằng, những biến cố thời quá khứ tuy đã vuột khỏi tâm thức bình thường, nhưng còn ẩn giấu trong chốn sâu thẳm của ký ức; chúng có thể được gợi sống động trở lại trong vài tình trạng bệnh hoạn hay dưới ảnh hưởng của thuật thôi miên. Một người sắp chết nói được một thứ tiếng, mà người ấy chỉ nghe lúc còn bé, nhưng trong suốt cuộc đời người ấy không hề nhớ. Trong cơn mê sảng, những sự kiện quan trọng đã bị quên lãng trong suốt thời gian dài, lại hiện ra thật sinh động trong tâm thức. Thật sự không có điều gì bị bỏ quên cả, nhưng chúng bị che giấu khỏi tầm giới hạn của tâm thức lúc tỉnh, đó là hình thức giới hạn nhiều nhất đối với tâm thức chúng ta, mặc dù chỉ có một tâm thức nhận biết trong mọi trường hợp. Thật sự ký ức của vài sự việc thuộc kiếp sống hiện tại được thu về bên trong, thoát khỏi tầm của tâm thức lúc tỉnh. Nó chỉ xuất hiện lại khi nào não bộ thật nhạy bén và có thể đáp ứng lại những rung động cũ, điều này thường xảy ra lúc chúng ta không để ý đến. Cũng thế, ký ức của những kiếp đã qua được tích trữ ngoài tầm nhận biết của tâm thức hồng trần. Tất cả ký ức đó là sở hữu của chủ thể tư tưởng, bền vững từ kiếp này sang kiếp khác. Quyển sách ký ức trong tầm tay của chủ thể tư tưởng, vì chính nó là cái ‘‘Tôi’’ đã trải qua tất cả kinh nghiệm và ghi vào đó. Hơn nữa, chủ thể tư tưởng có thể ghi khắc những ký ức đã qua của chính nó vào công cụ vật chất của nó, khi công cụ này đã được thanh lọc đầy đủ để sẵn sàng đáp lại những rung động mau lẹ, tinh vi, đến lúc ấy con người xác thân có thể chia xẻ kiến thức về quá khứ của nó. Sự khó khăn trong việc hồi tưởng lại ký ức của những kiếp quá khứ không phải là do mất trí nhớ, mà vì xác thân vật chất của kiếp này không sống qua những kiếp trước. Do sự cấu tạo thô kệch của xác thân mới trong môi trường hiện tại, nó không đáp ứng lại được những rung động tinh vi mà linh hồn có thể phát ra. Những ai muốn nhớ lại dĩ vãng không thể chỉ tập trung sự chú ý vào hiện tại, mà phải thanh lọc và tinh luyện xác thân cho đến khi nó có khả năng tiếp nhận những ấn tượng từ các cõi thanh cao hơn cõi trần.

Tuy nhiên, hiện tại cũng nhiều người có được ký ức về những kiếp sống đã qua, vì cơ quan xác thân của họ đã đạt được sự nhạy cảm cần thiết. Dĩ nhiên đối với họ, vấn đề luân hồi không còn là một lý thuyết mà đã trở thành tri thức cá nhân. Họ học thêm được thế nào là sự phong phú của cuộc sống khi có ký ức thời quá khứ, về những bạn bè gặp gỡ trong kiếp ngắn ngủi hiện nay, vốn là những thân hữu từ kiếp trước, cùng với bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa đã thắt chặt thêm mối tương giao ở hiện tại phù du này. Sự sống được an toàn và cao quí khi con người thấy được ở phía sau là cả một viễn cảnh lâu dài, và tình thương thời xa xưa tái hiện trong tình thương hiện tại. Sự chết không còn chiếm vị trí quan trọng của nó, mà chỉ là một sự việc hết sức đơn giản của kiếp sinh tồn, một hình thức biến đổi từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác, giống như một hành trình phải xa cách nhau, nhưng không bao giờ chia cách tình bằng hữu. Mối liên hệ hiện tại là một phần của sợi xích vàng trải dài từ thời quá khứ và sẽ vượt qua đến tương lai với sự an bình, hạnh phúc. Nhận biết được như thế, chúng ta thấy mối liên hệ đó sẽ bền bỉ với thời gian, vì sợi xích vàng không bao giờ đứt đoạn.

Thỉnh thoảng chúng ta thấy có nhiều đứa trẻ nhớ lại kiếp vừa qua, thường là những trẻ con chết yểu và đầu thai lại liền. Ở Tây Phương, trường hợp này hiếm hơn ở Đông Phương, vì Tây Phương không tin tưởng những lời nói đầu tiên của trẻ về việc đó, làm cho chúng mất niềm tin về ký ức của chúng. Ở Đông Phương, niềm tin về sự luân hồi hầu như rất phổ biến, trẻ con nói về tiền kiếp của nó được lắng nghe, và khi có cơ hội thuận tiện, những sự kiện đó đều được kiểm chứng.

Có một điểm quan trọng khác liên quan đến ký ức cần chú ý, là ký ức về những biến cố quá khứ, chỉ được giữ lại trong chủ thể tư tưởng khi những kết quả và khả năng từ đó tạo ra có thể giúp con người tiến hóa. Nếu tất cả những biến cố quá khứ được đồng loạt đưa vào não bộ của cơ thể, tạo ra một khối lớn kinh nghiệm quá khứ không được phân loại, sắp xếp thứ tự thì những thành quả có từ quá khứ đó sẽ không dìu dắt giúp đỡ gì được cho cuộc sống hiện tại. Nếu bắt buộc phải chọn con đường đầy dẫy biến cố trong quá khứ, thì con người cần xét qua rất nhiều sự kiện không được sắp xếp của quá khứ, so sánh với những biến cố tương tự xảy ra trong hiện tại và theo dõi kết quả của chúng. Sau thời gian dài nghiên cứu mệt mỏi, con người có thể đi đến vài kết luận, nhưng kết luận này rất có thể không đúng do vài sự kiện quan trọng bị lãng quên, như thế đến khi rút ra được kết luận thì thời gian cần cho sự quyết định đã trôi qua. Vậy, tất cả những biến cố nhỏ nhặt hay lớn lao của vài trăm kiếp sống, chỉ tạo nên một mớ sự kiện vô giá trị và hỗn độn, không thể tham khảo được trong tình trạng khẩn cấp đòi hỏi phải có quyết định nhanh chóng. Phương thức làm việc hữu hiệu hơn của thiên nhiên để lại ký ức về các biến cố cho chủ thể tư tưởng là giao trách nhiệm cho thể trí, vì thể này tồn tại lâu dài sau khi mất thể xác; trong thời gian này nó sắp xếp, so sánh các biến cố, và xếp loại các thành quả. Kế đó, những thành quả này được thể hiện như những khả năng, và những khả năng này sẽ tạo thành thể trí kiếp sau của chủ thể tư tưởng. Theo cách đó, những khả năng được mở rộng và cải tiến, sẵn sàng để sử dụng ngay. Những thành quả quá khứ đều gom lại trong những khả năng đó, như thế con người sẽ có được quyết định nhanh chóng, phù hợp với những thành quả đó. Khả năng phán đoán rõ ràng, nhanh chóng, kịp thời của nội tâm không gì khác hơn là kết quả của những kinh nghiệm quá khứ, được khuôn đúc dưới một hình thức có hiệu lực để sử dụng. Những công cụ này chắc chắn hữu ích hơn một khối kinh nghiệm lộn xộn, chưa được đồng hóa. Hơn nữa, những kinh nghiệm quan trọng cần được chọn lựa và so sánh để rút ra kết luận, từ đó có thể lựa chọn rồi ứng dụng vào mỗi trường hợp riêng biệt.

Khi nhận thức và tin tưởng luật luân hồi, thì cuộc sống trở nên dễ hiểu, và những sự bất công, tàn bạo xảy ra không làm con người mất niềm tin. Với luật này, con người là một sinh vật cao quí và bất tử, sẽ tiến hóa đến một kết cục thiêng liêng, huy hoàng. Không có luân hồi, con người chỉ là một cọng rác, một vật vô giá trị, trôi dạt theo dòng nước chảy cuồn cuộn của hoàn cảnh may rủi, vô trách nhiệm với bản tính, với hành động và số mạng của mình. Khi hiểu được luật luân hồi, con người nhìn về tương lai với niềm hy vọng không sợ hãi; cho dù mức tiến hóa hiện tại còn thấp kém, con người biết đó chỉ là nấc thang tiến lên cõi thiêng liêng cao cả, và sự leo lên đến đỉnh cao chỉ là vấn đề thời gian. Không có luân hồi, con người không có được bảo đảm hợp lý cho sự tiến bộ trong tương lai, và cũng không có một nền tảng hợp lý nào bảo đảm cho đời sống mai sau. Nếu một sinh vật không có quá khứ, cũng không có tương lai, thì sẽ ra sao? Nó có thể chỉ là một bọt nước trôi nổi trên đại dương của thời gian. Nó bị ném từ một nơi không hiện hữu vào thế giới, với sự ràng buộc của những đặc tính tốt hay xấu mà không có lý do chính đáng. Như thế, tại sao nó phải cố gắng để trở nên một thành phần tốt nhất? Sẽ không có tương lai, nếu có đi nữa cũng giống như hiện tại, là bị cô lập, không liên hệ đến cội nguồn nào cả? Không tin tưởng vào sự luân hồi, thế giới hiện đại đã tước đoạt sự công bằng của Thượng Đế, và lấy đi sự an toàn của con người, để mặc cho sự ‘‘may mắn’’ hay ‘‘rủi ro’’ tác động. Hậu quả là năng lực, cũng như phẩm cách cao quí của con người không được bảo đảm bởi một luật lệ cố định; con người sẽ mất niềm tin, và cảm thấy bị bỏ rơi, không được giúp đỡ, không nơi nương tựa trên đại dương đầy sóng gió của cuộc đời.


 

CHƯƠNG IX NHÂN QUẢ (Karma)

Sau khi đã theo dấu sự tiến hóa của linh hồn xuyên qua nhiều kiếp luân hồi, bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu một luật quan trọng khác, nói về nguyên nhân mà những kiếp tái sinh mang theo, được gọi là luật nhân quả (Karma). Karma là Phạn ngữ, theo văn tự có nghĩa là ‘‘hành động’’, được giải thích rằng tất cả các sự việc xảy ra trong hiện tại là hậu quả phát sinh từ những nguyên nhân trước kia, và mỗi sự việc do con người làm ở hiện tại trở thành nguyên nhân của những hậu quả tương lai; quan niệm về nguyên nhân và kết quả là một thành phần cốt yếu của quan niệm về hành động. Do đó, từ ngữ hành động hay Karma được dùng để chỉ sự tương quan nhân quả, hay là một chuỗi liên tiếp không đứt đoạn của những nguyên nhân và kết quả trong tất cả mọi sinh hoạt của con người. Vì lý do đó, khi có một biến cố xảy ra, đôi lúc người ta thốt lên: ‘‘Đây là nghiệp quả của tôi,’’ hay ‘‘Sự việc này là kết quả của nguyên nhân do tôi đã gây ra trong kiếp trước.’’ Không có một sự sống nào bị cô lập cả; mỗi sự sống là kết quả của tất cả sự sống trước kia, toàn bộ các kiếp sống hợp thành một sự sinh tồn tiếp diễn liên tục của cá nhân. Không bao giờ có trường hợp ‘‘ngẫu nhiên’’ hay ‘‘tình cờ’’; mọi biến cố đều có mối liên lạc với một nguyên nhân từ trước đưa đến kết quả theo sau; tất cả tư tưởng, hành động, hoàn cảnh đều bắt nguồn từ nhân quá khứ và sẽ là quả ở tương lai. Vì chúng ta bị màn vô minh che phủ bởi ảo tưởng của quá khứ cũng như của tương lai, cho nên thấy những biến cố có vẻ như xảy đến đột ngột từ khoảng không, như là một sự ‘‘ngẫu nhiên’’, nghĩ như thế chỉ là ảo tưởng và hoàn toàn do sự thiếu hiểu biết. Với người hoang dã, không biết những định luật vật chất trong vũ trụ, họ cho rằng các biến cố vật chất đều không có căn nguyên, và đó chỉ là ‘‘những phép lạ’’, còn với người không hiểu những luật thuộc trí tuệ và đạo đức, thì xem những biến cố này đều là chuyện ngẫu nhiên, và tất cả chỉ do ‘‘số phần’’ may rủi của con người.

Từ khi có quan niệm về luật thiên nhiên không thể vi phạm và cũng không thể thay đổi, cho đến nay con người vẫn còn cảm giác như vô dụng, tinh thần đạo đức và trí tuệ gần như bị tê liệt. Con người cảm thấy bị kìm kẹp trong định mạng sắt đá; và sự chối bỏ ‘‘số mạng’’ của người Hồi Giáo có vẻ như là một triết lý duy nhất được phát biểu. Người hoang dã lần đầu tiên bị hốt hoảng bởi những hiện tượng thiên nhiên, họ học được rằng mọi luân chuyển bên trong của cơ thể, cũng như mọi vận chuyển của thiên nhiên bên ngoài, đều xảy ra do tác động của những luật không thể thay đổi. Dần dần họ học được rằng, luật thiên nhiên đưa ra điều kiện cho tất cả những hoạt động xúc tiến, nhưng không ra lệnh hay sai khiến. Do đó, ở bên trong con người vẫn có được tự do, trong khi những hoạt động bên ngoài của họ bị giới hạn bởi các điều kiện của nơi họ sinh hoạt. Họ còn học thêm rằng, khi nào họ chưa biết được những điều kiện ấy, thì chúng làm chủ họ, thường xuyên chống lại những cố gắng không ngừng của họ. Nếu biết được những điều kiện, hiểu biết rõ những đường hướng cũng như sức mạnh của chúng, họ sẽ chống lại được và khuất phục chúng, khiến chúng trở thành nô lệ, phục vụ cho họ.

Sự thật, khả năng của khoa học chỉ thực hiện trên cảnh giới vật chất, vì những luật cố định của thiên nhiên không thể bị vi phạm. Nếu không có luật thiên nhiên thì không có khoa học. Một nhà nghiên cứu thực hiện một số thí nghiệm, nhờ kết quả công việc này, ông hiểu được tác động của thiên nhiên. Khi hiểu được tác động của thiên nhiên, ông có thể tính toán làm thế nào để đạt được kết quả mong muốn. Nếu thất bại, ông tự hiểu là đã bỏ sót vài điều kiện cần thiết, hoặc do sự hiểu biết của ông chưa chính xác, hoặc đã tính toán sai. Khi đó ông kiểm điểm lại những điều hiểu biết, duyệt lại các phương pháp áp dụng, cân nhắc sự tính toán. Với sự bình tĩnh và quyết tâm, nếu ông đặt câu hỏi một cách đúng đắn thì thiên nhiên sẽ trả lời chính xác. Không thể nào hydrogen và oxygen hợp lại thành nước ngày hôm nay, mà ngày mai lại cho ra prussic acid; cũng như lửa thiêu đốt hôm nay, mà ngày mai lại có thể làm đông lạnh. Nếu nước là một chất lỏng hôm nay, ngày mai là một chất đặc, bởi vì những điều kiện ở chung quanh bị biến đổi; khi những điều kiện nguyên thủy được phục hồi, thì sự vật sẽ trở lại với trạng thái ban đầu. Mỗi sự hiểu biết mới về luật thiên nhiên không là một hạn chế mới, mà là một quyền năng mới làm cho những năng lượng của thiên nhiên trở nên sức mạnh, có thể được con người sử dụng tùy theo trình độ thấu hiểu những năng lực ấy. Câu thành ngữ ‘‘sự hiểu biết là quyền năng’’ cho thấy mức độ sử dụng được những năng lực này tương ứng với trình độ kiến thức của một người. Bằng sự cân nhắc giữa việc này với việc khác, và bằng sự trung hòa những năng lực đối nghịch có thể ngăn trở công việc, con người có thể đoán trước kết quả, hầu quyết định thực hiện công việc đã dự tính. Nhờ hiểu biết và vận dụng được những nguyên nhân, con người có thể đoán trước kết quả. Như thế, lúc đầu sự khắt khe của thiên nhiên dường như làm tê liệt hành động của con người, nhưng dần dần họ có thể sử dụng những luật khắt khe ấy để sản xuất ra nhiều thành quả khác nhau vô tận. Sự cứng rắn tối đa trong mỗi lực, có thể tạo nên sự uyển chuyển tối đa trong những hợp chất. Mục đích đạt được thường không sai lầm, vì có sự cân bằng kỹ lưỡng của những luật chính xác, và liên kết nhau do những nguyên nhân. Nhưng nên nhớ rằng sự hiểu biết rất cần thiết để hướng dẫn mọi công việc, và đem lại kết quả mong muốn. Người không hiểu biết thường bị vấp ngã, vô vọng, cố gắng chống lại những luật bất di dịch, để rồi thất bại; trong khi người hiểu biết tiến tới một cách vững chắc, nhìn thấy được những nguyên nhân để ngăn ngừa, điều chỉnh các sự việc, thực hiện mục tiêu nhắm đến, không nhờ may mắn mà do sự hiểu biết. Một người có thể chỉ là một món đồ chơi, làm nô lệ và quay cuồng theo năng lực của thiên nhiên; còn một người khác làm chủ thiên nhiên, biết sử dụng năng lượng của vũ trụ theo đường lối mà người ấy đã lựa chọn bằng ý chí.

Điều gì đúng thật trong phạm vi của định luật vật chất, cũng đúng trong phạm vi đạo đức và trí tuệ; nơi đây cũng thế, người vô minh là nô lệ, nhà hiền triết là vua. Có những điều không thể vi phạm và không thay đổi được, xem dường như bị tê liệt; nhưng chính đó là những điều kiện cần thiết và chắc chắn cho sự tiến bộ, cho hướng nhìn rõ ràng về tương lai. Con người có thể trở thành ông chủ vận mạng của chính mình, vì vận mạng được quản trị theo luật thiên nhiên, vì trí thức có thể kiến tạo khoa học của linh hồn và cũng vì con người nắm trong tay quyền năng điều khiển tương lai, cũng như chọn lựa tính chất và hoàn cảnh tương lai cho chính mình. Sự hiểu biết luật nhân quả trở thành nguồn cảm hứng, nâng đỡ, và thúc đẩy năng lực con người.

Karma là luật của tương quan nhân quả, của tác nhân và hậu quả. Thánh Paul trong Thiên Chúa Giáo đã nhấn mạnh câu: ‘‘Đừng gian trá, Chúa không bị lừa dối, những gì con người đã gieo thì phải gặt lấy.’’[88] Con người liên tục phóng ra năng lực ở tất cả các cõi mà họ sinh hoạt. Năng lực này là sự tổng hợp những kết quả, cả về lượng lẫn phẩm từ những hoạt động của họ trong quá khứ, và là nguyên nhân mà họ tạo nên trên mỗi thế giới họ đang sinh sống. Nguyên nhân này chắc chắn đem lại kết quả xác định cho chính họ và cho kẻ khác, các nguyên nhân này phát sinh từ họ, thì họ phải gánh lấy trách nhiệm về kết quả của chúng. Như một thanh nam châm có «từ trường» của nó, trong vùng từ trường này, tất cả lực đều tác động, rộng hay hẹp tùy vào sức mạnh của nó. Cũng thế, mỗi người đều có một phạm vi ảnh hưởng của năng lực đang hoạt động do họ phát ra, năng lực này vận hành theo đường vòng và quay về nơi phát xuất, trở lại trung tâm nơi nó đã được phóng ra. Đây là một vấn đề vô cùng phức tạp, chúng ta sẽ phân chia ra nhiều phần và nghiên cứu từng phần một.

Trong cuộc sống bình thường, con người phát ra ba loại năng lượng, tùy thuộc chặt chẽ vào ba cõi mà họ đang sống: năng lượng trí tuệ trên cõi trí, phát sinh những tư tưởng; năng lượng cảm dục trên cõi trung giới, phát sinh những sự ham muốn; năng lượng vật chất kích thích và hoạt động ở cõi trần, phát sinh các hành động. Chúng ta nên nghiên cứu mỗi loại năng lượng này theo tính cách hoạt động của nó, và tìm hiểu hiệu quả của mỗi loại năng lượng đã phát xuất, nếu chúng ta muốn hiểu thành phần của mỗi tác động trong tập hợp rắc rối và phức tạp, mà toàn bộ sự việc này được gọi là ‘‘nghiệp quả của chúng ta.’’ Khi một người tiến bộ nhanh hơn các bạn, đạt được khả năng linh hoạt trên các cõi cao, người ấy trở thành trung tâm của những thần lực cao cả. Bây giờ chúng ta hãy tạm gác lại vấn đề này, và giới hạn sự nghiên cứu vào phần đông nhân loại bình thường đang đi trên vòng luân hồi qua ba cõi.

Khi nghiên cứu ba loại năng lượng vừa kể, chúng ta sẽ xét đến những ảnh hưởng của chúng đối với chính người đã phát sinh ra chúng, và đối với những sinh vật khác trong vùng ảnh hưởng của chúng. Do thiếu hiểu biết đặc điểm này, sinh viên thường bị thất vọng và hoang mang. Chúng ta nên ghi nhớ, mỗi năng lực tác động trên chính cõi của nó và phản ứng nơi những cõi thấp hơn tương xứng với cường độ của nó. Khi năng lực phát sinh nơi một cõi nào đó, sẽ mang những đặc tính của cõi đó. Khi phản ứng lên các cõi thấp, nó tạo ra những rung động trong vật chất thanh nhẹ hay trọng trược, tùy thuộc vào chính bản chất gốc của nó. Động lực tạo ra những hoạt động, phát xuất từ cõi giới đã phát sinh năng lực.

Kế tiếp, chúng ta cần phân biệt những loại nghiệp quả sau: Nghiệp quả chín mùi (the ripe Karma), sẵn sàng gây ra những biến cố không thể tránh khỏi trong kiếp hiện tại. Nghiệp quả thuộc bản chất tính tình của con người tự biểu hiện qua các khuynh hướng, được tạo ra do những kinh nghiệm tích trữ; nghiệp quả này có thể sửa đổi được ngay trong kiếp hiện tại, bằng chính năng lực chân ngã đã tạo tác ra chúng trong quá khứ. Nghiệp quả đang tạo ra trong hiện tại, sẽ tạo ra những biến cố và tính tình cho tương lai.[89]

Xa hơn, chúng ta thấy rõ, khi một người tạo ra nghiệp của chính mình, họ cũng có liên hệ với những người khác, vì vậy họ trở nên là một thành viên của những nhóm khác nhau như: gia đình, quốc gia, chủng tộc, và với tính cách là một thành viên, họ dự phần vào nghiệp chung, hay cộng nghiệp (the collective karma) trong những nhóm đó.

Ta thấy việc nghiên cứu nghiệp quả là điều rất phức tạp; tuy nhiên, một khi đã nắm vững những nguyên tắc chính yếu về tác động của nghiệp quả, thì cũng không khó khăn lắm để chúng ta có một quan niệm tổng quát về đường hướng chung của luật ấy, còn những chi tiết chúng ta có thể sẽ nghiên cứu khi có nhiều thì giờ và dịp thuận tiện. Mặc dù có hiểu rõ những chi tiết hay không, điều quan trọng hơn cả là hãy nhớ rằng mỗi người tự tạo nghiệp quả cho chính mình, cũng như tự tạo những khả năng và giới hạn cho chính mình. Vì vậy, ở một thời điểm nào đó, con người hoạt động với những khả năng mà họ tự tạo trong giới hạn do chính họ áp đặt. Họ vẫn là họ, linh hồn đang sinh động, có thể làm tăng thêm hay làm suy yếu những khả năng để mở rộng hay thu hẹp giới hạn của họ.

Chính con người đã rèn sợi dây xích để trói buộc mình, và con người có thể mài giũa cho đến khi nào nó đứt ra, hay là lấy búa tán thêm cho nó chắc chắn hơn. Con người sống trong căn nhà do chính họ tự xây cất, họ có thể cải thiện cho nó đẹp đẽ thêm, hay để mặc cho nó hư hỏng, hoặc là xây cất lại, nếu muốn. Chúng ta thường nặn đất sét mềm dẻo thành hình thể theo trí tưởng tượng, nhưng đất sét rồi cũng khô và cứng, và giữ nguyên hình dáng mà ta đã nặn. Có một câu cách ngôn diễn tả điều này của Hitopadesha như sau do Sir Edwin Arnold phiên dịch:

‘‘Bạn hãy xem! Đất sét khô cứng như sắt, nhưng người thợ gốm vẫn nặn đất sét.

Định mạng là chủ nhân hôm nay – con người là chủ nhân của ngày hôm qua.’’

Như thế, chúng ta là chủ nhân của tất cả nghiệp quả tương lai của mình, những gì làm trở ngại cho chúng ta hôm nay chính là kết quả của những gì chúng ta đã tạo ra hôm qua.

Bây giờ, chúng ta hãy xét theo thứ tự sự phân chia các loại nghiệp để có thể nghiên cứu dễ dàng hơn.

Có ba nguyên nhân gây nên những kết quả, tác động lên người đã tạo ra chúng và lên những người bị ảnh hưởng. Nguyên nhân thứ nhất là tư tưởng, nó là yếu tố mạnh nhất trong sự tạo ra nghiệp quả của con người, vì năng lượng tư tưởng của Bản Ngã (the Self) tác động trong chất liệu thể trí; chất liệu tinh vi của thể trí hợp thành vận cụ của cá tính (the individual vehicle), còn chất liệu thô kệch của thể trí cũng đáp ứng rất nhanh đối với mỗi rung động của tâm thức bản ngã. Những rung động mà ta gọi là tư tưởng, hoạt động trực tiếp của chủ thể tư tưởng, làm phát sinh những hình thể của chất liệu thể trí, hay những hình tư tưởng, chúng sắp xếp và uốn nắn thể trí như ta đã thấy. Mỗi tư tưởng làm thay đổi thể trí; và khả năng của tư tưởng trong mỗi kiếp tái sinh kế tiếp được tạo nên do sự suy tưởng của những kiếp trước. Một người có thể không có quyền năng tư tưởng, không có khả năng của thể trí, vì thế người ấy không thể tự tạo khả năng ấy bằng cách kiên nhẫn lặp lại những điều đã suy nghĩ. Tuy nhiên, những hình tư tưởng người ấy tạo ra không bị mất đi, mà vẫn còn mãi như là chất liệu cho khả năng, chúng sẽ tụ họp lại trong một nhóm nào đó của những hình tư tưởng, và phát triển mạnh hơn với mỗi tư tưởng thêm vào, hoặc sáng tạo một hình tư tưởng cùng loại. Biết được luật này, con người có thể dần dần tự tạo nên những khả năng trí tuệ như ý họ muốn, và chắc chắn họ có thể làm được một cách chính xác, như người thợ nề xây dựng một bức tường. Sự chết không là một trở ngại cho công việc của họ, vì sau khi chết, họ được tự do thoát khỏi sự ràng buộc của xác thân, làm dễ dàng hơn cho tiến trình tổng hợp các hình ảnh của tư tưởng vào quan năng xác định mà chúng ta gọi là khả năng. Con người sẽ mang theo những khả năng này vào kiếp sau ở cõi trần. Một phần não bộ của xác thân mới được hình thành để thích ứng như là một cơ quan dành cho khả năng này phát triển, theo cách thức đã được giải thích trước đây. Tất cả những khả năng đó họp lại tạo thành thể trí cho một đời sống nơi cõi vật chất. Não bộ và hệ thần kinh được hình thành để giúp cho sự biểu lộ của thể trí nơi cõi trần. Như vậy, hình ảnh của cái trí được sáng tạo trong một kiếp sẽ xuất hiện như là những đặc tính và khuynh hướng của kiếp sống khác. Vì lý do này, trong kinh Upanishads có nói: ‘‘Con người là một sinh vật của sự phản tỉnh; những gì mà con người suy tư trong đời này, sẽ trở thành bản tính của họ trong đời sau.’’[90] Đó là định luật, và sự tạo thành đặc tính trí tuệ của chúng ta được đặt hoàn toàn vào đôi tay chúng ta. Nếu ta kiến tạo điều tốt, thì hoàn cảnh sẽ thuận lợi và hữu ích, nếu ta kiến tạo điều xấu, thì ta phải chịu thiệt thòi. Vậy, đặc tính của thể trí là sự biểu hiện của nghiệp quả cá nhân, do chính người ấy tác động tạo ra.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý đến việc tư tưởng của người này cũng ảnh hưởng đến những kẻ khác. Những hình tư tưởng đó hợp thành thể trí của chính người ấy, và phát ra những rung động, tạo trở lại những hình tư tưởng dưới hình thức những hình tư tưởng phụ. Thường những rung động này được trộn lẫn với dục vọng, thu hút thêm một số chất liệu cõi tình cảm, như tôi (A. Besant) có đề cập đến vấn đề này ở một nơi khác,[91] và đã gọi những hình tư tưởng phụ này là hình tư tưởng trí cảm dục (astro-mental images). Những hình thể đó rời khỏi kẻ tạo ra chúng và tự kéo dài sự sống gần như độc lập, nhưng vẫn giữ sự ràng buộc bằng từ lực với kẻ đã tạo ra nó. Chúng đến tiếp xúc và ảnh hưởng những kẻ khác, bằng cách đó chúng tạo nên những nghiệp quả liên kết giữa kẻ khác và người tạo ra chúng, và điều này còn gây ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường tương lai. Vậy, khi tạo thành sự việc đó chúng sẽ ràng buộc con người lại với nhau, tốt hoặc xấu ở những kiếp về sau. Điều này mang đến trên đường đi của chúng ta, những người giúp đỡ cũng như những người gây trở ngại; những người đem lại lợi ích cũng như những người làm tổn thương ta; những người yêu thương ta một cách tự nhiên, dù ta không đem lại lợi lộc gì cho họ, nhưng cũng có những người thù ghét ta, dù trong đời này ta không làm điều gì tổn hại họ. Nghiên cứu những kết quả này, chúng ta nắm vững một nguyên tắc quan trọng: khi ta sản xuất những tư tưởng có đặc tính trí tuệ và đạo lý, chúng tác động lên ta, và giúp ta định đoạt được mối liên kết với nhân loại trong tương lai, do hiệu quả của chúng đối với kẻ khác.

Loại năng lượng lớn thứ hai gồm có những ham muốn, phát sinh khi chúng ta theo đuổi đối tượng quyến rũ từ ngoại giới. Trong con người, luôn luôn có yếu tố của cái trí xâm nhập vào dục vọng, nên chúng ta có thể bao gồm chúng vào nhóm ‘‘hình tư tưởng’’, mặc dù chúng biểu hiện chủ yếu trong chất liệu trung giới. Những dục vọng đó tác động lên chính người đã tạo ra chúng và khuôn đúc tạo nên cảm dục thể, hay thể vía (the astral body), để rồi sắp xếp số phận của con người lúc bước vào cảm dục giới (Kamaloka) sau khi chết; nó cũng xác định bản chất của thể vía ở kiếp sau. Những ham muốn có nhiều thú tính, nghiện rượu, tàn nhẫn, dâm ô, là căn nguyên chính của các chứng bệnh bẩm sinh, não bộ suy yếu bệnh hoạn, đưa đến tình trạng động kinh, tê liệt, và nhiều loại bệnh thần kinh khác; cơ thể thì bị dị tật, biến dạng, trong trường hợp rất nặng là hình thù quái dị. Thú tính ham ăn quá độ bất thường, tạo nên một vòng xích trên cõi trung giới ràng buộc linh hồn một thời gian, khoác vào thể vía hình dạng giống như loài thú có tính ham ăn tương tự, điều này làm sự luân hồi bị chậm trễ. Khi cá nhân thoát khỏi cõi này, thể vía có hình dạng thú vật đôi khi ghi ấn tượng những đặc tính của nó lên thể xác đang cấu tạo của hài nhi trước khi sinh, và là nguyên nhân của quái thai nửa người nửa thú thật khủng khiếp.

Vì dục vọng là những năng lượng phóng ra, đeo níu vào đối tượng; nó luôn luôn thu hút con người đến môi trường mà nó có thể thoả mãn. Lòng ham muốn những sự vật trần gian ràng buộc linh hồn hướng ra thế giới bên ngoài, lôi cuốn con người đến nơi nào có nhiều sự vật, đối tượng của sự ham muốn; do đó có câu «một người được sinh ra tùy theo dục vọng của người ấy».[92] Chúng là một trong những nguyên nhân chỉ định nơi chốn luân hồi của con người.

Những hình tư tưởng trí cảm dục (astro-mental images) do dục vọng tạo ra, tác động lên kẻ khác cùng cách thức với hình ảnh do tư tưởng tạo ra. Vì vậy, chúng cũng liên kết ta với những linh hồn khác, và thường trói buộc chặt chẽ bởi tình thương hay sự oán ghét. Vì thế, trong giai đoạn tiến hóa của nhân loại hiện tại, người trung bình thường có dục vọng mạnh và bền vững hơn tư tưởng của họ. Những tư tưởng và dục vọng này góp một phần lớn vào việc định đoạt môi trường, cũng như những người chung quanh mà một người phải sống trong những kiếp tương lai; và có thể mang lại cho những kiếp sống đó, những người cũng như những ảnh hưởng có liên hệ trực tiếp đến họ mà họ hoàn toàn không ý thức. Giả sử có một người phóng ra tư tưởng căm thù ác liệt, quyết lòng phục hận, tư tưởng này giúp và tạo cho một người nào đó sự xung động mạnh, kết quả là người thứ nhì này phạm tội giết người. Chắc chắn người tạo ra tư tưởng đó sẽ bị ràng buộc nghiệp quả với kẻ đã gây ra tội ác, mặc dù hai người chưa hề gặp gỡ nhau ở cõi trần. Sự thúc đẩy người khác phạm tội, sẽ quay trở lại gây tổn hại người phát ra tư tưởng, như là một hình phạt do họ đã dự phần gây nên tội ác. Điều ‘‘bất ngờ’’ ấy được họ cảm thấy như không đáng nhận lãnh hậu quả từ một nguyên nhân như thế, nhưng linh hồn được học hỏi và ghi nhận kinh nghiệm, trong khi ý thức của phàm ngã cảm thấy uất ức, cho đó là sự bất công. Không có một sự việc gì giáng xuống con người mà họ không xứng đáng thọ lãnh; mặc dù con người không nhớ những gì thuộc về quá khứ, nhưng luật thiên nhiên vẫn tác động. Chúng ta vừa học được rằng, những sự ham muốn tác động lên chính ta, tạo nên bản chất dục vọng của ta, và từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến xác thân vật chất của ta ở kiếp sau, đồng thời cũng dự một phần lớn trong sự định đoạt nơi chốn mà ta sẽ tái sinh. Do tình cảm và sự ham muốn hưóng đến kẻ khác, sẽ thu hút chung quanh ta những người mà ta liên kết trong những kiếp tái sinh.

Năng lượng lớn thứ ba là những hoạt động trên cõi vật chất, nó gây ra nhiều ảnh hưởng lên người khác, nhưng chỉ ảnh hưởng nhẹ nhàng đến con người bên trong. Chúng là kết quả của những tư tưởng và dục vọng quá khứ; và nghiệp mà chúng tiêu biểu hầu hết là những nghiệp quả đã mòn mỏi. Năng lượng này ảnh hưởng con người một cách gián tiếp, thúc đẩy họ sinh ra những tư tưởng, những dục vọng và xúc cảm mới, và lực phát sinh ra từ những điều này chớ không phải từ chính những hành động. Nhưng, nếu những hành động thường xuyên được lặp lại, chúng tạo ra thói quen cho xác thân, làm hạn chế sự biểu lộ của chân ngã ra thế giới bên ngoài. Dù sao, điều này sẽ mất đi cùng với xác thân, vì vậy nghiệp quả qua hành động chỉ giới hạn trong một kiếp sống, điều đáng quan tâm là kết quả của chúng đối với linh hồn. Về mặt khác, có những kết quả của hành động gây ra hạnh phúc hoặc đau khổ cho kẻ khác và ảnh hưởng đến họ. Chúng liên kết ta với người khác do ảnh hưởng đó, và là nhân tố thứ ba định đoạt sự kết hợp của ta với nhân loại trong tương lai, trong khi chúng là tác nhân chính trong sự định đoạt cái gọi là môi trường phi nhân loại của ta (non-human environment). Nói một cách tổng quát, bản chất thuận lợi hay không thuận lợi của môi trường vật chất mà nơi đó chúng ta được sinh ra, đều tùy thuộc vào kết quả của những hành động trong quá khứ, trong việc chúng ta đã ban rải hạnh phúc, hay nỗi bất hạnh cho kẻ khác. Những kết quả vật chất do hành động nơi cõi vật chất gây nên sẽ đem lại cho người tạo nghiệp một môi trường vật chất tốt hay xấu trong kiếp sống tương lai. Nếu chúng ta đem lại cho người khác hạnh phúc về vật chất do sự hy sinh tiền bạc, thời giờ hay sức lực, thì nghiệp quả sẽ mang lại cho chúng ta một hoàn cảnh vật chất thuận lợi, hạnh phúc ở trần gian. Trái lại, nếu người nào gây ra cho đồng loại nhiều khó khăn đau khổ về vật chất, chắc chắn người đó sẽ gặt hái nghiệp quả đã gieo, và phải sống trong những hoàn cảnh nghèo khổ thiếu thốn vật chất. Dù do động lực nào đi nữa, cũng đưa đến sự thừa nhận có một qui luật, đó là:

Mỗi năng lực tác động ở cõi của nó. Nếu một người gieo hạnh phúc đến cho những kẻ khác trên cõi vật chất, người ấy sẽ gặt hái những điều thuận lợi, hạnh phúc trên cõi vật chất, dù cho động lực thúc đẩy người ấy gieo giống như thế nào đi nữa, cũng không ảnh hưởng đến kết quả được. Một người gieo lúa mì với rắp tâm sẽ làm phá sản người láng giềng, nhưng không vì lý do chủ tâm xấu mà làm hạt lúa mì mọc thành cây bồ công anh hoang dại. Động lực là sức mạnh của trí năng hoặc của tình cảm (mental or astral force), phát triển từ ý chí hoặc dục vọng, và phản ứng trên đặc tính đạo đức hoặc trí tuệ hay trên bản chất của một số dục vọng. Hành động mang lại hạnh phúc vật chất là một năng lực vật chất, và tác động trên cõi vật chất.

‘‘Do hành động, con người ảnh hưởng đến những người láng giềng của mình trên cõi vật chất; người ấy ban rải hạnh phúc hoặc gây buồn khổ cho những người chung quanh, làm gia tăng hay giảm thiểu phúc lợi của con người. Sự tăng hay giảm hạnh phúc này có thể do những động lực khác nhau, tốt, xấu, hoặc lẫn lộn. Một người có thể thực hiện việc đem lại hạnh phúc, an vui, có tầm mức rộng lớn do tấm lòng từ thiện đối với đồng loại. Giả sử một người đứng ra lập một công viên, với động cơ duy nhất là để dân cư trong tỉnh có nơi vui chơi. Một người khác cũng thực hiện công việc như vậy, nhưng với ý muốn phô trương, gây sự chú ý của người có quyền thế, để được một vinh dự trong xã hội (như có thể được phong tặng một tước hiệu cao quí). Người thứ ba cũng lập một công viên với động lực vừa vô tư vừa ích kỷ. Những động lực sẽ ảnh hưởng đến bản chất của ba người này trong kiếp tái sinh tương lai như sau: người thứ nhất được tiến bộ tốt đẹp hơn; người thứ hai bị giảm phẩm cách; người thứ ba, có một chút ít thành công. Nhưng kết quả của hành động đem lại sự vui vẻ, hạnh phúc cho một số đông dân chúng, không tùy thuộc vào động lực thúc đẩy hành động của người hiến tặng; dân chúng thường đến giải trí tại công viên, với sự vui thích như nhau trong cả ba trường hợp. Và niềm hân hoan, vui vẻ đó là nhân quả tốt cho hành động của người đã hiến tặng công viên, sẽ định cho người ấy một thành quả trong thiên nhiên, và sẽ được trả lại cho họ rất chu đáo. Họ sẽ có được một hoàn cảnh vật chất tiện nghi, sang trọng, do đã ban rải sự vui tươi thoải mái và sự hy sinh tài sản vật chất, đó là sự đền đáp mà nghiệp quả của hành động đã kết trái lành. Nhưng sự sử dụng địa vị của mình, hạnh phúc mà sự giàu có mang lại và môi trường chung quanh sẽ tùy thuộc chủ yếu vào đặc tính của họ; ở đây, sự tưởng thưởng tích lũy cho con người, mỗi hạt giống đều mang trong nó kết quả thích hợp.’’[93] Quả thật, nghiệp quả rất công bình, nó không ngăn cản người xấu hưởng được kết quả của một hành động ban rải hạnh phúc cho kẻ khác, và nó cũng tạo ra bản chất xấu do động lực xấu của họ; cho nên, dù sống giữa cảnh giàu có, nhưng họ vẫn gặp những sự bất mãn và ưu phiền. Thật sự người tốt cũng không tránh khỏi đau khổ vật chất, nếu họ gây sự đau khổ vật chất cho người khác do hành động sai lầm, dù hành động đó phát xuất từ một động lực tốt. Sự khốn khổ mà họ gây ra sẽ mang lại cho họ sự thống khổ về phương diện vật chất, nhưng động lực tốt sẽ làm tốt thêm bản chất của họ, sẽ đem lại cho họ một nguồn hạnh phúc lâu dài bên trong, họ sẽ kiên nhẫn và bằng lòng giữa lúc khó khăn.

Nhiều vấn đề rắc rối có thể được giải thích bằng cách áp dụng những nguyên tắc này vào các sự việc chung quanh chúng ta.

Sự khác biệt giữa kết quả của động lực và kết quả của hành động là do sự kiện mỗi lực phát sinh đều mang những tính chất thuộc về cõi mà nó phát ra, và cõi càng cao thì lực có tác dụng càng mạnh và kéo dài; vì vậy, động lực quan trọng hơn hành động rất nhiều. Một hành động lỗi lầm, nhưng với động lực tốt cũng đem đến điều tốt cho người thực hiện, hơn là một hành động được chọn lựa kỹ càng mà được thực hiện với động lực xấu. Động lực phản ứng trên đặc tính, phát sinh ra một loạt dài hiệu quả, vì những hành động trong tương lai được hướng dẫn bởi đặc tính đó, và tất cả sẽ ảnh hưởng cho sự cải thiện hoặc cho sự suy đồi. Thế nên, hành động đem lại cho người tạo ra nó hạnh phúc hay đau khổ vật chất, tùy theo kết quả của nó tác động lên kẻ khác. Khi có sự bối rối trong việc chọn lựa cách thức hành động chân chánh, do sự xung đột giữa những bổn phận, người hiểu biết luật nhân quả cố gắng chọn cho mình một con đường tốt nhất với khả năng của lý trí và phán đoán tối đa. Con người phải thận trọng cân nhắc tỉ mỉ về động lực của họ, loại bỏ tư tưởng ích kỷ và thanh lọc tâm hồn. Kế đó họ can đảm hành động; nếu công việc bị sai lầm, thất bại, họ sẵn sàng chấp nhận mọi điều đau khổ do kết quả của sự sai lầm, như là một bài học hữu ích cho tương lai. Trong khi đó, động lực tốt đẹp này nâng cao đức tính của họ trong mọi thời gian về sau.

Nguyên tắc tổng quát cho biết, lực tùy thuộc vào cõi mà nó đã phát sinh, có ảnh hưởng sâu rộng và có tầm quan trọng. Nếu năng lực đó được phóng thích với động lực thu đạt những sở hữu vật chất, nó sẽ tác động ở cõi vật chất và gắn bó người tạo tác ra nó vào cõi vật chất. Nếu nó tập trung vào những đối tượng cõi thiên đàng (devakhan) thì nó tác động nơi cõi thiên đàng, và gắn bó người tạo tác vào cõi thiên đàng. Nếu nó không có động lực nào, như việc phụng sự thiêng liêng, thì nó được tự do trên cõi tinh thần, cho nên không gắn bó người tạo tác vào đâu cả, vì cá tính này không đòi hỏi một điều gì.

Có ba loại nghiệp quả: Nghiệp chín mùi sẵn sàng thu hoạch không sao tránh khỏi. Ngoài tất cả nghiệp thuộc về quá khứ, có một số nghiệp nào đó có thể đã trả xong trong thời gian một kiếp sống nơi cõi trần. Có vài loại nghiệp không thích hợp lẫn nhau, chỉ một thể xác không thể trả hết được, mà phải cần đến nhiều xác thân khác nhau thì nghiệp mới biểu hiện được. Đây là những trách nhiệm dính líu với những linh hồn khác, nhưng tất cả những linh hồn đó lại không thể tái sinh cùng một lúc. Có nghiệp phải trả nơi một quốc gia hoặc trong phạm vi một xã hội đặc biệt, trong khi cá nhân đó cũng có nghiệp phải trả ở một môi trường hoàn toàn khác. Cho nên chỉ có một phần trong toàn thể nghiệp quả của một người có thể trả được trong mỗi kiếp sống, phần nghiệp này do Đấng Chưởng Quản Nhân Quả (the Great Lords of Karma) chọn lọc (điều này sẽ được trình bày về sau), và linh hồn được đưa đến tái sinh trong một gia đình, một quốc gia, và một xác thân thích hợp, hầu làm cạn bớt tổng số nghiệp. Tổng số nghiệp này xác định thời gian cho mỗi kiếp đặc biệt, tạo cho xác thân những đặc tính, năng lực và giới hạn; mang tới cá nhân ấy những linh hồn mà họ có bổn phận trang trải nghiệp, đi đầu thai trong khoảng thời gian một kiếp sống; bao quanh cá nhân ấy trong sự liên hệ cha mẹ, thân quyến, bạn bè và kẻ thù. Chúng còn xác định những điều kiện xã hội, nơi người ấy sinh ra, trong hoàn cảnh yên ổn hay dẫy đầy bất trắc. Năng lượng của thể trí được chọn lọc để họ có thể biểu lộ nhờ vào cách sắp xếp não bộ và hệ thần kinh; phối hợp các nguyên nhân đưa đến kết quả đau buồn hay vui vẻ trong những hoạt động bên ngoài, để họ có thể trả quả trong một kiếp sống. Tất cả những sự việc đó là nghiệp đã ‘‘chín mùi’’, (the ripe Karma) mà một nhà chiêm tinh đủ trình độ có thể tính toán và phác họa qua lá số tử vi. Trong tất cả điều này, con người không có quyền chọn lựa; tất cả được định đoạt từ quá khứ, và họ phải giải tỏa hết những món nợ nghiệp quả mà họ đã vay mượn.

Như ta biết, thể xác, vía và trí mà linh hồn sử dụng cho kiếp sống mới, là kết quả trực tiếp của quá khứ, chúng hợp thành một phần rất quan trọng của nghiệp quả chín mùi. Chúng giới hạn linh hồn trong mọi khía cạnh; quá khứ trỗi dậy chống lại họ. Người khôn ngoan biết không thể trốn tránh nhân quả, vui vẻ chấp nhận chúng, và chuyên cần làm việc để cải tiến cho tốt đẹp hơn.

Có một loại nghiệp quả chín mùi khác vô cùng quan trọng của những hành động không thể tránh khỏi. Mọi hành động là sự biểu hiện sau cùng của một loạt những tư tưởng, thử mượn cách trình bày trong hóa học để nói về điều này. Chúng ta có một dung dịch bão hòa[94] (saturated solution) của tư tưởng, do đã thêm vào đó từ tư tưởng này đến tư tưởng kia cùng loại, cho đến khi một tư tưởng khác, hoặc là một sự rung động kích thích từ bên ngoài, như chất xúc tác, sẽ làm đông đặc lại toàn thể, như thế hành động là sự diễn tả những tư tưởng. Nếu chúng ta kiên trì lặp lại mãi những tư tưởng cùng loại, thí dụ ý nghĩ trả thù, cuối cùng chúng ta sẽ tiến đến điểm bão hòa, khi đó bất cứ một kích động nào cũng sẽ làm đông đặc lại thành hành động, và gây nên tội ác. Ngược lại, ta có thể bền chí nuôi dưỡng tư tưởng giúp đỡ người khác đến mức bão hòa, khi có một tác nhân kích thích của cơ hội đưa đến, chúng kết tinh lại qua một hành động anh hùng nghĩa hiệp. Một người có thể mang theo trong họ vài nghiệp quả đã chín mùi thuộc loại này, và sự rung động đầu tiên khi chạm đến cái khối tư tưởng đang sẵn sàng kết tinh thành hành động, sẽ thúc giục họ thực hiện một cách máy móc, không kịp suy xét. Họ không thể dừng lại để suy nghĩ, vì đang ở trong trạng thái mà sự rung động đầu tiên của trí năng sẵn sàng gây ra hành động. Họ đang ở trên một điểm thăng bằng, giống như đang ở giữa hai đòn cân, chỉ một xung lực nhẹ cũng đủ làm mất quân bình. Trong những trường hợp này, người thiếu hiểu biết sẽ ngạc nhiên, sửng sốt về hành động gây nên tội ác như vậy. Nếu sự kiện này xảy ra cho việc tốt lành, họ cũng cảm thấy kỳ diệu khi hoàn thành vài công việc phụng sự cao cả do lòng sùng bái. Họ nói: ‘‘Tôi đã hành động không suy nghĩ,’’ mà không biết rằng họ đã thường xuyên suy nghĩ và hành động là điều không tránh khỏi. Khi một người đã nhiều lần toan tính thực hiện một công việc gì đó, cuối cùng ý chí của họ quyết định sẽ không thay đổi, còn việc thực hiện chỉ là vấn đề cơ hội mà thôi. Khi nào con người còn có thể suy nghĩ, còn sự lựa chọn, thì con người có thể suy nghĩ theo chiều hướng mới chống lại tư tưởng cũ, và dần dần làm tiêu tan ảnh hưởng của nó bằng những tư tưởng đối nghịch. Nhưng nếu sự rung động kế tiếp của linh hồn đáp ứng lại với tác nhân kích thích và gây ra hành động, thì không còn lựa chọn được nữa.

Ở đây, một vấn đề cũ kỹ được đưa ra tìm giải pháp là sự bắt buộc và tự do ý chí. Khi sử dụng tự do ý chí, con người sẽ dần dần tạo nên những điều bắt buộc cho mình. Giữa hai thái cực, tự do ý chí và điều bắt buộc, có nhiều giải pháp kết hợp, gây nên sự tranh chấp từ bên trong nội tâm. Khi chúng ta liên tiếp tạo thói quen và lặp lại mãi những hành động có mục đích do ý chí hướng dẫn, thì thói quen trở nên một giới hạn, và chúng ta hành động một cách máy móc. Có thể ta rút ra kết luận rằng thói quen là điều không tốt, và ta bắt đầu thay đổi chúng bằng những tư tưởng đối nghịch. Sau nhiều cố gắng làm cho thói quen dần dần mất hiệu lực, khi đó những dòng tư tưởng xoay chiều, và chúng ta sẽ thu hồi lại đầy đủ sự tự do; nhưng phải coi chừng một sự trói buộc khác dần dần được tạo ra. Như vậy những hình tư tưởng cũ còn tồn tại và giới hạn khả năng suy nghĩ của ta, chúng biểu lộ như là những thành kiến cá nhân hoặc quốc gia. Phần đông vì vô minh, không hiểu được sự hạn chế này, nên vẫn âm thầm bị chúng xiềng xích trói buộc. Những người đã học được sự thật về bản chất của chúng, sẽ được tự do. Sự cấu tạo não bộ và hệ thống thần kinh là một trong những điều trọng yếu nhất của đời sống con người; đây là điều mà ta khó lòng tránh khỏi do những tư tưởng quá khứ; hiện tại chúng giới hạn ta và là những nỗi bực mình thường quấy rối ta. Chúng có thể được cải tiến chậm chạp và từ từ; những giới hạn có thể được bành trướng dần dần, nhưng không thể chuyển hóa thình lình.

Một hình thức khác của nghiệp quả chín mùi là những tư tưởng tội lỗi thời quá thứ, hợp thành một lớp vỏ cứng rắn của thói quen xấu xa, vây quanh con người, giam cầm và làm thành một cuộc sống xấu ác. Những hành động là hậu quả của nghiệp quá khứ không sao tránh khỏi như vừa giải thích; những nghiệp này có thể đã bị hoãn lại vài kiếp, vì chưa có cơ hội thuận tiện để biểu lộ. Trong lúc đó, linh hồn vẫn phát triển và đạt được phẩm chất cao quí. Trong một kiếp nào đó, khi có cơ hội, lớp vỏ cứng của tội lỗi quá khứ bị phá vỡ, nghiệp báo phải trả, mặc dù linh hồn đã có tiến bộ sau này, nhưng không thể ngăn cản được; ví như gà con sắp nở, nó núp bên trong ngục tù của vỏ trứng, mà chỉ có bên ngoài mới có thể trông thấy cái vỏ mà thôi. Sau một thời gian, nghiệp quả này đã trả xong, có vài sự việc tình cờ đưa tới – như một lời dạy của một bậc Thầy cao cả, một quyển sách, một bài thuyết giảng đạo lý – phá vỡ cái vỏ và linh hồn được tự do. Sự chuyển đổi này thật hiếm có, bất ngờ và lâu dài; một điều ‘‘huyền diệu của ân huệ thiêng liêng,’’ nhờ đó, chúng ta biết lắng nghe; đây là sự kiện hoàn toàn dễ hiểu đối với người đã thấu hiểu và sống theo luật nhân quả.

Tích lũy nghiệp (accumulated Karma) có đặc tính khác với nghiệp chín mùi (ripe Karma), vì nó luôn luôn có thể chuyển đổi được. Nghiệp này gồm có những khuynh hướng mạnh hay yếu tùy theo sức mạnh tư tưởng đã phát sinh ra nó. Con người có thể làm tăng cường hay làm yếu đi bằng những dòng năng lực tư tưởng mới, phát ra để tác động theo chiều hướng của chúng hay nghịch lại chúng. Nếu ta tự xét thấy có những khuynh hướng mà ta không bằng lòng, hãy cố gắng loại bỏ chúng. Thường ta bị thất bại trước những làn sóng cám dỗ quá mạnh của dục vọng lôi cuốn. Ta càng kiên trì lâu dài chống lại chúng, dù cho cuối cùng có bị ngã quỵ, nhưng ta càng tiến gần đến mục đích chế phục chúng. Mỗi lần thất bại là một nấc thang đưa đến thành công, vì năng lượng đối kháng với chúng ta sẽ bớt đi dần, và sẽ giảm rất nhiều trong tương lai. Đến đây, tạm xong phần học hỏi về nghiệp quả đang trên đường diễn tiến.

Cộng nghiệp (collective Karma) là nghiệp quả chung của một nhóm người; những lực của nghiệp quả này tác động lên mỗi cá nhân trong một nhóm, đưa đến một nhân tố mới trong nghiệp quả của cá nhân.

Ta biết, khi một số lực tác động vào một điểm, thì điểm đó sẽ chuyển động theo một hướng, do sự kết hợp tất cả các lực, chớ nó không theo một lực riêng biệt nào. Vậy nghiệp quả của một nhóm người (cộng nghiệp) là kết quả của những lực tác động, được tạo nên do nhiều cá nhân trong một nhóm, và tất cả cá nhân này phải nhận lãnh nghiệp quả cùng một phương hướng do kết quả mà lực chung đã tạo ra. Một linh hồn được thu hút bởi nghiệp quả cá nhân vào một gia đình, vì những kiếp đã qua có liên hệ mật thiết với vài linh hồn khác trong gia đình này. Thí dụ trường hợp một gia đình giàu có nhờ được thừa hưởng tài sản từ ông nội. Nhưng một người thừa kế tài sản đó đột ngột xuất hiện: người này là con chính thức của người anh cả trong gia đình nói trên, vì lúc ông anh cả chết, người ta tưởng ông ấy không có con. Thế là toàn bộ gia tài phải trao lại cho kẻ thừa kế chính thức, để lại người cha trong gia đình nói trên phải gánh nặng nợ nần. Người cha trong gia đình có dính líu trong quá khứ vài nhân quả nào đó, nên ngày nay phải gánh chịu tai họa, và hành động của ông trong quá khứ có liên hệ đến nghiệp quả chung của gia đình. Nếu chính cá nhân linh hồn được sinh ra trong gia đình ấy đã phạm điều ác trong quá khứ, thì đứa con đó phải trả quả và chịu khổ trong nghiệp quả chung của gia đình. Bằng không phải vậy, do vài ‘‘trường hợp không thể biết trước,’’ đứa con trong gia đình đó được di chuyển đi nơi khác nhờ một người nhân từ nào đó, do sự thôi thúc vô hình, nhận nó làm con nuôi và giáo dục nó nên người, vị này trong quá khứ chính là người đã mắc nợ nó.

Chúng ta thấy rõ hơn những sự việc thuộc về cộng nghiệp trong những biến cố như: tai nạn xe lửa, đắm tàu, lũ lụt, bão tố v. v… Một chuyến tàu hỏa bị nạn, tai nạn xảy ra thình lình có thể do người lái, người canh gác, giám đốc đường sắt hoặc công nhân phụ trách, tạo thành một khối tư tưởng giận dữ, bất mãn, ganh ghét tụ hội lại. Những người cùng mang nghiệp tích lũy – không nhất thiết là nghiệp quả chín mùi của họ – món nợ do việc đột ngột cắt đứt sự sống của kẻ khác trong những kiếp trước, có thể đem họ vào tai nạn này để trả. Một người khác có ý định đi chuyến xe lửa đó, nhưng không có món nợ nào trong quá khứ phải trả, nên người ấy được ‘‘Trời giúp’’ thoát nạn, nhờ trễ chuyến tàu.

Cộng nghiệp có thể đẩy một người vào nỗi bất hạnh do chiến tranh của đất nước, họ trả món nợ tiền kiếp, không nhất thiết phải là nghiệp quả chín mùi của kiếp hiện tại. Không có trường hợp trả quả nào mà con người không xứng đáng nhận chịu sự đau khổ, vì cơ hội bất ngờ đưa đến có thể giải tỏa một sự ràng buộc của kiếp trước; vậy tốt nhất hãy trả cho xong và loại trừ nó vĩnh viễn.

Các vị ‘‘Chưởng Quản Nghiệp Quả’’ là những Đấng trí tuệ siêu phàm, các Ngài ghi nhận nghiệp quả của nhân loại và điều chỉnh những tác động phức tạp của luật nhân quả. Bà Blavatsky có mô tả những vị này trong bộ Giáo Lý Bí Truyền, đó là các vị Lipika, những Đấng ghi nhận nghiệp quả, và các vị Maharajas[95] (Nam Tào Bắc Đẩu) cùng các vị phụ tá của các Ngài, những vị này là ‘‘tác nhân của nghiệp quả ở cõi trần.’’[96] Các vị Lipika thấu triệt nghiệp quả của tất cả nhân loại trên địa cầu, với sự toàn tri toàn giác, các Ngài lựa chọn và phối hợp những phần trong tổng số nhân quả của một người và thiết lập chương trình cho mỗi kiếp sống. Các Ngài đưa ra ý kiến về việc tạo nên xác thân vật chất, là y phục của linh hồn lúc tái sinh, để có thể biểu lộ khả năng cũng như hạn chế của một người. ‘‘Ý kiến’’ của các Ngài được các vị Maharajas tiếp nhận và dùng làm căn bản cho một kiểu mẫu với đầy đủ chi tiết, kế đến giao cho một trong những phụ tá của các Ngài làm bản sao; bản sao này chính là thể dĩ thái hay là thể phách (etheric double), cái khuôn của thể xác đậm đặc. Những chất liệu để tạo nên thể này được rút ra từ người mẹ và là vấn đề thuộc sự di truyền vật chất. Chủng tộc, quê hương, cha mẹ được chọn theo khả năng có thể cung cấp chất liệu thích hợp cho thể xác vật chất của linh hồn sắp tái sinh, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho đời sống lúc đầu. Sự di truyền thể chất của gia đình cho ra vài loại tính chất đặc biệt do sự kết hợp các chất liệu, như: bệnh tật di truyền, sự nhạy cảm di truyền của hệ thần kinh, tất cả biểu hiện sự phối hợp chính xác chất liệu vật chất và có khả năng truyền đạt. Một linh hồn có thể trí và thể vía phát triển đặc biệt, cần một thể xác có những tính chất đặc biệt để biểu lộ, sẽ được đưa đến những cha mẹ cho di truyền vật chất có thể đáp ứng những điều kiện này. Như một linh hồn có khả năng tiến bộ cao về âm nhạc, có thể được hướng dẫn tái sinh vào một gia đình nhạc sĩ, để được cung cấp chất liệu tạo thành thể dĩ thái và thể xác sẵn sàng thích ứng với nhu cầu của nó, và loại di truyền của hệ thần kinh trang bị thật tinh tế cho nhu cầu biểu lộ năng khiếu. Một linh hồn thuộc loại rất xấu xa sẽ đầu thai vào một gia đình thô lỗ, độc ác, thể xác của họ toàn là sự phối hợp những chất thô trược, đê tiện, để đáp ứng với những rung động của chính thể trí và thể vía của họ. Một linh hồn đã không tự kiểm soát được, để cho thể vía và hạ trí dẫn dắt quá trớn chìm đắm trong rượu chè say sưa, chắc chắn sẽ tái sinh vào một gia đình có hệ thần kinh yếu kém và cha mẹ là kẻ nghiện ngập, sẽ truyền lại bệnh tật cho thể xác của nó. Các Đấng Chưởng Quản Nhiệp Quả chỉ đạo và điều chỉnh những phương tiện cho đến cuối cùng, để bảo đảm sự thực thi công lý. Còn linh hồn vẫn mang theo tài sản nghiệp quả, những khả năng cũng như dục vọng của nó, và nó sẽ nhận được một thể xác thích hợp cho sự biểu lộ của những thể cao hơn.

Linh hồn phải trở lại cõi trần đến khi nào đã trả xong các món nợ đời, cũng như đã chấm dứt nghiệp quả cá nhân, và trong mỗi kiếp luân hồi, tư tưởng và dục vọng của cá nhân lại phát sinh nghiệp quả mới. Câu hỏi có thể được đặt ra là: ‘‘Làm thế nào để chấm dứt sự trói buộc này? Làm sao linh hồn được giải thoát?’’ Vậy chúng ta phải đề cập đến sự ‘‘chấm dứt nghiệp’’, và nghiên cứu về sự kiện này.

Trước tiên chúng ta phải nắm vững yếu tố ràng buộc của nhân quả. Năng lực hướng ngoại của linh hồn trói buộc nó với vài đối tượng, sự ràng buộc này kéo linh hồn đến với đối tượng mà nó ưa thích. Chừng nào linh hồn còn đeo níu vào bất cứ một đối tượng vật chất nào, nó phải bị lôi kéo đến nơi có thể đạt được đối tượng đó. Nhân quả tốt cũng như nhân quả xấu đều trói buộc linh hồn. Bất cứ sự ham muốn nào ở cõi vật chất hay ở cõi thiên đàng, đều lôi kéo linh hồn đến cõi đó để thụ hưởng.

Chính dục vọng thúc đẩy hành động, vậy một hành động được thực hiện không phải vì lợi ích cho chính nó mà là để cho dục vọng đạt được những kết quả của nó, nói theo danh từ kỹ thuật là vui hưởng kết quả của hành động. Con người làm việc, không phải vì họ thích đào đất, xây cất, hay dệt vải mà để hưởng kết quả do sự đào đất, xây cất, dệt vải đem lại dưới hình thức tiền bạc hay tài sản. Một luật sư biện hộ không phải để trình bày rõ ràng các sự kiện, mà là vì tiền bạc, danh tiếng, địa vị. Phần đông con người đang làm việc để đạt những điều gì đó, và bị thúc đẩy do lòng mong muốn đạt được kết quả, chớ không do một nhiệm vụ đặc biệt. Sự ham muốn thu thập kết quả thúc giục họ hoạt động, để rồi vui hưởng kết quả như là phần thưởng của sự cố gắng.

Dục vọng là yếu tố trói buộc chúng ta vào nghiệp quả. Khi một linh hồn không còn ham muốn bất cứ điều gì ở cõi trần hay cõi thiên đàng, thì mọi điều ràng buộc với bánh xe luân hồi trở lại ba cõi sẽ được tháo gỡ. Hành động tự nó không có năng lực trói buộc linh hồn, vì khi đã hoàn tất, hành động tự biến ngay vào dĩ vãng. Nhưng tham vọng phục hồi kết quả không ngớt thúc đẩy linh hồn lao vào những hoạt động khác, và những sợi xích trói buộc mới liên tục được trui rèn.

Chúng ta không nên cảm thấy tiếc khi thấy những người bị sức mạnh của dục vọng liên tục thúc đẩy vào hành động; vì nhờ dục vọng, họ chiến thắng tính lười biếng, sự uể oải, tính ù lì[97] và thúc giục con người hoạt động để có được kinh nghiệm. Hãy để ý người hoang dã, họ lười biếng nằm ngủ trên cỏ dại; họ bị bắt buộc phải hoạt động do cái đói, do ham muốn có thức ăn và phải tập kiên nhẫn, khéo léo, chịu đựng. Nhờ đó, thể trí của họ phát triển, nhưng khi đã thỏa mãn nhu cầu, họ chìm đắm trở lại trong sự mơ màng như loài thú. Biết bao khả năng trí tuệ được tiến bộ trọn vẹn do sự kích thích của dục vọng, biết bao điều hữu ích do lòng háo danh, muốn để lại tiếng tăm sau khi chết. Ngay đến khi con người tiến gần đến thiêng liêng, họ vẫn cần sự thúc giục của ham muốn, và ham muốn trở nên trong sạch hơn, bớt ích kỷ hơn khi họ tiến lên cao. Dù sao, dục vọng thấp hèn vẫn trói buộc con người vào vòng luân hồi, nếu muốn giải thoát, phải tiêu diệt chúng.

Khi một người khởi sự ước mong được giải thoát, họ được chỉ dạy phải thực hiện sự ‘‘từ bỏ những thành quả của hành động,’’ như thế, họ phải dần dần loại hết những khát khao chiếm hữu bất cứ một sự vật nào. Trước hết phải suy nghĩ kỹ và tự nguyện từ bỏ những đối tượng vật chất, và tập thói quen hài lòng mà không cần sự vật đó. Sau một thời gian, họ không cảm thấy thiếu vắng sự vật đó và lòng ham muốn sự vật đó hầu như biến mất khỏi tâm trí. Vào giai đoạn này, họ cần rất thận trọng, không xao lãng bất cứ một nhiệm vụ nào, bởi vì họ phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ với sự chú tâm chân thành, trong khi vẫn hoàn toàn lãnh đạm đối với sự hưởng thụ kết quả của việc làm. Khi con người đã đạt được sự việc này một cách hoàn hảo, không còn một điều ham muốn hay ghét bỏ đối với bất cứ đối tượng nào, họ sẽ không còn tạo nghiệp quả nữa. Con người cũng không đòi hỏi một điều gì nơi cõi trần hay cõi thiên đàng và không bị lôi cuốn vào cõi nào cả. Khi họ không còn ham muốn điều gì thì tất cả những sự kết nối họ với mọi sự vật đã được cởi bỏ, đến đây cá nhân không còn gây nghiệp quả mới nữa.

Không những linh hồn phải chấm dứt tạo ra sợi xích mới mà còn phải cởi bỏ sợi xích cũ, hoặc để sợi xích cũ hao mòn dần, hay cẩn thận chặt đứt nó.

Trí thức rất cần thiết để bẻ gãy sợi xích này; người trí thức có thể nhìn về quá khứ để thấy rõ những nguyên nhân đang tác động, tạo ra kết quả trong hiện tại. Thí dụ một người đang nhìn về quá khứ, xuyên qua những kiếp đã trải, và thấy có vài nguyên nhân nào đó sẽ đem đến một biến cố trong tương lai; giả sử nguyên nhân này là tư tưởng oán ghét một kẻ nào đã làm tổn thương anh ta, và tư tưởng oán ghét này sẽ gây sự buồn khổ cho người đã làm hại anh ta trong vòng một năm tới. Anh ta có thể khởi sự tạo nên một nguyên nhân mới xen lẫn vào nguyên nhân quá khứ, từ đó làm mất tác dụng của nguyên nhân quá khứ bằng những tư tưởng yêu thương mạnh mẽ cùng với thiện ý chấm dứt sự oán ghét. Điều này sẽ ngăn chận được biến cố đáng lẽ xảy ra, làm phát sinh một nghiệp quả mới. Như thế, con người có thể vô hiệu hóa năng lực phát sinh từ quá khứ bằng cách đưa ra những năng lực tương đương và đối nghịch; phương pháp này chính là ‘‘tri thức giải trừ nghiệp chướng.’’ Theo cách này, con người có thể chấm dứt nghiệp quả phát sinh trong kiếp hiện tại, và không gây nên hậu quả trong những kiếp tương lai.

Đến giai đoạn này, có thể con người vẫn còn bị trở ngại bởi trách nhiệm đối với những linh hồn khác trong các kiếp trước, do những điều sai trái đối với họ, do những bổn phận chưa trả xong. Với sự hiểu biết, người ấy có thể tìm những linh hồn đó, nếu họ đang sống cùng thời tại cõi trần hoặc ở một trong hai cõi kia, để tạo cơ hội giúp ích họ. Nếu một trong những linh hồn mà người ấy mang nợ, tái sinh đồng thời với người ấy, thì người ấy có thể tìm họ để thanh toán nợ cho xong, để có thể tự giải thoát khỏi sự trói buộc của nghiệp quả. Sự kiện không vướng mắc vào những biến cố, có thể là điều cần thiết cho sự chọn lựa tái sinh, nhưng cũng có thể ngăn trở cho đời sống tương lai. Con đường mà những nhà huyền bí học đã chọn thật lạ lùng, rắc rối, đôi khi khó giải thích như trường hợp sau: một người trí thức có quan hệ rất mật thiết với vài người khác, mà người bàng quan kém hiểu biết phê bình rằng anh ta kết bạn với những người không xứng đáng, nhưng thật ra nhà huyền bí học đang âm thầm làm việc theo chiều hướng của trách nhiệm nhân quả, nếu không, nghiệp vướng mắc này sẽ làm chậm trễ sự tiến bộ tâm linh của anh ta.

Người chưa đủ hiểu biết để xem xét lại các kiếp sống đã qua, nếu muốn làm vơi bớt những nguyên nhân đang kết trái trong hiện tại, thì có thể nghiên cứu cẩn thận những sự việc mà họ đã nhớ, ghi lại những trường hợp họ đã làm sai đối với người khác, và những trường hợp họ bị người khác làm đau buồn. Trường hợp thứ nhất, muốn giải trừ nghiệp quả họ phải ban ra thật nhiều tình thương và phục vụ, đồng thời thực hiện công tác phụng sự cho những kẻ bị tổn thương, ở bất cứ nơi đâu, nếu có thể. Trường hợp thứ hai, nên đưa ra những tư tưởng khoan dung, tha thứ và thiện chí. Cách này sẽ làm giảm đi sự ràng buộc của nghiệp quả, và giúp họ tiến gần đến giải thoát.

Những người sùng đạo vâng theo lời giáo huấn của các vị thầy trong tôn giáo, thường lấy ân đáp oán; một cách vô thức, họ làm vơi được những nghiệp quả phát sinh ở hiện tại, nếu không, chúng sẽ gây ra hậu quả trong tương lai. Không ai có thể đan sợi dây oán ghét trói buộc quí vị, nếu quí vị từ chối không đóng góp những tao dây oán hận cho họ đan, và cố gắng kiên trì vô hiệu hóa mỗi lực oán hận bằng một tư tưởng đầy thương yêu. Hãy để linh hồn chiếu diệu tình yêu và từ ái ra mọi hướng, như thế tư tưởng oán ghét không còn nơi bám trụ. Tất cả các bậc Thầy cao cả đều thông hiểu luật, và những huấn thị của các Ngài được căn cứ theo đó, những người tôn kính và sùng bái các Ngài đều tuân theo sự hướng dẫn hữu ích đúng theo luật thiên nhiên, mặc dù họ không hiểu biết gì về những chi tiết mà luật tác động.

Một người kém học thức, nhưng thực hành đúng theo cách thức mà một nhà khoa học chỉ dẫn, thì có thể đạt được kết quả do sự thực hành theo định luật thiên nhiên, bất chấp sự dốt nát về khoa học; nguyên tắc này cũng áp dụng được ở những thế giới bên ngoài cõi vật chất. Nhiều người không có thời giờ nghiên cứu, họ chấp nhận một cách không suy nghĩ các nguyên tắc do những người thông hiểu hướng dẫn hạnh kiểm họ trong đời sống hàng ngày, điều này có thể trang trải một cách vô thức những ràng buộc nhân quả của họ.

Ở những nước mà người bình dân và lao động có đức tin vào luân hồi nhân quả, thì họ sẽ bình thản chấp nhận những xáo trộn trong cuộc sống. Người nghèo khổ bất hạnh không oán trách Thượng Đế, cũng không thù ghét chống đối người láng giềng giàu có. Họ chấp nhận cuộc sống khó khăn, coi đó là hậu quả của những lỗi lầm tiền kiếp, và cố gắng hết sức mình để tạo đời sống khá hơn. Như thế, họ tìm được sự bình an; trong khi người thiếu đức tin và thiếu hiểu biết tự gia tăng phiền muộn cho hoàn cảnh khổ sở nặng nề. Họ nhận thức rằng: nhân quả đã mang đau khổ cho họ do lỗi lầm quá khứ, thì chắc chắn sẽ mang đến hạnh phúc tương lai nếu họ phấn đấu gieo trồng giống tốt kiếp này. Quan điểm triết lý đó sẽ đem lại sự ổn định xã hội. Người nghèo khó và người thất học không thể nghiên cứu sâu xa vấn đề siêu hình, nhưng họ nắm vững các nguyên tắc thật giản dị, như mọi người được tái sinh nhiều kiếp, mỗi kiếp kế tiếp nhau là cái khuôn đúc của kiếp trước đó. Đối với họ, vấn đề luân hồi là sự kiện chắc chắn, không ai tránh khỏi, cũng như mặt trời mọc và lặn mỗi ngày, là một phần trong sự vận hành của thiên nhiên, nghịch lại nó là sự biếng nhác, bực dọc hoặc nổi loạn. Khi Minh Triết Thiêng Liêng phục hồi các chân lý cổ này và hoà nhập vào đúng vị trí của tư tưởng Tây Phương, thì đường hướng tác dụng của chúng dần dần thích nghi với các tầng lớp xã hội trong các nước Cơ Đốc Giáo, sự hiểu biết về bản chất của đời sống và sự chấp nhận có hậu quả của nghiệp quá khứ được truyền bá rộng rãi. Chân lý này cũng sẽ phá tan sự thao thức bất mãn của con người, chủ yếu do thiếu kiên nhẫn và mất niềm tin về sự sống quá ư khó hiểu, bất công, không điều khiển được. Tuy nhiên, tất cả những điều xáo trộn này sẽ được thay thế bằng sức mạnh yên tĩnh, kiên nhẫn của một trí tuệ quang huy và một nhận thức về luật nhân quả, sự nhận thức này biểu thị đặc điểm sinh hoạt quân bình của lý trí, của những người cảm thấy rằng họ đang tiến về sự trường tồn.


 

CHƯƠNG X LUẬT HY SINH (The Law of Sacrifice)

Sự học hỏi luật hy sinh theo sau một cách tự nhiên việc học hỏi luật nhân quả. Một vị Chân Sư có nói rằng, sự hiểu biết luật hy sinh cũng cần thiết cho con người như sự hiểu biết luật nhân quả. Do sự hy sinh, Thượng Đế biểu hiện tạo nên vũ trụ, nhờ đó vũ trụ được duy trì và con người đạt tới toàn thiện.[98] Như thế mỗi tôn giáo phát xuất từ minh triết cổ truyền đều có giáo huấn chính yếu là luật hy sinh, và vài chân lý thâm sâu của huyền bí học cũng bắt nguồn từ luật hy sinh.

Một sự cố gắng am hiểu bản chất hy sinh của Thượng Đế, dù còn mơ hồ, cũng có thể giúp chúng ta tránh được sự lầm lạc rất thông thường cho rằng hy sinh là một điều rất đau khổ, trong khi chính tinh túy của luật hy sinh là tự nguyện và hân hoan tuôn tràn sự sống mà mọi người có thể cùng dự phần. Sự đau khổ chỉ nảy sinh khi nào có bất hòa trong bản chất của hy sinh, giữa người có tấm lòng cao cả cho ra và người thấp kém chỉ biết thỏa mãn bằng cách giành lấy và giữ chặt cho mình, chính sự bất hòa này là nhân tố của đau khổ. Trong sự hoàn thiện tối cao của Thượng Đế, không bất hòa nào có thể nảy sinh. Đấng Duy Nhất vốn là một hòa âm tuyệt hảo với muôn loài vạn vật, một giai điệu du dương bất tận với tất cả cung bậc cùng một âm điệu đơn thuần; ở đó Sự Sống, Minh Triết và Phúc Lạc được hòa tan vào nhau trong một chủ âm của cuộc Sinh Tồn.

Thượng Đế đã hy sinh bằng cách tự nguyện giới hạn sự sống vĩnh cửu của Ngài để có thể biểu hiện. Biểu tượng như là một đại dương ánh sáng vô tận, có tâm điểm ở bất cứ nơi đâu và chu vi không giới hạn, nơi đây nổi lên một quả cầu tràn đầy ánh sáng sống động, một vị Thượng Đế, và bề mặt quả cầu là ý chí của Ngài tự giới hạn để thể hiện sự biểu lộ. Đó là bức màn[99] mà Ngài tự bao bọc, bên trong bức màn này một vũ trụ có thể được thành hình; đây chỉ là sự hy sinh khởi thủy, và sự sống chưa hiện tồn. Tương lai của sự hiện hữu còn nằm trong ‘‘tư tưởng’’ của Thượng Đế, trong đó chứa đựng khái niệm về sự sống đa diện. Thiên hình vạn trạng không thể phát sinh do ‘‘Brahman vô hình’’, mà do Đấng Thiêng Liêng tự nguyện hy sinh, tự khoác vào Người một hình thể, để từ đó phát sinh muôn vàn hình thể khác, mỗi hình thể thừa hưởng một tia sáng sự sống của Ngài, cho nên đều có năng lực tiến hóa giống như Ngài. Vậy, ‘‘sự hy sinh nguyên thủy là tác nhân sinh ra vạn vật, được gọi là hành động (Karma).’’[100] Từ trạng thái phúc lạc, yên nghỉ tuyệt đối của sự hiện tồn đưa đến hoạt động, được ghi nhận là sự hy sinh của Thượng Đế. Sự hy sinh này tiếp tục qua suốt thời gian tồn tại của vũ trụ, vì sự sống của Thượng Đế là điểm tựa duy nhất của mọi ‘‘sự sống’’ riêng rẽ. Ngài giới hạn sự sống của Ngài trong mỗi hình thể mà Ngài đã sinh ra, và nhận chịu mọi kềm chế cũng như giới hạn có liên quan đến mỗi hình thể đó. Thượng Đế có thể biểu hiện bất cứ lúc nào với tính cách là một vị Chúa Tể bất diệt và ban rải vinh quang cho cõi thế. Chỉ với sự kiên trì lý tưởng và sự phát triển chầm chậm, từng bước một, mỗi hình thể có khả năng tiến lên đến khi trở thành một trung tâm độc lập của thần lực vô biên giống như Ngài. Thế là Ngài tự giam mình vào trong những hình thể, và nhận chịu bao sự bất toàn cho đến lúc đạt được trạng thái tận thiện tận mỹ, khi ấy sinh vật do Ngài tạo ra đều giống Ngài, là một với chính Ngài, nhưng với dòng ký ức riêng của nó. Thế nên, việc tuôn tràn nguồn sống vào các hình thể là thành phần sự hy sinh ban đầu của Thượng Đế, trong đó, niềm phúc lạc của Đấng Từ Phụ bất tử đã gởi gấm con cái Ngài xuống cõi hồng trần như là những sự sống riêng rẽ. Mỗi sự sống phải tiến hóa, chẳng bao giờ hư hoại, và đưa ra một âm điệu riêng của nó hoà lẫn với tất cả những âm điệu khác, trổi lên nhạc khúc muôn đời của phúc lạc, trí tuệ và sự sống. Điều này đánh dấu bản chất thiết yếu của sự hy sinh, bất cứ yếu tố nào cũng có thể hòa lẫn với tư tưởng chính, đó là tự nguyện tuôn ra sự sống mà những sinh vật khác cùng tham dự vào đó. Mang những sinh vật khác vào sự sống và giữ chúng trong đó cho đến khi chúng có khả năng tự sinh tồn, đó là một sự diễn đạt niềm hoan lạc thiêng liêng. Con người luôn luôn có niềm vui trong việc thực hiện những sinh hoạt biểu lộ năng lực của chính họ. Chim muông vui thích hót vang rung động không trung chỉ với niềm hoan lạc để được ca hát. Một họa sĩ cảm thấy hân hoan khi sáng tạo với tài năng của mình, diễn tả ý tưởng bằng hình ảnh. Bản chất hoạt động của sự sống thiêng liêng phải là sự ban cho, bởi vì không điều gì khác có giá trị hơn điều đó. Vì sự sống biểu hiện là sự vận hành chủ động, nên nguồn sống linh động trong tất cả phải tuôn ra khắp cùng. Như thế, biểu hiệu của tinh thần là cho ra, vì tinh thần là sự sống linh động thiêng liêng trong mỗi hình thể.

Mặt khác, hoạt động chủ yếu của vật chất là thu nhận; do thu nhận những xung lực của sự sống mà vật chất được cấu tạo thành mọi hình thể; do thu nhận sự sống, hình thể được duy trì, khi sự sống bị thu hồi, hình thể sẽ bị tan rã. Thế nên tất cả những hoạt động của vật chất đều có tính thu nhận, và chỉ bằng sự thu nhận này vật chất mới tồn tại như một hình thể. Vì vậy luôn luôn có sự nắm bắt, đeo níu và giữ chặt cho riêng nó. Sự tồn tại của hình thể tùy thuộc vào sự nắm giữ và năng lực duy trì, cho nên nó luôn tìm cách lôi kéo về mình tất cả, bất đắc dĩ nó mới chịu chia sớt. Vậy hạnh phúc của nó là nắm bắt, chiếm giữ, còn cho ra chẳng khác nào liều mạng đi vào cõi chết.

Từ quan điểm này, thật dễ dàng nhận thấy tại sao có quan niệm cho rằng hy sinh là một điều đau khổ. Khi sự sống thiêng liêng thấy được niềm phúc lạc trong việc cho ra, và ngay cả khi hiện thân trong hình thể, cũng không quan tâm đến sự mất còn khi phải cho ra, vì hiểu rằng hình thể chỉ là những biểu hiện thoáng qua, và chỉ là phương tiện của sự phát triển riêng biệt. Hình thể cảm thấy đau đớn khi sinh lực của chúng bị tuôn chảy ra ngoài, nên tìm cách để giữ lại. Hy sinh giảm thiểu năng lượng của sự sống mà hình thể tự nhận của chính nó, nếu bị rút đi toàn bộ thì nó sẽ bị tiêu diệt. Trong hình thể thuộc giới thấp, chỉ có một phương diện của sự hy sinh có thể nhận thức được, và hình thể cảm được việc chúng bị đẩy vào một cuộc sát hại, nên kêu la, sợ hãi và thống khổ. Nhưng kỳ diệu thay, con người dường như mù quáng về điều đó, họ đồng hóa sự hy sinh với sự đau đớn thể xác, thay vì với chính sự sống độc lập, họ hân hoan ca ngợi: ‘‘Hỡi Thượng Đế! Con đến để phụng sự ý chí của Ngài, con rất mãn nguyện trong công việc này.’’ Con người thường đồng hóa ý thức của mình với tâm thức thấp, hơn là với tâm thức cao. Họ còn cảm thấy sự tranh đấu của bản chất thấp (hình thể) như sự tranh đấu của chính họ; và chấp nhận thống khổ như là phục tùng ý bề trên, và xem hy sinh như lòng sùng kính và cam chịu thống khổ. Chỉ khi nào con người đồng hóa với sự sống, thay vì với hình thể, thì yếu tố đau khổ trong sự hy sinh mới được loại trừ. Trong một thực thể hòa hợp tuyệt hảo, dĩ nhiên không còn đau khổ, vì khi ấy hình thể chỉ là một vận cụ hoàn hảo của sự sống, sẵn sàng chấp nhận hay từ bỏ. Vì thống khổ phát sinh từ tranh cãi, va chạm hay đối kháng, và nơi đâu mà toàn thể thiên nhiên tác động hài hòa hoàn toàn, thì những trạng thái gây nên thống khổ sẽ không còn nữa.

Luật hy sinh cũng là luật tiến hóa của sự sống trong vũ trụ, chúng ta nhận thấy mỗi nấc thang tiến hóa được thành đạt nhờ hy sinh; sự sống tự vượt ra ngoài để sinh vào một hình thể cao hơn, trong khi hình thể đã chứa đựng nó bị hủy diệt. Những ai chỉ nhìn vào hình thể bị hủy diệt, sẽ thấy thiên nhiên như một nhà xác khổng lồ, trong khi những người nhận thấy được linh hồn vốn bất tử, thoát ra khỏi một hình thể để khoác vào một hình thể mới tiến bộ hơn, thì luôn nghe được nhạc khúc chào đời vui tươi từ sự sống tăng trưởng hướng thượng.

Chân Thần trong giới kim thạch tiến hóa bằng cách phân hóa hình thể của nó để sản xuất và hỗ trợ cây cỏ. Những khoáng chất bị tan rã để cung cấp chất liệu cho loài thảo mộc. Thảo mộc rút chất bổ dưỡng từ đất, phân tán và kết hợp để tạo thành chính thể chất của chúng. Kim thạch có hủy diệt, thảo mộc mới có thể nảy sinh, như thế luật hy sinh triệt hạ loài kim thạch chính là luật tiến hóa của sự sống và hình thể. Sự sống tiến lên trên và Chân Thần tiến hóa để tạo ra giới thảo mộc; hình thể thuộc loại thấp bị tiêu diệt là điều kiện tất yếu cho sự xuất hiện, cũng như hỗ trợ cho giới cao hơn.

Tiến trình được lặp lại trong giới thảo mộc, để đến lượt những hình thể này hy sinh cho giới cầm thú sinh sản và phát triển. Từ mọi khía cạnh, rau cỏ, hạt, cây trái phải nhận chịu sự tiêu diệt để làm phương tiện sinh sống cho thể xác cầm thú, tế bào của chúng tan rã thành chất liệu để con vật đồng hóa và tạo thành xác thân chúng. Lần này, luật hy sinh tác động trên giới thảo mộc, sự sống của chúng tiến hóa khi hình thể bị hủy diệt. Thế là Chân Thần phát triển, sinh sản giới cầm thú; chính thảo mộc cung cấp chất liệu để hình thể cầm thú được tiếp tục duy trì.

Đến nay, quan niệm về đau đớn rất ít liên hệ với sự hy sinh. Vì qua sự học hỏi, chúng ta nhận thấy thể vía của cây cối không được tổ chức đầy đủ để phát sinh cảm xúc thích thú hoặc đau đớn. Nhưng khi xét đến luật hy sinh tác động trong giới cầm thú, chúng ta không thể không nhận thấy có sự đau đớn, liên quan đến sự tan rã hình thể của chúng. Trong thiên nhiên, có thể nói, mức độ đau đớn của một con vật lúc bị làm mồi cho con khác, có vẻ không đáng kể tùy mỗi trường hợp, nhưng vẫn có đau đớn xảy ra. Trong khi giúp đỡ cầm thú tiến hóa, mặt khác lại làm gia tăng sự đau đớn của chúng, và làm tăng thêm, thay vì giảm bớt bản năng ăn mồi sống của loài thú ăn thịt. Con người không ghi khắc bản năng này của loài thú, mặc dù họ tận dụng chúng trong mục đích riêng tư. Vô số thú vật khác nhau về trình độ tiến hóa, con người không trực tiếp thay đổi được gì, những con thú săn mồi lẫn nhau, những hình thể được hy sinh để nuôi sống hình thể khác, giống như giới kim thạch và thảo mộc. Sự tranh đấu để sống còn đã tiếp diễn từ lâu trước lúc nhân loại xuất hiện trên thế giới này, và thúc đẩy sự tiến hóa về hình thể cũng như sự sống. Sự đau đớn do hình thể bị hủy diệt, gây ấn tượng cho Chân Thần về bản chất tạm thời của tất cả những hình thể, và sự khác nhau giữa vật chất hư hoại và nguồn sống trường tồn.

Bản chất thấp của con người được tiến hóa theo luật hy sinh giống như ở những sinh vật hạ đẳng. Nhưng với sự tuôn tràn nguồn sống sinh hoạt thiêng liêng tạo thành Chân Thần con người, có sự thay đổi là luật hy sinh tác dụng như là luật của sự sống. Ở con người đã có sự phát triển ý chí tự tiến, năng lượng tự phát, không còn bị cưỡng chế theo dòng tiến hóa như ở những sinh vật hạ đẳng. Không có loài kim thạch, thảo mộc hoặc thú vật nào được tự do chọn lựa sự hy sinh như là định luật của sự sống. Nó được áp đặt lên chúng từ bên ngoài, và nó thúc đẩy sự phát triển của chúng mà không thể lẩn trốn được.

Sự tự do lựa chọn của con người thật cần thiết cho sự phát triển đặc tính phân biệt và trí năng tự ý thức, một câu hỏi được nêu lên: ‘‘Làm thế nào con người được tự do lựa chọn và còn học hỏi tuân theo luật hy sinh, trong khi họ là một cơ quan nhạy cảm, thường nao núng trước sự đau đớn, và sự đau đớn không sao tránh được một khi hình thể bị hủy hoại?’’

Chắc chắn qua khoảng thời gian dài vô tận kinh nghiệm và học hỏi, con người trở nên thông minh hơn, cuối cùng có thể khám phá được luật hy sinh chính là luật căn bản của sự sống. Nhưng trong vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác, con người không bị bỏ rơi để phải cố gắng một mình. Các bậc Thầy toàn thiện luôn hiện diện, bên cạnh con người trong thời kỳ còn thơ ấu. Các Ngài có thẩm quyền công bố luật hy sinh, phối hợp nó vào hình thức sơ đẳng trong các tôn giáo, rồi từ đó, các Ngài giáo hóa con người mà trí năng hiểu biết vừa mới nảy nở. Thật không ích gì đòi hỏi những linh hồn ấu trĩ này buông bỏ ngay mà không bù đắp lại những gì họ ưa thích nhất, những vật sở hữu mà cuộc sống của họ lệ thuộc. Con người phải được dìu dắt suốt con đường tiến hóa dần dần lên cao, đến lúc đạt được khả năng tự nguyện hy sinh. Đến cuối đường, con người được chỉ dạy lần đầu tiên rằng họ không phải là những thành phần riêng rẽ mà là những phần tử của toàn thể lớn lao, và sự sống của họ được liên hệ với những sự sống khác, cao hay thấp hơn họ. Sự sống vật chất của con người được hỗ trợ bởi sự sống của những loài thấp kém hơn như đất, nước, cây cỏ mà họ tiêu dùng, do đó họ đều dính mắc một món nợ phải trả. Sống trên sự hy sinh của giống khác, đến lượt con người cũng phải hy sinh vài điều để giúp đỡ những sự sống khác. Con người phải nuôi dưỡng cũng như họ vẫn được nuôi dưỡng; họ đem kết quả do những thực thể ở trung giới tạo ra để hướng dẫn sinh hoạt cõi vật chất, muốn được vậy họ phải tạo thêm năng lực. Thế nên, tất cả sự hy sinh đều do năng lực này phát sinh, như khoa học có nói đến, và các tôn giáo thường giảng dạy về những trí năng thông tuệ hướng dẫn trật tự vật chất. Khi lửa phân hủy vật chất đậm đặc, những phần tử dĩ thái từ hình thể bị hủy, nhanh chóng phục hồi để bù đắp cho những thể dĩ thái khác. Thế là những phần tử của cõi trung giới phóng thích ra, được đồng hóa bởi các tinh linh trung giới trong nhiệm vụ làm cho quả đất phì nhiêu, cỏ cây tăng trưởng. Do đó vòng sản xuất được luân chuyển, và con người học được rằng họ luôn luôn mang những món nợ đối với thiên nhiên, chắc chắn là phải trả. Do đó, ý thức về nhiệm vụ được gieo và ghi sâu trong tâm trí con người; và cái ơn đối với vạn vật, đối với sự nuôi dưỡng của “mẹ thiên nhiên” in sâu trong tư tưởng của con người. Thật sự ý thức bổn phận rất gần gũi với ý tưởng về một niềm hạnh phúc của sự cho ra, và mong muốn tiếp tục phát triển để trang trải nợ trần. Con người vốn là một linh hồn non trẻ đang học bài đầu tiên về những sự sống đều phụ thuộc lẫn nhau; sự sống của mỗi người tùy thuộc vào sự hy sinh của kẻ khác, đó là điều quan trọng thiết yếu cho việc tăng trưởng. Con người chưa thể cảm nhận được niềm vui thiêng liêng của sự cho ra, lúc đầu họ chỉ cho ra một cách miễn cưỡng, mà sự hy sinh có nghĩa là phải từ bỏ những vật có giá trị, cho nên họ có cảm giác như là một điều bắt buộc.

Bài học kế tiếp là khi hy sinh phải từ bỏ ý niệm được bù đắp lại những gì ngoài phạm vi thuộc thế giới vật chất. Trước hết là sự hy sinh tài sản vật chất hầu bảo đảm an toàn cho hạnh phúc vật chất trần gian. Kế đến, hy sinh tài sản vật chất để được hưởng hạnh phúc trên cõi trời sau khi chết. Phần thưởng cho người đã hy sinh có phẩm chất cao quý hơn, con người học được rằng sự hy sinh chỉ trong khoảnh khắc tạm thời, nhưng kết quả của nó tương đối vững bền, đây là một bài học quan trọng đưa đến hiểu biết về tính phân biện. Sự bám víu vào hình thể vật chất được đổi thành bám víu vào hạnh phúc an vui nơi cõi thiên đàng, phương pháp giáo hóa dẫn dụ này được sử dụng bởi những vị hiền triết trong các tôn giáo công truyền, các Ngài không mong đợi những linh hồn ấu trĩ có được đức độ nghĩa hiệp, thi ân bất cầu báo, luôn an tĩnh và kiên nhẫn tuyệt vời. Các Ngài khuyến khích thật nhẹ nhàng những kẻ bướng bỉnh, suốt con đường đầy sỏi đá chông gai. Dần dần con người được dẫn dắt làm chủ xác thân, vượt qua sự lười biếng bằng cách thực hiện các nghi lễ tôn giáo đều đặn hàng ngày, việc này thường có bản chất như một sự điều hòa các hoạt động và hướng chúng vào những đường lối hữu ích. Họ được huấn luyện để chế phục hình thể, đặt nó dưới quyền điều khiển của sự sống, và cũng tạo cho thân xác có thói quen làm việc tốt lành, phước thiện, vâng theo những đòi hỏi của lý trí; ngay cả lý trí đó phần lớn được kích thích bởi sự ham muốn được vui hưởng đền đáp trên cõi thiên đàng. Chúng ta có thể nhận thấy trong số những người Ấn Độ, người Ba Tư, người Trung Hoa, phần đông đã được dạy thế nào để nhận thức bổn phận của họ. Thân thể được huấn luyện để làm bổn phận hy sinh trong việc phụng thờ, kính trọng tổ tiên, cha mẹ, người già cả; biếu tặng cơ quan từ thiện một cách lịch sự, và tỏ ra khả ái đối với mọi người. Dần dần con người được giúp đỡ phát triển tính cao thượng, anh hùng và sự hy sinh cao độ. Như chúng ta biết có những người tử vì đạo, dù bị hành hạ cho đến chết cũng không chối bỏ tín ngưỡng hoặc lừa dối tín điều của họ. Quả thật những người này sẽ được trao ‘‘vương miện vinh quang’’ trên cõi thiên đàng, như là một đền bù cho sự hy sinh hình thể vật chất, vì họ đã vượt qua thời kỳ bám víu vào hình thể vật chất, và cũng nhận thức được thế giới vô hình rất thực tại và quan trọng hơn cõi hữu hình.

Con người thành đạt được bước kế tiếp khi có một ý thức chắc chắn về bổn phận, và khi sự hy sinh từ mức độ thấp đến cao được nhận thức là «đúng», con người bỏ tất cả những mong mỏi được đền đáp nơi thế giới khác. Khi nhận thức được bổn phận đối với toàn thể, con người sẽ phụng sự kẻ khác như một nhiệm vụ đóng góp phần mình mà không mong muốn nhận thù lao. Như thế con người bắt đầu hiểu được luật hy sinh, chính là luật của sự sống, và tự nguyện kết hợp với nó. Con người bắt đầu phân biệt chính họ với hình thể mà họ đang trú ngụ bên trong, và tự đồng hóa với sự sống tiến hóa. Con người dần dần cảm thấy dửng dưng phần nào trước những sinh hoạt nơi cõi vật chất, và xem đó như là ‘‘nhiệm vụ phải hoàn thành.’’ Đối với họ, mọi việc chỉ là phương tiện cho sự sống biểu lộ nơi cõi trần, chớ không là những hoạt động để đạt kết quả riêng tư. Khi ấy con người đã đạt đến trình độ không còn bị nghiệp quả lôi cuốn vào ba cõi thế giới, và họ tự nhập cuộc vào bánh xe sinh tồn, vì nó phải được vận chuyển cho sự tiến hóa, chớ không do lòng ham muốn vật chất riêng tư.

Vậy, sự hiểu biết toàn vẹn luật hy sinh nâng con người vượt ra ngoài cõi trí, nơi đây bổn phận được nhận thức như là ‘‘những việc phải làm, vì đó là bổn phận.’’ Trên cõi bồ đề cao cả đó, tất cả bản ngã được cảm nhận như là một, và tất cả hoạt động đều hướng ra cho tất cả, chớ không vì lợi ích cho một cái ngã riêng biệt nào. Chỉ ở cõi bồ đề, luật hy sinh mới được trực nhận như là một đặc ân hạnh phúc, thay vì chỉ được xét đoán và chấp nhận bởi trí năng. Trên cõi bồ đề, con người nhận thấy rõ sự sống là một, nó giống như dòng suối tuôn chảy bất tận cùng với tình thương bao la của Thượng Đế. Một sự sống tách riêng là ích kỷ, nghèo nàn và có tính cách vô ơn, nên tránh. Có những tâm hồn hướng thượng, với một tình thương dâng tràn và lòng sùng kính đối với Thượng Đế, tự hiến mình làm một vận hà mang sức sống và tình thương cho thế gian. Họ là người mang ánh sáng và thông điệp từ bi, đồng thời cũng là kẻ phụng sự trong quốc độ của Ngài, đó chính là cuộc đời đáng sống. Những vị ấy thúc đẩy nhân loại tiến hóa, phụng sự Thiên Cơ, nâng đỡ bớt một phần gánh nặng của trần gian, dường như những việc này làm Ngài rất vui lòng

Chỉ từ cõi này, con người có thể tác động như một trong những Đấng Cứu Thế, vì ở đó con người là một với những cái ngã khác. Khi hòa đồng làm một với nhân loại, thì sức mạnh, tình thương, nguồn sống của người ấy có thể tuôn xuống cõi trần cho tất cả mọi người, hoặc cho mỗi người riêng rẽ. Người ấy trở thành một sức mạnh tinh thần làm tăng gia năng lượng thiêng liêng sẵn có trong hệ thống vũ trụ. Những lực mà trước kia người ấy đã sử dụng ở cõi trần, cõi tình cảm và cõi trí để phát triển bản ngã cá nhân, giờ đây được tập trung vào hành động hy sinh, và biến đổi chúng trở thành năng lượng tinh thần tuôn xuống cõi trần như một nguồn sống thiêng liêng. Sự biến đổi này được thực hiện bởi động lực ở cõi mà năng lượng được phóng thích. Nếu động lực của một người là đạt được những mục tiêu vật chất, thì năng lượng được phóng thích chỉ tác động trên cõi vật chất. Nếu con người ham muốn những vấn đề tình cảm, dĩ nhiên họ phóng thích năng lượng trên cõi trung giới. Nếu họ tìm niềm vui thích về trí tuệ, năng lượng của họ sẽ tác động trên cõi thượng giới. Nhưng nếu con người tự hy sinh để trở thành một vận hà của Thượng Đế, họ phóng thích năng lượng vào cõi tinh thần, và tác dụng với một lực tinh thần mạnh mẽ và linh động đến khắp nơi. Đối với một người như vậy thì hoạt động hay không hoạt động đều như nhau; vì người ấy làm mọi việc trong khi không làm gì cả, và không làm gì trong khi đang làm tất cả. Đối với họ, cao, thấp, lớn, nhỏ đều như nhau; họ vui vẻ đảm nhận công việc ở bất cứ nơi đâu cần đến, vì Thượng Đế dường như ở khắp mọi nơi cũng như trong mọi hành động. Họ như một dòng nước chảy vào bất cứ hình thể nào, họ có thể hành động theo bất cứ đường lối nào, họ không cần lựa chọn hay phân biệt nữa. Họ hy sinh đời sống để thể nhập làm một với sự sống của Thượng Đế. Họ nhận thấy Ngài trong mọi vật và mọi vật ở trong Ngài. Vì thế, người ấy nhận thấy tất cả những nơi chốn hay hình thể không có gì khác biệt. Họ không còn tự đồng hóa với hình thể, nhưng với sự sống ý thức. ‘‘Không thủ đắc gì cả, nhưng có tất cả;’’ không đòi hỏi gì cả, nhưng tất cả đưa đến với họ. Cuộc đời họ tràn đầy phúc lạc, vì họ là một với Thượng Đế, Đấng Toàn Phúc. Họ sử dụng hình thể để phụng sự, nhưng không bao giờ dính mắc vào nó, ‘‘họ đã chấm dứt khổ đau.’’

Khi chúng ta tự nguyện kết hợp với luật hy sinh, chúng ta sẽ nhận thức được những điều kỳ diệu, và tâm thức của chúng ta có thể được nâng đến mức cao siêu. Giống như những chân lý tinh thần thâm sâu khác, cần phải có công phu thực hành, áp dụng vào đời sống hằng ngày. Nếu cảm nhận được vẻ mỹ lệ cao cả của nó, con người sẽ không chần chờ trong việc thực hành. Khi một người quyết định bắt đầu sống hy sinh, họ sẽ tự huấn luyện bằng cách mỗi ngày thực hành một hành động hy sinh. Bắt đầu một ngày làm việc, họ tự hiến dâng cho Ngài, và cho những người mà họ trao tặng sự sống. Tư tưởng đầu tiên khi mới thức dậy trong ngày, là sự hiến dâng trọn vẹn năng lực của họ cho Thượng Đế. Mỗi tư tưởng, mỗi lời nói, mỗi hành động trong cuộc sống hàng ngày đều hướng về sự hy sinh, không vì kết quả, cũng không phải vì bổn phận, mà là ở mỗi lúc họ đều có thể phụng sự Thượng Dế.

Tất cả những sự việc xảy đến đều được chấp nhận như là sự biểu hiện ý muốn của Ngài. Hạnh phúc, xáo trộn, lo âu, thành công, thất bại đều được họ chào đón trên con đường phụng sự. Họ sẽ nhận lãnh mỗi sự việc xảy ra một cách vui vẻ, và xem đó như một dịp hy sinh. Họ sẽ mất hạnh phúc khi cơ hội bị bỏ lỡ, vì có thể Ngài không cần đến nữa. Tất cả năng lực của họ đều được dùng trong công việc phụng sự, nếu thất bại, họ chấp nhận với lòng bình thản; họ chỉ ngưng cho ra khi không còn năng lực nữa. Đối với đau khổ do nhân quả từ quá khứ, họ có thể biến đổi thành tự nguyện hy sinh, bằng sự vui lòng chấp nhận, và động lực này có thể hoán chuyển thành một năng lực tinh thần. Có vô số cơ hội để thực hành luật hy sinh được đem đến cho mỗi người, nếu con người nắm lấy những cơ hội này, thì năng lực sẽ đến với họ. Con người có thể trở thành một kẻ phụng sự trên cõi tinh thần, mà khi thức tỉnh họ không biết đến, từ cõi tinh thần họ tuôn đổ năng lượng xuống các cõi thấp; tâm thức thấp của con người bị nhốt trong xác thân vật chất. Sự rung động linh hoạt trong trạng thái bồ đề của Chân Thần là cái ‘‘Ngã’’ thực sự, đến lúc Chân Thần trở thành linh hồn thiêng liêng, tự linh động và chỉ đạo tất cả các thể, và sử dụng mỗi thể theo ý muốn cho sự cần thiết của công việc phải thực hiện. Không có phương pháp nào khác có thể thúc đẩy sự tiến bộ nhanh chóng và biểu hiện những quyền năng ẩn tàng nơi Chân Thần, ngoài sự thông hiểu và thực hành luật hy sinh. Cho nên, một vị Chân Sư gọi luật hy sinh là: ‘‘Luật tiến hóa của con người.’’ Những hiểu biết thật thâm sâu, huyền diệu hơn tất cả những sự vật trên cõi này sẽ hiển lộ vượt qua ngôn ngữ, cho những người có tấm lòng bác ái, hy sinh trọn cuộc đời. Những điều này phải được lắng nghe trong yên lặng. Có những giáo huấn chỉ được truyền thụ bằng ‘‘Tiếng Vô Thinh’’ (The Voice of the Silence). Trong số những giáo huấn này là chân lý vi diệu sâu xa bắt nguồn từ luật hy sinh.



 

CHƯƠNG XI SỰ HƯỚNG THƯỢNG CỦA NHÂN LOẠI (Man’s Ascent)

Sự hướng thượng thật kỳ diệu, một số người đã lên cao, và một số người khác đang tiến bước. Khi cố tưởng tượng cuộc hành trình xa xôi diệu vợi này, chúng ta không khỏi cảm thấy mệt mỏi chùn chân. Có nhiều cấp độ, từ linh hồn còn phôi thai của người hoang dã thấp kém đến linh hồn đã giải thoát và chiến thắng hoàn toàn của các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả. Chúng ta có thể tin được rằng, trong một người có chứa tất cả những đặc tính mà người khác có, sự khác nhau là do trình độ tiến hóa của mỗi người. Có người vừa bắt đầu, có người đã hoàn tất con đường hướng thượng của nhân loại. Ở dưới loài người, có những loài thấp như: cầm thú, thảo mộc, kim thạch và các loài tinh hoa chất. Ở trên loài người, có những Bậc siêu nhân như các đấng: Văn Minh Đại Đế, Bàn Cổ, Phật, Bồ Tát, những vị Chưởng Quản Nhân Quả, thật không sao kể hết các Đấng siêu phàm vĩ đại này. Trong sự sống bao la, to rộng, loài người chỉ là một phần nhỏ hẹp, và sự hướng thượng của con người chỉ là một giai đoạn trong sự tiến hóa, nối kết những sự sống trải dài từ loài tinh chất đi lên đến Thượng Đế hiển lộ.

Chúng ta đã theo dõi dấu vết con đường hướng thượng của nhân loại từ lúc linh hồn còn phôi thai đến khi đạt được trạng thái tiến bộ tinh thần, xuyên qua những giai đoạn phát triển tâm thức, từ sự sống với cảm giác đến đời sống biết suy tư. Chúng ta nhận thấy con người luân hồi trở đi, trở lại trong chu kỳ sinh và tử nơi ba cõi, ở mỗi cõi họ thu hoạch kinh nghiệm, và có được những cơ hội để phát triển. Đến đây, chúng ta hãy tìm hiểu những giai đoạn tiến hóa cuối cùng của nhân loại, giai đoạn mà phần lớn nhân loại sẽ đi đến trong tương lai; nhưng có những bậc tiền bối đã trải qua, và trong hiện tại cũng có một số ít nhân loại đang đi đến đó.

Những giai đoạn này được chia thành hai phần, phần đầu được gọi là

‘‘Con Đường Dự Bị’’, phần thứ hai bao gồm ‘‘Con Đường Thật Sự’’ hay là ‘‘Con Đường của Người Đệ Tử.’’ Chúng ta sẽ nghiên cứu theo thứ tự hai giai đoạn này.

Sự phát triển bản chất tinh thần, trí tuệ, đạo đức của một người sẽ càng lúc càng làm cho họ ý thức hơn về mục đích của đời sống con người, và càng làm cho họ nhiệt tình hơn trong việc thực hiện mục tiêu đó. Lòng khao khát những thú vui trần tục cứ lặp đi lặp lại, đưa đến sự chiếm hữu vật chất và kế tiếp là sự mệt mỏi. Con người dần dần học được bài học về bản chất vô thường của sự vật, dù là sự vật đẹp nhất cõi trần. Con người thường phấn đấu để thu góp, hưởng thụ và thoả mãn rồi cuối cùng nhàm chán, sau đó họ cảm thấy bất mãn và xa lánh những gì cõi trần có thể cung hiến. ‘‘Những điều này có ích gì chăng?’’ Linh hồn thở dài mệt mỏi. Tất cả đều là hư ảo và phiền muộn mà thôi, tôi đã chiếm hữu được hàng trăm ngàn lần, cuối cùng tôi chỉ cảm thấy thất vọng ngay lúc đang nắm trong tay điều mà tôi đã mong muốn. Nhũng thú vui này là ảo tưởng, là bọt bèo trên dòng nước đang chảy, chúng có màu sắc rực rỡ thần tiên của cầu vồng, nhưng rất dễ dàng tan vỡ. Tôi rất khát khao thực tại, vì bóng tối đã khiến tôi quá ư nhàm chán, tôi tha thiết sự trường cửu và chân lý để thoát khỏi giới hạn bao quanh tôi, giam cầm tôi giữa thế giới hiện tượng nhiều thay đổi này.

Lần đầu tiên linh hồn muốn được giải thoát, nó cảm nhận giống như thi nhân mơ mộng về thế giới này, nơi mà những điều xấu xa được xoá sạch, đau khổ chấm dứt để niềm vui khởi phát, mỹ lệ tăng cường và tất cả vạn vật đều được nâng lên mức hoàn hảo. Linh hồn không còn vướng bận, và chỉ muốn quay lưng với tất cả những thú vui trần tục, chúng là ngục tù của linh hồn. Linh hồn khao khát một không khí tự do vô giới hạn bên ngoài những bức tường khép kín của nó. Thiên đàng cũng không còn hấp dẫn gì hơn trần thế, vì linh hồn đã mỏi mệt, những sự vui thú đã mất đi vẻ quyến rũ, ngay cả sự thành đạt của trí năng và tình cảm cũng không còn làm nó hài lòng. Tất cả chỉ tạm thời, đến rồi lại đi, giống như sự xúc chạm của những giác quan, chúng bị giới hạn, ngắn ngủi và không đem lại niềm vui. Linh hồn quá mệt mỏi đối với những thay đổi vô thường, nó tha thiết muốn được giải thoát.

Lần đầu tiên linh hồn nhận thức về sự hư ảo ở trần gian cũng như ở cõi thiên đàng, đôi khi chỉ là một ánh chớp lóe lên trong tâm thức con người. Kế đó những ảnh hưởng của ngoại giới liền trở lại ngự trị, làm cho linh hồn lại hài lòng với những thú vui huyễn tưởng. Tuy nhiên, một số người có thể vượt qua những quyến rũ và thành đạt nhiều công trình cao quí, không vị lợi, với tư tưởng trong sáng và hành vi cao quí. Trong trường hợp này, linh hồn đã thấu hiểu tất cả các hiện tượng đều ‘‘không’’, và điều này trở thành quan điểm vĩnh cửu của linh hồn. Không sớm thì muộn, linh hồn cũng quyết định từ bỏ mãi mãi những mộng ảo thoáng qua, vì cõi trần và cõi thiên đàng không đủ năng lực làm thỏa mãn sự đòi hỏi của linh hồn nữa. Sự quyết định này sẽ đưa con người đến cõi vĩnh cửu, đó là cửa vào con đường dự bị. Linh hồn tách rời con đường rộng rãi, dễ dàng của sự tiến hóa bình thường để bắt đầu leo lên dốc đứng của sườn núi, đồng thời kiên quyết thoát khỏi mọi sự ràng buộc của đời sống thế tục cũng như thiên đàng, ngõ hầu đạt được sự tự do, thanh cao.

Công phu mà người môn sinh phải thành tựu để đủ tư cách bước lên con đường dự bị, hoàn toàn thuộc về trí tuệ và đạo đức. Người môn sinh phải tự chuẩn bị để nâng cao đến mức xứng đáng gặp trực tiếp Sư Phụ của họ; nhưng «Sư Phụ» này là ai? Chắc chắn có những Vị cao cả thuộc về chủng tộc chúng ta, đã hoàn tất sự tiến hóa dành cho giai đoạn nhân loại của các Ngài, và những Vị này thiết lập một nhóm huynh đệ ngõ hầu hướng dẫn sự phát triển của nhân loại. Các Đấng cao cả này, hay những vị Chân Sư, tình nguyện thác sinh vào hình thể con người để thiết lập mối liên hệ giữa nhân loại với các Bậc siêu nhân. Những người thực hành đầy đủ một số điều kiện sẽ được các Ngài thu nhận làm đệ tử, với mục đích đẩy nhanh sự tiến hóa cũng như giúp họ đủ tiêu chuẩn gia nhập nhóm Huynh Đệ vĩ đại, và tham gia vào công việc của đoàn thể này để đem lại vinh quang, lợi ích cho con người.

Các đấng Chân Sư luôn luôn trông nom đến nhân loại, các Ngài chú ý đến bất cứ người nào có đức hạnh, làm việc không ích kỷ, cố gắng dùng trí tuệ để phục vụ cho đồng loại, có lòng sùng kính chân thành, sống từ ái và trong sạch, nổi bật giữa đám đông các bạn đồng môn. Những người này chứng tỏ có khả năng tiếp nhận sự giúp đỡ tâm linh, vượt xa hơn hàng ngũ nhân loại nói chung. Nếu một người được tiếp nhận sự giúp đỡ riêng biệt, người ấy phải chứng tỏ có khả năng nhạy bén đặc biệt. Vì Chân Sư là những Vị phân phối năng lượng tinh thần, giúp đỡ nhân loại tiến hóa, và sự sử dụng những năng lực này cho sự tăng trưởng mau lẹ của một linh hồn đặc biệt, chỉ được phép, khi linh hồn này chứng tỏ có khả năng tiến bộ vượt bực, và có thể nhanh chóng trở thành một người cứu trợ nhân loại, để đền trả lại sự giúp đỡ mà họ đã nhận được. Bằng cách sử dụng những kiến thức học được từ tôn giáo và triết lý, một người đem hết tâm lực của mình cố phấn đấu vươn lên trước đợt sóng tiến bộ của nhân loại. Khi họ có bản tính yêu thương, không ích kỷ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người, họ sẽ được chú ý bởi những Vị cao cả đang chăm sóc nhân loại. Trên đường đi, có nhiều cơ hội thử thách nhiệt tâm cũng như gợi sự phát triển trực giác nơi họ. Tùy theo mức độ thành công đối với các thử thách đó, họ sẽ được giúp đỡ thêm, đôi khi họ được cho thấy thoáng qua sự sống chân thực. Bản chất tạm bợ, vô thường của thế tục càng ngày càng gây sức ép lên linh hồn, đến khi con người quá mệt mỏi và chán nản để rồi không còn tha thiết gì hơn là được giải thoát và được bước đến trước cánh cổng của đường đạo dự bị.

Khi bước vào đường đạo, người môn sinh được gọi là đệ tử (hay Chela) đang được thử thách, và được một trong những vị Chân Sư dìu dắt, chăm nom, vì Chân Sư nhận thấy người môn sinh đã vượt qua đoạn đường tiến hóa bình thường, và đang tìm Sư Phụ để được dìu dắt đi theo con đường dốc đứng chật hẹp dẫn đến bờ giải thoát. Sư Phụ đang chờ người môn sinh nơi lối vào đường đạo, nhưng tân môn sinh không biết Sư Phụ; Ngài biết, thấy mọi sự cố gắng của họ, dìu từng bước, hướng dẫn và tạo những điều kiện hữu hiệu cho sự tiến bộ của họ. Ngài chăm sóc môn sinh với sự dịu dàng của một người mẹ, và với sự minh triết toàn hảo của Ngài. Trên con đường vắng vẻ, mịt mù, người tân đệ tử có thể tưởng mình bị bỏ rơi trong cô đơn, nhưng thật ra có một ‘‘người bạn chân thành hơn cả anh em ruột’’ luôn ở bên cạnh, giúp đỡ và ngăn chận những ý nghĩ chán nản thoáng qua trong tâm hồn họ.

Có bốn ‘‘đức tính’’ mà người đệ tử dự bị phải đạt được, những đức tính này được đưa ra bởi nhóm Đại Huynh Đệ Minh Triết, như điều kiện mà người đệ tử phải thực hành. Người đệ tử không bị bắt buộc phải đạt được trọn vẹn tất cả những đức tính này, nhưng phải phấn đấu thực hành được phần nào trước khi được Điểm Đạo.

A.              Đức tính thứ nhất là sự phân biện giữa chân và giả; đức tính này đã được nảy nở trong tâm trí của người đệ tử, và hướng dẫn người ấy đi theo đường đạo. Sự phân biện phát triển rõ rệt, chính xác trong thể trí của người đệ tử và lần lần giải toả một phần lớn những chướng ngại trói buộc họ.

B.                Đức tính thứ hai là lãnh đạm đối với những sự vật bên ngoài, đức tính này đến một cách tự nhiên sau khi phân biện và nhận thức rõ rệt tính cách hư huyễn của mọi sự vật. Người đệ tử học được rằng, những thú vui giả tạm sẽ thường xuyên đưa đến mệt mỏi chán chường; chỉ có sự chân thật mới đem đến bình an cho linh hồn. Tất cả những hình tướng đều không thật, không vững bền, luôn thay đổi theo những biến động của sự sống; và không có gì gọi là thật, ngoại trừ sự sống mà chúng ta vẫn tha thiết tìm kiếm, tiềm ẩn trong những lớp màn. Người đệ tử phải phát triển đức tính phân biện cao độ trước hoàn cảnh luôn thay đổi, và dưới áp lực mạnh mẽ của những sự vật bên ngoài. Cuộc đời của người đệ tử dẫy đầy sóng gió và thường bị căng thẳng, vì họ phải thủ đắc những đức tính, mà đối với người theo đường tiến hóa bình thường chỉ có thể đạt được trong nhiều kiếp luân hồi tiếp nối nơi ba cõi. Như thế, người đệ tử phải tự thúc đẩy để phát triển mau lẹ, và nhanh chóng tiến đến sự hoàn hảo. Sau khi trải qua nhiều thay đổi nhanh chóng, từ vui vẻ đến ưu phiền, từ an lạc đến phong ba, từ yên nghỉ đến lao lực, người đệ tử học được sự thay đổi vô thường của vạn vật; và cảm nhận xuyên qua các sự việc đó, hằng có một sự sống vĩnh cửu. Từ nhận thức đó, người đệ tử bắt đầu dửng dưng trước sự còn mất, thịnh suy của mọi vật, và càng ngày càng chú tâm vào thực tại hiện tiền. Khi đã đạt được sự ổn định từ bên trong, người đệ tử phải cố gắng để mở mang đức tính thứ ba:

C.               Đức tính thứ ba, tức sáu thuộc tính của trí tuệ (six mental attributes) mà người đệ tử cần phải có trước khi bước vào đường đạo thực sự. Người ấy không cần phải đạt một cách hoàn hảo tất cả những đặc tính này, mà chỉ cần có được một phần tối thiểu của mỗi đặc tính, trước khi được phép tiến xa hơn.

(1)             Trước nhất, cần phải kiểm soát tư tưởng, vì tư tưởng là sản phẩm của cái trí vọng động, bất trị, rất khó ngăn chận, như đối với cơn gió. Hằng ngày, người đệ tử phải kiên trì thực hành thiền định và tập trung tư tưởng, phải bắt đầu chinh phục tính chất hay nổi loạn của cái trí trước khi bước vào con đường dự bị. Bây giờ, người đệ tử phải tập trung năng lực trong việc làm để hoàn thành nhiệm vụ. Phải hiểu rằng, sự tiến bộ nhanh chóng kèm theo sự phát triển đặc biệt về quyền năng tư tưởng, là mối nguy hiểm cho người khác và cho chính người đệ tử, trừ phi năng lực này được kiểm soát chặt chẽ. Cho trẻ con chất nổ như một món đồ chơi, còn ít nguy hiểm hơn giao quyền năng sáng tạo của tư tưởng vào tay kẻ ích kỷ, đầy tham vọng.

(2)             Thuộc tính thứ hai, người đệ tử sơ cơ phải tự chủ cả bên ngoài lẫn bên trong, đồng thời phải kiểm soát từ lời nói đến hành động một cách chặt chẽ như đối với tư tưởng. Khi trí tuệ đã phục tùng linh hồn thì bản chất thấp hèn phải phục tùng trí tuệ. Sự hữu ích của đệ tử nơi thế giới bên ngoài tùy thuộc rất nhiều vào nếp sống thanh cao, trong sạch để làm gương cho người đời, còn sự hữu ích cho thế giới bên trong tùy thuộc vào sự kiên định và sức mạnh của tư tưởng. Sự cẩu thả trong những công việc ngoài đời, thường làm thất bại công việc tốt đẹp, vì vậy, người môn sinh phải phấn đấu hướng đến một lý tưởng, hoàn toàn về mọi phương diện để không bị trì hoãn khi đang tiến bước trên đường đạo; chỉ một bước sẩy chân cũng đủ cho kẻ thù dùng để phỉ báng. Như đã nói, trong giai đoạn này mọi việc không đòi hỏi phải được hoàn hảo, nhưng người đệ tử khôn ngoan phải cố gắng vươn lên đến mức hoàn hảo, và phải hiểu rằng dù mình có giỏi nhất cũng vẫn còn xa với lý tưởng.

(3)             Thuộc tính thứ ba phải đạt được trên đường đạo là tính khoan dung rộng lượng, cao quí. Yên lặng chấp nhận mỗi người, mỗi vật theo như nó hiện là, không đòi hỏi chúng phải thay đổi theo khuôn mẫu mà mình muốn. Người đệ tử bắt đầu nhận ra sự sống duy nhất, khoác lên vô số hình thể giới hạn, mỗi hình hài sắc tướng ở đúng vào vị thế và thời gian của nó. Người đệ tử chấp nhận mỗi biểu lộ giới hạn của sự sống, không mong cầu biến đổi ra sự vật nào khác. Người môn sinh phải biết tôn trọng sự minh triết đã hoạch định và hướng dẫn thế giới, đồng thời phải có một tầm nhìn rộng mở, bình thản trước những thành phần chưa hoàn hảo, khi kiếp sống của chúng tiến bộ rất chậm chạp. Như người nghiện rượu đang học từng chữ đau khổ, do bị chế ngự bởi bản chất thấp hèn; giai đoạn này cũng hữu ích đối với họ, như một vị thánh đang hoàn tất bài học cuối cùng ở trường đời; không nên đòi hỏi những người khác phải làm hơn chức năng của họ. Một người ở trình độ lớp mẫu giáo, đang học những bài vỡ lòng, trong khi người kia sắp sửa tốt nghiệp, sẵn sàng rời đại học; cả hai đều được sắp vào đúng tuổi tác và vị trí của họ, phải được giúp đỡ và thông cảm đúng theo trình độ của họ. Đây là một trong những bài học mà huyền môn gọi là ‘‘tính khoan dung’’.

(4)             Thuộc tính thứ tư mà thí sinh phải phát triển là khả năng chịu đựng trong trạng thái vui vẻ cam lòng đối với mọi sự việc, và không bực tức với bất cứ điều gì, một mực thẳng tiến rất kiên định đến mục đích. Không có điều gì xảy đến cho con người mà không theo luật, và người đệ tử biết rằng luật vốn tốt lành. Người ấy hiểu rằng con đường đạo dẫy đầy chông gai sỏi đá đưa thẳng đến đỉnh núi cao, không dễ dàng cho bước chân như con đường bằng phẳng vòng quanh chân núi. Người đệ tử nhận thấy rằng mình đang trang trải trong một vài kiếp ngắn ngủi tất cả nghiệp quả tích lũy trong quá khứ, thế nên sự trả quả phải tương xứng và nặng nề. Chính sự phấn đấu rất gay go mà người đệ tử phải lao vào, làm phát triển thuộc tính thứ năm, đó là đức tin.

(5)             Đức tin bao gồm sự tự tin và tin tưởng vào Sư Phụ; đức tin phải mạnh mẽ, điềm tĩnh, không thể lay chuyển. Người đệ tử phải biết tin cậy vào sự minh triết, tình yêu và quyền năng của Sư Phụ. Không phải chỉ tin tưởng bằng lời nói suông, mà họ bắt đầu nhận thức được Đấng Thiêng Liêng đang ngự trong tim, có đủ quyền năng chinh phục mọi vật.

(6)             Thuộc tính cần thiết cuối mà thể trí cần có là sự thăng bằng, hay quân bình. Đặc tính này phát triển một phần nào mà không có sự cố gắng hữu thức, do những cố gắng để hoàn tất năm thuộc tính trước. Sự lập chí quyết định đi trên đường đạo là dấu hiệu triển khai bản chất cao cả của người đệ tử, và thế giới bên ngoài bị loại xuống hàng thứ yếu. Nhờ cố gắng liên tục, đệ tử giải tỏa linh hồn khỏi mọi điều phiền phức còn sót lại, khỏi sự trói buộc với đời sống cảm giác. Khi linh hồn rút về, không còn chú ý đến các sự vật thấp thỏi nữa, dĩ nhiên năng lực hấp dẫn của những sự vật này cũng sẽ tiêu tan. Những điều quyến rũ này ‘‘ngoảnh mặt ra đi, rời bỏ người trú ngụ trong xác thân,’’[101] và chúng mất tất cả năng lực quấy rối sự thăng bằng này. Như thế người đệ tử học được cách hoạt động không phiền toái giữa những cám dỗ, không tìm kiếm và không loại bỏ điều gì. Họ cũng phải học giữ sự thăng bằng nội tâm giữa những điều phiền toái, lo âu đủ loại của cái trí, giữa các thú vui và đau khổ tinh thần. Sự thăng bằng cũng cần thiết trong lúc có những thay đổi đột ngột của đời sống, người đệ tử biết rằng cuộc sống của mình luôn được dìu dắt và chăm sóc bởi Chân Sư. Sáu thuộc tính trí tuệ này (six mental attributes) phải được thành đạt đến một mức độ nào đó.

D. Kế đến, người đệ tử dự bị cần đạt được đức tính thứ tư, tức lòng mong ước mãnh liệt được giải thoát. Sự khao khát của linh hồn hướng đến sự hợp nhất với Thượng Đế, đây là lời khấn hứa cầu mong được mãn nguyện. Đức tính cuối cùng này thêm vào để người đệ tử sẵn sàng bước vào đường đạo được trọn vẹn, vì một khi ước nguyện đã tự xác định rõ ràng thì không bao giờ có thể thay đổi nữa. Lúc ấy, linh hồn không còn cảm thấy dòng suối trần gian cần thiết để dập tắt khát vọng của nó. Khi uống lại dòng nước này, nó cảm thấy lạt lẽo, vô vị, nó quay lưng đi và trở về với lòng mong ước sâu xa có được dòng nước thực sự của đời sống. Trong giai đoạn này, vị thế của đệ tử là ‘‘người sẵn sàng được Điểm Đạo,’’ sẵn sàng chính thức ‘‘nhập lưu’’, đệ tử cắt đứt vĩnh viễn với những lợi lộc trần gian để theo chân Sư Phụ, giúp đỡ sự tiến hóa của nhân loại. Từ đây cuộc sống của người đệ tử không phải là cuộc sống riêng rẽ, nó đã được hiến dâng lên bệ thờ của nhân loại, với lòng hoan hỉ hy sinh tất cả những gì mà người ấy có, để được hữu dụng cho mục tiêu tốt lành chung.[102]

Trải qua nhiều năm học tập và tiến bộ qua bốn phẩm hạnh, người đệ tử dự bị sẽ tiến triển thêm trong nhiều khía cạnh khác. Họ nhận được nhiều giáo huấn của Chân Sư, điều này thường xảy ra trong giấc ngủ thật sâu của thể xác. Khi ấy linh hồn trong lớp áo thể vía đã thanh lọc, là vận cụ hữu dụng của tâm thức, được thu hút đến Chân Sư để tiếp nhận những huấn thị và được giác ngộ tinh thần. Họ sẽ tiến xa hơn nhờ được huấn luyện về tham thiền, và hiệu quả của việc thực tập ở bên ngoài xác thân vật chất sẽ nhanh chóng đưa đến hoạt động của những quyền năng cao cả. Trong những lúc tham thiền, người đệ tử sẽ vươn tới những cõi cao cả, học hỏi nhiều hơn về đời sống ở cõi trí. Họ sẽ được chỉ dạy cách sử dụng những quyền năng đã phát triển trong việc phụng sự nhân loại, họ dùng một số lớn thời giờ trong giấc ngủ của thể xác để chuyên cần làm việc nơi cõi trung giới, trợ giúp các linh hồn vừa vào cõi này sau khi bỏ xác thân, trấn an các nạn nhân chết vì tai nạn, giảng dạy cho những người ít hiểu biết hơn họ. Có rất nhiều cách trợ giúp cho những người thật sự cần thiết, đó là sự đóng góp khiêm tốn vào công tác từ thiện của các Chân Sư, và kết hợp với Khối Huynh Đệ cao cả của các Ngài như một người làm việc chung, tuy rằng địa vị còn thấp thỏi, khiêm tốn.

 

Phạn ngữ (dùng trong Ấn Giáo)

 

Pali (dùng trong Phật Giáo)

Viveka: phân biện giữa chân và giả.

Manodva-Ravajjana: mở cửa trí tuệ; niềm tin vững chắc về thế gian vô thường.

Vairagya: lãnh đạm đối với điều giả tạm, thoáng qua.

Parikamma: Chuẩn bị hành động, lãnh đạm đối với những kết quả của hành động.

Shatsampatti gồm có: Shama: kiểm soát tư tưởng, Dama: kiểm soát hạnh kiểm, Uparati: khoan dung, Titiksha: sự chịu đựng, Shraddha: đức tin, Samadhana: sự thăng bằng.

Upacharo: Chú ý, hay hạnh kiểm; chia ra nhiều tiêu đề giống như Ấn Giáo.

Mumuksha: khát vọng được giải thoát.

Anuloma: tuân hành trực tiếp hoặc kế tục, được thành đạt theo sau ba đức tính trên.

Lúc bây giờ, con người là Adhikari.

Lúc bây giờ, con người là

Gotrabu.

 

Trên đường dự bị hay sau đó, sẽ có cơ hội đưa đến cho người đệ tử, để thực hành một trong những hành động khước từ, nó đánh dấu sự hướng thượng nhanh chóng. Người đệ tử được phép ‘‘khước từ cõi thiên đàng,’’ nghĩa là từ bỏ sự an hưởng đời sống vinh quang nơi cõi trời sau khi được giải thoát khỏi thế gian. Cõi thiên đàng trong trường hợp này phần lớn là cõi thượng thiên, vô sắc giới, cùng chung với các Chân Sư, trong niềm vui tuyệt vời, thuần khiết của minh triết và tình thương. Nếu người đệ tử từ khước không hưởng kết quả do cuộc sống hy sinh, cao quí, thì năng lực tinh thần thay vì để họ sử dụng trên cõi thiên đàng, sẽ được phóng thích xuống cõi trần và trở nên hữu dụng cho công việc tiến bộ chung. Khi ấy, người đệ tử lưu lại cõi trung giới để chờ được tái sinh nhanh chóng xuống cõi trần. Trong trường hợp này chính Sư Phụ chọn nơi chốn cho đệ tử đầu thai lại cõi trần, hướng dẫn đệ tử sinh ra trong những điều kiện thuận lợi hữu dụng cho thế giới và thích hợp để đệ tử tiến triển thêm, cũng như sẵn sàng cho công việc cần thiết. Đến giai đoạn này, người đệ tử xem những lợi lộc cá nhân đều phụ thuộc, chỉ có công việc thiêng liêng mới đáng kể, và với ý chí kiên cường chú định vào việc phụng sự trong bất cứ hoàn cảnh nào cần đến. Do đó, người đệ tử vui lòng giao phó đời sống mình vào tay vị sư phụ mà họ tin tưởng; vui lòng chấp nhận vị trí của mình ở cõi trần, nơi đó đem lại cho họ những cơ hội để phụng sự hữu hiệu nhất, để chia sớt sự vinh quang trong công tác giúp đỡ nhân loại tiến hóa. Phước báu thay cho gia đình nào sinh được một người con như thế; một linh hồn thừa hưởng ân lành của Chân Sư, thường xuyên được Ngài chăm sóc, dìu dắt, giúp đỡ khi cần thiết để người đệ tử nhanh chóng kiểm soát hoàn toàn các hạ thể. Thỉnh thoảng, nhưng thật hiếm, có một đệ tử tái sinh trong một thể xác, mà trong thời kỳ sơ sinh và lúc còn rất trẻ đã được một linh hồn kém tiến hóa khác sử dụng. Linh hồn kém tiến hóa ấy chỉ xuống cõi trần trong một thời gian ngắn ngủi khoảng 15 hoặc 20 năm, và phải rời bỏ thể xác lúc vừa mới rạng đông của cuộc đời, trong khi thể xác đã trải qua thời kỳ chuẩn bị cho linh hồn sử dụng một cách có hiệu quả. Nếu thực sự là một thể xác rất tốt, và trong lúc đó có vài vị đệ tử đang chờ cơ hội thích hợp để tái sinh, thì thể xác ấy thường được trông chừng trong thời gian sử dụng của linh hồn ít tiến hóa, với chủ ý là thể xác ấy sẽ được dùng sau khi linh hồn ít tiến hóa bỏ nó lại. Khi giai đoạn sống ở cõi trần đã hoàn tất, linh hồn đó bỏ thể xác để qua cảm dục giới và từ đó lên thiên đàng. Thể xác bị bỏ lại sẽ được sử dụng bởi một vị đệ tử đang chờ đợi; một người mới vào ngụ nơi căn nhà vừa bỏ trống, hiển nhiên thể xác vừa chết lại hồi sinh. Những trường hợp này rất hiếm, nhưng vẫn được biết đến bởi các nhà huyền bí học, và vài sự kiện này có thể tìm thấy trong những tác phẩm huyền bí học.

Dù sự tái sinh theo cách bình thường hoặc không bình thường, linh hồn của người đệ tử vẫn tiếp tục tiến triển đến giai đoạn ‘‘sẵn sàng được điểm đạo’’; qua ngưỡng cửa điểm đạo, người đệ tử được chấp nhận chính thức trên đường đạo. Con đường này gồm có bốn giai đoạn phân biệt, lối vào mỗi giai đoạn được bảo vệ bằng một cuộc điểm đạo. Tâm thức đệ tử được mở rộng qua mỗi lần điểm đạo, sự điểm đạo đem lại điều gọi là ‘‘chìa khóa tri thức’’, hành trang của giai đoạn được thừa nhận. Chìa khóa tri thức này cũng là chìa khóa năng lực, đó là năng lực tri thức trong tất cả những lãnh vực thiên nhiên. Khi đã bước vào đường đạo, đệ tử được gọi là ‘‘người vô gia cư’’,[103] vì người đệ tử không xem trái đất này như là quê hương của mình, và không có nơi thường trú nào ở đây cả. Người đó có thể đến tất cả mọi nơi để phụng sự Chân Sư. Trong giai đoạn này của con đường đạo, có ba chướng ngại cho sự tiến bộ. Ba chướng ngại này theo từ kỹ thuật là ‘‘những trói buộc’’ cần phải tháo gỡ, và bây giờ đệ tử đang nhanh chóng tự hoàn hảo, việc này đòi hỏi phải nhổ tận gốc rễ những lỗi lầm của cá tính và thực hiện hoàn toàn nhiệm vụ.

Ba sự trói buộc phải được giải tỏa trước khi điểm đạo lần thứ hai là: huyễn tưởng về phàm ngã, tính hoài nghi và sự mê tín. Phải cảm nhận trong tâm thức rằng phàm ngã là một ảo ảnh, linh hồn phải vĩnh viễn xem nó là không thực. Đệ tử phải cảm thấy là một với tất cả, và tất cả đều sống, thở trong anh ta, cũng như anh ta trong tất cả. Tính hoài nghi phải được loại trừ bằng trí tuệ, chớ không phải do sự bắt buộc. Người đệ tử phải thấu triệt luật luân hồi và biết rằng thực tế có sự hiện tồn của các Chân Sư. Không phải chỉ chấp nhận các sự kiện này bằng trí óc, mà phải biết chúng như là những hiện tượng trong thiên nhiên, và chính đệ tử có thể tự kiểm nghiệm, để không còn sự nghi ngờ nào có thể trở lại trong tâm trí. Sự mê tín phải mất đi, khi con người phát triển tri thức về thực tại, đồng thời hiểu được cách sử dụng có hiệu quả những nghi thức và lễ bái trong thiên nhiên. Người đệ tử học sử dụng mọi phương tiện, nhưng không bị dính mắc vào điều gì cả. Khi người đệ tử loại bỏ xong những chướng ngại này – đôi khi phải mất vài kiếp sống, đôi khi chỉ cần một phần trong một kiếp – họ nhận thấy cuộc điểm đạo thứ nhì và ‘‘chìa khóa tri thức’’ mới sẵn sàng chờ đợi với một chân trời rộng mở. Lúc bây giờ, người đệ tử nhận thấy khoảng thời gian bắt buộc phải sống trên địa cầu được rút ngắn mau lẹ, vì khi đã đến giai đoạn này, họ sẽ vượt qua cuộc điểm đạo lần thứ ba và lần thứ tư, ngay trong kiếp hiện tại hoặc kiếp tới.[104] Trong giai đoạn này, đệ tử phải phát triển những năng lực bên trong, những năng lực thuộc về các thể thanh nhẹ, vì họ cần chúng trong công việc phụng sự ở những cõi cao hơn. Nếu trước đó người ấy đã phát triển chúng, thì giai đoạn này có thể rất ngắn ngủi; nhưng họ phải bước qua cửa tử một lần nữa, trước khi sẵn sàng được điểm đạo lần thứ ba, và trở thành con Thiên Nga (the Swan); người bay cao lên thiên đình, đó là con linh điểu kỳ diệu của sự sống, có biết bao huyền thoại liên quan đến nó.[105] Đến giai đoạn thứ ba trên đường đạo, người đệ tử phải loại bỏ chướng ngại thứ tư và thứ năm, đó là tham vọng và ác cảm, nhận thấy cái Ngã Duy Nhất trong tất cả, bức màn che bên ngoài không còn làm họ mù quáng nữa, dù nó tốt đẹp hay xấu xa. Người đệ tử nhìn tất cả với nhãn quang bình đẳng, vì chồi non của sự khoan dung đã được ấp ủ lúc còn trên đường dự bị, giờ đây đang nở hoa, với vòng tay yêu thương đại đồng bao bọc tất cả trong niềm thân thiết. Người ấy là ‘‘bạn hữu của mọi sinh vật,’’ là ‘‘người yêu của tất cả những sự sống’’ trên hành tinh này. Là sự sống thể hiện tình yêu thiêng liêng cao quí, người ấy bước nhanh đến cuộc điểm đạo thứ tư, được vào giai đoạn cuối của con đường đạo, là người ‘‘vượt ra ngoài cá nhân,’’ người có giá trị, đáng tôn kính.[106] Nơi đây, nếu muốn vị ấy có thể ở lại, cởi bỏ năm chướng ngại cuối cùng mà sợi dây trói buộc vẫn còn, tuy rất mong manh, nhưng vẫn là trở ngại cho sự giải thoát. Vị ấy từ bỏ tất cả những gì gắn bó với cuộc sống sắc tướng, kế đó với bất cứ điều mong ước nào về đời sống vô sắc tướng, những xiềng xích này phải được chặt đứt. Vị ấy có thể đi lại xuyên qua ba cõi, nhưng không còn bất cứ điều gì trong ba cõi có năng lực giữ vị ấy lại được. Ngay như vẻ huy hoàng rực rỡ của ‘‘cõi vô sắc tướng’’, cũng như đối với những vẻ đẹp cụ thể của ‘‘cõi sắc tướng’’, tất cả đều không còn quyến rũ nữa.[107]

Sự thành đạt phi thường nhất là cởi bỏ chướng ngại cuối cùng, sự chia rẽ, tức khả năng tạo ra cái Tôi,[108] và tự phân biệt với người khác. Vị ấy sống trên cõi bồ đề, là nơi có sự hoàn toàn hợp nhất trong tâm thức tỉnh thức, nơi mà cái Ngã của tất cả được nhận thức như là Một. Khả năng tạo ra cái Tôi này đã sinh ra với linh hồn, là bản chất của cá nhân, nó tồn tại cho đến khi giá trị của tất cả vạn vật tác dụng trong Chân Thần. Cá nhân tính này sẽ bị loại trừ nơi ngưỡng cửa của sự giải thoát, chỉ để lại kết quả vô giá cho Chân Thần, cái tri thức nhận biết cá nhân tính, nó rất tinh khiết và thanh nhẹ không làm trở ngại tâm thức duy nhất. Thật là dễ dàng buông bỏ tất cả những chướng ngại do sự tiếp xúc phiền phức, vị đệ tử vững vàng trong chiếc áo vinh quang của sự bình an muôn thuở mà bất cứ điều gì không thể làm hư hỏng được. Sự cởi bỏ khả năng ‘‘làm ra cái tôi’’ làm sáng tỏ nhãn quan tinh thần, xuyên thấu những đám mây cuối cùng còn ẩn khuất bên trong. Khi nhận thức sự hợp nhất, thì vô minh[109] (giới hạn sinh ra mọi sự chia rẽ) sẽ bị loại trừ, con người được hoàn thiện và giải thoát.

Khi đi hết con đường đạo cũng là lúc bước đến ngưỡng cửa niết bàn. Trong trạng thái tuyệt vời của tâm thức này, đệ tử đã quen thuộc việc rời bỏ thể xác trong giấc ngủ, lúc trải qua giai đoạn cuối của đường đạo. Bây giờ, khi bước qua ngưỡng cửa này, thì tâm thức niết bàn trở thành tâm thức bình thường của vị ấy, vì cõi niết bàn vốn là quê hương của cái ‘‘Ngã’’[110] giải thoát. Thế là người đã hoàn tất con đường hướng thượng, đã đạt đến giới hạn dành cho nhân loại. Cao hơn nữa, còn có những Đấng vĩ đại, nhưng đó là các bậc Siêu Nhân. Việc đóng đinh xác thân trên thập tự giá đã qua, giờ giải thoát đã điểm, kẻ chiến thắng hát khúc khải hoàn ‘‘Tất cả đã thành tựu.’’ Hãy nhìn! Người đã vượt qua ngưỡng cửa và mất dạng trong ánh sáng cõi niết bàn, một người con của địa cầu đã chiến thắng sự chết. Chúng ta không biết sự nhiệm mầu nào được che đậy bởi ánh sáng cao cả đó, chúng ta chỉ mơ hồ cảm thấy có cái ‘‘Ngã tối cao’’ được khám phá, và người yêu cùng với sự thương yêu chỉ là một. Việc tìm kiếm lâu dài đã kết thúc, tâm tư khao khát đã hết, con người đã bước vào nơi an lạc của Đấng Chí Tôn.

Nhưng có phải địa cầu này đã mất một người con, hay nhân loại không bao giờ còn thấy lại người con chiến thắng của mình? Không đâu! Kìa Ngài đang hiện ra từ trung tâm ánh sáng bao la, Ngài xuất hiện trở lại nơi ngưỡng cửa cõi niết bàn, Ngài như được bao bọc trong biển ánh sáng vinh quang không thể tả; một Người Con của Thượng Đế hiển lộ. Bây giờ, Ngài hướng về cõi trần với nhãn quang nhân từ, thiêng liêng, luôn luôn theo dõi nhân loại đang còn lang thang, những huynh đệ của Ngài. Không bao giờ Ngài bỏ rơi họ, để họ phân tán như đàn cừu không người chăn giữ. Trong vẻ uy nghiêm cao cả, Ngài từ khước mọi sự hiển vinh cũng như sự toàn giác viên mãn và ‘‘quyền năng của sự sống vĩnh cửu,’’ Ngài trở lại địa cầu để ban phúc và hướng dẫn nhân loại, Ngài là Chân Sư Minh Triết, là Tôn Sư vương giả, là Đấng Siêu Phàm.

Trở lại cõi trần, Ngài hy sinh phụng sự nhân loại với năng lực cao cả hơn lúc Ngài còn đang tiến bước trên đường đạo. Ngài đem tất cả thần lực cao siêu mà Ngài đang có, để thúc đẩy sự tiến hóa trên địa cầu. Ngài hoàn lại cho những người đang tiến gần đường đạo, món nợ mà trước kia, lúc còn là đệ tử, Ngài đã được hướng dẫn, giúp đỡ và dạy dỗ, giờ đây Ngài cũng thực hiện y như vậy cho nhân loại.

Từ lúc con người còn hoang dã thấp kém tiến đến con người thiêng liêng, toàn thể giai đoạn hướng thượng đã hoàn tất. Đây cũng là mục tiêu huy hoàng mà nhân loại đang tiến đến.



 

CHƯƠNG XII TẠO LẬP MỘT VŨ TRỤ

(Building a Kosmos)

Ở giai đoạn tiến hóa hiện tại, con người chỉ có thể hiểu được sơ lược vài đặc điểm chính trong kế hoạch rộng lớn vô cùng của vũ trụ, mà địa cầu của chúng ta chỉ là một thành phần nhỏ bé. Theo quan điểm của nhiều người, dường như một ‘‘vũ trụ’’ ở đây có nghĩa là một hệ thống tự nó toàn vẹn, phát sinh do một vị Thượng Đế duy nhất, và được duy trì nhờ sự sống của Ngài. Đó là hệ thống thái dương hệ của chúng ta, và mặt trời có thể được xem là sự biểu lộ thấp nhất của Thượng Đế, tác động như trung tâm vũ trụ của Ngài. Mỗi hình thể đều là một trong những biểu lộ cụ thể của Thượng Đế, và mặt trời là sự biểu lộ thấp nhất, tác động như một trung tâm năng lực điều hành, tăng cường, thâm nhập, kiểm soát và phối trí tất cả mọi sự sống.

Một chú giải huyền môn có nói: Surya (mặt trời) trong phản ảnh hữu hình của nó, cho thấy đó là trạng thái thứ nhất hay thấp nhất, có liên quan đến trạng thái thứ bảy là trạng thái cao nhất của sự Hiện Hữu Phổ Quát, tinh khiết của sự tinh khiết; sự biểu hiện đầu tiên của hơi thở[111] của cái không bao giờ hiển lộ là Sat (Be-ness). Tất cả trung tâm vật chất hoặc khách quan của những mặt trời, trong bản chất đều là trạng thái thấp nhất từ nguyên lý thứ nhất của hơi thở. Nói tóm lại, chúng là trạng thái thấp nhất thuộc «cơ thể vật chất» của Thượng Đế.

Tất cả năng lực vật chất và năng lượng đều là sự sống biến chất do mặt trời tuôn xuống cõi trần, mà Thượng Đế là Đấng hằng ban rải sự sống cho hệ thống của Ngài. Do đó, nhiều tôn giáo thời xưa lấy mặt trời làm biểu tượng cho Thượng Đế Tối Cao. Thực ra khi dùng biểu tượng như thế đã làm cho những người kém hiểu biết có ý tưởng sai lầm.

Ông Sinnett có nhận xét đúng như sau:

‘‘Thái dương hệ được xem như một vùng của Thiên Nhiên bao gồm tất cả mọi sự vật, trong đó có những nhân vật rất cao siêu, mà trong hàng nhân loại chúng ta có khả năng phát triển đến trình độ đó hay không là vấn đề đang được tìm hiểu. Về mặt lý thuyết, chúng ta cảm thấy một cách chắc chắn – khi nhìn lên vòm trời cao vào lúc ban đêm – toàn bộ thái dương hệ chỉ là một giọt nước trong đại dương của vũ trụ. Đến lượt giọt nước này sẽ là một đại dương, theo quan điểm của tâm thức, chứa những sinh vật mới phát triển nửa chừng như chúng ta, và hiện tại chúng ta chỉ có thể hi vọng đạt được sự hiểu biết dù mơ hồ, lờ mờ về nguồn gốc và sự cấu tạo thái dương hệ. Vì mù mờ, nên sự khảo sát của chúng ta cần thu hẹp vào một dãy hành tinh phụ thuộc, mà trong đó chính sự tiến hóa của chúng ta đang tiếp diễn ở nơi vị trí thích hợp như là một thành phần của hệ thống. Chúng ta theo dõi bất cứ sự kiện nào để có được một quan niệm khái quát, liên quan đến toàn bộ hệ thống dãy hành tinh và địa cầu chúng ta đang sinh sống. Điều thực sự cần thiết cho chúng ta là những thời kỳ có liên quan đến vấn đề tiến hóa của nhân loại.’’[112]

Thực tế, chúng ta không thể hiểu được vị trí của chính chúng ta, nếu không có vài khái niệm, dù chỉ mơ hồ, về sự liên quan giữa chúng ta với toàn thể. Có những sinh viên huyền học hài lòng nghiên cứu trong phạm vi của họ, không quan tâm đến sự sống rộng rãi bao la, cho đến khi họ có khả năng hoạt động nơi đó. Một số sinh viên khác cảm thấy cần thiết phải vươn lên tìm hiểu kế hoạch xa hơn, với niềm vui thích trí tuệ bay cao, cùng với tầm nhìn từ trên xuống sân trường tiến hóa. Các Vị Bảo Hộ tinh thần nhân loại thấu rõ sự cần thiết này; một sự phác họa đẹp đẽ về vũ trụ theo quan điểm của nhà huyền học, được nghiên cứu bởi các đệ tử và các vị sứ giả minh triết. Bộ Giáo Lý Bí Truyền của bà Blavatsky càng lúc càng khai sáng cho các sinh viên huyền môn về minh triết cổ truyền, hướng dẫn họ tự khám phá và nắm vững ở mức độ thấp sự tiến hóa của thế giới chúng ta.

Chúng ta được cho biết, khi Thượng Đế biểu lộ chính là lúc báo trước giờ phút tạo nên vũ trụ của chúng ta.

Khi Ngài biểu lộ, vạn vật đều được xuất lộ theo sau Ngài; do sự biểu lộ này mà tất cả vạn hữu được biểu lộ.[113]

Ngài mang theo những thành quả của vũ trụ trước đó, cùng với các Vị Tuệ Giác cao cả, các Vị này trở thành những người cộng tác và phụ tá của Ngài trong công việc kiến tạo vũ trụ hiện tại. Cao nhất trong những Vị này là 7 Vị Hành Tinh Thượng Đế, mỗi Vị đều là trung tâm của một vùng phân biệt trong vũ trụ; và Thượng Đế là trung tâm của toàn thể. Trong Giáo Lý Bí Truyền có nói:

‘‘Bảy Vị Hành Tinh Thượng Đế trong thái dương hệ là bảy Đấng Thiêng Liêng, tự hóa sinh do thần lực xuất phát từ khuôn đúc của bản chất Mẹ (matrix of Mother-substance)… Năng lượng từ đó nảy sinh sự hiện tồn ý thức trong mỗi Mặt Trời, một số người gọi là Vishnu, và chính là hơi thở của Đấng Tuyệt Đối. Chúng ta gọi là sự sống duy nhất biểu lộ, tự nó là phản ảnh của Đấng Tuyệt Đối.[114]

‘‘Sự sống duy nhất biểu lộ’’ này là Thượng Đế, là sự hiển lộ của Đấng Tối Cao.

Từ thời phân chia nguyên thủy, vũ trụ của chúng ta đã có tính chất thất phân, và tất cả sự phân chia kế tiếp theo thứ tự đi xuống đều được lặp lại theo tỉ lệ số bảy. Dưới một trong bảy vị Hành Tinh Thượng Đế cấp hai là một hệ thống các Đấng Thông Tuệ, họp thành một cơ chế quản trị thuộc vương quốc của Ngài. Trong các Vị này, chúng ta nghe nói về các Vị Chưởng Quản Nhân Quả (Lipika), là những Vị ghi nhận nghiệp quả của tất cả những thực thể trong vương quốc, cùng với các vị Maharajas hoặc Devarajas là những Vị chỉ đạo sự thực thi luật nhân quả. Ngoài ra còn có một đội ngũ hùng hậu những Vị Kiến Tạo (Builders), làm khuôn mẫu, tạo tác tất cả hình thể theo ý tưởng chứa trong kho báu của Thượng Đế trong Trí Vũ Trụ (Universal Mind). Ngài truyền đạt cho Bảy Vị, mỗi Vị vẽ lại đồ hình quốc độ của Ngài dưới sự chăm sóc tối cao và thần lực cảm ứng sinh động cho sự sống, đồng thời pha trộn chính cá tính của Ngài. Bà Blavatsky gọi Bảy Quốc Độ này là bảy trung tâm Laya của Thái Dương Hệ; bà nói:

‘‘Bảy trung tâm Laya là bảy điểm Không (Zero), dùng số Không cùng ý với các nhà hóa học để chỉ một điểm, theo Huyền Môn là khởi đầu nhân tố tính toán để tạo sự khác biệt. Từ trung tâm – vượt xa hơn triết học nội môn cho phép, chúng ta nhận thức những nét phác họa siêu hình lờ mờ về ‘‘Bảy người con’’ của sự sống và ánh sáng, bảy vị Thượng Đế của phái luyện kim (Hermetic) và tất cả triết lý khác – bắt đầu là sự phân biệt của những nguyên tố cấu tạo thái dương hệ chúng ta.’’[115]

Quốc độ này là một hành tinh tiến hóa có đặc tính thật kỳ diệu, sân trường mà trên đó đang diễn ra những giai đoạn sống của một hành tinh vật chất, như Kim Tinh (Venus) được biểu lộ tạm thời. Để tránh sự lầm lẫn, chúng ta có thể nói đến Vị chỉ huy sự tiến hóa và cai quản quốc độ này chính là Đức Hành Tinh Thượng Đế. Ngài rút từ vật chất của thái dương hệ, những chất liệu thô mà Ngài cần dùng, và chuẩn bị chúng bằng năng lượng sự sống của chính Ngài. Mỗi vị Hành Tinh Thượng Đế chuyên biệt hóa vật chất trong quốc độ của Ngài, lấy từ kho chứa nguyên liệu chung.[116] Trạng thái nguyên tử của mỗi cõi trong bảy cõi thuộc lãnh vực của Ngài, đều đồng nhất với vật chất của mỗi cảnh phụ trong toàn thể thái dương hệ, và sự liên tục được thực hiện xuyên qua toàn hệ thống. Bà Blavatsky nhận xét: những nguyên tử thay đổi ‘‘sự kết hợp tương đương trên mỗi hành tinh,’’ chính những nguyên tử đều giống nhau, nhưng chúng có những kết hợp khác nhau. Bà trình bày tiếp:

‘‘Không có những nguyên tố đơn độc ở hành tinh chúng ta, cũng như ở những hành tinh chị em trong thái dương hệ. Sự khác nhau là do cách kết hợp những nguyên tố, điều này cũng giống như những nguyên tố vũ trụ bên ngoài ranh giới thái dương hệ của chúng ta. Chúng ta cũng được dạy rằng, mỗi nguyên tử chứa bảy cõi của sự hiện tồn.’’[117]

- Trên ba cõi thấp thuộc lãnh vực tiến hóa của Đức Hành Tinh Thượng Đế, Ngài tạo lập bảy bầu hành tinh hoặc thế giới; để thuận tiện cho việc gọi tên theo thuật ngữ, thì bảy bầu này là: A, B, C, D, E, F, G. (bầu D là địa cầu chúng ta). Những bầu hành tinh này là: Bảy bánh xe nhỏ đang xoay tròn, cái này sinh ra cái kia.

Điều này được nhắc đến trong chương VI của Thiền Định Chân Kinh (Book of Dzyan):

Ngài tạo ra chúng giống như các bánh xe cổ, đặt chúng vào những trung tâm bất diệt.[118]

Bất diệt, vì mỗi bánh xe không những chỉ sinh ra cái kế tiếp nó, mà nó còn tự tái sinh ở cùng một trung tâm, như chúng ta sẽ nhận thấy sau.

Chúng ta có thể hình dung các bầu hành tinh này được sắp làm ba cặp trên cái cung của một hình bầu dục, với một bầu hành tinh chính giữa ở mức độ của điểm thấp nhất. Nơi phần cao nhất, bầu A và G — tức là bầu thứ nhất và bầu thứ bảy — đều ở mức độ vô sắc tướng (arupa) của cõi thượng giới. Bầu B và bầu F là bầu thứ nhì và bầu thứ sáu ở mức độ sắc tướng (rupa) của cõi thượng giới. Bầu C và bầu E là bầu thứ ba và bầu thứ năm nơi cõi trung giới. Bầu D (địa cầu của chúng ta) — là bầu thứ tư — ở cõi trần. Bà H. P. Blavatsky xem những bầu hành tinh này như là ‘‘một sự sắp xếp trên bốn cõi thấp của sự thành lập thế giới,’’[119] đó là: cõi trần, cõi trung giới, và cõi thượng giới (gồm có thượng thiên hay vô sắc giới, và hạ thiên hay sắc giới), chúng có thể được miêu tả như sau:[120]

Vô sắc giới

A

G Khuôn mẫu

Sắc giới

B

F

Sáng tạo hay trí tuệ.

Trung giới

C

E

Tạo thành

Cõi trần

D

Vật chất

Đây là sự xếp đặt điển hình, nhưng sẽ được thay đổi qua vài giai đoạn tiến hóa. Bảy bầu hành tinh này hợp thành một cái vòng hay một dãy hành tinh. Đôi khi chúng ta có thể xem chúng như là một toàn thể, như một thực thể, một sự sống hành tinh cá thể. Dãy hành tinh này trải qua bảy giai đoạn riêng biệt trong lúc nó tiến hóa. Bảy bầu là một tổng thể hợp thành thể xác của hành tinh, và thể xác này sẽ tan rã và sẽ được tái tạo bảy lần trong giai đoạn sống của hành tinh. Dãy hành tinh này có bảy lần hiện thân, và các thành quả đạt được trong mỗi lần đều được gìn giữ để chuyển sang kỳ kế tiếp.

Mỗi dãy hành tinh là con cháu (hậu duệ), và là sự sáng tạo từ một dãy hành tinh trước đó thấp kém hơn đã tan rã; sự tái sinh này được diễn tả như sau:[121]

Bảy sự hiện thân60 hợp thành ‘‘sự tiến hóa của hành tinh,’’ vương quốc của một vị Hành Tinh Thượng Đế. Có bảy vị Hành Tinh Thượng Đế, thế là sẽ có bảy sự tiến hóa của những hành tinh này, mỗi hành tinh đều có những khác [122]biệt với hành tinh kia, tạo thành một Thái Dương Hệ.[123] Theo giảng lý huyền môn thì bảy vị Hành Tinh Thượng Đế xuất hiện từ Đấng Duy Nhất, và bảy dãy liên tiếp của mỗi bảy bầu hành tinh được diễn tả như sau:

‘‘Từ một ánh sáng, bảy ánh sáng; từ một lần của bảy, bảy lần bảy.’’[124]

Thời kỳ hiện thân của một dãy hành tinh gọi là thời kỳ khai nguyên (manvantara), thời kỳ này được phân chia ra bảy giai đoạn; trong mỗi giai đoạn, một triều lưu sinh hóa từ Thái Dương Thượng Đế xạ xuống chung quanh dãy hành tinh. Mỗi lần, theo từ ngữ kỹ thuật là ‘‘một cuộc tuần hoàn’’; bảy triều lưu sinh hóa vĩ đại này hoàn tất một chu kỳ khai nguyên. Như thế, mỗi bầu hành tinh có bảy giai đoạn hoạt động trong suốt một thời kỳ khai nguyên (manvantara), mỗi bầu hành tinh khi đến lượt sẽ trở lại sân trường tiến hóa của sự sống.

Nếu quan sát chỉ một bầu hành tinh trong suốt giai đoạn hoạt động của nó, chúng ta nhận thấy có bảy giống dân chánh của nhân loại tiến hóa trên đó, cùng với sáu loài khác, tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau. Nhân loại và sáu loài khác đều có hình thể trải qua tất cả các giai đoạn tiến hóa. Một triển vọng tiến bộ cao hơn đang mở rộng trước mọi loài. Sự tiến bộ về hình thể ở một bầu hành tinh được đưa sang một bầu khác, và tiếp tục phát triển cho đến khi thời kỳ hoạt động của bầu hành tinh trước nó chấm dứt; và tiếp tục từ bầu này sang bầu khác cho đến khi kết thúc một cuộc tuần hoàn. Rồi lại theo tiến trình từ cuộc tuần hoàn này đến cuộc tuần hoàn kế tiếp, cho đến hết bảy cuộc tuần hoàn, và chấm dứt một thời kỳ khai nguyên (manvantara). Kế đến, chúng còn phải vượt qua từ chu kỳ khai nguyên này đến chu kỳ khai nguyên khác cho đến lúc cuối cùng của sự tái sinh một dãy hành tinh; những kết quả về sự tiến hóa của các hành tinh được tập trung lại do Đức Hành Tinh Thượng Đế. Thật ra chúng ta biết rất ít về sự tiến hóa này; chúng ta chỉ biết những điểm nổi bật của toàn thể kỳ diệu nhờ các vị Huấn Sư chỉ dẫn mà thôi.

Ngay khi nghiên cứu về sự tiến hóa của dãy hành tinh, mà trong đó có trái đất của chúng ta đang sống, chúng ta cũng không sao hiểu được quá trình tiến hóa của bảy bầu hành tinh trong hai chu kỳ khai nguyên đầu của nó. Đến chu kỳ khai nguyên thứ ba, chúng ta chỉ biết rằng bầu hành tinh mà hiện nay là mặt trăng của chúng ta đã là bầu D của dãy hành tinh. Tuy nhiên, sự kiện này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa sự tái sinh tiếp nối của một dãy hành tinh. Bảy bầu hành tinh hợp thành dãy nguyệt tinh đã qua một chu trình tiến hóa thất phân của chúng. Bảy lần triều lưu sinh hóa, Hơi Thở của Đức Hành Tinh Thượng Đế lướt qua quanh dãy hành tinh, thúc đẩy mỗi hành tinh trở lại sinh động. Dường như là trong khi Thượng Đế chỉ đạo vương quốc, Ngài chú ý đầu tiên đến bầu A, Ngài tạo tác liên tục sự sống cho vô số hình thể làm nên một thế giới, cho đến khi sự tiến hóa xúc tiến tới một điểm nào đó; lúc bây giờ, Ngài hướng sự chú ý sang bầu B, và bầu A chìm dần vào giấc ngủ bình yên. Triều lưu sinh hoá được mang từ hành tinh này đến hành tinh kia, cho đến lúc một chu kỳ tuần hoàn đã hết, tức là lúc bầu G chấm dứt sự tiến hóa của nó; tiếp đến là một thời kỳ nghỉ ngơi,[125] suốt khoảng thời gian này, những hoạt động của cuộc tiến hóa bên ngoài chấm dứt. Khi hết thời kỳ nghỉ ngơi này, sự tiến hóa bên ngoài bắt đầu trở lại và khởi phát cuộc tuần hoàn thứ hai, mở màn trước hết là bầu hành tinh A. Tiến trình lặp lại sáu lần, đến lần thứ bảy là cuộc tuần hoàn cuối cùng của một dãy hành tinh, sẽ có sự thay đổi. Bầu A đã hoàn tất chu kỳ sinh hoạt và tiến hóa lần thứ bảy, dần dần tan rã; trạng thái bất diệt từ trung tâm Laya xuất hiện. Từ đó, ở buổi bình minh của chu kỳ khai nguyên kế tiếp, một bầu A mới phát triển – giống như một cơ thể mới – trong đó chứa đựng những ‘‘nguyên lý’’ của bầu A trước. Sự diễn tả này chỉ có ý định trình bày khái niệm về sự liên hệ giữa bầu A của chu kỳ khai nguyên thứ nhất và bầu A của chu kỳ thứ nhì, nhưng bản chất của sự liên hệ này không được tiết lộ.

Để tìm hiểu thêm phần nào sự liên hệ giữa bầu D của chu kỳ khai nguyên nguyệt tinh (mặt trăng), và bầu D của chu kỳ khai nguyên địa cầu (trái đất của chúng ta), ông Sinnett tóm lược trong tác phẩm «Hệ Thống Mà Chúng Ta Thuộc Về» (The System To Which We Belong), ông nói:

‘‘Khối tinh vân địa cầu tinh nguyên đã phát triển vòng quanh một trung tâm, có liên hệ khá nhiều với hành tinh đã chết, có những trung tâm sẽ phát triển thành địa cầu và mặt trăng hiện tại. Trong trạng thái tinh vân, có sự kết tụ vật chất, chiếm một thể tích lớn hơn rất nhiều đối với chất đặc của địa cầu hiện tại. Nó trải rộng ra mọi phương hướng và như bao gồm cả hành tinh cũ trong vòng nóng bỏng của nó. Nhiệt độ tinh vân mới xuất hiện cao khủng khiếp, hơn bất cứ nhiệt độ nào mà chúng ta biết. Do điều này, hành tinh cũ được làm nóng lại theo cách nào đó để trọn bầu khí quyển, nước và vật chất có khả năng dễ bay hơi đều bị bốc thành hơi, và theo ảnh hưởng hấp lực của trung tâm khối tinh vân mới xuất hiện. Theo cách thức này, không khí, biển cả của hành tinh cũ đều được thu hút vào việc kiến tạo bầu hành tinh mới. Do đó, mặt trăng trong tình trạng hiện tại, là một khối khô cằn, phản chiếu, không có mây, và từ lâu không còn sinh vật nào sống trên đó cả. Khi chu kỳ khai nguyên hiện nay gần chấm dứt, và trong suốt cuộc tuần hoàn thứ bảy, mặt trăng sẽ hoàn toàn tan rã, vật chất làm ra nó toàn bộ sẽ phân tán thành bụi vẫn thạch (meteoric dust) trong vũ trụ.’’[126]

Trong quyển ba của Giáo Lý Bí Truyền, bà Blavatsky có dạy cho các môn sinh cao cấp như sau:

‘‘Vào lúc khởi đầu sự tiến hóa của địa cầu chúng ta, mặt trăng lớn hơn và gần với trái đất hơn bây giờ. Nó đã dang ra xa chúng ta, và kích thước cũng co rút lại. (Mặt trăng đã cho địa cầu tất cả nguyên khí căn bản của nó)… Một mặt trăng mới sẽ xuất hiện trong thời gian có cuộc tuần hoàn thứ bảy, còn mặt trăng của chúng ta sẽ tan rã và cuối cùng mất dạng luôn.’’[127]

Cuộc tiến hóa trong suốt chu kỳ khai nguyên nguyệt tinh, sinh sản bảy hạng thực thể, từ ngữ kỹ thuật gọi là Fathers hay Pitris tức là ‘‘Thủy Tổ Nguyệt

Cầu’’, vì các vị này sinh sản những thực thể cho chu kỳ khai nguyên địa cầu.

Đây là các vị Nguyệt Tinh Quân (Lunar Pitris) trong Giáo Lý Bí Truyền. Còn có những hạng khác phát triển hơn được gọi là: Nhật Tinh Quân, Người, Thiền Định Tinh Quân bậc thấp (Solar Pitris, Men, Lower Dhyanis). Những hạng này rất phát triển, nên không dự vào sự tiến hóa của địa cầu ở những giai đoạn đầu, mà chờ đợi những điều kiện vật chất về sau để phát triển. Cao hơn hai hạng này là người thú có cá tính, sinh vật có linh hồn phôi thai, chúng đã phát triển nhân thể (causal body); hạng thứ hai gần được hình thành. Những Nguyệt Tinh Quân hạng thứ nhất, bắt đầu cho thấy có dạng thể trí, trong khi các hạng thứ nhì và thứ ba chỉ phát triển nguyên lý cảm dục. Bảy hạng Nguyệt Tinh Quân này là sản phẩm của dãy Nguyệt Tinh, được đưa đến để phát triển thêm ở trái đất vào cuộc tuần hoàn thứ tư của dãy địa cầu. Là những Chân Thần với nguyên lý trí tuệ hiện diện ở hạng thứ nhất; nguyên lý cảm dục phát triển nơi hạng thứ nhì và ba; mầm mống của nguyên lý này ở hạng thứ tư; ở hạng thứ năm, chỉ ló dạng mầm mống này; và không nhận ra được ở hạng thứ sáu và hạng thứ bảy. Những thực thể này thâm nhập vào dãy địa cầu để tạo ra linh hồn của loài tinh hoa chất, còn hình thể của các loài này được làm ra bởi các Đấng Kiến Tạo.[128]

Thuật ngữ, mà tôi (A. Besant) áp dụng ở đây đều được trích từ Giáo Lý Bí Truyền. Trong văn bản có giá trị của bà Sinnett và ông Scott-Elliot đều gọi các ‘‘Thiền Định Tinh Quân bậc thấp’’ của bà Blavatsky là Nguyệt Tinh Quân. Sự hiện thân trong cuộc tuần hoàn thứ ba và thứ tư được cho là Nguyệt Tinh Quân thứ nhất và thứ nhì; cho nên hạng thứ ba của họ là hạng thứ nhất của bà Blavatsky, hạng thứ tư của họ là hạng thứ nhì và cứ thế tiếp theo. Thật ra không có sự khác biệt trong việc trình bày các sự kiện, chỉ khác nhau trong cách dùng các thuật ngữ; nhưng sinh viên có thể bị nhầm lẫn, nếu không được giải thích. Khi tôi dùng thuật ngữ của bà Blavatsky, các học viên trong ‘‘Chi bộ Luân Đôn’’ và độc giả tập ‘‘Kỷ yếu’’ cần ghi nhớ, nếu tôi nói các Nguyệt Tinh Quân hạng nhất tức là hạng thứ ba của họ, và trình tự tiếp theo.

Các «Đấng Kiến Tạo» là một tên gọi bao gồm vô số các Đấng Thông Tuệ, đại đoàn những thực thể có mức độ tâm thức và thần lực, các vị này có nhiệm vụ thực hiện việc kiến tạo hình hài sắc tướng ở mỗi cõi. Những vị cấp cao hướng dẫn và kiểm soát, những vị cấp thấp dùng chất liệu để tạo hình thể theo kiểu mẫu được cung cấp. Lúc bấy giờ, trên dãy hành tinh có các bầu hành tinh được sử dụng kế tiếp nhau. Bầu A là thế giới khuôn mẫu, trên đó những mẫu hình thể được thiết lập dùng để chế tạo trong chu kỳ tuần hoàn. Từ linh trí của Hành Tinh Thượng Đế, Đấng Kiến Tạo cao cấp nhất dùng ý tưởng khuôn mẫu và hướng dẫn những vị kiến tạo trên mức độ vô sắc tướng, khi những vị này tạo thành hình thể khuôn mẫu cho cuộc tuần hoàn. Trên bầu B, những hình thể này được tái tạo thành những hình dạng khác nhau bằng chất liệu tinh thần, do những vị kiến tạo có đẳng cấp thấp. Những hình thể này phát triển chậm chạp theo đường lối khác nhau, cho đến lúc chúng sẵn sàng tiếp nhận sự thẩm thấu bởi vật chất đậm đặc. Kế đó, các vị kiến tạo dùng vật chất cõi trung giới tạo thành hình thể nơi cõi này của bầu C, với nhiều chi tiết hơn. Khi hình thể đã được tiến bộ đến một giới hạn nào đó ở cõi trung giới, những vị kiến tạo bầu D nhận lấy nhiệm vụ làm ra hình hài sắc tướng cho cõi trần, và những loại vật chất thấp nhất được dùng để tạo ra những chủng loại thích hợp, và những hình thể tiến đến trạng thái hoàn chỉnh và đậm đặc nhất.

Cho đến đây, chúng ta đã chú trọng vào việc kiến tạo hình thể; từ điểm giữa thấp nhất đi lên, có sự thay đổi ở một mức độ nào đó về bản chất của sự tiến hóa. Trên vòng cung đi lên, có sự chú trọng vào việc sử dụng hình thể như là một vận cụ cho sự sống tiến hóa. Vào lúc tiến đến phân nửa sau của cuộc tiến hóa nơi bầu D, rồi đến bầu E và bầu F; tâm thức tự biểu hiện lần đầu nơi cõi trần, kế đến cõi trung giới rồi cõi hạ thiên, xuyên qua những hình thể tương ứng được tạo ra trên vòng cung đi xuống. Trên vòng cung đi xuống này, Chân Thần cố gắng ảnh hưởng lên những hình thể đang phát triển, và những ảnh hưởng này có vẻ lờ mờ như là những ấn tượng, xúc cảm hay trực giác v. v… Trên vòng cung đi lên, Chân Thần tự biểu hiện xuyên qua sắc tướng như một người điều khiển bên trong. Trên bầu G, khi cuộc tuần hoàn tiến đến hoàn hảo, Chân Thần trú ngụ và sử dụng những vận cụ của nó như là những hình thể khuôn mẫu cho bầu A.

Trong suốt những giai đoạn này, các Nguyệt Tinh Quân tác động như linh hồn của hình hài sắc tướng, ấp ủ lên chúng, và sau đó trú ngụ trong chúng.

Những Nguyệt Tinh Quân cấp một, chịu đựng gánh nặng công tác trong suốt ba cuộc tuần hoàn đầu tiên. Những Nguyệt Tinh Quân cấp hai và cấp ba tuôn vào các hình thể đã được phát triển do các Nguyệt Tinh Quân cấp một. Những vị trước chuẩn bị những hình thể này và làm cho chúng sinh động trong một thời gian, rồi chuyển qua cho những vị cấp hai và ba trú ngụ. Vào cuối cuộc tuần hoàn thứ nhất, các hình thể khuôn mẫu của loài kim thạch được đưa xuống và được tinh luyện qua các cuộc tuần hoàn tiếp nối, cho đến khi chúng đạt tới trạng thái đậm đặc nhất ở giữa cuộc tuần hoàn thứ tư. ‘‘Lửa’’ là ‘‘nguyên tố’’ (element) của cuộc tuần hoàn thứ nhất.

Trong cuộc tuần hoàn thứ nhì, những Nguyệt Tinh Quân cấp một tiếp tục công việc tiến hóa cho nhân loại, và chỉ quan tâm đến những giai đoạn thấp; cho đến ngày nay những nhân loại còn phôi thai vẫn được sự chăm sóc của các vị ấy. Vào lúc chấm dứt cuộc tuần hoàn này, các Nguyệt Tinh Quân cấp hai đã vươn tới giai đoạn nhân loại mới bắt đầu. Công việc lớn lao của cuộc tuần hoàn này là đưa xuống cõi trần những hình thể khuôn mẫu cho sự sống loài thảo mộc, và chúng sẽ vươn đến sự hoàn hảo vào cuộc tuần hoàn thứ năm. ‘‘Không khí’’ là ‘‘nguyên tố’’ của cuộc tuần hoàn thứ nhì.

Trong cuộc tuần hoàn thứ ba, những Nguyệt Tinh Quân cấp một trở thành nhân loại trong hình thể xác định; mặc dù cơ thể khổng lồ và đông đặc giống như chất thạch, cho đến lúc trên bầu D những cơ thể này đủ cô đọng rắn chắc để bắt đầu đứng thẳng, họ giống như loài khỉ, thân thể đầy lông cứng. Những Nguyệt Tinh Quân cấp ba vươn tới giai đoạn nhân loại mới bắt đầu. Các vị Nhật Tinh Quân (Solar Pitris) cấp hai xuất hiện lần đầu trên bầu D của cuộc tuần hoàn này và đảm trách hướng dẫn sự tiến hóa cho nhân loại. Các hình thể khuôn mẫu của loài thú được mang xuống để được tạo tác hoàn hảo vào lúc cuối cuộc tuần hoàn thứ sáu. ‘‘Nước’’ là ‘‘nguyên tố’’ của cuộc tuần hoàn thứ ba.

Cuộc tuần hoàn thứ tư là cuộc tuần hoàn ở giữa trong bảy cuộc tuần hoàn thuộc về chu kỳ khai nguyên địa cầu, có sự phân biệt mang lại cho bầu A những hình thể khuôn mẫu của nhân loại. Cuộc tuần hoàn này biểu lộ đặc biệt con người, cũng như những thực thể tiền nhiệm của nó, theo thứ tự là giới cầm thú, thảo mộc và kim thạch. Những hình thể khuôn mẫu của nhân loại được biểu lộ vào cuộc tuần hoàn thứ tư; nhưng phải đến cuộc tuần hoàn thứ bảy những hình thể này mới được nhận thức trọn vẹn bởi nhân loại. ‘‘Đất’’ là ‘‘nguyên tố’’ của cuộc tuần hoàn này, nó là vật chất đậm đặc nhất. Trong suốt những giai đoạn hoạt động đầu tiên của cuộc tuần hoàn này, các Nhật Tinh Quân bay lượn nhiều hay ít chung quanh bầu D, nhưng họ không hiện thân. Mãi đến sau khi triều lưu sinh hoạt lớn thứ ba của Đức Hành Tinh Thượng Đế tuôn xuống ở giữa giống dân thứ ba, các Nhật Tinh Quân mới hiện thân; từ đó số lượng của giống dân tăng từ từ, và rất nhiều nhân loại sinh ra vào giai đoạn đầu của giống dân thứ tư.

Cuộc tiến hóa của nhân loại trên địa cầu chúng ta, tức là bầu D, cho ta thấy rõ ràng về sự phân chia bảy lần, hay thất phân (sevenfold) liên tục mà chúng ta thường nói đến. Bảy chủng tộc nhân loại đã tự thể hiện trong cuộc tuần hoàn thứ ba; vào cuộc tuần hoàn thứ tư, sự phân chia căn bản này đã trở nên rất rõ ràng trên bầu C, nơi mà bảy giống dân chính với những giống dân phụ của mỗi giống cùng tiến hóa. Trên bầu D, nhân loại khởi sự với giống dân thứ nhất – thường gọi là một căn chủng – ở bảy điểm khác nhau, mỗi ‘‘căn chủng có bảy loại, mỗi loại ở chỗ của nó.’’[129] Bảy loại này hỗ trợ lẫn nhau, không liên tục và làm nên căn chủng thứ nhất, và mỗi loại lại chia ra bảy chi chủng riêng của nó. Từ căn chủng thứ nhất, sinh vật đông đặc như thạch và không có hình dáng nhất định; tiến đến căn chủng thứ nhì, có hình thể xác định hơn; và từ đó căn chủng thứ ba, sinh vật đông đặc như thạch trở thành người khổng lồ vụng về giống như loài khỉ. Vào giữa cuộc tiến hóa của căn chủng thứ ba này, có người Lemurian đến địa cầu từ dãy hành tinh khác rất tiến hóa, đó là Kim Tinh (Venus). Những nhân loại ở hành tinh này rất tiến hóa, đó là các Đấng Vinh Quang, thường được gọi là các Con của Lửa, dáng vẻ sáng chói, cấp bậc cao quí trong số các Con của Trí Tuệ (Sons of Mind).[130] Các Ngài hiện diện trên địa cầu như là những vị Huấn Sư Thiêng Liêng của nhân loại còn non trẻ.

Trong số các Ngài có vài Đấng đóng vai như những vận hà, cho triều lưu sinh hoạt thứ ba tuôn xuống vào «người thú» tia lửa của sự sống Chân Thần, tạo nên nhân thể (causal body) của họ. Như thế, những Nguyệt Tinh Quân cấp một, hai và ba được cá tính hóa, tạo thành một số lượng lớn trong nhân loại. Hai cấp bậc Nhật Tinh Quân đã cá tính hóa — cấp thứ nhất trước khi rời dãy nguyệt tinh và cấp thứ hai sau đó – hợp thành hai cấp bậc trong số những người Con của Trí Tuệ. Cấp bậc thứ nhì hiện thân giữa thời điểm của giống dân thứ ba, và cấp bậc thứ nhất đến sau đó, phần đông trong giống dân thứ tư, giống dân Atlantis. Chủng tộc thứ năm, hay giống dân Aryan, hiện đang hướng dẫn sự tiến hóa của nhân loại; họ đã qua thời kỳ tiến hóa lúc ở vào chi chủng thứ năm của giống dân Atlantis. Nhiều gia đình có triển vọng nhất đang sống biệt lập ở Trung Á, và một chủng tộc mới đã tiến hóa dưới sự chăm nom trực tiếp của một Đấng Cao Cả, tức Đức Bàn Cổ (Manu). Chi chủng thứ nhất của giống dân này đang định cư tại Ấn Độ, miền Nam dãy Hi Mã Lạp Sơn, chia ra bốn giai cấp:[131] huấn sư, chiến sĩ, thương gia và người lao động, và trở thành chủng tộc chính trên bán đảo Ấn Độ rộng bao la. Họ chinh phục những quốc gia của các giống dân thứ tư và thứ ba đang cư trú nơi đó.

Vào lúc cuối cùng của giống dân thứ bảy thuộc cuộc tuần hoàn thứ bảy, nghĩa là khi kết thúc thời kỳ khai nguyên địa cầu, dãy hành tinh của chúng ta sẽ trao lại dãy kế những thành quả về sự sống của nó. Những thành quả này là những bậc thiêng liêng toàn hảo như Đức Phật, Bàn Cổ, Đế Quân, Chân Sư, sẵn sàng đảm nhận công việc dìu dắt nhân loại tiến hóa dưới sự hướng dẫn của Đức Hành Tinh Thượng Đế. Cũng có một số đông những thực thể tiến hóa thấp hơn, thuộc mọi đẳng cấp hữu thức, các vị này còn cần kinh nghiệm trần gian để hoàn hảo khả năng thiêng liêng của mình. Chu kỳ khai nguyên thứ năm, thứ sáu và thứ bảy thuộc dãy hành tinh của chúng ta đang còn là phôi thai, sau khi chu kỳ khai nguyên thứ tư chấm dứt. Lúc đó, Đức Hành Tinh Thượng Đế sẽ qui tụ nơi Ngài tất cả những thành quả tiến hóa, và cùng với các con của Ngài vào một giai đoạn nghỉ ngơi phúc lạc. Chúng ta không thể diễn tả nổi trạng thái cao cả đó, mà chỉ có thể mơ mộng về sự vinh quang khó tưởng tượng được ở giai đoạn tiến hóa đó; chúng ta chỉ biết một cách lờ mờ rằng tinh thần phúc lạc của chúng ta sẽ ‘‘thâm nhập vào sự an vui của Thượng Đế.’’ Chúng ta sẽ nghỉ ngơi trong Ngài, sẽ có được tầm nhìn vô biên của sự sống và tình yêu tuyệt vời, cũng như những niềm vui và năng lực thâm sâu cao cả. Như Đấng Hiện Tồn Duy Nhất, chúng ta không còn bị một giới hạn nào; như là cái Một thực tại, chúng ta không bao giờ bị hoại diệt.

VẠN VẬT THÁI BÌNH



[1] Các Thánh Thư Đông Phương, quyển XL.

[2] Mundakopanishad, II, ii, 7.

[3] Shvetashvataropanishad, iii, 14.

[4] “Thanh khí trong tâm” là từ ngữ thần bí được dùng để chỉ Đấng Duy Nhất, người ta cho rằng Ngài ngự trong đó.

[5] Như trên, III, ii, 4.

[6] Kathop., vi, 14.

[7] Từ điển bắc Phạn - Hoa ngữ của Eitel, dưới mục từ này.

[8] Udanavarga, xxxiii, 41.

[9] Exod xv, ii.

[10] Armaiti là Minh Triết đầu tiên và Nữ thần Minh Triết. Sau này, trên cương vị là Đấng Tạo Hóa, bà trở nên đồng nhất hóa với đất, và được tôn thờ là Nữ Thần của Đất.

[11] Khải Huyền, iv, 5.

[12] I. Cor. vi, 19.

[13] John, ix, 1-13.

[14] Matt, xiii, 10-17.

[15] Tuyển tập các tác phẩm của Plotinus, bản dịch của Thomas Taylor, ấn bản 1895, trang 11.

[16] Một Đấng thông tuệ tâm linh tốt lành, chẳng hạn như vị thần daimon của Socrates.

[17] Do đó, mà có vài thánh kinh phương Đông gọi Ngài là: Chủ tể của Maya”. Maya hay là ảo ảnh tức là nguyên lý của hình thể. Hình thể được xem như là ảo ảnh, do bản chất tạm thời của nó, và cũng do sự luôn luôn biến đổi của nó nữa. Trái lại, sự sống biểu lộ bên trong tấm màn the hình thể đó mới là thực tại.

[18] Học giả có thể nhận thức rõ ràng hơn, nếu coi những nguyên tử của cõi thứ năm là Atma, những nguyên tử của cõi thứ tư là Atma được bao bọc bằng chất bồ đề; những nguyên tử của cõi thứ ba là Atma được bao bọc bằng chất bồ đề và thượng trí; những nguyên tử cõi thứ nhì là Atma được bao bọc bằng chất bồ đề, thượng trí và trung giới; những nguyên tử cõi thấp nhất là Atma được bao bọc bằng chất bồ đề, thượng trí, trung giới và hồng trần (buddhi, manas, kama and sthutla). Trong mỗi trường hợp chỉ có cái vỏ bọc bên ngoài là linh hoạt mà thôi, còn nguyên lý bên trong hiện diện, nhưng tiềm tàng, và sẵn sàng thức tỉnh hoạt động trở lại trên con đường đi lên trong chu kỳ tiến hóa.

[19] Hạt nguyên tử căn bản hồng trần là đơn vị nhỏ nhất cấu tạo nên cõi trần, không phải hạt nguyên tử mà các nhà hóa học hiện nay đặt tên.

[20] Như Atma-Buddhi, tác động bất phân ly, gọi là Monad tức là Chân Thần. Tất cả hình thể đều có Atma-Buddhi, được xem như là sự sống tác động.

[21] Trong những vị Thần Minh Kiến Thiết có vài vị rất cao cả, nhưng danh từ Kiến Thiết ở đây cũng áp dụng cho những loài tinh linh kiến thiết. Vấn đề nầy được giải thích ở chương XII.

[22] Nguồn cung cấp sự sống được gọi là Prana. Nó trở thành hơi thở của sự sống đối với mỗi loài. Prana là một danh từ dùng để ám chỉ sự sống của vũ trụ. Khi một thực thể hấp thụ được nó, sẽ có được sự sống riêng rẽ.

[23] Physical dream – life: Chiêm bao gây ra do sự thay đổi sinh lý của cơ thể, như ăn không tiêu, hoặc nằm ngủ trong những vị thế làm cấn, tắt nghẽn vài vùng trong cơ thể (Lời dịch giả).

[24] Devachan là trạng thái phúc lạc, sáng chói, là danh từ Thông Thiên Học chỉ cõi trời hay thiên đàng. Kâmaloka là nơi của dục vọng, dùng để ám chỉ những tình trạng của đời sống trung gian trên cõi trung giới.

[25] Xin xem quyển Cõi Trung Giới “The Astral Plane” của tác giả C. W. Leadbeater.

[26] Được gọi là Thiên Thần, hay Thiên Đế bởi người Ấn Độ. Những danh từ Phạn ngữ gọi 5 Vị Thiên Đế của những nguyên tố biểu lộ là: Indra (Chúa tể của chất Akasha hay là dĩ thái của không gian); Agni (Chúa tể của lửa); Pavana (Chúa tể của không khí); Varuna (Chúa tể của nước); Kshiti (Chúa tể của đất).

[27] Kamarupa có hai phần: Kama là sự ham muốn, và rupa là hình thể. Kamarupa là danh từ chuyên môn để chỉ thể vía.

[28] Xin xem chương III về đoạn Kamaloka.

[29] Có vài vị trong Thiên Đoàn đã khởi xướng việc thành lập Hội Thông Thiên Học.

[30] Những nhà huyền môn vô tư, hoàn toàn hiến mình để hoàn thành thiên ý, và những người hoạt động để đạt được lý tưởng nầy được gọi là Các Vị Bạch Huynh Đệ (Chánh Đạo). Những người ích kỷ và hoạt động trái với mục đích thiêng liêng trong vũ trụ được gọi là Các Hắc Huynh Đệ (Tà Đạo). Sự vô ngã rộng mở với tình bác ái và tính hy sinh đều là những đặc tính của hạng thứ nhất. Sự ích kỷ co rút lại, lòng thù oán và vẻ ngạo mạn, kiêu kỳ là những dấu hiệu của hạng thứ nhì. Giữa hai hạng nầy có những loại người với động lực hỗn hợp, họ chưa hiểu rõ sự tiến hóa là phải tiến đến cái Ngã Duy Nhất, chớ không phải đến những cái ngã riêng rẽ. Tôi thường gọi những người thuộc loại này là những huynh đệ « xám », họ có thể ngã qua hạng bên này hay hạng bên kia, hoặc theo hẳn 1 trong 2 nhóm lớn có mục đích rõ rệt.

[31] Ở đây, đệ tử là người đã được Chân Sư thu nhận.

[32] Xin xem Chương XI về Sự Hướng Thượng Của Nhân Loại (Man’s

Ascent).

[33] Học giả sẽ nhận thấy nơi đây đặc tính chủ yếu của trạng thái tĩnh (tamasic guna), là tính tối tăm hay bất động trong thiên nhiên.

[34] Là bảy luân xa (chakras) hay bánh xe. Những trung tâm nầy, được gọi như thế vì trạng thái quay cuồng của chúng, giống như những bánh xe bằng lửa sống động đang quay.

[35] Ở đây học giả sẽ ghi nhận ưu thế của trạng thái « động » (rajasic guna), tính chất hoạt động của thiên nhiên.

[36] Nơi đây, trạng thái điều hòa (sattvic guna), bản chất phúc lạc và tinh khiết trội hơn tất cả. Siddhis là những quyền năng siêu phàm.

[37] Xin xem Chương IV, Cõi Trí (The Mental Plane).

[38] Người Ấn Độ gọi trạng thái đó là Pretaloka là nơi ở của các vị Pretas, là những người đã bỏ xác tại cõi trần, nhưng chưa dứt bỏ lớp thú tánh của họ. Họ bị giam hãm trong lớp thú tánh đó, cho đến khi nó tan rã thì mới có thể đi xa hơn được.

[39] Linh hồn là bản chất trí tuệ con người, là mối liên lạc giữa tinh thần thiêng liêng trong con người và bản ngã thấp kém. Nó là Ego, là cái ta, là cá nhân đang phát triển do sự tiến hóa. Thông Thiên Học gọi nó là Manas, chủ thể tư tưởng. Năng lực trí khôn này hoạt động giới hạn trong bộ óc xác thân, cũng như trong thể vía và thể trí.

[40] Những vùng Kamaloka nầy thường được kể theo một thứ tự khác, thứ nhất là vùng cao nhất, và thứ bảy là vùng thấp nhất. Điều nầy không mấy quan trọng. Nơi đây, tôi đếm từ dưới lên trên để hòa hợp theo những cõi và những nguyên lý trong quyển sách này.

[41] Kết quả của những sự thay đổi, là sự tạo thành cái mà người Ấn Giáo gọi là Yatana (hay là thể của sự đau khổ). Trong trường hợp một cá nhân rất xấu ác, thể vía của người đó chứa nhiều chất liệu trọng trược nhất, cái thể của người ấy được gọi là Dhruvam (hay cái thể cứng rắn).

[42] Không cần thiết phải là một tội lỗi làm trong kiếp nầy. Định luật nhân quả sẽ được giải thích ở Chương IX (Karma).

[43] Những hoạt động viên nầy là đệ tử của những vị Chân Sư, có nhiệm vụ giúp đỡ những linh hồn cần được cứu trợ.

[44] Xin xem Chương VII về Luân Hồi.

[45] Theo thứ tự từ dưới đếm lên. (Lời dịch giả)

[46] Xuất xứ từ danh từ Manas là danh từ kỹ thuật manasic plane (cõi trí), chuyển ra Anh ngữ là « mental ». Chúng ta có thể gọi nó là cõi trí khôn thật sự, để phân biệt sự hoạt động của nó với sự hoạt động của trí khôn xuyên qua bộ óc xác thân.

[47] Theo Phạn ngữ thì vô sắc tướng là arupa, còn sắc tướng là rupa. Rupa là hình thể, hình dạng, là lớp vỏ bọc.

[48] Mahat, là Ngôi Thứ Ba hay là Trí Sáng Tạo Thiêng Liêng (Divine Creative Intelligence) là Brahma của người Ấn Độ Giáo, là Manjusri của người Phật tử Bắc Tông, là Đức Chúa Thánh Thần của người Thiên Chúa Giáo.

[49] Đây là những vị Chư Thiên vô sắc tướng và sắc tướng của Ấn Độ Giáo và Phật Giáo. Các Ngài là chúa tể trên trời và dưới đất của Hỏa Giáo,và là đại thiên thần và thiên thần của Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo.

[50] Revelation, x, 1.

[51] Thể trí thường được gọi là Mayavi Rupa hay thể ảo ảnh, khi nó được sắp xếp hoạt động một cách độc lập tại cõi thượng giới.

[52] Cõi trí chia làm 2 phần: phần cao là cõi thượng thiên, gồm có 3 cảnh; và phần thấp là cõi hạ thiên, gồm có 4 cảnh. (Lời dịch giả)

[53] Vì lẽ đó mà Thông Thiên Học nói về Kama-Manas để ám chỉ trí khôn hoạt động với và trong bản tính của dục vọng. Trí khôn ảnh hưởng đến thú tính và bị ảnh hưởng của thú tính. Học phái Vedanta sắp cả 2 thể chung làm một, và nói rằng chân ngã hoạt động trong manomayakosha tức là cái vỏ làm bằng chất hạ trí, tình cảm và đam mê. Nhà phân tâm học Âu Châu chia trí khôn làm ba phần, cho tình cảm là một trong ba phần đó, và họ bao gồm cảm xúc và cảm giác trong tình cảm.

[54] Xem chương VII và chương VIII nói về sự luân hồi.

[55] Chính nó là Augoeides của phái Neo-Platonists, là thể Tinh Thầncủa Thánh Paul.

[56] Đường chánh đạo là đường đưa nhân loại đến thiêng liêng, đến tột đỉnh để phụng sự người đời. Đường tà đạo cũng đưa đến tột đỉnh nhân loại, nhưng để ngăn cản sự tiến hóa, với mục đích ích kỷ cá nhân. Chúng đôi khi được gọi là Bạch đạo và Hắc đạo.

[57] Devasthan là danh từ Phạn ngữ, đồng nghĩa với Devachan, là chỗ ở của Thiên Thần. Chính nó là Svarga của người Ấn Độ Giáo, là Sukhâvati (cõi cực lạc) của người Phật tử, là Thiên Đàng của người Thiên Chúa Giáo và Hỏa Giáo; nó cũng là cõi trời của người ít ham chuộng vật chất trong số các người theo Hồi Giáo. Trong chương này, những danh từ : Davachan, cõi trời chân phúc, cõi Thiên Đàng, cõi trời, cõi thượng giới, cõi trí, đều chỉ cùng một cõi. (LDG)

[58] Gọi theo danh từ kỹ thuật là thiên đàng vô sắc tướng và thiên đàng sắc tướng, hiện tồn ở vùng vô sắc tướng và sắc tướng của cõi thượng giới.

[59] Khi học giả suy gẫm sẽ thấy nơi đây một gợi ý phong phú, về vấn đề liên tục của tâm thức sau khi trải qua chu kỳ của vũ trụ. Hãy đặt Ishvara (là Thượng Đế) vào địa vị của chủ thể Tư Tưởng, và những quan năng (là kết quả của một đời), đại diện cho cuộc sống nhân loại (là kết quả của vũ trụ), khi ấy, học giả có thể thoáng thấy một điều gì cần thiết cho tâm thức, trong khoảng thời gian giữa hai vũ trụ.

[60] Xin xem chương III về Kamaloka, trang 83.

[61] Xin xem chương «sự hướng thượng của nhân loại». Người được điểm đạo là người bước ra khỏi con đường tiến hóa bình thường; và đang đi đến sự hoàn thiện bằng con đường ngắn hơn và dốc đứng hơn.

[62] Ahamkara là nguyên lý sinh ra cái tôi. Cái tôi cần thiết cho sự tiến hóa của tâm thức. Nhưng cái tôi đó phải được loại trừ, khi việc làm của nó đã hoàn tất.

[63] Lời so sánh nầy rút trong quyển Bhagavad Purana.

[64] “Chúng ta hãy tạo ra con người trong hình ảnh của chúng ta, theo như ý thích của chúng ta.” – Gen. I, 26.

[65] Được gọi là Monad, có thể là Monad của vật chất tinh thần (Atma); hay Monad của hình thể (Atma-Buddhi); hay Monad nhân loại (AtmaBuddhi-Manas). Trong mỗi trường hợp, nó là một đơn vị, và tác động như một đơn vị; hoặc là đơn vị của 1 phương diện, 2 phương diện, hay 3 phương diện.

[66] Xin nhắc lại các cõi theo thứ tự: (1) Cõi trần, (2) cõi trung giới, (3) cõi thượng giới, (4) cõi bồ đề, (5) cõi niết bàn, (6) cõi đại niết bàn, (7) cõi tối đại niết bàn. (Lời người dịch)

[67] Trạng thái này được diễn tả bởi Plotinus như sau: ‘’Họ hình như thấy tất cả mọi sự vật,’’ ‘’Mỗi vật hình như là mọi vật’’ và ‘’Tuy nhiên, trong mỗi vật vẫn có tính chất khác biệt trội hơn.’’

[68] Vì lý do này trong nhiều Kinh Điển, sự phúc lạc tuyệt vời nơi cõi bồ đề được ví như tình yêu đậm đà sâu sắc của đôi vợ chồng được diễn tả trong Bhagavad Purana của Ấn Giáo, the Song of Solomon của Hebrews và Công Giáo. Tình yêu này còn có tính cách thần bí, huyền nhiệm.

[69] Còn được biết là Mahatmas, Đại Hồn, Jivanmuktas hay linh hồn giải thoát, là những người còn giữ sự liên hệ với xác phàm để giúp đỡ nhân loại. Nhiều linh hồn cao cả khác còn ngự nơi cõi niết bàn.

[70] Xem Book of Dzyan, Stanza VII, 5; Giáo Lý Bí Truyền, vol. I, p. 66. Ấn bản 1893; vol I, p. 98, Ấn bản Adyar.

[71] Xem chương XI ‘’Sự Hướng Thượng Của Nhân Loại.’’

[72] ‘’Dưới đất cũng như trên trời’’, điều này làm chúng ta trực nhớ về ba Ngôi và bảy người con nguyên thủy của Lửa; trong biểu tượng Thiên Chúa Giáo là Ba Ngôi và « Bảy vị Thánh Linh trước Thánh Tòa», hay trong Hỏa Thần Giáo là Ahuramazda và bảy vị Ameshaspentas.

[73] Mục tiêu của sự nảy nở, để xác lập hình dạng. Chúng xuất hiện chính xác trong thủy tinh.

[74] “Cảm giác toàn khối’’ (massive sensation) là cảm giác tỏa khắp cơ thể chớ không phải chỉ được cảm nhận đặc biệt ở một phần nào nhiều hơn ở phần khác. Đó là phản đề của cảm giác ‘’cấp tính’’.

[75] Manasa-putra là thuật ngữ trong tiếng Phạn, dịch là những người con của trí tuệ.

[76] Điều này và những nguyên nhân khác định đoạt những điều kiện bên ngoài của kiếp sống mới; sẽ được giải thích đầy đủ nơi chương IX nói về nghiệp (karma).

[77] Bà Blavatsky có nói về những Đấng Thông Tuệ tinh thần cao cả này trong ‘’Giáo Lý Bí Truyền’’ (The secret doctrine). Đó là những vị Lipika; Đấng giữ sổ nghiệp quả, còn các vị Maharajas (Nam Tào Bắc Đẩu) thực hành trực tiếp sắc lệnh của các vị Lipika. (ND).

[78] Xem chương II, ‘’Cõi Trung Giới’’.

[79] Một trong những công việc phải làm là chấm dứt những hình ảnh rối loạn, đứt đoạn từng mảnh, mơ thấy trong giấc ngủ do sự hoạt động độc lập của não bộ. Khi não bộ được đặt dưới sự kiểm soát thì loại chiêm bao nầy rất hiếm khi xảy ra.

[80] Xem chương II, ‘’Cõi Trung Giới’’.

[81] Xem chương XI, ‘’Sự hướng thượng của nhân loại’’.

[82] Xem chương IV, ‘’Cõi Thượng Giới’’.

[83] Xem chương XI, ‘’Sự hướng thượng của nhân loại’’.

[84] Xem quyển «Tình trạng của sự sống sau khi bỏ xác» (Conditions of life after death) Nineteenth century, November 1896.

[85] Life of Dr. Thomas Young, by G. Peacork, D.D.

[86] North British review, September 1866.

[87] Xem chương IX, về ‘’Nhân Quả’’ .

[88] Galatians, vi, 7.

[89] Trong sự phân loại nghiệp quả này, sinh viên đã quen thuộc với những từ ngữ như: Prarabdha (khởi sự và tác động trong cuộc sống); Sanchita (tích lũy), một phần được nhận thấy qua khuynh hướng cá nhân; Kriyamana, đang diễn biến để hình thành.

[90] Chhandogyopanishad, IV, xiv, 1.

[91] Karma, p. 25 (Theosophical Manual, No. IV.)

[92] Xem Brihadaranyakopanishad, IV, iv, 5 -7, and context.

[93] Karma, pp, 50, 51.

[94] Dung dịch bão hòa: từ ngữ dùng trong hóa học, có nghĩa là không còn có thể trộn thêm một chất nào đó vào dung dịch được nữa. (Lời người dịch.)

[95] Các Mahadevas, hoặc Chaturdevas của Ấn Giáo.

[96] Op. cit. Vol. I, pp 153-157, 1893 Edn. ; Vol. I pp 187-190, Adyar Edn.

[97] Sinh viên nên nhớ rằng, những điều này cho thấy sự chi phối của trạng thái tĩnh (tamasic guna), khi trạng thái này thống trị, con người không thể vượt ra khỏi ba giai đoạn tiến hóa thấp của nhân loại.

[98] Lời dạy mở đầu của kinh Brihadaranyakopanishad trong Ấn Giáo: Bình minh đầu tiên của vũ trụ là một sự hy sinh. Tín đồ Hoả Thần Giáo (Zoroastrian) sẽ nhớ lại Ahura-Mazda lâm phàm từ một hành động hy sinh. Tín đồ Cơ Đốc Giáo sẽ nghĩ đến sự hy sinh của Chúa, biểu tượng cho Thượng Đế, trong sự hình thành thế giới.

[99] Đây là quyền năng ‘’tự giới hạn’’ của Thượng Đế, ảo ảnh của Ngài, là nguyên lý giới hạn, từ đó tất cả hình hài sắc tướng được sinh ra. Sự sống của Ngài hiển lộ là «Tinh Thần», ảo ảnh của Ngài là ‘’vật chất’’, cả hai không hề rời nhau trong suốt thời kỳ biểu hiện.

[100] Bhagavad Gita,vii, 3.

[101] Bhagavad Gita, ii, 59.

[102] Học giả sẽ hài lòng có được những từ ngữ kỹ thuật về những giai đoạn này bằng tiếng Phạn và tiếng Pâli để có thể đọc những quyển sách cao hơn. Xin xem bảng so sách trang kế.

[103] Ấn Giáo gọi giai đoạn này là Parivrajaka, người đi lang thang; Phật Giáo gọi là Srotapatti, người đã nhập lưu. Các từ này chỉ vị đệ tử sau lần điểm đạo thứ nhất và trước lần điểm đạo thứ nhì.

[104] Ấn Độ Giáo gọi vị đệ tử ở giai đoạn thứ hai trên đường đạo là Kutichaka: người xây dựng một túp lều; vị ấy đã đến nơi bình an. Phật Giáo gọi là Sakridagamin: người chỉ tái sinh thêm một lần nữa thôi.

[105] Theo từ ngữ Ấn Giáo, Hamsa: người đã hiện thực ‘’Tôi là Cái Đó.’’ Theo Phật Giáo, Anagamin, người không còn sinh ra nữa.

[106] Ấn Giáo gọi vị ấy là Paramahamsa, ở bên ngoài cái ‘’Tôi’’; Phật Giáo gọi vị ấy là Arhat (La Hán) người được tôn kính.

[107] Xem chương IV, «Cõi Thượng Giới».

[108] Ahamkara, thường xem như Mana: sự hãnh diện. Tính này biểu lộ tinh tế nhất về cái ‘’Tôi’’, phân biệt với người khác.

[109] Avidya, huyễn tưởng đầu tiên cũng là cuối cùng phát sinh thế giới phân chia – là Nidanas đầu tiên – và ngừng tác động khi đạt được giải thoát.

[110] Jivanmukta, đời sống giải thoát của Ấn Giáo; Asekha, người không còn điều gì để học nữa của Phật Giáo.

[111] Giáo Lý Bí Truyền, I, 309, ấn bản 1893 ; I, 330, ấn bản Adyar.

[112] Xem ‘’The System to which we belong’’, trang 4.

[113] Mundakopanishad, II, ii, 10.

[114] Giáo Lý Bí Truyền, 1, 310, 1839 Edn.; 1, 331, Adyar Edn.

[115] Giáo Lý Bí Truyền, I, 162, 1893 Edn; I, 195, Adyar Edn.

[116] Xem chương I, ‘’Cõi Trần’’ nói về sự tiến hóa của vật chất.

[117] Giáo Lý Bí Truyền, 1, 166, 174, 1893 Edn; 1, 199, 205, Adyar Edn.

[118] Ibid, I, 64, 1893 Edn; I, 97, Adyar Edn.

[119] Giáo Lý Bí Truyền, I, 176, 1893 Edn.; I, 207, Adyar Edn.

[120] Ibid., I, 221, 1893, Edn.; I, 249, Adyar Edn., ghi chú này quan trọng vì thế giới khuôn mẫu không thể hiện trong tư tưởng Đức Hành Tinh Thượng Đế, nhưng là kiểu mẫu đầu tiên đã kiến tạo.

[121] Giáo Lý Bí Truyền, I, 176, 1893 Edn.; I, 207, Adyar Edn.

[122] Từ ngữ kỹ thuật là ‘’manvantaras’’.

[123] Ông Sinnett gọi chúng là ‘’Bảy kế hoạch tiến hóa’’.

[124] Giáo Lý Bí Truyền, I, 147, 1893 Edn.; I, 180, Adyar Edn.

[125] Từ kỹ thuật gọi là pralaya: thời kỳ hỗn nguyên.

[126] Op.Trích dẫn, trang 10.

[127] Op.Trích dẫn, III, 562. 1893 Edn.; V, 535, Adyar Edn.

[128] Trong Giáo Lý Bí Truyền, bà Blavatsky không gọp chung những vị mà bà Sinnett gọi là những Nguyệt Tinh Quân bậc nhất và bậc nhì, trong những ‘’Chân Thần từ dãy nguyệt cầu.’’ Bà phân chia chúng ra: ‘’người’’ (Men) và ‘’Thiền Định Chân Quân’’ (Dhyan Chohans)

[129] Thiền Định Chân Kinh, 3: 13. Giáo Lý Bí Truyền, II, 18, Ấn bản 1893; III, 29, ấn bản Adyar.

[130] Mapasaputra, đẳng cấp rộng lớn của những Đấng Thông Tuệ, bao gồm nhiều cấp bậc.

[131] Brahmanas, Kshattriyas, Vaishyas và Shudras.